Tin buồn

Bệnh chết nhanh chết chậm của tiêu

Nhằm giúp bà con nhận biết một số bệnh hại thường xảy ra với cây hồ tiêu, Ban Biên tập Y5Cafe sưu tầm những bài viết trên các trang mạng về đề tài này, mong bà con tham khảo để chăm sóc và bảo vệ tốt vườn tiêu của mình.


Bệnh tiêu chết nhanh

a. Tác nhân :

– Do nấm Phytophthora palmivora.

– Nấm P.palmivora có nguồn gốc thủy sinh nên chúng ưa thích và rất cần sự ẩm ướt để sinh sản, phát triển và gây hại. Bệnh phát triển, lây lan mạnh trong mùa mưa, nhiệt độ không khí trên dưới 30ºC.

b. Triệu chứng gây hại :

– Bệnh có thể xâm nhập và gây hại ở tất cả các bộ phận của cây từ thân, lá, hoa, trái cho đến cổ rễ và rễ. Nhưng nguy hiểm nhất và cho cây tiêu bị chết hàng loạt là khi tấn công vào phần cổ rễ và rễ.Triệu chứng là cây tiêu đang tươi tốt thì xuất hiện một ít lá bị vàng úa, sau đó các lá tiếp tục bị vàng, cây tiêu héo rũ rất nhanh, có khi lá héo rũ trên cây đến sáng sớm có thể thấy cây tiêu tươi trở lại do ướt sương vào ban đêm. Sau đó các đốt thân cũng biến màu thâm đen và rụng

– Hiện tượng rụng lá và đốt thường bắt đầu từ ngọn trở xuống. Bệnh xâm nhiễm vào cây tiêu bắt đầu ở vùng cổ (ngang mặt đất) hoặc phần bên dưới mặt đất làm thối cổ rễ và thối đen rễ, sau đó phần hư thối này lan dần lên trên và cây tiêu biểu hiện các triệu chứng đã nêu . Bênh tiến triển rất nhanh từ khi phát hiện thấy lá tiêu hơi rũ xuống cho đến khi lá rụng ào ạt có khi chỉ 5-7 ngày và đến khi tiêu chết hoàn toàn có thể trong vòng 1-2 tuần.

c. Phòng trừ :

– Kết hợp nhiều biện pháp đồng bộ và sớm ngay từ khi thiết kế vườn, chuẩn bị cây giống, bởi vì nếu để đến lúc bệnh đã lan ra mới vội vã mua thuốc về xử lý thì không thể nào cứu chữa kịp.

– Không lấy giống ở những vườn tiêu đã bị bệnh. Chọn giống tiêu có khả năng kháng bệnh tốt (giống Lada Belantung có sức chống chịu cao với bệnh).

– Đất trồng tiêu nên chọn loại đất tơi xốp, đảm bảo ở độ sâu 50-60 cm không bị đọng nước. Thiết kế vườn, đào rãnh để vườn dễ thoát nước khi có mưa.

– Thường xuyên vệ sinh vườn tiêu, làm sạch cỏ dại, cắt bỏ bớt các lá già, các dây lươn ở gốc để cho gốc tiêu thông thoáng.

– Bón nhiều phân hữu cơ ủ hoai (15-20 kg/gốc/năm) và cân đối N,P,K,Ca, Mg.

– Trong khi chăm xóc, làm cỏ, bón phân cố gắng tránh gây những vết thương cho gốc tiêu, rễ tiêu để hạn chế sự xâm nhập của nấm bệnh gây hại.

– Các cây bị nặng cần đào bỏ, nhặt hết rễ tập trung tiêu hủy, rắc vôi 1 kg/hố để diệt mầm bệnh.

– Thường xuyên kiểm tra nhất là vào mùa mưa và đặc biệt ở những vườn đã từng bị bệnh hại trước đây để phòng trừ bằng thuốc Acrobat MZ 90/600 WP:

+ Phun ướt đều tán cây : 20-25 g/bình 8 lít

+ Tưới gốc và vùng cổ rễ : 20-25 g/8 lít nước, đầu mùa mưa tưới 14 ngày/lần, khi mưa già tưới 7 ngày/lần.

