Thị trường cà phê: Khó dự báo… (ngày 01/04/2008)

Đã từng lên đến 45.000 đồng/kg, vậy mà bây giờ cà phê chỉ còn 31- 32.000 đồng/kg. Nhiều nông dân ở Tây Nguyên “găm hàng” chờ giá lên cao hơn nữa, nay đang mắc bệnh… đau đầu. Số khác thì cắn răng ngồi chờ một cơn “bão giá” mới…

Hiếm có năm nào, giá cà phê lại “khó tính” như năm nay. Chỉ trong vòng hơn một tháng, giá cà phê lên xuống mấy lần, so với lúc cao điểm nhất thì hiện tại mỗi kg cà phê mất hơn 10 giá. Vì vậy kẻ khóc-người cười là chuyện không lạ đối với người trồng cà phê ở Tây Nguyên lúc này. Nhiều người rơi nước mắt nuối tiếc. Còn theo một số chuyên gia thì việc cà phê lên giá trong thời gian còn lại của niên vụ là khó có thể. Trong khi đó, nhiều người nhanh nhạy hơn, đã bán cà phê ở thời điểm giá cao thì bây giờ lại ngồi cười đắc thắng.

Ở Tây Nguyên, nhiều nông dân trúng đậm khi bán cà phê ở thời điểm giá cao nhất lại nhờ vào cơ chế, nhờ vào sự “may hơn khôn” bởi, ở thời điểm đó, ngân hàng điều tiết lượng tiền ra, lãi suất lại tăng cao nên nhiều hộ phải bán cà phê để tái đầu tư. Trong khi nhiều hộ không cần bán cà phê mà vẫn có tiền chăm sóc vườn cây thì bây giờ lại mất một khoản tiền lớn vì giá cà phê khó có thể lên lại.

Nhiều tư nhân chuyên kinh doanh cà phê cũng cùng chung cảnh ngộ như trên. Xem ra, người làm cà phê ở Tây Nguyên (cả nông dân lẫn không ít doanh nghiệp) vẫn đang hết sức mù mờ, chỉ chờ vào vận may trong khi thị trường cà phê thế giới lại hết sức khắt khe, biến động khôn cùng. Hiện tại, đã có một vài doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê ở Tây Nguyên đang đứng trên bờ vực phá sản vì sự mù mờ này.

Ông Nguyễn Ngọc Đại –Giám đốc Công ty Cà phê Ia Grai nói thẳng: “Tôi không thật giỏi để đủ khả năng phân tích sự biến động của thị trường cà phê thế giới cho từng niên vụ nên đành áp dụng biện pháp “chia 3”. Do vậy mà doanh nghiệp vẫn lướt qua được “ngọn sóng cao” của cơn bão giá”.

Biện pháp “chia 3” của ông Đại là: Bất cứ với giá bao nhiêu, đều bán một phần ba số lượng cà phê của DN ngay từ đầu vụ, số còn lại chia đều cho giữa và cuối vụ. Cụ thể, đầu vụ Công ty Cà phê Ia Grai đã bán 1/3 lượng cà phê của Cty ở thời điểm giá kịch trần nên bây giờ dẫu cho giá cà phê có xuống, DN vẫn không bị lỗ.

Cũng với biện pháp này, Công ty Cà phê Ia Grai khuyên người trồng cà phê trong Công ty và trên địa bàn không nên “ngâm hàng” chờ thời nên nhiều nông dân ở đây đã trúng đậm ngay từ đầu vụ. Ông Hà Văn Khôi (xã Ia Hrung) là một điển hình: Gia đình ông có gần 3 ha cà phê, một ít lúa nước và một vườn cây ăn trái. Lúa nước đủ gạo ăn quanh năm cho gia đình, vườn cây ăn trái đảm bảo nguồn “sinh hoạt phí”. Gần 3 ha cà phê là nguồn tích lũy chính, làm nên một phú nông trong vùng. Tất nhiên, ông Khôi cũng áp dụng biện pháp “chia 3” của Cty Cà phê Ia Grai.

Hỏi về khả năng tăng giá của cà phê cho phần còn lại của niên vụ này và cho cả năm sau, nhiều chuyên gia phân tích giá cả cà phê đều có cùng một quan điểm: Cà phê không thể lên cao hơn giá 30.000 đồng/kg bởi 2 lý do chính: Năm nay Brazin được mùa cà phê (khoảng 50 triệu bao) trong khi năm 2007 chỉ được khoảng 30 triệu bao.

Còn ở Việt Nam, theo quy luật từ nhiều năm nay thì năm tới cà phê sẽ được mùa bởi năm nay ta đã thất thu về số lượng, bên cạnh đó thời tiết trong thời gian vừa qua khá thuận lợi cho cây cà phê khi mà lượng mưa đang rải đều trên toàn vùng Tây Nguyên trong những ngày qua.

Tuy nhiên khi bảo cho nông dân một lời khuyên đối với từng thời điểm, từng niên vụ thì quả là khó. Phần lớn người trồng cà phê đều chưa thật sự đủ hiểu biết để đánh giá, phân tích thị trường cà phê cho mỗi niên vụ, trong khi giá cà phê thì luôn như một tiểu thư đỏng đảnh khó tính; hơn nữa nông dân của ta không nhiều vốn để chủ động trong khâu chăm sóc, tái đầu tư vườn cây nên thường bán cà phê theo nhu cầu kinh tế của mỗi gia đình, thậm chí có nhiều trường hợp phải bán non vườn cà phê (bán khi cà phê chưa đến vụ thu hoạch) để đến khi cà phê được giá lại ngồi hối tiếc.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng