Giá cà phê hạ mạnh, thương lái ngưng thu mua

Sáng nay 5/8, giá cà phê nhân xô đựơc báo ở 45,7 – 45,8 triệu đồng/tấn, giảm 800 nghìn đồng so với ngày hôm qua.

Giá cà phê hạ mạnh, thương lái ngưng thu mua

Giá cà phê nhân xô nước ta biến động lên xuống liên tục trong những ngày gần đây theo xu hướng chung của thế giới. Thế nhưng đó là điều rất đỗi bình thường. Sự bất thường là ở chỗ nhiều đại lý và công ty kinh doanh cà phê khu vực Tây Nguyên đã ngưng mua vào hoặc có mua cũng cách xa mức giá thông báo cho bà con mà không có lý do gì.

Sáng nay 5/8, giá cà phê nhân xô đựơc báo giá ở 45,7 – 45,8 triệu đồng/tấn, giảm 800 nghìn đồng so với ngày hôm qua. Nguyên nhân là do giá cà phê robusta tại London sụt tới 50 USD theo xu hướng chung của thị trường thế giới.

Theo nhiều bà con nông dân ở huyện Cư Kuin, Đak Lak, một số thương lái trong vùng ngưng mua trong vài ngày gần đây và có dấu hiệu ép giá. Họ chỉ mua của người bán với giá thấp hơn so với giá niêm yết chung khoảng 1 – 1,5 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó ở Lâm Đồng, tình trạng cũng xảy ra tương tự. Mặc dù số hộ còn trữ cà phê không nhiều nhưng giờ đây khi giá giảm tăng liên tục, họ muốn bán ra để trả nợ ngân hàng và chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới. Nhưng khi gọi đại lý giao hàng, giá họ đựơc trả lại thấp hơn so với giá thông báo chung trên các mạng thông tin.

Liên lạc với một số thương lái thu mua ở Cư Kuin, chúng tôi được biết, họ phải mua giá như vậy vì tình hình hiện tại rất khó lường, giá tăng thì ít mà giảm thì nhiều. Vụ thu hoạch mới lại sắp đến, tình hình kinh tế thế giới bất ổn nên họ lo sợ mua giá cao và gom nhiều sẽ dẫn đến vỡ nợ.

Giá cà phê xuất khẩu của nước ta trong khi đó lại diễn biến trái ngược. Hiện giá chào bán của các công ty trong nước vẫn cao hơn khoảng 250 – 300 USD/tấn so với giá kỳ hạn tháng 9 tại London. Khách hàng chào mua cũng với giá cộng tới 250 USD/tấn, nhưng rất ít hợp đồng được ký kết.

Theo một số thương nhân ở Tp. Hồ Chí Minh, giờ các công ty chỉ lo giao các hợp đồng đã ký và hạn chế ký mới vì việc ký hợp đồng xa đã cho họ nhiều bài học cay đắng. Dự kiến trong tháng 8 này, các nhà xuất khẩu nước ta sẽ xuống tàu khoảng 70.000 – 80.000 tấn cà phê, nguồn hàng chủ yếu lấy từ các kho dự trữ của công ty trong nước và công ty nước ngoài.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. hoàng long

    Giá cứ xuống thật rẻ đi, khoảng qua Noel hãy lên lại cho bà con nhờ, chứ giá mà cao ngất như hiện nay, dẫn đến thu hoạch xanh và cà phê tặc diễn biến phức tạp, làm cho người nông dân một nắng hai sương lại càn thêm vất vả, vì phải làm chòi đóng chốt canh gác thành quả lao động trong một năm của mình, với biết bao nhiều là biến động của thị trường lạm phát giá cả leo thang chóng mặt.

  2. Thuận Hòa

    Tình hình này sao không cho các công ty nước ngoài nhảy vào trực tiếp thu gom cho rồi nhỉ? Hay là có biện pháp mua dự trữ để giúp đỡ bà con nông dân đỡ bị thiệt thòi hơn. Bàn thì hay mà thực hiện thì chưa đạt lắm! Buồn.

    1. NTG

      Bạn đừng có thần tượng hóa nước ngoài như vậy. Nếu muốn họ vẫn mua được nhưng họ đâu có dại mà mua hàng trong thời điểm nầy. Hàng họ thu gom còn tồn trong kho đang muốn giải phóng để chuẩn bị mua vào trong mùa vụ mới.
      Bạn ráng chờ DN nước ngoài mang tiền cho bạn nhé. Họ dại lắm, chỉ có dân mình khôn thôi.

  3. Cafe Việt

    Theo mình thì chưa hẳn là thương lái ép giá. Do giá cà phê cứ liên tục giảm nên thương lái không dám mua bằng giá, vì sợ chưa giao hàng kịp cho công ty mà ngày mai giá tiếp tục hạ nữa.
    Thị trường bình ổn thì không nói gì, còn cứ chao đảo liên tục như mấy bữa nay thì những nhà kinh doanh buôn bán rất khó làm ăn. Thương lái mua bán đón giá lên giá xuống là chuyện thường.
    Mình thấy giá vàng lên liên tục mà ông Bảo Tín MC ở Hà Nội cứ kêu là càng kinh doanh càng lỗ không thấy sao?
    Bà con mình thường nhìn vấn đề chỉ một phía theo cảm tính. Cho mình ra làm kinh doanh không khéo là cũng sập tiệm sớm.

