Công ty Cà phê Đức Lập được thành lập trên cơ sở Nông trường Cà phê Đức Lập trước đây. Trong giai đoạn từ 1992-1998, đơn vị luôn làm ăn có lãi và đạt được những kết quả cao trong sản xuất, kinh doanh.
Thế nhưng, từ năm 1999 đến nay, công ty liên tục trượt dài trên con đường thua lỗ, rơi vào tình trạng nợ nần đầm đìa. Giờ đây, công ty chỉ tồn tại một cách lay lắt và cố gắng cầm cự cho qua ngày. Trước tình hình đó, đầu năm 2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh phối hợp với một số cơ quan chức năng tiến hành thanh tra về công tác quản lý tài chính cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Ngày 14-6-2011, Thanh tra tỉnh đã có Kết luận số 48/KL-TTr “Về kết quả thanh tra tại Công ty Cà phê Đức Lập”, trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm của công ty.
Theo kết luận, từ năm 1999 đến nay, ngoài 677 triệu đồng đã được Nhà nước bù lỗ thì công ty còn để thua lỗ gần 30 tỷ đồng. Giai đoạn “bết bát” nhất là từ năm 1999-2004, công ty bị lỗ hơn 28 tỷ đồng. Điều đáng nói, nguyên nhân dẫn đến việc làm ăn thua lỗ lại không phải vì sự biến động thất thường của giá cả cà phê trên thị trường vào thời điểm đó mà phần lớn là do công tác quản lý, điều hành yếu kém, cùng sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của Ban giám đốc công ty.
Cụ thể, do công ty đã quyết toán không chính xác kết quả kinh doanh, hạch toán kế toán không trung thực, nên dẫn đến không kiểm soát được tình hình lời lỗ để có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, năm 1999, công ty chỉ hạch toán bị lỗ là hơn 7,1 tỷ đồng, nhưng trên thực tế số tiền bị lỗ là hơn 15,5 tỷ đồng. Số tiền lỗ hơn 8,3 tỷ đồng còn lại, thay vì đưa vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả năm, công ty lại cố tình hạch toán vào khoản chi phí kinh doanh dang dở để “che mắt” cơ quan chức năng. Mặt khác, trong số hơn 15,5 tỷ đồng bị thua lỗ thì chỉ có hơn 1,7 tỷ đồng bị lỗ do chênh lệch giá cà phê (giá mua cao hơn giá bán); còn lại đều là do công ty chi tiêu lãng phí, buông lỏng quản lý nguồn vốn dẫn đến bị thất thoát.
Điều khó hiểu nữa là cho dù có đến 20 tỷ đồng vốn kinh doanh, nhưng công ty lại chủ yếu sử dụng tiền vay của ngân hàng để tổ chức thu mua và xuất khẩu cà phê. Do đó, ngoài khoản lỗ do hoạt động kinh doanh cà phê không hiệu quả, công ty còn phải gánh thêm khoản trả lãi cho các ngân hàng, nên càng lỗ nặng hơn. Bên cạnh đó, cùng với việc chi mua, ký gửi cà phê không chặt chẽ, công ty còn không có biện pháp thu nợ, buông lỏng quản lý trong chi phí xuất khẩu cà phê… dẫn đến thất thoát nguồn vốn đầu tư hàng tỷ đồng.
Ngoài những sai phạm trên, công ty còn để xảy ra tình trạng chi tiêu hoang phí, sai nguyên tắc, làm thất thoát nguồn tài chính và gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính riêng các năm 1999 và 2000, công ty đã chi hơn 634 triệu đồng (bằng khoảng 10 tấn cà phê vào thời điểm đó) để… tiếp khách. Các khoản chi vô lý, trái với nguyên tắc tài chính như: mua sắm điện thoại di động, trả tiền điện thoại cho cán bộ, bồi dưỡng công tác phí, hỗ trợ thu nợ cho nhân viên… cũng thường xuyên diễn ra tại công ty và làm thất thoát hàng trăm triệu đồng. Mặc dù trong thời gian gần đây, công ty đã có nhiều nỗ lực như đổi mới cơ chế hoạt động, thay đổi nhân sự, chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành, nhưng do thua lỗ quá nặng, cùng với các khoản nợ khổng lồ, nên vẫn không thể thoát khỏi tình trạng bê trễ vốn đã tồn tại từ lâu nay…
Được biết, trước những sai phạm của Ban giám đốc công ty, ngày 14-6-2011, Thanh tra tỉnh đã có công văn đề nghị Công an tỉnh tiến hành điều tra, khởi tố vụ án cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế, thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cà phê Đức Lập; đồng thời khởi tố bị can đối với ông Trần Trí Công, nguyên Giám đốc Công ty Cà phê Đức Lập vì đã có hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Liên quan:
Đọc xong bài này, không biết công ty Đức Lập ở Tỉnh nào của Việt nam… hay nó ở nước khác ?
Công ty cà phê Đức Lập ở Đak Mil, Đak Nông bạn à.
Đúng thật! Thành phố Buôn Ma Thuột mà nhiều người còn chưa biết nó ở đâu chứ huống hồ gì Công ty cà phê Đức Lập bạn Toàn nhỉ!!!
– Theo nội dung bài viết này thì rõ ràng Công ty làm ăn thua lỗ ko những “phần lớn là do công tác quản lý, điều hành yếu kém, cùng sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của Ban giám đốc công ty.” mà các nguồn tài chính của Công ty do cán bộ Công ty xài vào việc riêng và vào túi tư nhân hết rồi.
– Những cán bộ này ko có trình độ, năng lực quản lý, làm việc ko có cái tâm và cái tầm đó là những kẻ “Góp phần” làm nghèo đất nước, làm mất uy tín cán bộ nhà nước ta.
Các đây 3 hôm ông Đường Vina Buôn Ma Thuột có phát biểu trên VTV1, bản tin tài chính buổi sáng rằng, các công ty nội địa cà xuất khẩu nhiều cà phê thì càng lỗ nhiều, hợp đồng XK thì đã ký, không có hàng giao (vì bị các công ty nước ngoài mạnh về vốn đã mua hết rồi) đến ngày xuất hàng phải lo đi mua hàng của chính mấy ông khách ngoại, chịu lỗ to. Tình trạng này nếu không có hướng giải quyết thì 1 vài năm nữa các cty nội địa phá sản hết.
Không có hàng trong tay, chưa mua được hàng, chưa biết bao nhiêu … mà đã ký bán cho khách hàng? Đó là cung cách làm ăn của các nhà xuất khẩu xưa nay. Vì thế quay sang ép bà con nông dân theo giá do mình chỉ định, vậy là kinh tế thị trường…?
Bà con biết cả mà.
Làm ăn theo lối tay không bắt giặt quen rồi, giờ gặp hạn là kêu la oai oái…!
Công ty cà phê Đức Lập ở huyện ĐăkMil Tỉnh Đăk Nông.
Không chỉ công ty cà phê đức lập mà còn rất nhiều công ty cà phê nữa như Công ty cà phê Krông Ana, Công ty KDTH và SX Cà phê Krông Ana, Công ty cà phê EaTul…. Tình hình hiện nay đều làm bị lỗ nặng, Ban giám đốc cty muốn giải thể, phá sản công ty nhưng vẫn không thực hiện được. Phải đợi cơ quan cấp cao hơn giải quyết. Mà cơ quan cấp cao hơn thì bận nhiều việc nên chưa thể giải quyết ngay được. Nên cứ để Công ty trong tình trạng vậy
====> Điều này chỉ có ở VN thôi.
Các Công ty nội địa của ta đang làm ăn theo kiểu “bán cà phê non” í mà… cứ ký hợp đồng trước đã, hàng thì đến mùa sẽ ép giá nông dân thôi. Kiểu đó sẽ có đầy công ty phá sản và có nhiều “đại gia”, giám đốc trở thành … gì nhỉ???
Các vấn đề anh em đang thảo luận chỉ có… bà con nông dân mới để ý tới thôi. Chứ các cấp quản lý còn lo nhiều việc lắm nên khi các doanh nghiệp lỗ chổng vố mới để ý thì việc đã rồi…. Cuối cùng thì người sản xuất trực tiếp thiệt thòi! Chúng ta nên cùng nhau bàn về một tương lai cho chính người sản xuất chăng? cafe thì đứng nhất nhì thế giới nhưng ra thương trường buôn bán thì lại toàn bán cafe non thì lấy đâu còn thương hiệu nữa đây.
Công ty càng lỗ thì Giám đốc càng nhiều Tài sản và tiền bạc. Đại đa số các Nông trường đều như vậy, chỉ có tận dụng được lợi thế đất đai vườn cây khoán, bán, liên doanh liên kết… (Bán vườn cây mà thực chất là bán đất) để trả nợ vào các khoản lỗ.
Đúng vậy, có mấy công ty nhà nước báo cáo lời nhiều đâu. Cty nào cũng báo là lỗ, bởi thế ban giám đốc cty mới có nhà lầu, xe hơi, đất đai vô kể, tài sản kinh khủng. Cty càng lỗ, thì Tài sản của mấy vị càng nhiều. Mà cty lỗ cũng không phải là do quản lý kém đâu, năng lực kém đâu. Cái cớ đồ thừa cho hoàn cảnh đó mà.
Bạn Teppi ơi! sao lại nói “cơ quan cấp cao hơn thì bận nhiều việc,…” Không phải như thế đâu, tôi có người quen làm to lắm nhưng đâu có bận gì đâu, chỉ đạo cho cấp dưới làm hết theo ý riêng của mình, lãnh đạo thì chỉ có ký duyệt hoặc để “ngâm cứu”? chỉ thế thôi. Còn việc họ không giải quyết thì như thế này nè:
1 Họ làm lãnh đạo theo nhiệm kỳ 5 năm, trong thời gian ấy họ phải mất hơn một năm để cũng cố nội bộ, điều chỉnh nhân sự theo ê kip của họ, nếu không thì thằng tây nào chịu nghe theo sự “chỉ đạo” của họ, nhất là các dự án lớn. Khi chuẩn bị hết nhiệm kỳ, ít nhất là một năm họ chỉ ngồi im, ai chửi cũng cười vì còn phải lấy lòng nhau để nhiệm kỳ sau người ta còn bỏ phiếu cho họ. Như vậy trong một nhiệm kỳ thì họ làm việc và chơi chỉ có được tối đa là ba năm thôi, lại còn lo “kinh tế gia đình, lo phòng thủ cho nhiệm kỳ tới hoặc đầu tư tài chính đến nơi khác để sau này còn hưởng khi về hưu”,… thời gian đâu mà họ đi giải quyết cái việc của thiên hạ.
2. Tình trạng “cào dưới dâng trên, hậu quả makeno”, nó là bệnh kinh niên hết thuốc chữa từ lâu rồi mà sao cứ buộc họ phải lo? Nếu họ có tâm lo cho xã hội thì họ đâu có ra tranh cử để làm gì vì nếu có được thì họ cũng bị cô lập rồi ngồi im thôi nếu không muốn rước họa vào thân!
Bạn thấy thực tế có đúng không ạ.
Kính bạn.
Các bạn chỉ được cái nói đúng. Truy nguyên nhân ngồn gốc cốt lõi của vấn đề là thể chế… mà thể chế là do con người đặt ra và đương nhiên là phải có lợi cho cá nhân hoặc nhóm cá nhân – nhóm lợi ích .
Thương cho người lao động chân chính.
@Bé hạt Tiêu uống mật gì vậy?
Nhà em làm công nhân ở công ty này từ năm 88 cơ, thấy cơ khổ là khổ. Năm nào cũng è cổ nộp sản lượng thế mà trên công ty vẫn than lỗ, rồi tăng sản, rồi hạnh hoẹ…
Em nghe công ty có ý định giải thể từ năm 2008, từ hồi ông Trí bị cách chức ấy. Nhưng có ông giám đốc sau về, nghe nói cũng cải cách dữ lắm cơ nhưng mà bình mới rượu cũ cả. Dân vẫn khổ.
Ông nào lên cũng ra vẻ cải cách, thay đổi đủ thứ có vẻ ghê lắm. Nhưng bản chất cũng chỉ là một, chỉ giỏi bóc lột người lao động để lấy tô.
Không biết đến khi nào nhà nước mình mới xem xét cấp đất đai cho nông dân làm ăn thì bà con mới hết khổ? nông dân phải đi làm thuê từ đời này sang đời khác thì làm sao mà hết khổ phải không bà con?
Để có được lô cà phê nhà em phải bỏ ra cả trăm triệu chứ không dưng tự nhiên mà có được à! không bỏ thì lấy đất đâu mà canh tác. Bà con không có tiền rủ nhau đi vào sâu để phá rừng kiếm đất làm rẫy. Bác nào có cách gì để có đất sản xuất chỉ cho nhà em với. Cám ơn các bác nhiều.
Ngồi chơi, phát canh thu tô mà lỗ! đúng là chỉ có “địa chủ kiểu nhà nước”, quái dị!
Buồn làm gì khi cơ chế quản lý nhà nước còn dung túng nguời quen quan quyền quan chức. Sai thì rút kinh nghiệm sửa sai, nặng thì kỷ luật. Vài tỷ đối với Nhà Nước ăn thua gì, vì có ai phải đi tù vì vài tỷ đâu. Mà có truy tố giả sử phải đi tù 5 năm thì ngừoi đó cũng có vài tỷ rồi. So với ngồi tù mà để có tiền tỷ thì ai chẵng thích, nếu tôi lấy được 5 tỷ mà phải đi tù năm năm thì tôi cũng làm ngay.
Bao nhiêu thua lỗ có chủ ý và biết bao công trình xây dựng sai mất gần cả trăm tỷ mà có ai bị sao đâu. Nhưng nếu người dân ăn trộm 5 triệu là đi tù mệt nghỉ luôn.
Hãy thay đổi tư duy và lối sống thôi, đừng coi tất cả là của chùa. Nước mình còn nghèo lắm, vốn vay thì nhiều mà sinh lợi chăng bao nhiêu. Đời mình ăn thì đời con cháu phải trả giá đắt đó các quan ạ.