Bắt đầu “cuộc chiến” mua bán cà phê

Các chuyên gia hàng đầu về xuất khẩu cà phê ở Đăk Lăk đều có nhận định, các doanh nghiệp thu mua cà phê trong nước có nguy cơ sẽ bị phá sản vì sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp nước ngoài.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là Tây Nguyên bước vào thu hoạch cà phê vụ năm 2011. Các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang ráo riết chuẩn bị cho một “cuộc chiến” thương trường không khoan nhượng, nhằm chiếm lĩnh thị phần cà phê xuất khẩu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Theo các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam (tại Đăk Lăk), hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài lên Tây Nguyên thu mua cà phê đều thắng lợi. Hơn 10 doanh nghiệp nước ngoài, vài năm nay đã thâm nhập mạnh vào thị trường cà phê Tây Nguyên. Riêng năm 2010, các doanh nghiệp nước ngoài đã thâu tóm khoảng 60% thị phần cà phê trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk.

hái cà phê

Việc các doanh nghiệp nước ngoài nhanh chóng nắm thế thượng phong trong thu mua cà phê, theo ông Vũ Đức Tiến – Tổng Giám đốc Công ty CPĐTXK cà phê Tây Nguyên, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ phải trả lãi suất ngân hàng là 3,5%/năm, trong khi các doanh nghiệp trong nước phải mất trên 20%/năm (cao gấp 6 lần); chính vì vậy mà doanh nghiệp nước ngoài mạnh vốn hơn doanh nghiệp trong nước.

Cụ thể, khi bước vào vụ thu hoạch cà phê, các doanh nghiệp nước ngoài với nguồn vốn mạnh, lãi suất thấp đã gom hàng ồ ạt và khá nhanh chóng hoàn thành chỉ tiêu. Trong khi đó, theo các nhà doanh nghiệp trong nước, thì thời điểm thu hoạch rộ cà phê ở Tây Nguyên cũng là thời điểm mà các ngân hàng thắt chặt trong việc cho vay tín dụng và lãi suất lại tăng cao; dẫn đến các doanh nghiệp trong nước không đủ tiền thu mua hàng. Và tất nhiên, những lô hàng mà các doanh nghiệp trong nước chưa kịp mua sẽ về tay của các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Vũ Đức Tiến, việc các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thu mua cà phê trước mắt là có lợi cho bà con nông dân, song về lâu dài sẽ xấu đi, vì khi các doanh nghiệp nước ngoài nắm toàn bộ thị trường cà phê sẽ quay trở lại ép giá nông dân.

Các chuyên gia hàng đầu về xuất khẩu cà phê ở Đăk Lăk đều có nhận định, các doanh nghiệp thu mua cà phê trong nước có nguy cơ sẽ bị phá sản trong một vài năm tới, vì sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp nước ngoài.

Để cải thiện tình hình ảm đạm của ngành cà phê, các chuyên gia nhận định: Việc trước tiên là giải ngân vốn kịp thời, hỗ trợ vốn với lãi suất vừa phải; đồng thời Chính phủ cần đưa ra chính sách mua tạm trữ cà phê đúng thời điểm… Ngoài ra, các doanh nghiệp cà phê trong nước cần xây dựng được vùng nguyên liệu cà phê bền vững, tăng cường củng cố lại hệ thống thu mua…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Dân Cafe TN

    Vẫn mãi điệp khúc: “khi các doanh nghiệp nước ngoài nắm toàn bộ thị trường cà phê sẽ quay trở lại ép giá nông dân.”
    Không có gì “thông minh” hơn nữa à?

    1. Trương Ba

      Lâu nay DN trong nước luôn thế yếu, nay được hỗ trợ vồn mua tạm trữ 300-400 ngàn tấn và thay đổi cách đấu, không bán XK giao xa, giá Luân Đôn trừ lùi (chỉ bán tiền tươi thóc thật).
      Bà con ta nắm bắt thông tin và thông báo cho nhau biết và mấy năm qua, nhờ trời, nhiều bà con đã có của ăn của để, nhờ vậy trữ được cà phê, chờ thị trường khan hiếm, gía cao mới bán… Tập đoàn cà phê kiêm tư bản tài chính, có ngân hàng riêng, có cơ chế hoạt động đặc thù thì may ra…
      Còn với bà con ta, hội nhập sâu tất cả đều là bạn nhưng có lúc phải mặc áo ca sa, lúc phải mặc áo giấy.

  2. nongdan

    Hết rồi 1 thời làm mưa làm gió, ém thông tin để làm ăn bất chính, ra biển lớn rồi phải chịu khó học hỏi mà làm ăn lương thiện.
    Người ta từ đẩu từ đâu cơm đùm gạo bới, tất cả đều thuê mướn mà sợ không chọi lại thì xem lại mình đi. Đừng than ai cả.

    1. thaihy

      Bạn (nongdan) nói rất đúng, DNNN từ đâu tới chi phí nhiều hơn mà chơi không lại còn quay lại doạ người nông dân, đúng là “gà què ăn quẩn cối xay”. Hãy mạnh dạn ra khơi chơi với người ta đi, sợ thì ở giữ nhà cho vợ !

    2. Tiêu cay@

      Tất cả các ý kiến trên của các chú, cá bác đều mang tâm trạng của người nông dân trồng tiêu , điều, cà phê; Em nghe sao mà thỏa mãn tấm lòng. (sao không thấy cánh nhà buôn lên tiếng nhỉ)
      Bà con ta hay cố gắng vượt nghèo, để trong thời gian ngắn nhất mọi người có bát ăn, của để, khi đó THÍCH THÌ BÁN, KHÔNG THÌ ĐỂ DÀNH, cánh nhà buôn phải thay đổi các buôn, mua nhanh bán nhanh – nước lên thuyền lên, lợi nhuận sẽ chia sẻ hài hòa. Cơ chế thị trường điều tiết rồi sẽ đâu vào đáy. Người làm ra sản phẩm sẽ quyết định giá cả thị trường.

  3. Thuận Hòa

    Đọc bài viết Trung Quốc gom hàng, giá hạt tiêu lên kỷ lục mới. Hiện tường mùa vụ 2011-2012 này chắc chắn sẽ có hiệu ứng trên xảy ra đối với cafe Việt Nam chúng ta.
    Hiện nay theo nhìn nhận của mình thì vụ này cafe cho sản lượng trung bình không cao vì hiện tượng nấm bệnh- sâu rầy, mọt đục cành và hiện tượng rụng trái non… Trái cafe hiện nay mới đang bắt đầu hình thành nhân sữa, thời tiết vẫn liên tục mưa kéo dài khiến cho việc tạo nhân chín sớm là khó xảy ra. Việc nguồn cung khan hiếm sẽ đẩy các CTy nước ngoài, các nhà rang xay trong và ngoài nước sẽ tập trung chú ý vào thời điểm thu hoạch để mong đợi thu gom được hàng. Vậy thì chúng ta những người sản xuất hãy tỉnh táo để nhìn nhận những sự việc để có những quyết định đúng đắn mang lại lợi ích tốt nhất cho mình.

  4. Nowhere to hide...

    Đã lâu tôi chưa ghé diễn đàn, nhưng hôm nay coi bài viết này, tôi xin có một số thắc mắc gửi “nhà báo”, chi tiết “các doanh nghiệp nước ngoài chỉ phải trả lãi suất ngân hàng là 3,5%/năm, trong khi các doanh nghiệp trong nước phải mất trên 20%/năm (cao gấp 6 lần)” là chính xác? Vì theo tôi được biết, các DN NN vay vốn bằng đồng USD, các DN nội địa (nhà xuất khẩu) thì vay cả bằng USD & VND, lãi suất VN thì đúng là trên 20%, nhưng có hợp lý không khi so sánh lãi suất USD (3.5% – các DNNN vay) với VND (trên 20% – các DN nội điạ vay)? Theo tôi biết thì các DN nội địa (nhà XK) hiện nay hình như vay USD với lãi suất dưới 10% thì phải. Như vậy, đem lãi suất USD so sánh với lãi suất VND trong cùng một hoàn cảnh thì không phù hợp. Hoặc có cao nhân nào, hiểu rõ hơn xin chỉ giáo.
    Còn chuyện buôn bán thua lỗ bị dẹp tiệm, tôi nghĩ cũng hợp lý thôi. Công ty này làm ăn thua lỗ, phá sản cũng có công ty khác thay thế mà, đừng kêu ca mãi như vậy, nghe nhàm tai lắm rồi!

  5. tieuphong

    Tôi hoàn toàn đồng ý với các bạn, chuyện làm ăn thua lỗ là bình thường, cty làm không khéo thì giải thể, tuân theo quy luật của thị trường, các cty phàn nàn việc doanh nhân nước ngoài thu nua nông sản là vô lý, chứng tỏ sự yếu kém của mình. Tôi làm nông mấy chục năm nay mà có nhận được sự đầu tư, hỗ trợ của ai đâu.
    Trong kinh tế học có dạy về việc chia sẻ lợi nhuận, các cty chưa thuộc bài này. Năm nay tôi mua cả hơn 10 triệu tiền phân, các cty không dám tặng cho cái áo mưa để mặc, dù biết rằng mặc tặng phẩm áo mưa đó là quảng cáo không công cho cty. Xin các cty nhớ cho rằng những người tiêu thụ sản phẩm của các ông, là những người quảng cáo không công hiệu quả nhất.
    Trở lại việc thu mua nông sản, yếu tố nước ngoài rất quan trọng và có lợi cho nông dân, chuyện mua bán phải có cạnh tranh (chúng ta đã có bài học về viễn thông). Còn thu mua như kiểu các cty bắt tay nhau thống nhất giá mua, cộng các chi phí như : vận chuyển, thuế quan, lưu kho, trả lương nhân viên …v..v. lên giá thành, rồi ký hợp dồng bán ra nước ngoài, quá dễ, lãi cty bỏ túi khỏe re.
    Còn những rủi ro như thiên tai, mất mùa, rớt giá chúng ta đã có bài học cà phê giá 4000đ suốt 2 năm liền, khiến nhiều nông dân bị phá sản, đi làm mướn, bản thân tôi cũng lao đao, cay và đắng như cafe không đường vậy. Ai là người đứng ra để chia sẻ những điều đó với chúng tôi ,nay nông dân được giá trúng mùa mới được có 1 năm các ông cty thu mua đã la ó rầm trời rồi. Lẽ nào nông dân chúng tôi cam chịu mãi câu trăm dâu đổ đầu nông dân. Xin các ông thu mua nông sản hãy lớn lên để theo kịp thời đại.

    1. bò tót đực

      Bạn nói sai rồi! nếu mình làm chủ được hàng hóa, tài chính đủ có để tụ chủ thì chắc chắn sẽ kiểm soát được giá. Các “bố” làm trong hiệp hội cà phê năng lực chưa phải là “cao thủ” so với các DN nước ngoài nhưng lại cứ muốn dựa vào nhà nước và muốn làm một quả cực lớn cứ như vụ nổ bom nguyên tử trong ngành cà phê thì thất bại là chắc chắn rồi, ngoài ra mình còn quá thiếu thốn nhiều thứ nhưng thứ thiếu hơn cả là con người.

  6. vĩnh Hà

    Không có đâu! Vì các doanh nghiệp nước ngoài họ cũng cạnh tranh với nhau rất khốc liệt và “biện chứng”. Đừng ngụy biện để ép giá nông dân nữa nghe “cưng”!

  7. bò tót đực

    Thua là điều đương nhiên chẳng cần gì phải bàn cãi, cái hay ở đây là họp và họp để nêu vấn đề mua 300.000 tấn cà rồi đến sát mùa lại nói “các doanh nghiệp thu mua cà phê trong nước có nguy cơ sẽ bị phá sản vì sự cạnh tranh khốc liệt” vậy cũng gọi là chuyên gia? không nói khoác chứ cái chiêu này có lẽ ai cũng nói được, còn mọi “tổn thất” cho các cuộc họp, nghị quyết, xin kiến nghị thì đã có dân lo hết còn việc không thành là do “cạnh tranh khốc liệt”. Không biết các hiệp hội này làm ăn kiểu gì nữa, đừng nói đến lãi suất, nếu để dân cùng liệu thì vạn khó khăn cũng xong.
    Các bác quyền cao chức trọng chẳng biết sao cứ khi có lợi ích thì lại quên dân! sao các bác không tung số tiền để mua 300.000 tấn ấy cho chính những người nông dân để họ lấy tiền chăm bón cà phê mà lãi suất thì cả hai bên cùng gánh ? làm được vậy thì hỏi ai không ủng hộ ? ai bảo không được ? đến cuối mùa thì các bác đến thu cà phê với nông dân ? Bác nào cũng có báo cáo, dự đoán thế sao không có chính sách giá cho nông dân để mình cũng cùng có lợi? mà thôi nông dân chúng ta chỉ là “hạng” thấp cổ bé họng mà, nếu mọi thứ “êm đẹp” thì họ lấy gì mà ăn, dựa vào đồng lương thì chắc không đủ tiền xăng xe đi lại cho các “cục bự” rồi.

  8. pham han

    Chán mấy bác xnk nhà mình quá, wto rồi phải thay đổi tư duy thôi chứ. Ra biển lớn rồi mà tư tưởng cứ quanh lũy tre làng không à. Cái gì cũng trông chờ nhà nước, phải động não chứ?

  9. Ánh Tuyết

    Tôi mong rằng tất cả các doanh nghiệp trong nước và nước ngòai cạnh tranh nhau một cách minh bạch. Đừng ém nhẹm thông tin giá cả, vì cà phê là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất nhì trong nước, hà cớ gì người nông dân cứ để các công ty trong nước ém giá, trừ đủ mọi kiểu, nông dân làm mỏi mắt một năm mới có một vụ, giá cả theo sát với giá cả thế giới là tốt cho người nông dân chứ. Việc các công ty trong nước không mua được càphê trong nước liên quan tới nhiều chính sách trong nước. Tôi thiết nghĩ, nông dân chúng ta hiện nay làm chủ nông sản của mình. Đơn giản: Nếu giá cao thì bán, giá thấp thì không bán. Nông dân mà bắt tay với nhau làm được việc này, thì có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ bị công ty trong nước hay công ty nước ngòai ém giá.
    Nông dân chúng ta phải nên học tập nông dân ở nước ngòai thôi. Đòan kết lại với nhau, chia sẻ thông tin cho nhau, giúp đỡ nhau trong kinh nghiệm trồng trọt, chăm sóc cho cây cà phê thật tốt, đạt năng suất thật cao. Có như thế, cách nhìn và cách nghĩ về người nông dân Việt Nam mới khác đi được, chứ nếu không, các nhà thu mua cứ cho nông dân ta là “dân ngu” thì hỡi ôi đau xót biết bao!

  10. Vĩnh Hà

    Nhà báo gì mà người ta phán thế nào lại tương lên báo tất. Phải kiểm chứng lời nói đó đại diện cho ai chứ? Mình là Nhà báo, mình cũng có tinh thần bảo vệ đồng nghiệp, nhưng Đất Việt viết thế là không chấp nhận được. Coi chừng bán báo không ai mua, thua lỗ đó! Đừng cậy vào Ngân hàng NN&PTNT bao cấp mà viết lung tung nhé!

      1. vĩnh Hà

        Xin lỗi, mình viết nhầm Dân Việt thành Đất Việt đấy! Dân Việt mới có Ngân hàng NN&PTNT tài trợ kinh phí phát hành báo cho nông dân chứ!
        Cám ơn bạn Anh Ho Viet nhé!

  11. Anh Ho Viet

    Thương trường là chiến trường mà. Sẽ có người ra đi và có kẽ ở lại! Phải thay đổi tư duy từ cấp cao đối với nông dân, không phải bằng khẩu hiệu. Thái Lan thời ông Tharsin làm thủ tướng, chính sách ưu đãi nông dân người ta gọi là “dân túy” (còn gọi là mị dân). Ngày nay người em gái ông ấy đắc cử, lập tức nâng giá thu mua gạo từ chính phủ cho nông dân. Đó có phải là bài học từ thực tiễn? Nông dân chúng ta không đòi hỏi lợi ích cho riêng mình làm thiệt hại người khác (kiểu Thái) nhưng hãy có cách nhìn(về nông dân) và ứng phó kịp thời khi thị trường làm khó người nông dân. Đừng để nông dân tự bơi trên biển !

    1. bò tót đực

      Xin hỏi Anh Ho Viet là bạn dựa vào đâu mà nói chính phủ Thái thời ông Tharsin là thời mị dân? Mình tin rằng ông Tharsin là nhà lãnh đạo tài ba, có điều quá cứng rắn. Thời ông ấy thì đó là giai đoạn mà đất nước Thái trả hết nợ ngân hàng thế giới và sắp bước vào giai đoạn hoàn toàn độc lập về tài chính, nhưng ước mơ đó đã không thành hiện thực và ông Tharsin phải ra đi, đất nước rơi vào hỗn loạn, thử hỏi lấy tiền đâu mà đánh nhau ? Điều gì xảy ra thì chắc bạn rõ, bạn có thể tham khảo ở mục này http://cafef.vn/2011090803563273CA33/nguon-von-oda-lam-giau-cho-chinh-nuoc-vien-tro.chn.
      Ông Tharsin có tầm nhìn xa và vì đất nước, tuy nhiên lại không được lòng dân và bị các thế lực quốc tế “hất cẳng”. Bạn có thể đọc cuốn “chiến tranh tiền tệ” của tác giả Song Hong Bing sẽ rõ hơn về tài năng của ông Tharsin và bản chất của các vấn đề đã được dự báo từ trước đó mà hiện giờ nó vẫn đang diễn ra.

  12. TTI cafe

    Thương trường là chiến trường, mạnh hơn yếu thua. Lâu nay bà con nông dân chúng ta túng thiếu phải chốt cà phê non nên các nhà DN, đại lý thu mua kiếm lời khá nhiều rồi, nay có người tới chia phần thì lo ngay ngấy chứ gì!
    Thôi bỏ cách làm ăn cũ đi, năm nay bà con ta không còn khó khăn nhiều nữa đâu. Năm ngoái đã bị lừa rồi, đầu mùa nâng giá cao bà con ta thấy lợi bán hết. Năm nay phơi khô cất kỹ để các nhà thu mua thèm nhỏ nước dãi coi chơi.

  13. Thuận Hòa

    Quả thực một khi anh em chúng ta viết bài nêu lên những tâm tư trăn trở suy nghĩ của bản thân thì lại không hề có một nhà viết báo nào chịu khó suy ngẫm để nói hộ cái tâm văn tư này nhỉ! Còn các doanh nghiệp trong và ngoài nước kia chỉ cần phát ngôn ra vài câu gọi là để chém gió cho vui thế là các tay săn tin lại lao vào giật tít lên để có một bài gọi cho có chứ thực hư của vấn đề thì lại chả được kiểm chứng. Lẽ ra khi viết phải hiểu được tác dụng ảnh hưởng của bài viết đến người đọc ra sao, hậu quả thế nào…. Thôi chúng ta người nông dân hãy đi vào vấn đề chính yếu thôi.
    Cafe niên vụ 2011-2012 này chắc chắn sẽ bắt đầu vụ thu hoạch vào nửa cuối tháng 11/2011 này nếu thời tiết không tiếp tục gây mưa như mây ngày gần đây. Phơi khô xong chắc phải bước qua tháng 12/2011 mới bắt đầu chính vụ, lúc đó các nhà thu mua sẽ có được một lượng hàng cung cấp kịp thời cho giai đoạn tết dương lịch. Từ nay tới lúc đó còn hơn 2 tháng nữa trong khi lượng hàng trong dân vẫn còn nhiều vì giá xuống thấp đột ngột chưa thỏa đáng nên mình nghĩ cafe sẽ còn một đợt bão cấp 15 nữa bà con ah. Thân chào mọi người chúc mọi người được mùa được giá trong niên vụ mới nhé.

  14. menfuong

    Mình thấy bên lúa gạo có mô hình “cánh đồng mẫu lớn” – liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước, nghe báo chí nói là có hiệu quả.

    Không biết bên cà phê của mình có thực hiện đại loại như vậy hay chưa? Nếu có, xin bà con cho mình vài cái ví dụ để mình tìm tham khảo. Còn nếu không, bây giờ có DN nào đứng ra làm như vậy, bà con có tham gia không?

    1. Kinh Vu

      Chào bạn menfuong.
      Bên cà phê cũng có 4 nhà như thế bạn à, có điều là chẳng nhà nào chịu nghe nhà nào cả, cung điệu khác nhau cho nên một nhà nhảy theo một kiểu.

      1. menfuong

        Chà, lạc điệu nhỉ…

        Thế, theo anh Kinh Vu hiểu và biết, thì nguyên nhân gì mà mỗi nhà nhảy theo một kiểu không nhỉ?

        Thiển ý của người ngoài ngành như mình thì nếu không hợp sức lại, sản xuất quy mô lớn thì khó mà phát triển bền vững. Dẫu biết giữa cái muốn và làm là 2 điều xa vời vợi, nhưng, mô hình này khả thi đấy chứ?

  15. cuvanlan

    Bác Kinh Vu đi Nam Dương về có gì hay ở bên đó xin bác chia sẻ cho cộng đồng Y5 biết với chứ. Em đang mong tin về tình hình sản xuất và chế biến ra sao mà cà phê của họ được cộng 350-400usd mà ở ta thì đã bị trừ lùi 100 usd.

  16. tranthang_gl

    Các doanh nghiệp trong nước luôn bị các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh thu mua vì họ có thế mạnh về vốn và có khả năng nắm bắt thị trường tốt hơn ta.
    Giải pháp là các doanh nghiệp trong nước phải liên kết lại đã được đưa ra thảo luận nhưng vẫn chưa thấy thực hiện được, có lẽ các doanh nghiệp trong nước còn cạnh tranh với nhau nữa, như thế thì làm sao xây dựng được thế mạnh để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

  17. Phuoc Trung

    Chị menfuong ơi, từ giấy tờ để có thể đi vào thực tế được chắc còn phải chờ vài thập kỷ nữa ạ.
    Kiểu này các nhà mà không nhanh chân hợp sức lại thì chắc tương lai DakLak chẳng còn Coffee nữa đâu.

    1. menfuong

      Chào bạn Phuoc Trung, lúc đầu thì tui cũng thấy khả quan, hăng hái lắm với cái mô hình này. Nhưng mà hôm nay “tiếp xúc” thực tế thì Phương tui cũng chạy dài… Với tư tưởng, cách làm việc ấy thì vài thập kỷ nữa là mau đó bạn.

  18. đặng việt hùng

    Tôi có góp ý là DN nào vay USD thì lãi suất thấp (giả sử 4%) nhưng rủi ro tỷ giá. Nếu 1 năm VND giảm giá 10% so với USD thì lãi suất thực DN phải chịu là 14%.

  19. Thuận Hòa

    Chào bác đặng việt hùng… Nói chung là không có tiềm năng tài chính thực sự đi vay lãi buôn bán kiếm lợi thì nên biết điều tiết thời gian vay sao cho hợp lý. Chứ vay từ đầu năm đến cuối năm mới mua, tiền lãi chồng chất bị khan hiếm hàng các DNNN nhảy vào tranh mua đưa giá lên cao thì chỉ có phá sản chứ lấy đâu còn tiền để mà trả lãi nữa? Theo mình năm nay sẽ là một cuộc đấu trí thực sự giữa các cơ quan chủ quản về thu mua xuất nhập khẩu cafe Việt Nam ta cũng như bà con nông dân làm cafe. Nếu tất cả người dân bán nhỏ giọt thông tin liên kết với nhau thì giá trên hai sàn LD -NY là do chính các nhà thu mua Việt Nam có quyền quyết định phải thế không bà con trên diễn đàn Y5.

  20. Nông dân cà phê

    Có hàng trăm hàng ngàn nông dân thì cũng khó mà liên kết lại với nhau được, vả lại đa số nông dân thì cuối năm cần tiền nên giá cao thấp gì cũng bán tuốt.
    Việt Nam muốn điều tiết giá cà phê thì cần phải gom lại 1 đầu mối xuất khẩu mà đây phải là 1 tập đoàn kinh tế có tiềm lực tài chính mạnh và phải cam kết mua của nông dân ít nhất thì cũng bằng giá London. Làm được như vậy thì rất có lợi cho nông dân.

    1. menfuong

      Nông dân cà phê ơi, nếu liên kết nông dân lại với nhau, nông dân cà phê muốn mình được liên kết theo dạng nào? HTX hay là liên kết theo kiểu 4 nhà?

  21. Ba Duy

    Cơ chế thị trường thì rất cần phải có 1 cuộc chiến sinh tử giữa DN ta và tây để phân thắng bại, người đứng giữa ắt có lợi đó là người trồng và SX cafe.
    Thế lực nào xét thấy yếu thì cho khai tử luôn, chứ đã yếu còn ra gió thì nó làm sai lệch méo mó thị trường, làm hại dân hại nước. Phải dũng cảm cắt bỏ ung nhọt thì mới hy vọng khỏi bệnh.

  22. ChuotCong

    Bác nông dân cà phê à ! Nếu tính toán như bác thì VN mãi mãi vẫn kiếp làm thuê.
    Tại sao người ta nói đến từ “giá trị gia tăng” ?
    Ta tạm đưa ra ví dụ. Tất cả số lượng cà phê VN sau khi đến người tiêu thụ cuối cùng (người uống) trong 1 năm là 100 tỷ USD chẳng hạn. Trong đó VN bán cà phê nguyên liệu 1 tỷ USD. 99 tỷ USD còn lại là ở các nước nhập khẩu, chế biến và tiêu thụ. Họ tạo ra nhiều triệu việc làm cho người lao động với thu nhập cao !
    Còn như bác bán được tí cà phê, kiếm được ít tiền mua vài xị đế về nhâm nhi mặc cho người lao động thất nghiệp, xã hội VN kém phát triển ?

Tin đã đăng