Khu công nghiệp… trồng sắn

Việc ồ ạt làm KCN ở khắp 10/11 huyện, thị của tỉnh Đồng Nai dẫn đến nhiều KCN đất bị bỏ hoang, có khu phải cho dân thuê lại trồng sắn (mì).

Đồng Nai là một trong những tỉnh có số lượng khu công nghiệp (KCN) lớn nhất nước, với 30 KCN, có tổng diện tích trên 9.500 ha.

trong-san
KCN Nhơn Trạch 6 đang được cho dân thuê trồng sắn.

Thả bò, trồng sắn

Nhơn Trạch là huyện có nhiều KCN nhất tỉnh Đồng Nai, phần lớn đất nông nghiệp ở địa phương này đã được xây dựng KCN. Tuy nhiên, trong khi những KCN được xây đầu tiên ở đây còn chưa lấp đầy diện tích thì nối tiếp các KCN khác lại ra đời.

KCN mở ra nhiều, nhưng nhà đầu tư đến ít dẫn đến đất mênh mông bát ngát ở nhiều KCN đang bị bỏ hoang hóa. Thay vì các nhà máy mọc lên, tại các KCN ở Nhơn Trạch, đất đang được chủ đầu tư cho thuê đất trồng sắn.

Chạy xe qua hàng chục km đường nội bộ KCN ở Nhơn Trạch, sắn xanh tốt vút tầm mắt. Bà Nguyễn Thị Hai ở xã Long Thọ đang cắt cỏ bên rìa đường KCN Nhơn Trạch 6 cho hay, trước đây gia đình bà có 5 công đất trồng điều, cách đây 4 năm nhà nước thu hồi đất làm KCN, được bồi thường gần 300 triệu, bà chia cho con mua đất làm nhà, phần còn lại mua 4 con bò.

Hàng ngày bà thả bò vào khu đất vườn đã thu hồi, nhưng năm nay đất KCN đã được trồng sắn kín hết diện tích, không còn đất thả bò. Bà Hai nói: “Tình hình này tôi sẽ phải bán bò chứ không đủ sức cắt cỏ, nhưng bán bò rồi thì không biết làm gì kiếm sống”.

Phó chủ tịch UBND xã Long Thọ, Hoàng Thế Vinh, cho biết, xã có trên 1.000 ha đất nông nghiệp thì bị thu hồi gần hết làm KCN, trên 2.000 hộ dân trong xã chỉ còn đất vườn, thổ cư và một ít đất làm hoa màu.

Sau khi nhận tiền đền bù bà con phần lớn mua đất nơi khác, xây nhà ở và chuyển từ nghề nông sang đánh bắt thủy sản trên sông Thị Vải. Trước đây đàn trâu bò của dân trong xã có khoảng 2.000 con, nhưng nay không còn đất chăn thả nên chỉ còn khoảng 90 con.

Ông Vinh thắc mắc đất nông nghiệp trong xã đã được làm KCN gần hết, nhưng đến nay vẫn còn nhiều KCN đang để đất trống như KCN Nhơn Trạch 6 do Cty Tín Nghĩa, Sài Gòn BIL… đầu tư với diện tích khoảng 400 ha, nay không có doanh nghiệp thuê, họ cho dân hợp đồng thuê lại trồng sắn.

KCN Tân Phú (huyện Tân Phú) có diện tích 54 ha cũng do Cty Tín Nghĩa đầu tư xây dựng đã 4 năm nay, nhưng mới chỉ có một công ty vào thuê đất.

Ông Ngô Sĩ Bảng, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, cho biết dự án này đã tạo việc làm cho khoảng 900 lao động tại địa phương. Còn KCN Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc) sau 6 năm hoạt động cũng chỉ có 4 doanh nghiệp vào thuê đất, hàng chục ha nơi đây đang trở thành bãi chăn thả bò của người dân địa phương.

Lãng phí kép

Theo báo cáo, hiện nay tổng diện tích lấp đầy các KCN tại Đồng Nai chỉ đạt trên 60%. Trong khi các KCN ở khu vực thuận lợi vẫn chưa lấp đầy diện tích, thì các các địa phương ở vùng sâu, vùng xa tiếp tục được quy hoạch xây dựng các KCN, như Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Long Khánh, Thống Nhất. Bởi thế, các KCN này hiện rơi vào cảnh ế ẩm.

Ngoài nguyên nhân cung vượt cầu, một số KCN tại các huyện vùng xa như KCN Tân Phú, Xuân Lộc, Định Quán và Long Khánh ít doanh nghiệp đến thuê, do nằm ở vị trí không thuận lợi về giao thông, thiếu các dịch vụ hỗ trợ khác.

Hệ lụy trước mắt là, trong khi dân không có đất sản xuất, thì nhiều KCN đất bỏ hoang hoá. Bản thân doanh nghiệp đầu tư xây dựng KCN thất bát, đầu tư dở dang, tài nguyên đất bị lãng phí.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng