Thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang phát triển cây cao su, theo thông tư 58 của Bộ NN&PTNN hướng dẫn về việc trồng cây cao su trên đất lâm nghiệp đến năm 2015. Nhiều địa phương tại tỉnh Thanh Hóa vừa qua đã có bước chuyển đổi đáng “kinh ngạc”, khiến không ít người phải lo lắng.
Chuyển rừng hay phá rừng?
Như Xuân là một trong những huyện có phong trào trồng cây cao su lớn nhất tại Thanh Hóa. Ngay từ đầu những năm 2000, nơi đây đã bắt đầu hình thành những cánh đồng cao su đầu tiên của tỉnh này. Năm 2009, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định bổ sung quy hoạch trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2015. Huyện Như Xuân đã chỉ đạo cho các ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, lập hồ sơ cho nhân dân cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng cao su. Và chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền huyện Như Xuân đã ký 65 quyết định cho phép hộ gia đình cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt và sản lượng lâm sản tận thu, tận dụng với tổng diện tích 1.030,18 ha tại 10 xã.
Chặt phá rừng ồ ạt đến nỗi gỗ vận chuyển ra ngoài tiêu thụ không kịp
Khi chúng tôi có mặt tại đây thì việc chuyển đổi rừng nghèo kiệt đã được 253,68 ha, số diện tích còn lại đang được người dân tích cực chuyển tiếp. Nếu không có trở ngại gì thì việc “phá rừng” này sẽ hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch đề ra. Một nông dân nói vui với chúng tôi! Qua khảo sát của chúng tôi nhận thấy nhiều cánh rừng bị chặt phá nhanh chóng một cách không thương tiếc, nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ mà chưa kịp vận chuyển đi tiêu thụ. Không những thế, việc chuyển đổi rừng này còn tạo ra hệ lụy khác. Đó là việc mua bán, chuyển nhượng đất rừng tràn lan diễn ra trong khắp mấy xã này. Xuân Hòa là một trong những xã điểm nóng nhất trong việc người dân tự ý chuyển nhượng đất rừng cho nhau mà không qua chính quyền và tự ý khai thác rừng một cách tràn lan.
Điều đáng nói ở đây, có không ít người từ nơi khác vào mua đất rừng của dân, sau một tháng có quyết định của UBND huyện về việc cho cải tạo rừng để trồng sắn. Sau khi có quyết định của huyện, những người này đã sớm huy động các loại phương tiện, máy móc để tàn sát rừng và gom toàn bộ số gỗ tận thu được để mang đi bán. Còn rừng cải tạo được thì không tiến hành trồng cao su. Một nông dân xin giấu tên tại xã Xuân Hòa buồn rầu cho biết: “Gia đình ông nhận chăm sóc trồng hơn 13 ha đất rừng, hơn 10 năm qua gia đình ông coi mảnh rừng như ngôi nhà thứ 2 của mình, tuyệt nhiên không để xảy ra tình trạng cháy rừng hay chặt phá trộm. Nhà nước có hỗ trợ cho 1ha là 50 ngàn đồng/năm và thời gian hỗ trợ là 4 năm. Gắn bó với rừng suốt bao nhiêu năm mà không nhận được đầu tư hay lợi ích của rừng vì bị Nhà nước cấm khai thác nên vừa rồi tôi quyết định chuyển nhượng diện tích này cho một chủ khai thác gỗ ở TP Thanh Hóa với giá 6 triệu đồng/ha. Và tôi được biết ông chủ này cũng vừa chuyển lại diện tích đó cho một người khác ở HTX Hưng Hòa rồi (?!)”.
Hàng chục vạn cây cao su chưa được kiểm định giống
Việc người dân chuyển nhượng tràn lan đất rừng cho các chủ buôn khác, để rồi sau này lại trở thành kẻ làm thuê trên chính mảnh đất của mình bao năm qua đang dần trở thành hiện thực tại địa phương này. Không những thế, việc chuyển đổi rừng diễn ra quá ồ ạt khiến cho đất rừng bị bỏ hoang khá lớn, trước tình hình đó, người dân đã tự ý trồng mía, sắn, keo các loại. Vô hình dung Thông tư 58 của Bộ NN&PTNN đã bị biến tướng khi thực hiện tại địa phương này.
Bà Vi Thị Phượng – Trưởng phòng Nông Nghiệp huyện Như Xuân lí giải: “Do việc cung ứng nguồn giống cây cao su không đáp ứng kịp với việc mở rộng diện tích trồng cây cao su. Nên việc bà con chuyển sang gối vụ trồng sắn, trồng keo cũng một phần cho đỡ tốn diện tích bỏ hoang.”
Việc chuyển đổi rừng ồ ạt thế này không những làm biến tướng chính sách tích cực của Nhà nước mà còn mang lại những hệ quả tiêu cực về sinh thái tự nhiên. Việc rừng đầu nguồn bị chặt phá, ắt sẽ mang lại những tác hại về hạn hán vào mùa khô và không thể ngăn lũ về mùa mưa. Đó là những tác hại có thể nhìn thấy trước mắt.
Theo báo cáo của ông Lê Kim Du – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Như Xuân cho hay: “Trong tổng số 253,68 ha đã được cải tạo để trồng cao su thì thực tế đến nay chỉ mới trồng được 114ha cao su. Số diện tích còn lại được trồng thay thế bằng những cây công nghiệp ngắn ngày khác, không đủ tiêu chuẩn cho việc giữ rừng.”
Hàng chục vạn cây cao su giống đạt 3 tầng lá, chuẩn bị xuống vườn rồi
mà chưa được kiểm định chất lượng nguồn giống
Không những thế, vấn đề đáng lo lắng nhất cho việc trồng cây cao su ở đây nữa là việc kiểm định chất lượng giống cao su trước khi cho xuất vườn. Theo ông Lê Đình Hùng – Giám đốc Nông trường Bãi Trành Thanh Hóa cho biết: “Việc cung ứng giống cao su cho Như Xuân do 2 đơn vị là HTX Đoàn Kết và Công ty TNHH Đại Minh phụ trách với vài chục vạn cây giống. Tuy nhiên, việc 2 đơn vị này mua giống cao su non từ Bình Phước về ươm trồng, theo hứa hẹn sẽ cho trữ lượng mủ cao. Tuy nhiên, việc đó lại chưa được cơ quan chức năng nào của bên mua kiểm định thật hay không!”
Ông Mai Bá Luyến – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho hay: “Lâu nay địa phương còn lung túng, chưa có kinh nghiệm trong việc kiểm định chất lượng nguồn giống cây cao su. Hiện nay tỉnh Thanh Hóa chưa có đơn vị độc lập nào đứng ra kiểm định được chất lượng nguồn giống cây. Xét về trách nhiệm quản lí nhà nước, sắp tới chúng tôi cũng cử đoàn cán bộ của Chi cục quản lí chất lượng lên Như Xuân kiểm định rồi mới cho xuất vườn. Song về chuyên môn thì không thể đáp ứng kĩ được.”
Hẳn người trồng cao su những năm 2000 còn chưa quên bài học đắt giá từ nhiều vùng quê khác nhau tại Việt Nam khi ồ ạt đua nhau trồng cao su nhưng lại bỏ qua khâu kiểm định chất lượng giống cao su. Kết quả là sau 7 năm vun trồng, cây không cho chất lượng mủ như mong muốn. Bao nhiêu công sức sau 7 năm đổ xuống sông, xuống bể theo những giọt cao su đắng.
Mời vào Tuy Đức, Đak Nông mà học tập kinh nghiệm chọn giống để trồng cao su. Coi chừng “vàng trắng” trở thành “vàng mắt vàng mũi”, tội cho bà con nông dân muốn đổi đời nên phải tự bơi bơ vơ một mình.
Báo viết: “…Xét về trách nhiệm quản lí nhà nước, sắp tới chúng tôi cũng cử đoàn cán bộ của Chi cục quản lí chất lượng lên Như Xuân kiểm định rồi mới cho xuất vườn. Song về chuyên môn thì không thể đáp ứng kĩ được.”
Vậy thì các bác đi kiểm định cái gì hay đi cưỡi ngựa xem hoa để …?
Tư duy kinh tế theo kiểu phong trào, tầm nhìn không vượt qua được lợi ích bản thân cuối cùng chỉ chết dân.