Cà phê Việt Nam, vấn đề của một cường quốc: Cái gốc của cà phê – Người trồng

Cách TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) 15 km là thị trấn Ea Pôk, huyện Cư Mgar có buôn Emăp là nơi cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc Êđê, chuyên trồng cà phê. Cả buôn có 393 hộ thì có tới 69 hộ nghèo.

Bài 2: Cái gốc của cà phê – Người trồng

Thu hoạch cà phê ở vùng chuyên canh cà phê huyện Đăk Hà.
Thu hoạch cà phê ở vùng chuyên canh cà phê huyện Đăk Hà.

Phó trưởng buôn A Phan giới thiệu với chúng tôi một hộ khá giả trong buôn là gia đình ông Y Khơn Nul. Đây là hộ vừa trồng cà phê vừa làm dịch vụ nông nghiệp cho các hộ trong buôn. Trên mảnh đất đầu đường khá rộng là căn nhà khang trang kiên cố xây từ năm 1997 hết 180 triệu đồng, lại có cửa hàng mới xây hết 80 triệu đồng bán hàng công nghệ phẩm, thực phẩm và cả vật tư nông nghiệp.

Nhìn vô trong sân chúng tôi thấy có xe công nông, máy xay cà phê, xe máy… rõ là một gia đình nông dân khá giả. Chủ nhà cho biết: Gia đình trồng 2 ha cà phê, năm 2010, thu được 3 tấn cà phê nhân, bán trước Tết thu được 100 triệu đồng. Ngoài ra gia đình còn trồng 8,5 sào cà phê của nông trường giao khoán, thu được 1 tấn cà phê nhân, bán được 40 triệu đồng thời điểm cuối tháng 2/2011.

Nếu theo tính toán của những người chuyên canh cà phê lâu năm, tổng chi phí thường chiếm 70%, như vậy hộ gia đình Y Khơn Nul thu lãi ròng từ cà phê năm 2010 được 42 triệu đồng. Tính bình quân đầu người với 7 nhân khẩu thì thu lãi đầu người từ trồng cà phê chỉ đạt 6 triệu đồng/năm.

Song có một cách tính khác như của Y Prum Nie, Trưởng buôn Pốt A, thì người trồng cà phê lấy công làm lời, chỉ tính chi phí vật tư nông nghiệp, không tính công. Như nhà anh, năm 2010 trồng 1 ha cà phê, thu 2,5 tấn, bán được 90 triệu đồng, trong khi chỉ bỏ ra 20 triệu đồng đầu tư mua dầu bơm nước, phân bón…Vậy nên, qua vài vụ cà phê, anh đã xây một căn nhà kiên cố, khang trang với giá 170 triệu đồng.

Tuy nhiên, người trồng cà phê không phải ai cũng có cuộc sống khá giả như hai điển hình nêu trên. Tại buôn Emăp, chúng tôi tới nhà Ma Khen, người nông dân 49 tuổi này có tới 9 người con mà chỉ có 2.400 m2 đất trồng cà phê. Sau khi chia cho hai con mới lập gia đình làm đất ở, vườn nhà ông chỉ còn 150 cây cà phê, năm 2010, thu được 200 kg trái cà phê.

Ngoài ra ông còn nhận trồng cà phê khoán sản của nông trường 9.000 m2 nhưng chỉ thu được 1.200 kg, bán được 10 triệu đồng. Trả lời câu hỏi vì sao năng suất thấp như vậy, ông nói vì không có tiền mua phân bón và tưới nước. – Với thu nhập như vậy thì cuộc sống thế nào? Tôi hỏi. – Phải đi làm thuê thôi, cả nhà đi làm thuê. – Vậy các cháu có được đi học không? – Trước đi học hết nhưng hiện tại chỉ còn hai đứa đi học thôi vì không có tiền. – Sao không vay vốn ngân hàng để chăm sóc cà phê? – Năm ngoái vay được 9 triệu đồng trả xong rồi, năm nay không dám vay nữa vì sợ trả không nổi…

Tương tự là hoàn cảnh gia đình bà H Run Knul, 50 tuổi, cựu thanh niên xung phong từ 1978 – 1983, cũng có diện tích đất ở và trồng cà phê 2.400 m2. Năm 2010, thu 120 kg cà phê hạt, bán được 4,8 triệu đồng. Năng suất cà phê thấp cũng do không có tiền chăm sóc, để cây “tự nó ra bông, tự nó kết trái”. Gia đình bà có mấy người? – Chồng tôi đã mất, tôi có 4 đứa con. Đứa học lớp 6, đứa học lớp 9, tiền học nhà trường đều miễn cả.

Nhưng con bé H Lul Knul sinh năm 1996 đang học lớp 9 phải bỏ vì không có tiền may áo đồng phục. – Thu nhập từ cà phê ít như vậy thì sống như thế nào? – Đi làm thuê, hái tiêu, cà phê. – Hôm nay sao không đi? – Tôi bệnh cả tuần nay, bị nóng lạnh không đi nổi. – Bà có mua thuốc uống không? – Không, vì không có tiền…

Để tìm hiểu về nghề cà phê và người trồng cà phê ở Đắk Lắk, nơi được xem là “thủ phủ” của cà phê Việt Nam, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk A Ma Phong đã giới thiệu chúng tôi về buôn Emăp, nơi có 100% đồng bào dân tộc tại chỗ trồng cà phê nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhiều gia đình chúng tôi tới đều thiếu vốn và thiếu đất sản xuất.

Khi người trồng cà phê không vay được vốn ngân hàng, nhiều người đành phải ứng vốn, thậm chí cả gạo nữa, của các đại lý và trả theo kiểu bán lúa non. Vì vậy, khi chúng tôi về Buôn Ma Thuột đúng lúc giá cà phê lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua là 46.200 đồng/kg đã rất vui mừng cho bà con nông dân.

Nhưng một cán bộ của Ban Dân tộc đi cùng đã nói rằng, đó là giá giao dịch trên thị trường hiện tại, còn bà con ứng trước vốn thì đã phải trả cho chủ nợ ngay từ đầu mùa bằng sản phẩm với giá được thỏa thuận từ năm ngoái, có khi không bằng 50% giá thị trường hiện nay.

Vốn cho một bộ phận không nhỏ người trồng cà phê đang là vấn đề bức thiết; đặc biệt là với những người nghèo. Do đó, cùng với sự đầu tư của Nhà nước thì các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê, cần phải có chiến lược đầu tư và hỗ trợ cho vùng nguyên liệu.

Đó là việc làm thiết thực chăm lo cho đời sống của người trồng cà phê. Việc Vinacafe Biên Hòa kết hợp với báo Tin Tức (TTXVN) tổ chức hỗ trợ vốn cho đồng bào dân tộc tại chỗ trồng cà phê, nói như Tổng Giám đốc Vinacafe Phạm Quang Vũ, là vừa để tri ân những người trồng cà phê, cũng là để vun bồi cho cái “gốc” cà phê thêm vững bền.

Hy vọng rằng việc làm tiên phong của Vinacafe Biên Hòa sẽ là khởi đầu cho một phong trào doanh nghiệp cà phê hướng về vùng nguyên liệu với những hành động thiết thực, giúp đỡ nông dân, góp phần tạo cho ngành cà phê phát triển bền vững. Đối với người trồng cà phê, một đồng vốn thiết thực hơn ngàn lần những mỹ từ có cánh hay những khái niệm hào nhoáng để đánh bóng một thương hiệu cà phê nào đó mà không mang lại lợi ích thiết thân cho họ.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng