Sau cả chục năm chờ đợi, nhiều nông dân ở huyện biên giới Tuy Đức tỉnh Dak Nông không khỏi hụt hẫng vì hàng nghìn hécta caosu không có mủ hoặc chỉ có… tượng trưng.
Chưa kịp hiểu vì đâu nên nỗi, gần đây nhiều vườn caosu lại bị biến dạng, giảm năng suất thảm hại vì một bệnh lạ. Người nông dân ở Tuy Đức lại càng thêm rầu rĩ với giấc mơ “vàng trắng” vốn đã quá nhọc nhằn.
Sau 10 năm chăm bẵm, vườn caosu của ông Giám vẫn “điếc” mủ,
đường kính gốc chỉ 15cm.
10 năm vẫn chưa thấy “vàng”
Năm 2001, với sự bảo trợ của Hợp phần caosu tiểu điền thuộc Dự án đa dạng hoá nông nghiệp, hàng trăm hộ dân các xã Quảng Tân, Đắc Búc So (huyện Tuy Đức, tỉnh Dak Nông) đã nộp “sổ đỏ” xin được vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật trồng caosu. Sau 10 năm chăm bẵm, đến nay nhiều vườn caosu đã quá tuổi khai thác mà vẫn chưa thấy “vàng trắng” đâu. Ông Lê Thái Giám – xã Quảng Tân – cho hay: “Năm đó tôi đăng ký trồng 5ha, đến giờ mới có một nửa diện tích khai thác mủ, nhưng chỉ được 400kg mủ khô/ha” (trong khi năng suất caosu năm thứ 10 ở Tây Nguyên bình quân là 1.300kg/ha – NV). Ông Giám vẫn còn may, vì nhiều vườn caosu cùng tuổi của các hộ ông Kiều Thanh Quang, Nguyễn Bá Chữ, Phạm Thanh Hùng… vẫn chưa có giọt mủ nào. Tại Đắc Búc So, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Thiên Viết cho hay: “Toàn xã có 860ha caosu tiểu điền 9 – 11 năm tuổi, nhưng chỉ 400ha cho thu nhập tạm được, số còn lại chắc chờ lấy gỗ”. Thực ra đó chỉ là nói vui, chứ cây caosu 10 năm tuổi mới được 15cm đường kính gốc thì biết khi nào có gỗ?
Liên quan đến chuyện cây caosu không có mủ, hiện có nhiều “dư luận” khác nhau như độ cao không phù hợp, cây giống không đảm bảo; nhưng nhiều nông dân cũng thừa nhận do vườn cây có nhiều lứa trồng giặm, suất đầu tư vay được của Dự án đa dạng hoá nông nghiệp chỉ 2 triệu đồng/ha là quá thấp, kỹ thuật thì biết tới đâu làm tới đó… Ông Viết cười chua chát: “Vậy mới biết trồng caosu 5 – 6 năm đã cho hoạch, sau một đêm ngủ dậy thu vài chục triệu, mỗi năm bỏ túi vài trăm triệu chỉ là lý thuyết. Điều đó chỉ đúng với những vùng đất thật sự phù hợp với cây caosu, người dân đủ vốn để đầu tư, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật”.
Vàng… hai con mắt
Từ tháng 3.2011, bước vào mùa cạo mủ, hàng loạt vườn caosu kinh doanh tại Tuy Đức lại bị một loại bệnh lạ tấn công, khiến năng suất giảm mạnh. Ông Nguyễn Văn Anh – thôn 3, xã Đắc R’tih – rầu rĩ: “Vườn cây 2ha của tôi không biết bệnh gì mà lá xoăn tít, dị dạng, sản lượng mủ chỉ còn một nửa, gần đây tôi không cạo vì sợ cây chết”.
Theo thống kê của Phòng NNPTNT Tuy Đức, toàn huyện có 1.500ha caosu kinh doanh bị bệnh như vậy, riêng xã Đắc R’tih chiếm tới 710ha. Ông Nguyễn Ngọc Quyền – Trưởng phòng NNPTNT huyện – cho biết: “Sau khi có báo cáo của địa phương, Chi cục BVTV tỉnh đã về khảo sát, nhưng đến nay chưa nói bệnh gì. Còn theo tôi dự đoán là do động đất, biến đổi khí hậu, đặc biệt là lần đầu tiên có gió mùa đông bắc làm caosu rụng lá vào giữa tháng 2. Sau khi rụng lá trái mùa, cây ra lá non đúng vào thời kỳ thiếu dinh dưỡng nên bị các loại bệnh tấn công, biểu hiện bên ngoài giống như nấm hồng, nhưng như đã nói là chưa biết chính xác.
Trước mắt, chúng tôi đang tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo chủ vườn tăng cường chăm sóc, nhưng không phun thuốc tràn lan khi chưa rõ bệnh nhằm tránh tiền mất, tật mang”. Hậu quả dịch bệnh còn chưa biết đến mức nào, nhưng nó đang làm cho các chủ vườn caosu chưa kịp “xông xênh” càng thêm khốn đốn, chỉ thấy vàng… hai con mắt.
Nhiều nghìn ha rừng tự nhiên đã phải nhường chỗ cho cây cao su. Tư duy kinh tế của những nhà hoạch định chính sách xem ra cũng không vượt ra ngoài hai chữ : phong trào.
Cuối cùng khí hậu thay đổi, nguồn nước can kiệt nông dân gánh đủ.