Đầu tư cà phê “giấy” trên mạng lỗ ai chịu?

Anh Đặng Minh Hùng có thắc mắc “Đầu tư cà phê “giấy” trên mạng lỗ ai chịu? “, Y5Cafe nhận thấy đây là một đề tài thú vị và đang được sự quan tâm của đông đảo bà con và doanh nghiệp kinh doanh cà phê nên xin được trích đăng lại nội dung bài viết từ SGTimes. Mời bà con theo dõi và đóng góp ý kiến.

Anh Đặng Minh Hùng hỏi:

Tôi là cổ đông chiến lược của một công ty cổ phần chuyên kinh doanh cà phê. Mới rồi đại hội cổ đông, tôi mới biết năm ngoái ông chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc đã chơi cà phê giấy trên thị trường kỳ hạn London thua lỗ hết 16 tỉ đồng và đây là 1 nguyên nhân lớn khiến năm ngoái công ty tôi lỗ tới 44 tỉ đồng.

Cái tôi quan tâm là có cách gì khống chế chuyện chơi cà phê giấy trên sàn nước ngoài hay không, vì lỗ lũy kế của chúng tôi hiện nay đã hơn 80 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu của công ty còn có 3,5 tỉ đồng. Nếu ban điều hành công ty tiếp tục chơi cà phê giấy thì có thể công ty chúng tôi phải phá sản. Ai rành về luật pháp và kinh doanh cà phê xin chỉ giáo giúp?

Trả lời của anh Nguyễn Quang Bình cộng tác viên của SGTimes:

Hàng “giấy”, làm sao phân biệt được giữa đầu tư và đầu cơ

Trước kia, khi internet chưa phát triển và dân ta chưa biết gì về thị trường kỳ hạn (TTKH) cà phê Liffe và New York, các nhà xuất khẩu mua hàng giá thấp và bán ra giá cao có lời, các yêu cầu về chất lượng bấy giờ cũng chẳng có gì ghê gớm, chỉ chủ yếu bán nguyên liệu. Chính vì vậy, họ không quan tâm mấy vào đầu tư nhà máy. Và cuộc đời như thế hết sức yên ả vì chẳng ai quan tâm đến TTKH, mua bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, miễn là có lời và hầu hết thời bấy giờ kinh doanh cà phê đều có lời cho đến khi công nghệ thông tin bùng nổ, xuất nhập khẩu hội nhập sâu, giá trong nước phải tham khảo giá thế giới.

Các nhà nhập khẩu đề nghị ta áp dụng kiểu mua bán theo phương thức tính giá chênh lệch trên Liffe (hay thường gọi là differentials hay ptbf/price to be fixed hay trừ lùi), tôi từ đây xin gọi “giá chênh lệch với Liffe” hay gọi tắt “GCL”) cho tiện.

Thế là tại Việt Nam giá cà phê trên TTKH Liffe được đưa vào cho đến tận hang cùng ngõ hẹp. Khi kinh doanh theo GCL, lẽ ra ta phải sử dụng TTKH như một công cụ để kinh doanh đi kèm một cách rất cần thiết với thị trường hàng thực, thì ta thường tách bạch nó ra.

Một tác nghiệp được gọi là chuẩn khi một người mua hàng thực trên thị trường nội địa và bán đúng “hàng giấy”, đúng số lượng tương ứng đã mua hàng, thí dụ khi anh mua 20 tấn hàng thực, anh phải bán hàng giấy 20 tấn tức 2 lô trên Liffe.

Hành động này được gọi là “hedging” hay mua/bán để bảo vệ.

Tôi xin đưa ra một thí dụ cho dễ hiểu: hôm nay, giá tháng 11 Liffe đóng cửa ở mức 2.345 đô la/tấn. Anh A mua 20 tấn cà phê lọai 2, 5% đen vỡ mức 50.000 đống/kg hay tương đương 2.435 đô la/tấn. Ngay chiều hôm nay, khi Liffe mở cửa, A phải bán ngay trên Liffe, giả sử chiều nay anh bán được mức 2.350 đô la.

Tuần sau, A bán và giao hàng. Có 2 trường hợp xảy ra: Nếu giá hàng thực A bán lỗ (2.335 đô la chẳng hạn) trong khi giá Liffe cũng giảm, còn 2.250 chẳng hạn), A sẽ “thoát” hàng giấy với mức lời 100 đô la/tấn nhưng lỗ hàng thực -100 đô la.

Hai bên hàng giấy và hàng thực cân đối. Và ngược lại. Như vậy, theo lẽ thường, nếu anh lỗ hàng giấy thì phải lời hàng thực; nếu anh lời ở thị trường hàng thực thì hàng giấy sẽ bị lỗ. Hai bên cân đối làm sao để anh ta có một khoản lợi nhuận tối thiểu theo kế họach của anh ta.

Thường thường, trong các hãng kinh doanh cà phê, người ta rất khắc khe với chuyện “hedging”. Vì một lý do gì đó anh phụ trách kinh doanh không “hedge”, có công ty họ đuổi ngay ra khỏi vị trí hay ra khỏi công ty.

Song, người ta cũng rất khắc khe khi không mua hàng thực mà anh lại mua bán hàng giấy. Không hãng kinh doanh cà phê nào chấp nhận cho cán bộ của mình mua bán khống trên TTKH, ngoại trừ ông giám đốc đồng thời chính là ông chủ, vì tiền từ túi của ông ta.

Như vậy, chỉ có tác nghiệp trên và cũng chỉ tác nghiệp đó mới được gọi là “đầu tư”, còn tất cả các động tác khác đều được cho là đầu cơ.

Ví dụ:

  • Do không mua được hàng thực, băng qua Liffe hàng giấy;
  • Mua hay bán khống hàng giấy do nghĩ rằng giá sẽ tăng hay giảm trên Liffe để hy vọng kiếm lời;
  • Mua hàng thực mà không bán hàng giấy trên TTKH và ngược lại bán hàng thực mà không mua hàng giấy.

Tuy nhiên, sợ cán bộ công ty mình bị hấp dẫn bởi TTKH, thường thường giám đốc cho mở một tài khỏan gọi là “tài khỏan đầu cơ” (speculative account) và cho phép cán bộ mình mua bán hàng giấy ở mức độ cực kỳ tối thiểu như từ 2-5 lô (lô 10 tấn) là tối đa nhưng phải báo cáo với ông chủ và phải đặt “chặn lỗ”, thí dụ như khi lỗ 20 đô la/tấn là phải thoát ngay, tức 200 đô la/lô.

Để đánh giá một công ty có tính đầu cơ hay không, người ta thường đánh giá công ty ấy lỗ tối đa 5% cho đầu cơ hàng giấy. Vì với 5% lỗ, thu nhập của công ty vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến người ăn lương.

Theo cách nói của anh Hùng, tôi tin chắc chắn rằng công ty của anh lời ở thị trường hàng thực vì “hàng giấy” lỗ.

Còn nếu như cả 2 thị trường hàng thực và hàng giấy đều lỗ, thì tôi chưa hiểu ra. Vì, theo cách kinh doanh bình thường như giải thích ở trên, chỉ có thể nói rằng lỗ là do hành động đầu cơ mà có.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Phạm Vỹ

    Chào bà con,

    Bác “Bình Già Làng” không hổ danh đã từng là trưởng đại diện , tuy nhiên theo cạn nghĩ của em, trường hợp bác giải thích ..khác với ý hỏi của anh Hùng ( có phải là anh Hùng , giờ sang Quận 7 không? :D)

    Cái này , theo Vỹ hiểu anh hỏi có nghĩa như sau :

    1. Quyền hạn của Chủ tịch HDQT và BOD (board of director ) tới đâu ? và tại sao họ lại làm được như vậy ?

    Theo ý này, khi anh làm cổ đông chiến lược thì cái đầu tiên anh quan tâm là : lôi ngay quyển ĐIỀU LỆ CÔNG TY CỔ PHẦN mà anh là cổ đông chiến lược đó ra đọc , xem quyền hạn của những người anh hỏi tới đâu? và quyền hạn của anh tới đâu ?

    Nếu anh không nhìn thấy quyền của anh ở đâu và quyền được thông tin ( mà ở đây là việc anh không hề biết thông tin của BOD ) của cty nơi anh là cổ đông chiến lược .

    Vỹ tin rằng, nếu anh đọc quyển ĐIỀU LỆ CÔNG TY trước khi anh tham gia làm cổ đông chiến lược đó , anh sẽ không bao giờ có những câu hỏi như bây giờ !

    2. Cuộc chơi khi tham gia vào các công ty cổ phần là 1 cuộc chơi có phần rất ” cân não” ..và rất mệt ! nếu mình không thật hiểu về tất cả các ràng buộc pháp lý, Luật Doanh Nghiệp …thì tốt nhất đừng tham gia vào làm gì vì sẽ gặp cảnh ” mua pháo cho người ta đốt ”

    Vài lời chia sẻ

    Phạm Vỹ.

  2. quan tam

    Tôi là nông dân làm cà phê càng đọc bài viết của các anh chị càng thấy thú vị. DN trồ tài đỏ đen còn dân è lưng trả nợ và cách quản lý hiện nay còn trả nợ dài dài vì tài khiêm tốn nhưng thích chơi ngông! Cám ơn Y5, các anh chị hiểu sâu sắc thực tế trong và ngoài nước nên có bài viết hay đến vậy.

  3. nongdannuamua

    Nông dân nghe nói mua bán trên giấy, cà phê hay bất cứ hàng giấy nào cũng có cảm giác như nhau: trước sau cũng bị đi tàu bay giấy. Qúa nhiều bài học nhãn tiền kinh doanh trên giấy đa sỗ đều thua lỗ.
    Câu hỏi của anh, với nông dân làm sao đủ kiến thức để trả lời, nhưng thiết nghĩ mình hùn vốn là tự nguyện, lời ăn lỗ chịu, anh cảm thấy không thích nữa thì rút vốn ra, bây giờ mặc dù có lỗ nhưng còn chút ít, sau này như anh nói chắc không còn gì. Nông dân chỉ cạn nghĩ như vậy.

  4. Nông dân cà phê

    Nghiệp vụ hedging này các công ty biết từ lâu lắm rồi. Mới đầu thì vẫn đưa ra để hoạt động nhưng cũng được mấy hôm đầu, rồi dần dần bỏ hết vì lòng tham: Hàng thật đã lời lại muốn hàng giấy cũng lời, nên khi đã chốt hàng thật có lời rồi lại cứ muốn hàng giấy quay đầu trở lại để lời thêm hàng giấy nữa, nhưng lại không ngờ hàng giấy cứ lỗ thê thảm hơn nữa.

  5. dancayduongnhua

    Tôi có nghe lõm bõm và cũng tìm hiểu qua vài trang in tẹc nét thì thực ra mua bán trên các sàn (mà người ta hay gọi nó là mua bán trên giấy) ko phải hoàn toàn xấu và hoàn toàn có hại. Ngược lại nó là nơi để bạn có thể cân nhắc lựa chọn, thế này nhé:
    I/Thị trường hàng thực:
    1, Đối với người muốn mua chờ giá: với giá thị trường hiện nay tôi muốn mua 10tấn chờ giá lên bán kiếm chút tiền thì trước mắt tôi phải bỏ ra 500triệu, tiếp theo nếu nhà có chỗ chứa thì tôi sẽ mang cà về cất cho an toàn (nhưng thử hỏi mấy ai làm việc này) hoặc là tôi gửi lại kho của ai đó. Việc gửi kho này rủi ro lợi hại thế nào tôi xin ko bàn để mọi người tự hiểu.
    2, Đối với người sản xuất: Nếu người sx cho rằng giá như hiện tại là rất tốt và chắc rằng vào vụ sẽ giảm xuống, trong khi cà ngoài vườn chưa thu hoạch thì ko có cách nào để bán cho được giá.
    II/Thị trường kỳ hạn (hàng giấy)
    1, Nếu muốn mua 10tấn chỉ cần ký quỹ 50triệu, còn 450triệu kia để trong ngân hàng lấy lãi. Cái mình giữ là hợp đồng chốt giá với nhà môi giới, ko lo nơi để hàng hay ai xù hàng của mình.
    2, Nếu chưa thu được cà nhưng muốn bán cũng cần ký quỹ 50triệu cho mỗi 10tấn thì sẽ được bán giá hiện tại, đến vụ thu vào mang hàng đến giao.

    Tôi chỉ đặt vấn đề trên cơ sở nhu cầu mua bán hàng thực mà sử dụng phương thức này, hoàn toàn ko cổ vũ việc mua bán khống kiểu đỏ đen may rủi như cờ bạc.

    1. Cafe Việt

      So với phương thức mua bán cổ điển thì mua bán kỳ hạn qua sàn là một bước tiến vượt bậc, có nhiều thuận lợi nên mới tồn tại hàng trăm năm nay. Chỉ khi con người xử dụng sàn biến tướng thành nơi đỏ đen và chi phối giá cả hàng hóa của những thế lực đầu cơ tài chính quốc tế mới sinh ra những hệ lụy tiêu cực kèm theo. Cho nên có nhiều nước tẩy chay sàn thế giới và thành lập sàn giao dịch của riêng nước mình. Muốn vậy phải nắm được hàng thực trong tay!

    2. V. Đ. Hùng

      Chào bạn “dancayduongnhua”
      Tôi nhất trí với bạn. Nếu bạn là dân cày, thì ý kiến của bạn là hoàn toàn hợp lý. Nếu bạn nghĩ giá vào mùa xuống, mà nay giá trên London cao đủ vốn+lời theo ý bạn, bạn có thể bán hàng giấy nhưng hãy coi chừng giá xào lên xào xuống, giá bán treo của bạn trên London có khi phải lỗ. Giả sử hôm nay giá 2350, bạn bán, nhưng ngày mai bỗng nhiên giá lên 2600, bạn bị bắt “chặn lỗ”, thê là bạn toi. Chỉ hãy canh chừng chuyện đó. Còn nếu như người ta cho phép bạn đóng tiền thêm để khỏi thoát lỗ, thì càng thoải mái.
      Tôi hiểu, bài trên của tác giả Nguyễn Quang Bình chỉ nói trong điều kiện hạn hẹp của câu hỏi từ phía độc giả, chứ không phải là một bài viết hoàn chỉnh, nên ý của bạn không được đưa vào. Song, ý của bạn là hoàn toàn đúng đắn. Chỉ xin lưu ý, bán đủ vừa số lượng hay ít hơn số lượng hàng thực mình có. Chuyện này, tốt hơn gửi hàng thực vào kho các thương lái và nhà xuất khẩu, đôi khi tiền mất tật mang.

      1. TinhVi

        Hôm qua tôi đọc bài của bác Bình thấy bài viết mở bài rất hay nhưng đọc xong thì tôi cũng có suy nghĩ giống bạn đó là bài viết chưa hoàn chỉnh, chưa phân tích hết mọi tình huống trong thực tế. Ví dụ mua được 10t hàng thật vào buổi sáng theo như phân tích của bác Bình thì tôi sẽ hedging lên TTKH nhưng khổ nỗi vừa mở cửa thị trường giá đã rớt và mấy phiên sau cũng thế lúc này để cân đối được giữa hàng thực và hàng giấy để có lợi nhuận theo kế hoạch thì thật là khó, và còn nhiều tình huống khác nữa… không biết suy luận của tôi như thế có đúng? mong mọi người chỉ giáo.

      2. Nông dân cà phê

        Bác nói hoàn toàn đúng, giá trên mạng nó quay nhanh hơn bánh xe ô tô chạy với vận tốc 100km/h, chặn lỗ không kịp. Vậy là phải chờ đến phiên sau giá lên lại, nhưng chờ mãi chẳng lên, cứ thế hết ngày này sang ngày khác, loạn cào cào, chẳng còn biết theo dõi như thế nào nữa, vỡ hết kế hoạch. Thôi thì hàng thật lời lỗ thì mặc hàng thật, hàng giấy thì cứ có lời thì mới cắt, lỗ thì đợi khi nào stoploss mới cắt.
        TTKH là miếng bánh béo ngọt của những nhà giàu, dân nghèo chúng ta chỉ ăn ké theo thôi.

  6. Hoài Bão

    Giấy thì chỉ là giấy thôi! Như anh DMH hỏi vậy, Cty cũ của tôi các sếp cũng mua bán kiểu gì ko hiểu, cà phê thực thì chỉ 10-15 ngàn tấn/năm, nhưng lỗ đến hơn 30tỷ ăn hết cả vào vốn, cổ phiếu giờ ko hơn tờ giấy lộn. Lộn ruột? Mua cổ phiếu thì đúng là mua pháo cho người ta đốt … đau tai…

  7. Tiêu cay@

    Tốt nhất là tự lo lấy mình. Tham gia cổ phần cổ phiếu không may gặp CT HĐQT kiêm TGĐ có lòng tham hơi bị quá + ngu lâu, bán ca phê giấy , bán giao xa = đánh bạc sớm muộn gì cũng tan tành xác pháo => chết và bị thương cả đám ( đau tai còn đỡ)

  8. PODKWS

    Các bác ngồi đó mà bàn những thứ đã qua. Thử nghĩ cọi, các bác dự đoán thế nào về giá cả của cafe trong chu kì từ bây giờ đến tết nguyên đán.
    Hãy làm mọi điều vì lợi ích của mình!

  9. Nguyễn Chính Nghĩa

    Chào diễn đàn, hôm nay tôi mới đọc chuyên mục này, xin tham gia ý kiến sau:
    Đầu tư cà phê giấy trên mạng lỗ ai chịu và có cắch gì khống chế cà phê giấy này không? Anh có nói là tổng lỗ năm ngoái của công ty anh là 44 tỷ trong đó lỗ hàng giấy là 16 tỷ, lỗ luỹ kế đến cuối năm ngoái là trên 80 tỷ, hiện nay công ty chỉ còn 3,5 tỷ và có nguy cơ phá sản .Theo tôi được biết thì mấy năm gần đây rất rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh cà phê bị thua lỗ rất lớn vì kinh doanh loại cà phê giấy này. Thực tế là đầu cơ chứ không phải mục đích phối hàng thật, mà đã là đầu cơ thì rủi ro là không thể tránh khỏi .Công ty của anh cũng nằm trong số đó .Vậy lỗ này ai chịu ?
    Trường hợp ban giám đốc làm đúng theo nghị quyết của hội đồng quản trị ,có nghĩa là việc chơi hàng giấy đã được sự đồng thuận của HĐQT, thì số lỗ trên không ai khác là tất cả các cổ đông phải chịu, tuỳ theo mức vốn đóng góp. Còn nếu tự ý giám đốc làm trái với nội qui của HĐQT gây ra thua lỗ thì HDQT họp tất cả cổ đông, đưa ra xem xét và qui trắch nhiệm cá nhân. Còn làm cắch nào để khống chế chơi hàng giấy .Tôi nghĩ chắc chỉ khi nào họ hết sặch tiền vì :Được thì ham ăn thua ham gỡ mà. Các cổ đông của công ty anh đã xui xẻo giao trứng cho ác rồi .

  10. Cà Phê Gia Đình

    Tôi đọc bài viết này cũng như bình luận của các anh chị thấy rất hay nên xin phép đóng góp thêm 1 số ý kiến.
    Trước tiên tôi xin phép nói về đầu cơ cũng như phương pháp chơi hàng giấy (được quy chụp theo kiểu đánh bạc).
    1/ Có 1 câu hỏi tôi cứ phân vân mãi. Tại sao cờ bạc cứ tồn tại mãi dưới mọi hình thức và tại sao các nước tiên tiến họ chấp nhận cờ bạc như một trò giải trí đơn thuần. Ai dại, ai tham ráng chịu hay nói rõ hơn “Ngu thì chịu”. Vậy tại sao đã biết mình ngu lại không chịu khó học hỏi, đúc kết kiến thức kinh nghiệm rồi chờ ngày quang lâm mà tại sao chỉ biết trách móc người khác. Còn nếu thấy khả năng mình không với tới thì chọn công việc an nhàn khác mà làm. Kinh doanh với hình thức nào cũng là chỉ muốn kiếm lợi nhuận về cho bản thân, góp phần luân chuyển dòng để sinh lợi nhuận.
    2/ Đầu cơ thua lỗ nói thẳng ra cũng là vì kiến thức quản lý dòng vốn quá yếu kém. Cụ thể là trình độ dự báo yếu kém (kiến thức đầu tư yếu kém, kiến thức quản lý kém, lòng tham quá lớn). Thắng lợi là do yếu tố may mắn nên cũng chỉ là tạm thời.
    Phải thừa nhận sự yếu kém của bản thân để tiến bộ hơn nữa. Lựa sức mà chơi. Trách ai bây giờ.
    P/s: Quan điểm, ý kiến cá nhân dành cho những người biết suy nghĩ, tự cho mình lao động bằng trí óc.

Tin đã đăng