  4. Nguyễn Tấn Dũng

    Đúng rồi bây giờ mà mua nhiều quá bán không kịp, giá giảm thì thương lái lỗ thôi, cái nào cũng khó hết chú yếu là do thằng Tây thôi

    1. Thuytien

      Bác Nguyễn Tấn Dũng nói quả là có khác! hihi. Tất cả chỉ là do thằng Tây thao túng thôi. Kể cả Bà con mình, thương lái hay DN trong nước đều khổ cả. Nông dân => thương lái => DN XK =>> DN nước ngoài. Do đó, chớ vội mà tin hay trông chờ vào mấy thằng tây ấy. Người Việt phải bắt tay nhau thôi.
      Quan trọng là đừng ai tham lời quá mà ép uổng nhau. Mỗi người Việt có lời thì cũng cho người khác lời một ít, và có lỗ cũng cùng nhau chia sẻ, bàn bạc. Chứ như tình hình của chúng ta hiện nay thì sớm muộn gì cũng bị tụi tây nuốt chửng!

  5. nghenhin

    Vấn đề ở đây là việc nhiều bà con trực tiếp sản xuất cần vốn để tiếp tục ổn định sản xuất sẽ lấy đâu ra tiền mà chi dùng? Trong khi việc…”sáng nay tại Hà Nội, ông Lương Văn Tự – nguyên thứ trưởng Bộ Thương Mại – Trưởng đoàn đàm phán WTO Việt Nam – Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết mới đầu vụ thu hoạch, nông dân nhận được đơn hàng mua đã vội đem bán cà phê”.
    Trích bài viết https://giacaphe.com/16640/vicofa-bat-dau-mua-tam-tru-300-000-tan-ca-phe.html.
    Theo mình nên có hướng cho chính người nông dân vay vốn trợ cấp thời hạn để tạm trữ chính từ trong nhà mỗi hộ sản xuất. Đem lại lợi tức thực tế chính đang nhất cho người sản xuất mọi lúc.

    1. letuyen

      Theo tôi những ai giữ cà phê chờ giá lên nếu bây giờ cần vốn phải bán với giá không như mong đợi thì cũng không nên kêu ca làm gì, phải chấp nhận thôi. Vì trên diễn đàn này trước đây đã rất nhiều người khuyên bà con mình nên bán khi mình cảm thấy được giá.
      Mặt hàng nào cũng thế, lên đến đỉnh thì phải xuống thôi. Cà lên tới 51 ngàn không bán lại chờ đến 60-65 ngàn. Người ta nói ”già néo đứt dây”, quả không sai.

  6. Tiêu cay@

    Chuỗi lưu thông cà phê của VN bao gồm các chặng chính sau : Nông dân trồng cà phê bán cho => thương lái bán => đại lý bán => doanh nghiệp cung ứng bán => doanh nghiệp xuất khẩu bán => doanh nghiệp nước ngoài bán => tập đoàn phân phối toàn cầu.= > đến người uống. Mỗi nhóm đều là đối thủ của nhau, Khi tư cách là người bán thì muốn bán giá cao, khi tư cách là người mua thì muốn mua giá thấp. Các nhóm lợi ích cạnh tranh nhau quyết liệt để đạt mục đích lợi nhuận tối đa ( cấu kết với nhau chỉ là tạm thời = đồng sàn dị mộng).
    Ngoài yếu tồ đầu cơ thì quy luật cung cầu mới là yếu tố cơ bản chi phối giá cả cà phê trong nước và toàn cầu.
    Bà con nông dân trồng cà phê (không phải nước nào cũng trồng được) là gốc của nguồn cung, hàng tỉ người uống cà phê là nguồn cầu, lực lượng doanh nghiệp trong và ngoài nước là người buôn cà phê. Ba nhóm này có lquan hệ với nhau, nhưng người trồng cà phê là lực lượng quyết định nhất về điều tiết lưu thông và giá cả cà phê. Doanh nghiệp tìm mọi các ép giá bà con trong mọi lúc mọi nơi nhất là vào vụ thu hoạch, điều này không gì lạ. Tùy theo hoàn cảnh, bà con ta hãy bán từ từ. Tình hình cung cầu cà phê toàn thế giới đang xu hướng có lợi cho bà con trồng cà phê. Giá xu hướng tăng. Mấy năm nay Tiêu, Điều, Cà phê giá thấp khi thu hoạch, giá cao khi cuối vụ, kỳ giáp hạt (xuống tạm thời do kịch bản của các nhà đầu cơ).

Tin đã đăng