Kiểm soát chất lượng cà phê

Một số doanh nghiệp uy tín trong ngành cà phê cho rằng, 90% lượng cà phê tiêu thụ trên thị trường nội địa là từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

ca-phe-da

Một doanh nghiệp chế biến cà phê ở Buôn Ma Thuột cho biết: “Chỉ tính riêng con số các quán cà phê trên thị trường đã có trên 10.000 quán, chưa kể các cửa hàng tạp hóa và với số lượng tiêu thụ cà phê bình quân theo đầu người của người VN là 0,5 kg/người/năm, thì sức tiêu thụ của cà phê nội địa là một con số không nhỏ. Tuy nhiên gần 90% lượng cà phê được tiêu thụ tại những quán này là của những cơ sở sản xuất cà phê nhỏ lẻ. Chủ quán phần lớn chỉ chạy theo lợi nhuận vì giá rất rẻ, mỗi kg chỉ từ 40.000 đến 60.000 đồng, chứ không quan tâm thật sự trong mỗi kg cà phê đó có bao nhiêu phần trăm là cà phê, bao nhiêu phần trăm còn lại là hóa chất, chất tạo hương, tạo mùi cà phê, bột bắp, đậu nành”.

Ông C., một chuyên gia pha chế cà phê bột ở Đồng Nai, phân tích: “Với giá cà phê như hiện nay, để sản xuất ra một kg cà phê bột gồm nhân công, sấy, xay, đóng gói, bao bì nhãn mác thì ít nhất cũng phải mất 100.000 đồng trở lên. Cà phê bột được chào bán giá mỗi kg từ 55.000 đến 60.000 đồng thì chỉ có bột bắp, đậu nành mà thôi. Nếu pha chế cà phê bằng bắp và đậu nành với tỷ lệ hợp lý thì sẽ chẳng có hại bao nhiêu cho người tiêu dùng, nhưng khi bắp và đậu nành được sấy cháy đen thành than, lại tẩm ướp thêm hóa chất thì rất nguy hiểm cho sức khỏe”.

Tạo dựng một thị trường chất lượng cao cho sản phẩm cà phê không thể đến từ nỗ lực đơn phương của các doanh nghiệp mà phải có sự hợp tác của người tiêu dùng. Cà phê kém chất lượng vẫn tiếp tục sống nhởn nhơ nếu người tiêu dùng không khắt khe hơn với chính mình. Những “tín đồ” cà phê hoàn toàn có quyền đòi hỏi và được thưởng thức một ly cà phê đích thực để đảm bảo sức khỏe và gu cà phê của mình. Nhưng trên hết, các cơ quan chức năng phải nỗ lực hơn nữa để bảo vệ sức khỏe người dân.
Sản lượng cà phê của VN đạt 600.000 đến 800.000 tấn cà phê nhân mỗi năm thì 90% là để xuất khẩu. Hiệp hội Cà phê ca cao VN (Vicofa) cũng chỉ thường xuyên bàn về xuất khẩu, bỏ quên hẳn chuyện tiêu thụ nội địa.

Đến nỗi trong một cuộc họp mới đây của Vicofa, một đại biểu đã đứng lên nói thẳng hiệp hội nên tích cực vận động, tuyên truyền và can thiệp vào thị trường cà phê rang xay nội địa hơn nữa, trước hết là vì vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Vị đại biểu này bức xúc: “Nhiều nhà rang xay đã lạm dụng hương liệu, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc do giá rẻ và kém phẩm chất, để trộn vào bột cà phê. Vicofa cần lên tiếng đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra thật sâu sát tình hình này”.

Ông Ngô Tấn Giác, Giám đốc Doanh nghiệp cà phê Thu Hà (Gia Lai) cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng phát triển thị trường nội địa nhưng cạnh tranh hết sức khó khăn và doanh thu rất thấp so với giá trị kim ngạch xuất khẩu”.

Một đại gia khác trong lĩnh vực chế biến cà phê là Trung Nguyên cũng hết sức vất vả trong chiến dịch mở rộng thị phần nội địa. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, cũng nói: “Ở trong nước, người tiêu dùng vẫn chưa tiếp cận được nhiều thông tin để phân biệt tác hại của cà phê “bẩn” và giá trị thực sự của cà phê nguyên chất. Chưa kể có thời điểm người tiêu dùng còn ngộ nhận tẩy chay luôn cả cà phê nói chung. Điều này vô tình gây thiệt hại cho những doanh nghiệp đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho cà phê VN”.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81