Nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu? – Chuyên gia nói gì?

Ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đề ra hướng đi cho ngành xuất khẩu nông sản. Đẩy mạnh mặt hàng gì, làm cách nào nâng cao đời sống cho nông dân, tiệm cận xu thế của thế giới ra sao… là những ý kiến chúng tôi đã thu thập được.

> Bài 1: Con số “buồn”
> Bài 2: Mạnh – yếu ở đâu?
> Bài 3: Giải pháp “gỡ nút thắt”

Thu mua tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu.
Thu mua tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu.

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT CAO ĐỨC PHÁT:

Phải chọn ngành hàng chủ lực

Chúng ta cần xác định một số ngành hàng chủ lực là: Gạo, càphê, chè, cao su, lợn, gia cầm, cá tra, đồ gỗ. Để tạo sự chuyển biến nhanh trong nâng cao giá trị gia tăng (GTGT) cho các ngành hàng, cần xác định các nhóm giải pháp trên 3 cấp độ: Sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.

Với cấp độ sản phẩm, cần rà soát lại toàn bộ chuỗi sản xuất, kinh doanh để tìm ra tiềm năng của từng khâu và chọn khâu trọng yếu nhất, có khả năng tác động đến việc tăng GTGT cao nhất để làm. Ví dụ, chọn tăng cường sản xuất càphê hòa tan để tăng GTGT của ngành hàng càphê.

Ở cấp độ doanh nghiệp, cần làm rõ dư địa để làm tăng GTGT như đưa công nghệ mới, xây dựng thương hiệu… để thế giới biết đến doanh nghiệp Việt Nam.

Còn với cấp độ quốc gia, sẽ tập trung vào lựa chọn sản phẩm, quy hoạch mùa vụ, cơ cấu vùng miền có lợi thế để phát huy điểm mạnh của từng sản phẩm. Cùng với đó, tăng cường giống tốt, cơ chế chính sách phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tăng cường cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ bán lẻ, đào tạo nguồn nhân lực… để đem lại giá trị cao hơn cho từng sản phẩm.

TS. NGUYỄN MINH ĐỨC, ĐẠI HỌC NÔNG – LÂM TP. HỒ CHÍ MINH:

Chủ động giữ sản lượng và thị trường

Ngoài dầu thô, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là những ngành hàng thâm dụng lao động (sử dụng nhiều lao động phổ thông), đặc biệt là nông sản và thủy sản. Một đặc điểm chính của thị trường này cũng là thách thức lớn nhất cho xuất khẩu Việt Nam chính là ở tính biến động cao của giá cả. Những biến động trong năm 2008 là minh chứng cụ thể cho đặc điểm này. Bắt đầu là mặt hàng gạo, giá thế giới có khi tăng vọt lên đến 300%, sau đó lại suy giảm. Tiếp theo là giá thịt tăng rồi giảm, và gần đây các mặt hàng cây công nghiệp giảm giá đột ngột, các mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam như cá tra, tôm sú cũng phụ thuộc vào giá thế giới.

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, giá cả nông sản ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố kinh tế vĩ mô như chính sách tiền tệ, sự cân bằng ngân sách quốc gia, tỉ giá, các chính sách thương mại quốc tế và cả đầu tư nước ngoài. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến tất cả các quốc gia xem xét, điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô và điều này sẽ làm cho giá cả xuất, nhập khẩu trở nên khó lường. Sau khủng hoảng, khi nền kinh tế thế giới trên đà phục hồi, nếu Việt Nam chủ động giữ được sản lượng và thị trường, xuất khẩu nông sản sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng cả về chất và lượng.

Sở hữu trí tuệ góp phần nâng cao giá trị nông sản
Thực tiễn ở các nước phát triển, sở hữu trí tuệ đã trở thành một công cụ quan trọng để nâng cao giá trị cho sản phẩm nói chung và đặc sản nói riêng.
Theo thống kê của các địa phương, sau khi được đăng ký sở hữu trí tuệ, hầu hết các sản phẩm đều bán được với giá cao hơn từ 1,5-3 lần (vải thiều Lục Ngạn, gạo tám xoan Hải Hậu), sản lượng tiêu thụ mạnh hơn, người nông dân tập trung chăm lo phát triển sản xuất hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng sở hữu trí tuệ như một công cụ nhằm nâng cao giá trị đặc sản Việt Nam hiện nay chưa thực sự được chú trọng. Trong số 964 đặc sản, tính đến tháng 6/2010, mới chỉ đăng ký bảo hộ được 19 chỉ dẫn địa lý, 7 nhãn hiệu chứng nhận và 20 nhãn hiệu tập thể. Con số này, so với nhu cầu thực tiễn vẫn còn rất hạn chế.

