Tan nát Công ty cà phê Đức Lập: Đề nghị khởi tố vụ án

Tình hình tài chính của Cty cà phê Đức Lập ngày càng bê bết, hậu quả không thể khắc phục được là do kết luận thanh tra năm 2005 đã quy phần lớn trách nhiệm sai phạm cho… nguyên nhân khách quan.

> Đắc Nông: Tan nát Cty cà phê Đức Lập

Được nước, nhiều cán bộ trong Cty và người nhà của họ tiếp tục chiếm dụng hàng chục tỉ đồng vốn vay của Cty, trong khi Cty bị các ngân hàng tính lãi nợ quá hạn. Do vậy mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Đắc Nông đã đề nghị xử lý hình sự các sai phạm tại Cty cà phê Đức Lập.

ca-phe-duc-lap-daknong
Trụ sở công ty cà phê Đức Lập

Công ty nghèo, cán bộ giàu

Nếu như năm 2004, chênh lệch nợ phải trả và nợ phải thu của Cty cà phê Đức Lập là 34,5 tỉ đồng thì đến năm 2010 đã tăng lên 43,5 tỉ, chủ yếu do lãi vay ngân hàng phát sinh. Nói các đại lý, cá nhân buôn cà phê chiếm dụng vốn của Cty, nhưng có đến 2/3 số vốn thất thoát đã rơi vào tay cán bộ và người nhà cán bộ của Cty. Trong tổng số 744 tấn cà phê chưa thu hồi được, có đến 565 tấn (tương đương 22,6 tỉ đồng quy giá hiện nay) bị 6 cá nhân có quan hệ “dây mơ rễ má” với Cty chiếm dụng.

Điển hình là bà Phan Thị Trường, vợ ông Đặng Văn Nhàn – nguyên Phó phòng Kế toán tài vụ, hiện là GĐ Xí nghiệp môi trường – còn nợ 231 tấn cà phê và 191,3 triệu đồng. Bà Phan Thị Nho – kế toán Cty – nợ 171 tấn, ông Trương Xuân Hùng – phụ trách điểm thu mua số 1 – nợ 65 tấn v.v…

Trong các biên bản đối chiếu công nợ năm 2010, Cty cà phê Đức Lập lấy sản lượng nợ nhân với giá cà phê năm 2004 (9.742 đồng/kg), trong khi giá cà phê năm 2010 đã tăng gấp 3 – 4 lần. Mặc dù vậy, những cá nhân này vẫn không trả nợ, tiếp tục chiếm dụng vốn của Cty để làm giàu. Bức xúc trước việc vợ chồng ông Đặng Văn Nhàn xây nhà lớn, mua sắm xe hơi trị giá nhiều tỉ đồng mà không trả nợ, mới đây Thanh tra tỉnh Đắc Nông quyết định thu hồi 191,3 triệu đồng vào tài khoản tạm giữ, nhưng cũng mới chỉ thu được 140 triệu đồng.

Điều khó hiểu là trong khi lãnh đạo Cty phải liên tiếp ra tòa do các khoản nợ ngân hàng, thi hành án dân sự luôn “bao vây” các khoản thu nhập ít ỏi của Cty để thu nợ cho ngân hàng thì ban giám đốc Cty lại không nỡ khởi kiện các con nợ của mình. Nghịch lý này khiến nhiều người mơ ước được làm… con nợ của Cty.

“Thuốc” chưa đủ đắng

Tại kết luận thanh tra số 141/KL – TTr ngày 23.6.2005, Thanh tra tỉnh Đắc Nông cho rằng việc thua lỗ, mất vốn tại Cty cà phê Đức Lập có nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó khách quan là chính. Sau kết luận này, có 4 cán bộ trong ban giám đốc Cty bị cảnh cáo về mặt Đảng là nguyên GĐ Trần Công Trí, nguyên Phó GĐ Lê Thanh Mão, nguyên Kế toán trưởng Nguyễn Hồng Minh, Kế toán trưởng Nguyễn Thị Ái Nghĩa và sau nữa ông Trí bị cách chức GĐ. Kết luận này không phản ánh hết tính chất nghiêm trọng của sai phạm, đề xuất các hình thức xử lý chưa tương xứng, là nguyên nhân làm cho hậu quả ngày càng thêm trầm trọng.

Kết luận thanh tra ngày 14.6.2011, Thanh tra tỉnh Đắc Nông nhận định ông Trần Công Trí đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, buông lỏng quản lý, vi phạm nguyên tắc tài chính… Các ông Lê Thanh Mão, Nguyễn Hồng Minh, bà Nguyễn Thị Ái Nghĩa thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, vi phạm nguyên tắc kế toán… Trên cơ sở đó, thanh tra tỉnh đề nghị khởi tố vụ án hình sự, trước mắt khởi tố bị can đối với ông Trần Công Trí để tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cá nhân khác.

>> Công ty Cà phê Đức Lập: Trượt dài trên con đường thua lỗ

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. hoàng long

    Kiểu làm ăn theo kiểu quốc doanh cha chung không ai khóc vỡ nợ là đúng rồi, liên bang Nga rồi đến Trung quốc và các nước đông âu đều thất bại với cách làm ăn theo kiểu hợp tác xã và nông trường. Có một bộ phim nói về hợp tác xã, có một anh nông dân làm công chấm điểm thời hợp tác xã, anh ta vừa dương cái cuốc lên chuẩn bị cuốc xuống, đúng lúc đó có tiếng kẻng nghỉ trưa, lẽ ra anh ta phải cuốc xuống đất rồi nghỉ đành này anh ta đưa cuốc lên vai và nghỉ luôn. Một hình ảnh tuy rất là đơn giản nhưng phân tích thấu đáo thì rất ý nghĩa nó phản ánh được tính cá nhân và cá thể của một con người. Nếu không làm cho bản thân mình thì gần như là họ không bao giờ nhiệt tình, nếu anh ta mà cuốc ruộng của anh ta cho dù người nhà có ra kêu về ăn cơm nhưng anh ta sẽ còn cố làm thêm một tí nữa rồi mới về chứ anh ta sẽ không dương cuốc lên nghe người nhà gọi mà đưa cuôc lên vai luôn, nên các công ty nhà nước làm ăn thua lỗ là phải, vinashin rồi biết bao nông trường và công ty quốc doanh khác đều đi theo vết xe đổ là vỡ nợ và nợ chồng chất.

  2. Bé Hạt Tiêu

    Về bản chất của CNXH là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, khác với CNTB là tư hữu. Theo @hoàng long thì làm ăn theo kiểu quốc doanh – công hữu về TLSX đã và đang sẽ thất bại , đụng đến vấn đề này là đụng đến xương sống của CNXH , Hoàng Long có uống mật gấu không đấy mà dám đụng vào vấn đề cực kỳ nhạy cảm này, gan thật. (VN còn nhiều tập đoàn, TCT, CT, doanh nghiệp quốc doanh đấy bạn ạ)

  3. hoàng long

    Vấn đề ở đây không phải là chính trị mà là vấn đề kinh tế, tôi không đả động về chính trị. Chính Tổng bí thư Đỗ Mười đã đưa ra phương án khoán sản phẩm và cho phép tư hữu hoá sản xuất. Bạn nhầm rồi, chủ nghĩa xã hội và tư hữu hoá sản xuất là thời kỳ quá độ bạn ơi, trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội phải có thời kỳ đó.

  4. hoàng long

    Chính trong kỳ đại hội đảng nhiều đảng viên cũng nêu nên vấn đề các tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ mà. Kinh tế và chính trị hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, tôi chỉ đề cập về kinh tế thôi. Vì tôi thấy ngay trước mắt nhiều công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ, rốt cục nhà nước phải gánh chịu thua lỗ đó. Mà tiền nhà nước thì chính là tiền thuế của nhân dân đóng góp chứ của ai nữa.

  5. cubon

    Ai cũng biết hết, nhất là những người trong cuộc – mối quan hệ cộng sinh dựa vào nhau mà sống. Hãy nhìn kĩ lại xung quanh ta đa số lâm tặc là bạn với gác rừng, CA giao thông thì với lái xe… Nó đến với nhau tự nhiên đúng quy luật, nó sẽ phát triển tốt hơn vì mọi người đều tốt hơn mọi mặt trong mối quan hệ này. Chờ khi có 1 đạo luật mà người ta sợ thì sẽ không làm. Mà ai sẽ làm đạo luật này, ai thực hiện, ai kiểm tra …

Tin đã đăng