1. Thị trường thế giới
Giá cà phê trên thị trường thế giới trong những tháng giữa năm 2004 đã được cải thiện đáng kể, đạt ngưỡng cao nhất trong gần 4 năm qua, lên tới 85,55 UScent/lb đối với cà phê arabica và 866 USD/tấn cà phê robusta.
Nhìn vào biểu đồ bên có thể thấy, xu hướng biến động giá quý II ngược với quý I (tăng mạnh vào đầu quý và giảm dần trong những tháng sau). Giá cà phê quý II có chiều hướng tăng cao vào khoảng cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Và tuy không còn giữ được đà tăng trưởng mạnh vào những tuần giao dịch cuối của quý II nhưng giá cà phê của thị trường New York và London cuối quý vẫn cao hơn mức khởi điểm của đầu quý I, 73,1 UScent/lb arabica và 771 USD/tấn robusta ngày 30/6 so với 68,6 UScent/lb và 720 USD/tấn ngày 2/1/04.
Có thể kể đến các nguyên nhân tác động ngược chiều lên giá cà phê thế giới nói chung trong nửa đầu năm 2004 như sau:
Thứ nhất, xuất khẩu của các nước sản xuất chính như Colombia và Braxin trong thời gian này giảm mạnh trong khi lượng dự trữ tại các nước tiêu thụ chính thấp và vụ mùa ở Trung Mỹ đến muộn là những nhân tố tác động tích cực tới thị trường. Từ mùa hè năm ngoái, khối lượng cà phê dự trữ ở Mỹ đã có chiều hướng giảm sút và các thương nhân cho biết, lượng tồn kho ở châu Âu cũng thấp dần.
Theo báo cáo của Tổ chức cà phê quốc tế ICO, tám tháng đầu niên vụ 2003/04 (từ tháng 10/03 đến tháng 5/04), xuất khẩu cà phê của thế giới đạt 57,33 triệu bao, giảm 3,17% so với cùng kỳ niên vụ trước. Trong đó, khối lượng cà phê arabica xuất khẩu giảm 3,57% từ 39,29 triệu bao xuống còn
37,82 triệu bao. Cà phê robusta xuất khẩu còn 19,51 triệu bao, giảm 2,05% từ 19,92 triệu bao tám đầu tháng niên vụ trước.
Thứ hai, thời gian qua thị trường ảnh hưởng rất nhiều từ nhân tố tỷ giá hối đoái. Vào những thời điểm đồng đôla giảm giá, hoạt động mua của các nhà rang xay được đẩy mạnh, các nước xuất khẩu hạn chế nguồn cung, đẩy giá cà phê lên cao. Nhưng khi đồng đôla dần phục hồi trở lại, ảnh hưởng của nhân tố này lại theo chiều ngược lại, làm giá cà phê giảm thấp.
Nhân tố thứ ba có tác động lớn tới thị trường là những thông tin dự báo về sản lượng thu hoạch vụ mới của các nước sản xuất chính. Theo dự kiến không chính thức của các nhà phân tích thì nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới-Braxin sẽ sản xuất được từ 38-44 triệu bao cà phê. Còn dự kiến lần thứ hai của chính phủ hồi tháng 4/04 thì sản lượng niên vụ tới sẽ tăng lên 36,1-10,46 triệu bao so với 28,4 triệu bao của niên vụ 2003/04.
Theo các nguồn tin thương mại, niên vụ 2003/04, sản lượng cà phê của nước sản xuất robusta lớn thứ 2 thế giới Indonesia sẽ tăng khoảng 20% so với niên vụ trước nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và được chăm sóc tốt hơn do sự phục hồi giá trên thị trường thế giới.
Nhân tố tiếp theo có ảnh hưởng mạnh tới thị trường cà phê thế giới nửa cuối tháng 5 và đầu tháng 6/04 là tình hình thời tiết tại Braxin. Lo ngại sẽ có sương giá gây hại cho cây cà phê Braxin niên vụ mới và những trận mưa lớn làm chậm lại công tác thu hoạch, hoạt động mua trên thị trường thế giới được tăng cường, đẩy giá cà phê lên cao và ngành cà phê thế giới dường như phục hồi trở lại từ cuộc khủng hoảng giá kéo dài hơn 4 năm. Viện khí tượng quốc gia Inmet, Braxin thậm chí còn dự đoán mức độ lạnh giá của mùa đông năm nay sánh ngang với mùa đông năm 2000 và 1994. Và kịch bản giá dường như đã lặp lại năm 2000 khi ngày 28/5, giá cà phê arabica đã đạt ngưỡng 85,55 UScent/lb – mức cao nhất kể từ tháng 7/2000 và ngày 11/6/04, giá cà phê robusta tăng lên 866 USD/tấn.
Tuy nhiên, ngoài Braxin, thị trường cà phê thế giới hiện còn chịu sự chi phối của nhiều nước sản xuất lớn khác (như Colombia với sản lượng dự kiến cho niên vụ 2004/05 bằng mức 11,75 triệu bao của niên vụ 2003/04 hay Việt nam…) và không hề có sương giá gây hại đã có tác động ngược trở lại thị trường trong những tuần giao dịch cuối quý II. Thị trường không còn giữ được mức cao như trước mà liên tục suy giảm. Mặc dù sức ép về phía cung
chưa thực sự lớn nhưng diễn biến của thị trường vẫn hết sức ảm đạm vì nhu cầu mua của các nhà rang xay thấp và thị trường tiêu dùng đang trong giai đoạn chững có tính thời vụ do mùa hè đã đến ở bán cầu Bắc.
Cuối cùng, ngoài những nhân tố trên, thị trường cà phê London và New York còn chịu tác động rất nhiều bởi hoạt động mua vào bán ra của các nhà đầu cơ và các quỹ hàng hoá. Do phản ứng nhanh nhạy trước các thông tin về thời tiết, tỷ giá, dự báo, v.v… các nhà đầu cơ và các quỹ luôn thay đổi hành vi mua bán để thu lời hoặc hạn chế thiệt hại.
2. Thị trường trong nước
Theo số liệu thống kê chính thức, kể từ tháng 10/03 đến tháng 6/04, Việt nam đã xuất khẩu được 742.000 tấn cà phê, tăng 41,9% so với 523.000 tấn cùng kỳ niên vụ trước.
Với lượng xuất khẩu trên, chúng ta chỉ còn khoảng 100.000 tấn cà phê trước khi bước vào vụ thu hoạch 2004/05 giữa tháng 10 tới, trong đó khoảng một nửa số cà phê này đã được ký hợp đồng bán.
là 629 USD/tấn, tháng 5/04 đạt 628,7 USD/tấn và tháng 6/04 là 641,2 USD/tấn, đều thấp hơn so với mức tương ứng 685,4 (tháng1), 657 (tháng 2) và 669,1 USD/tấn tháng 3/04.
Tuy nhiên, so với nửa đầu năm ngoái (2003), giá cà phê xuất khẩu trong năm 2004 tăng cao và đều hơn nhờ sự phục hồi của giá thế giới. Tháng 1/04, giá xuất khẩu bình quân là 685,4 USD/tấn và tháng 6/04 là 641,2 USD/tấn, cao hơn mức tương ứng 657,3 và 620,2 USD/tấn năm 2003.
Tại Đắc Lắc, giá thu mua tại cổng trại quý II/04 cũng biến động cùng chiều với giá xuất khẩu, ở mức thấp trong nửa đầu quý và tăng mạnh trong tháng cuối (6/04). Giá bình quân trong tháng 4/04 dao động từ 9.180-9.220 đồng/kg, tháng 5/04 là 9.160-9.200 đồng/kg và tháng 6 là 9.500-9.530 đồng/kg.
Mặc dù phản ứng chậm hơn trước biến động giá thế giới nhưng thị trường cà phê trong nước theo khá sát tình hình thị trường thế giới. Vì thế những nhân tố khiến cho giá trên thị trường thế giới biến động cũng được xem là nhân tố tác động chính tới thị trường cà phê trong nước. Giá thế giới tăng cao trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 5/04 đã giúp giá trong nước nhích lên và cao hơn trong tháng 6.
Do vụ thu hoạch đã kết thúc từ tháng 1 nên lượng cà phê xuất khẩu hiện nay đang giảm dần. Tâm lý thấy giá thấp chưa muốn bán của nông dân khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Indonesia – một trong những đối thủ cạnh tranh chính – đang bước vào thời kỳ thu hoạch rộ nên có nguồn cung giá rẻ từ nước này đã thu hút sự chú ý của các khách mua nước ngoài.
Bên cạnh đó, người nông dân cũng phải chịu thiệt hại đáng kể vì sự tăng giá của phân bón thời gian qua. Tại Đắc Lắc, có thời điểm (đầu tháng 6/04), giá phân urê lên 400.000 đồng/tạ, NPK là 360.000 đồng/tạ. Bình quân mỗi tạ phân tăng gần 100.000 đồng so với đầu năm. Như vậy ước tính chi phí cho phân bón cho mỗi ha cà phê tăng khoảng 2 triệu đồng. Cả nước có tổng diện tích cà phê là 240.000 ha, tính ra người trồng cà phê bị thiệt khoảng 300 tỷ đồng nếu bón đủ định mức.