ÔNG TRẦN THIỆN HẢI, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM (VASEP):

Vẫn còn khó khăn ở khâu nguyên liệu

Quý I/2011, áp lực đè nặng lên các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Thủy sản là một trong những lĩnh vực xuất khẩu đem về nguồn ngoại tệ lớn, đồng thời liên quan đến việc làm của rất nhiều nông dân. Do đó, mục tiêu chính lúc này là không đặt nặng lợi nhuận bởi tất cả đều khó khăn, vấn đề là làm sao tăng cường sản xuất, xuất khẩu để góp phần ổn định an sinh xã hội. Trở ngại lớn nhất hiện nay là nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng khiến các doanh nghiệp bị động, các nhà máy thủy sản chỉ hoạt động khoảng 40 – 50% công suất. Muốn bơi ra biển lớn mà chúng ta vẫn không chủ động được nguyên liệu sản xuất thì sức cạnh tranh thậm chí không đủ để “đọ” với các nước trong khu vực. Việc cần làm bây giờ là tập trung xây dựng các vùng nguyên liệu quy mô lớn, hoặc phải cơ cấu lại các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu để hình thành những doanh nghiệp mạnh, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trên thế giới.

ÔNG LÊ CHÍ BÌNH, PHÓ CHỦ TỊCH HIỆP HỘI NGHỀ NUÔI VÀ CHẾ BIẾN THỦY SẢN AN GIANG:

Nông dân khó gắn bó với nghề nếu vẫn phập phồng chuyện giá cả

Có thể khẳng định, nếu không có nông dân, những người trực tiếp nuôi tôm, cá, trồng lúa, càphê… thì các ngành hàng xuất khẩu của chúng ta sẽ không đạt được bất cứ thành tựu nào. Tuy vậy, đời sống của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn do giá cả đầu vào tăng cao mà giá bán nông sản không thể theo kịp. Ở An Giang, người dân vẫn tha thiết với nghề nuôi cá, nhưng luôn lo lắng bởi giá cả chưa ổn định và thiếu vốn đầu tư.

Khó khăn càng chồng chất hơn khi mới đây, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang đồng loạt vào vụ tôm mới thì ở một số địa phương xảy ra dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt. Nguồn nguyên liệu chế biến cho các nhà máy xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chúng tôi đã tích cực triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn và hỗ trợ kỹ thuật để người dân phát triển lại diện tích nuôi. Tuy nhiên, trong dài hạn, việc chạy theo để “vá lỗ thủng” như thế này sẽ không còn phù hợp bởi nếu thấy quá bấp bênh, bà con sẽ chuyển sang nuôi trồng các loại cây, con khác. Nếu Nhà nước và các ngành chức năng không đề ra chính sách hỗ trợ cụ thể, tôi e người dân sẽ không còn mặn mà với con tôm, con cá khi cứ nơm nớp tiền bán nông sản không đủ trang trải chi phí nuôi trồng.

ÔNG LÝ VĂN THUẬN, TỔNG THƯ KÝ HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN CÀ MAU:

Cần gắn kết giữa người nuôi với nhau và người nuôi với doanh nghiệp

Để hình thành những vùng chuyên canh tôm tập trung quy mô lớn, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu quanh năm, chúng tôi sẽ tích cực gắn kết bà con nông dân với nhau và nông dân với doanh nghiệp.

Từ nay đến năm 2015, Cà Mau sẽ không xây thêm nhà máy mới mà chỉ tập trung thay đổi trang thiết bị hiện đại, vừa tiết giảm nhiên liệu, vừa tăng công suất chế biến. Trước mắt, từ nay đến cuối năm, cùng với mặt hàng tôm đông lạnh, Cà Mau sẽ đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng và các sản phẩm khác ngoài tôm như mực, cá, bạch tuộc… để tăng doanh thu và tăng việc làm. Phấn đấu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 950 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD so với năm 2010.

Trong Đề án “Nâng cao giá trị gia tăng trong một số ngành hàng nông sản chủ lực” của Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhiều mục tiêu lớn được đặt ra. Đó là: nâng cao GTGT các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu từ 50% hiện nay lên 70% đến năm 2020, tức là mỗi ngành hàng có mức tăng ít nhất 20% GTGT trong 10 năm.

Với lúa gạo, sẽ áp dụng cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa theo hướng bền vững, giảm chi phí sản xuất, chú trọng cả về năng suất và chất lượng; tuân thủ các quy trình công nghệ trong chuỗi sản phẩm từ thu mua, bảo quản… đến lưu thông; đưa tỷ lệ gạo thu hồi lên 68%; giảm tổn thất sau thu hoạch còn 5 – 6%; cải thiện chất lượng gạo XK: tỷ trọng gạo 5 – 10% tấm chiếm 70% sản lượng.

Đối với mặt hàng càphê, sẽ tập trung nâng cao GTGT ở các khâu sản xuất càphê nguyên liệu; đổi mới công nghệ sơ chế; cơ cấu lại sản phẩm phù hợp, tăng tỷ lệ càphê được cấp chứng chỉ (4C, UTZ, RainForest) lên 40% vào 10 năm tới so với 15% hiện nay…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng