Các doanh nghiệp trông chờ cơ quan Nhà nước, các hiệp hội không phát huy được vai trò dẫn đến việc xây dựng thương hiệu của ngành hàng còn bỏ ngỏ, không ai chịu đứng ra… làm.
Trong khi đó, xây dựng thương hiệu chung giúp các doanh nghiệp trong ngành gắn kết nhau, tăng năng lực cạnh tranh, giá trị xuất khẩu… và hưởng lợi đầu tiên là các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng.
Cà phê Việt Nam mới dừng ở bước xuất nguyên liệu thô
“Điểm huyệt” doanh nghiệp nội
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ quan tâm đến xuất khẩu nguyên liệu, các mặt hàng sơ chế dưới dạng nguyên liệu, các sản phẩm thô… không quan tâm đến lợi ích lâu dài là đưa ra các sản phẩm hoàn chỉnh có tính thương hiệu.
Ông Nguyễn Thành Biên – Thứ trưởng Bộ Công Thương tại diễn đàn thương hiệu VN 2011 đưa ra ví dụ các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê dưới dạng nguyên liệu, hãng phân phối nước ngoài nhập về chế biến thành thương hiệu riêng. Trong khi, chúng ta lại không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho ngành cà phê Việt Nam. Mặc dù, sáu tháng đầu năm 2011 Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt trên 2 tỉ đô la.
Các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến thương hiệu của bản thân chưa có sự liên kết xây dựng thương hiệu của cả ngành hàng. Trong đó điển hình là ngành thuỷ sản quy mô lớn, giá trị hàng trăm triệu đô la nhưng chưa có thương hiệu chung, có tính bền vững, có giá trị cao.
“Đó là vấn đề yếu kém mà Chính phủ đã chỉ ra, Bộ Công Thương với các bộ ngành cũng đã quan tâm để đầu tư nhưng vẫn chưa đạt được đột phá, chuyển biến mạnh”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nói.
Trong khi đó, đối với một doanh nghiệp nói riêng hay một tập thể, các hiệp hiệp hội khi nói đến vấn đề phát triển thị trường thì vấn đề quan trọng là cần phải đảm bảo lợi ích ở thị trường mới bắt đầu từ việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu…
Theo TS Trần Lê Hồng – GĐ TT Thông tin – Cục sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp cần tính toán rõ chi phí đăng ký một nhãn hiệu ở nước ngoài rất rẻ so với chi phí để bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu đó khi có vi phạm bởi lúc đó phát sinh nhiều chi phí doanh nghiệp không có khả năng theo đuổi vụ việc.
Có lợi cho ai ?
Thương hiệu ngành là thương hiệu đòi hỏi sự liên kết và chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và ngành hàng nhưng lâu nay các hiệp hội không phát huy được vai trò, không đủ năng lực, hơn nữa có quan quan niệm coi đó không phải việc của hiệp hội ngành hàng mà là việc của Nhà nước.
“Họ nghĩ vấn đề thương hiệu là của Bộ Công Thương hoặc Cục Xúc tiến Thương mại hay Chương trình Thương hiệu Quốc gia làm chứ không phải của họ”, Thứ trưởng nói.
Trong khi, việc xây dựng thương hiệu ngành hàng có sự phát triển bền vững, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới là vô cùng quan trọng, giúp các doanh nghiệp trong ngành gắn kết nhau hơn, tăng năng lực cạnh tranh, giá trị xuất khẩu của ngành hàng đó.
Theo TS Trần Lê Hồng, xây dựng thương hiệu ngành hàng dựa vào các cơ quan Nhà nước là một nhận thức hết sức sai lầm. Các cơ quan nhà nước chỉ có thể hỗ trợ doanh nghiệp ví dụ như Chương trình thương hiệu Quốc gia phát triển thương hiệu ngành hàng. Các doanh nghiệp phải lo chiến lược thương hiệu, chất lượng sản phẩm…
“Không một cơ quan nhà nước nào có thể có một chương trình lo cho các doanh nghiệp một vấn đề như thế”, TS Hồng nói. Trong khi, với một doanh nghiệp có thể khó khăn về chi phí nhưng đối với một hiệp hội, một ngành hàng thì không phải vấn đề quá khó.
Khi doanh nghiệp bị lấy mất thương hiệu, doanh nghiệp chỉ biết kêu trời và các cơ quan quản lý nhà nước không thể thay doanh nghiệp để đi khởi kiện bởi không phải bên có quyền và lợi ích liên quan bị xâm phạm.
Trước tiên, phải xác định rõ ai là người đứng ra xây dựng thương hiệu cho ngành hàng, lâu nay quan niệm này vẫn chưa có sự đồng thuận.
Thứ trưởng Biên cho biết, việc xây dựng thương hiệu ngành hàng phải do ngành hàng đó đảm nhận với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý.
“Với việc xác định rõ vai trò trong việc xây dựng thương hiệu thì Nhà nước mới có cơ chế hỗ trợ về mặt chủ trương, đường lối, chính sách tài chính, truyền thông, chuyên môn, các kỹ năng để phát triển thương hiệu…. Phải chỉ ra được ai và sẽ phải làm gì?”, Thứ trưởng Biên nói.
Các DN xuất khẩu cà phê hiện tại 90% là đang “ngấp ngoải”, lo tiền trả nợ chưa xong thì sức đâu mà làm thương hiệu nữa. Nói đến Sony là của Nhật, Hyundai là Hàn, còn Vina… là Việt Nam, nhà nước không thiếu tiền mà chỉ thiếu nhân tài thôi, tiền đổ vào Vinashin nhiều nhưng không làm được thương hiệu, nhân tài không có nhưng cứ “chạy chức” là có ghế ngồi làm việc ngon lành sau đó suốt ngày chỉ lo tìm cách “thu hồi vốn” thế thì còn đâu trí tuệ để lo cho thương hiệu nữa chứ.
Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của VN như gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, thủy sản về số lượng đứng thứ hạng cao – gạo, tiêu, điều nhất nhì thế giới nhưng chưa có thương hiệu, bán hàng thô, giá thấp.
Xây dựng thương hiệu cho một mặt hàng ở VN khó nhiều bề: sản xuất thị manh mún, chất lượng hàng hóa thì không đồng đều, xây dựng nhà máy, đầu tư thiết bị tiên tiến để tạo hàng chất lượng cao… phải vay nhiều tiền, lãi xuất cao vút , khẩu bao biết đến bao giờ, chi phí thủ tục giấy tờ qua nhiêu khê, tốn kém… chịu không nổi. Thế là đua nhau xuất thô, mì ăn liền.
SONY, NATIONAL, SAMSUNG, TODOTA…. thương hiệu toàn của nhà tư bản . VN hội nhập KT quốc tế, hướng đến nền kinh tế thị trường (vẫn duy trì cái đuôi…). Muồn xây dựng thương hiệu mặt hàng phải cổ phần hóa triệt để 100% các doanh nghiệp quốc doanh, kể cả phần 51% vồn nhà nước cũng bán luôn (trừ DN vũ khí , hóa học quốc phòng) Khi dó họ mới lo xây dựng thương hiệu, mang lại hiệu quả về lâu về dài cho chính họ. Nếu sở hữu tập thể, cha chung không ai khóc, và hệ thống quản lý công thi nhau bòn rút của cải của tập thể người lao động của nhân dân thì không ai và không bao giờ VN xây dựng được thương hiệu các mặt hàng xuất khẩu như các nước tư bản.