3. Nhận định
Tuy thị trường cà phê thế giới không còn phụ thuộc hoàn toàn vào nước sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu Braxin song bất kỳ biến động nào về thời tiết, sản lượng, thu hoạch của nước này vẫn đóng vai trò chủ đạo trong các quyết định giao dịch trên thị trường. Vì thế, trong ngắn hạn, khi
nguy cơ sương giá gây hại chưa diễn ra, vụ thu hoạch tuy chậm nhưng đã được đẩy nhanh tiến độ tại Braxin sẽ kìm hãm sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường thế giới. Hơn nữa, trong bối cảnh cầu tiêu dùng bước vào giai đoạn suy giảm có tính thời vụ khi mùa hè đã bắt đầu tại các nước Bắc Mỹ cùng với nguồn cung cà phê vụ mới từ Indonesia, thị trường cà phê sẽ biến động theo chiều hướng giảm.
Không nằm ngoài xu hướng biến động của thị trường thế giới, giá cà phê Việt Nam trong những tháng cuối cùng của niên vụ 2003/04 khó có thể tăng cao. Nguồn cung trong nước không còn nhiều song với chiều hướng suy giảm của giá thế giới và cà phê vụ mới của Indonesia bắt đầu được đưa ra thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn để có thể ký kết các hợp đồng mới cũng như hoàn thành tốt những cam kết trước đây.
4. Kiến nghị
Là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực và phụ thuộc nhiều vào biến động giá thế giới, việc theo sát diễn biến thị trường, có đầy đủ thông tin và đưa ra các quyết định kịp thời, hợp lý được xem là giải pháp đầu tiên nhằm đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Để đầu ra của ngành cà phê thực sự ổn định, cần nỗ lực tập trung vào thị trường trong nước. Chúng ta có thể xem bài học của Braxin, chỉ trong vòng 6-7 năm, tiêu thụ nội địa của nước này đã tăng từ 8 lên 13,5 triệu bao cà phê 60 kg. Vì thế, tuy là nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới, cà phê Braxin vẫn được đánh giá là có khả năng cạnh tranh lớn so với các nước khác.
Do sự giảm sút lượng tiêu thụ bình quân đầu người ở các thị trường truyền thống nên việc mở rộng tiêu thụ ở các thị trường mới nổi càng trở nên cấp thiết. Theo các chuyên gia ngành cà phê, xu hướng biến động lâu dài của giá cà phê trên thị trường thế giới sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ tăng tiêu thụ chứ không chỉ riêng sản lượng thu hoạch ở mỗi vụ. Vì vậy, ICO vẫn khuyến cáo các nước thành viên tiếp tục kiểm soát sản lượng và mức xuất khẩu cũng như tiếp tục chương trình khuyến khích tiêu thụ. Việc ký được hợp đồng xuất khẩu với tổng khối lượng 170.000 bao cho nước láng giềng Trung Quốc được xem như thành công bước đầu cho các doanh nghiệp Việt Nam và đây có thể là hướng đi mới cho ngành cà phê vì Trung Quốc là một trong những thị trường có tiềm năng lớn, cần tiếp tục phát huy.
Mới đây, Câu lạc bộ Xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam (thuộc Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam) đã kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đề án “Sử dụng hợp đồng thị trường kỳ hạn để bảo vệ hàng cà phê tránh dao động về giá”. Thời điểm áp dụng sẽ từ đầu vụ cà phê mới 2004-2005, tức ngày 1/10/2004.Theo phân tích của Chủ tịch câu lạc bộ Vân Thành Huy, giá cà phê tăng giảm thất thường là do điều kiện thời tiết, tình hình sản xuất tại các nước sản xuất cà phê, nhu cầu của các hãng rang xay và nhu cầu xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn…Doanh nghiệp cần phải sử dụng hợp đồng thị trường kỳ hạn để chốt giá bảo vệ giá cà phê nhằm tránh dao động về giá do tác động của các nhân tố trên, hạn chế thua lỗ khi mua bán hàng cà phê nhân do biến động bất ổn của giá. Trong kinh doanh xuất khẩu cà phê nhân hiện nay, doanh nghiệp mới chỉ thực hiện hợp đồng mua bán theo hai phương thức hợp đồng có giá và hợp đồng giá bán chốt sau nên còn có nhiều rủi ro.
Trên hết, phát triển cà phê bền vững vẫn là mục tiêu của ngành cà phê Việt Nam. Tại Hội nghị “Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê và nỗ lưc tiến tới ngành cà phê bền vững” do Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức và Vicofa tổ chức ngày 21/6 vừa qua, chúng ta đã khẳng định việc thực hiện dự án 4C (Common Code for Coffee Community) với các chương trình khác như khuyến khích tiêu dùng trong nước đồng thời mở rộng thị trường nhất là ở những thị trường tiềm năng lớn… là con đường đi của ngành cà phê Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
- Thông tin trên Website Agroviet.gov.vn
- Reuters
- Tạp chí ngoại thương, báo Nông nghiệp Việt Nam, báo Nông thôn ngày nay
- Nguồn tin giá thu thập từ Đắc Lắc theo mô hình do Icard điều phối