Bệnh tiêu chết chậm

a. Tác nhân :

– Do nấm Fusarium sp., nhưng trong nhiều trường hợp là sự kết hợp với các nấm khác như Lasiodiplodia, Pythium, Rhizoctonia cũng làm thối gốc gây hiện tượng chết chậm cây tiêu.

– Nấm tồn tại hàng năm ở trong đất, phát sinh phát triển trong đất bón ít phân hữu cơ, đất chua.

b. Triệu chứng gây hại :

– Cây tiêu có biểu hiện sinh trưởng chậm, lá úa vàng. Lá, hoa, các đốt và trái cũng rụng dần từ dưới gốc lên ngọn, chứ không rụng và héo từ đọt xuống như bệnh chết nhanh. Gốc thân cây bệnh có các vết nâu đen, dần dần vết bệnh lan rộng làm thối lớp vỏ gốc, bó mạch của thân cây hóa nâu. Khi bệnh nặng, toàn bộ gốc và rễ cây tiêu bị thâm đen, hư thối, sau đó cây chết khô.

– Thời gian từ khi có biểu hiện bị bệnh đến khi chết có thể kéo dài cả năm. Bệnh làm chết cả khóm hoặc chỉ chết 1-2 dây.

c. Phòng trừ :
– Áp dụng các biện pháp tổng hợp như bệnh chết nhanh.

– Phun thuốc ngừa nấm bệnh định kỳ một tháng một lần trong mùa mưa, dùng Polyram 80DF pha 40 g/bình 8 lít, phun kỹ toàn cây.

– Tưới gốc 3-4 lít dung dịch thuốc/gốc vào đầu và cuối mùa mưa :

+ Polyram 80DF + Oncol 20EC : 40 g + 40 ml/8 lít nước

+ Ridozeb 72WP + Oncol 20EC : 30 g + 40 ml/8 lít nước

Y5Cafe (St)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. cruiser7485

    Chào các bác. Đối với cây tiêu chỉ có phòng thôi chứ còn chờ bị rồi mới trị thì coi như tiêu luôn. Phun phòng tuy tốn nhưng bảo vệ được vườn cây chứ trị tốn nhiều lần nhưng không ăn thua và cây cũng bị chết. Theo kinh nghiệm của tôi thì các cần lằm nhất là phải để vườn tiêu thông thoáng, đặc biệt là không đọng nước trong gốc tiêu. Ngoài ra tôi đặc biệt chú ý phun phòng và Quy trình như sau:
    Đầu mùa mưa tôi phun Anvil 5SC với liều 30 – 40ml/16 lít, phun khi thấy lá non xuất hiện
    Lần 2 phun Ridomil Gold 68WG 50g/16 lít phun khi tiêu đang ra hoa hoặc mới đậu trái non
    Lần 3 phun Amistar Top 325SC 15 – 20 ml/16 lít vào cao điểm mùa mưa và khi quả lớn
    Lần 4 phun Tilt Super 300EC 10ml/16 lit khi tiêu vào chắc để tăng năng suất.
    Và một lần trước hoặc sau khi mưa dầm tôi tưới Nevo 330EC (2 -3ml) + 5g(Ridomil Gold 68WG ) pha cho 2 lít nước tưới cho một gốc.
    Các bác thấy quy trình của tôi phun nhiều quá phải không. Nhưng qua nhiều năm làm tôi thấy chẳng tốn là bao so với khi để bị bệnh rồi phun. Ví dụ như mấy năm nay nếu tôi đầu tư theo quy trình này thì một trụ tốn khoảng 10,000 VND cho tất cả các lần trên, nhưng bù lại bảo vệ được trụ tiêu và năng suất. Còn nếu để bị rồi mới phun thì tốn khoảng 20 ,000 – 30,000 VND trên gốc nhưng không cứu được cây tiêu. Tiêu chết mất 3-4 năm nữa mới có lại, bình quân 1 trụ là 5 kg, 4 năm là 20 kg, vậy là một trụ mất trắng 20kg nếu không bỏ ra chút ít đầu tư, với giá hiện nay là 100,000 thì mất 2 triệu một trụ. Nếu 1 trụ này mà ta đầu tư theo quy trình trên thì ta chỉ bỏ ra có 10,000 về thuốc BVTV đã đảm bảo được 2 triệu rồi. Quá rẻ phải không các bác. Tôi thì không lo rồi. Chúc các bác thành công.

  2. Gia Lai

    Vườn mình có 1 cây rụng lá rất nhanh, rụng từ ngọn xuống tận gốc chỉ còn lại lá non. Lá bị rụng có màu vàng úa. Theo mình nghĩ bệnh chết nhanh thì không phải, còn chết chậm thì lạ quá vì lá rụng trong thời gian rất nhanh chỉ trong 5-6 ngày. Bà con nào biết hiện tượng trên thuộc bệnh gì? Lây lan có nhanh không? Cách trị nào hiệu quả nhất chỉ giúp mình với. Mình rất lo lắng. Xin cảm ơn nhiều.

  3. trung_tin_727

    Chả biết các bác sao chứ vườn tiêu nhà em toàn thấy lá mà không được mấy chùm quả hết. Không biết năm sau lấy quả đâu mà hái đây nữa.

  4. gialai

    Chào bạn Trung Tin. Vườn tiêu nhà mình bên ô tốt lúc đầu cũng không ra quả, nhưng bữa nay lại bắt đầu ra quả. Dù không nhiều như ô xấu sát bên, bù lại chuỗi dài hơn, mình hy vọng mất mùa ít thôi.
    Theo bạn, có phải do cách chăm sóc vườn không hợp lý? Tiêu tốt quá không chịu ra hoa?

  5. trung_tin_727

    Gửi gialai. Em cũng đang nghĩ đến khả năng đó mà không biết có đúng thế không? Tại vì năm ngoái nhà em cũng bị như thế rồi mà chưa biết nguyên nhân vì sao. Mỗi người đưa ra một ý kiến, em cũng đang rối hết cả đầu óc lên đây.
    Hy vọng sẽ có người chỉ cho em phương án nào đó để cứu vườn tiêu của em, em chán lắm rồi.

  6. GiaLai

    Vườn bạn Trung Tin trồng giống tiêu gì? Đợt chót tưới nước cho tiêu có nhiều không? Mình nghĩ tiêu mình ít quả do tủ gốc kĩ, cào cỏ ủ gốc muộn trong khi trời mưa nhiều đầu mùa mưa… rồi các công đoạn làm không hợp lí như bón phân mùa khô hơi nhiều nên bị ra ít bông, ra nhiều đợt lưa thưa… nói chung là không được như ý .

  7. Nhà nông EaHLeo

    Em ở EaHLeo ĐăkLăk có ít trụ tiêu trồng năm ngoái bị rệp sáp ở gốc em đổ thuốc NOKAP 1 lần rồi mà vẫn ko hết, mong bà con ai biết mách em với em cám ơn trước.

  8. Pdtruws

    Gửi Trung_tin_727
    Tiêu ra lá tốt mà không có hoa có thể do bạn không bón đủ lượng phân lân cần thiết (chất tạo hình) trong khi tỷ lệ phân đạm lại nhiều quá (?). Vườn tiêu mình cũng từng bị như thế, do năm đó mình quên bón thêm phân lân đầu mùa mưa. Năm sau, rút kinh nghiệm mình bón đạm trước, sau một tuần mình bón lân (loại nung chảy tan nhanh) cây tiêu lại ra nhiều hoa.

  9. trung_tin_727

    Báo cáo các bác là em trồng giống Vĩnh Linh em ngưng tưới từ khoảng giữa tháng 3 rồi mà. Nhưng cũng có thế là em tưới nhiều thật, vì em tưới đợt nào là ra đợt đó luôn, tại em nghĩ là no nước thì quả tiêu sẽ nặng lạng-đạt thành ấy mà.

  10. gialai

    Thường thì giống Vĩnh Linh gần mưa tưới nước ít thôi. Có vườn còn để hạn 1 thời gian hợp lí (tùy vườn). Phần lớn bà con cho rằng giống Vĩnh Linh năm được năm mất, theo mình thấy thì phân bón hợp lí + thời tiết thuận lợi Vĩnh Linh vẫn ra quả đều liên tiếp 2 năm.
    Giống tiêu mình trồng năm thứ 4 mới cho quả. Dân ở đây gọi là tiêu In-đô. Mùa khô mà thiếu nước 1 tí là teo hạt, rụng cả quả lẫn lá, đốt. Thế nhưng có người gọi là Vĩnh Linh ghép. Nếu so sánh 2 giống thì có sự khác biệt rõ ràng. Vậy bà con nào biết đó là giống tiêu gì xin chỉ giúp. Xin cảm ơn.

  11. trung_tin_727

    Trồng tiêu trên cây hông có hiệu quả không vậy bà con? Bác nào có kinh nghiệm về trồng tiêu trên nọc sống thì chỉ cho em với nhé. Em đang quan tâm đến trồng tiêu lươn trên cây hông để giảm chi phí đầu vào mà không biết có hiệu quả không?

    1. TRUONG VAN HAI

      Trồng tiêu trên nọc sống (cây vông) có ưu điểm : đầu tư nọc rẻ dễ kiếm, mùa khô có khả năng che mát ,lượng nước tưới ít hơn,
      Nhược điểm : Tiêu dễ nhiễm bệnh từ nọc vông, (phải phòng trừ bệnh liên tục), đầu tư phân bón nhiều hơn (do nuôi cây nọc), hàng năm phải tỉa thoáng nọc từ 2 -3 lần.
      * Nếu khả năng kinh tế của bạn khó khăn thì nên trồng nọc sống (cây vông). Bạn đào hố 70cm x 70cm xử lí vôi bột 1kg/hố. Cắm nọc xuống đáy hố sau đó cho xác thực vật đầy hố để hoai mục . Trồng nọc khoảng 1 năm sau bạn mới thả dây tiêu xuống (phân chuồng ủ hoai 5kg/hố, dây tiêu cách mặt đất 20cm lưu ý không được đọng nước) lúc này cây vông đã đủ độ che mát. Chúc bạn trồng tiêu thành công.

  12. trung_tin_727

    Xin lỗi bác truong van hai, em hỏi về cây hông chứ không phải cây vông đâu bác ạ! Nghe nói dân Đăk Mil, Đăk Song ở Đăk Nông trồng cây hông làm nọc tiêu nhiều lắm mà, em cũng muốn làm theo nhưng ngặt nỗi chưa ai chỉ cho. Vậy ai co kiến thức về lĩnh vực này thì chỉ cho em với nhé.

  13. tô dình cương

    Chào bạn Trung Tin minh ở Ia Krai, Ia Grai, Gia Lai. Mình thấy xu hướng trồng tiêu trên trụ sống là rất nhiều, như cây soan, muồng đen, gạo vv… theo mình thấy cây vông có nhược điểm là chậm lớn lắm! mà cây lại không được cao nữa…

  14. tieuphong

    Chào các bạn, xem các bạn thảo luận thật thú vị. Các bạn ở Gia Lai chưa làm quen cách trồng tiêu trên cây trụ sống, riêng vùng Đồng Nai gần như hoàn toàn trồng tiêu trên cây trụ sống. Sẽ là một sai lầm lớn nếu các bạn dùng cây vông làm trụ tiêu . Tôi nhớ cách đây khoảng 10 năm, nông dân ờ Đồng Nai điêu đứng vì trụ vông, vì sao ? Trụ vông bị một loài sâu đục thân (như loài sâu đục thân trên cây điều) và phát triển thành dịch. Các bạn hình dung thử xem ,trụ tiêu cao từ 7-8m chết đứng, gãy đổ . Trụ tiêu sống tốt nhất bây giờ theo tôi là: cây lồng mức, xoan đào, cóc, tầm duộc, sản (cây keo), anh đào rừng … Anh đào có ưu điểm là rễ tiêu rất dễ bám, mau lớn nhưng hay bị chết cành. Riêng về phòng trừ sâu bệnh, tôi ngạc nhiên không thấy các bạn đề cập tới men nấm trichoderma (nấm đối kháng) tôi đã sử dụng từ lâu lắm rồi .
    Xin lỗi, tôi có chút việc phài làm, hẹn gặp lại. Chào thân ái, đoàn kết.

    1. minhphuc

      Bà con chúng ta nên hạn chế sử dụng hóa học và chuyển dần sang sử dụng sinh học theo thông tư 56 của Bộ Nông nghiệp đã khuyến cáo… Nếu nông sản của chúng ta chứa hàm lượng độc tố quá cao thì sẽ không bán ra thị trường nước ngoài được mà chỉ bán được ở trong nước. Nếu chúng ta sử dụng phân thuốc sinh học thì mới đạt yêu cầu mong muốn.

  15. trung_tin_727

    ồh, ý mình muốn trồng trên trụ sống là cây hông (Paulownia) cơ mà, chứ không phải cây vông đâu. Nghe nói loại cây này bây giờ đang rất hot để làm trụ tiêu mà, ở viện Ea-Kmat có bán giống đó, nhưng mình chưa biết hiệu quả thế nào.

  16. chuotdong

    Thân gửi Trung Tín.
    Cô trồng cây hông làm nọc tiêu mới năm ngoái.
    – Ưu điểm:
    Sức sống mãnh liệt, mau lớn kinh người, có thể thả tiêu vào cùng lúc khi trồng cây này.
    -Nhược điểm:
    mau lớn quá, trải qua hai mùa mưa cây bằng cột nhà.
    Từ nhà cháu sang rẫy cô chẳng xa là bao, cháu ghé xem sẽ quyết định là sáng suốt nhất.
    Có cây cô thả tiêu trước chục ngày mới trồng nọc nay tiêu bò khoảng vài mét rồi còn nọc cao 7-8 mét gì đó. Đa phần nọc trồng năm ngoái nay mới xuống tiêu. Một số ít giống tiêu bị chết năm sau mới trồng dặm vào nọc lớn như thổi thế này quả là sợ thật.

  17. trần phong

    Chị chuotdong ơi! Chị có biết hạt giống cây hông bán ở đâu thế? Chỉ cho em biết với. Chân thành cảm ơn, 0905-703-123

  18. quang tuấn

    Chào mọi người. Mình ở eahleo, mọi người cho mình hỏi chút bây giờ mình muốn mua nấm trichoderma thì mua ở đâu. Mình chưa sử dụng sản phẩm này bao giờ nên cũng không biết. Mong moị người chỉ giúp. Xin cảm ơn mọi người trước nha?

  19. nguyen thi thuy

    Chao moi nguoi moi ng cho minh hoi vuon tieu nhs minh bi rung la tu goc lam dan len ngon rung het lop la nay moc la moi song lai rung cu nhu the cung duoc 1 nam roi cay tieu van phat trien ngon van map co ai biet la benh gi thi mach minh voi ca cach dieu chi nua nhe xin cam on
    Để phản hồi được hiển thị, vui lòng viết tiếng Việt có dấu. BQT

  20. trần đại lâm

    Cháu chào các bác,cô,chú,anh,chị…hiện tại nhà cháu có trồng 300 tiêu vĩnh linh,năm nay thu bói nhưng tiêu ra bông ít , tuy nhà đã bón phân hai lần,lần đầu phân bò hoai mục, lần 2 phân tổng hợp gồm đạm,lân,npk. Xin các bác tư vấn giúp cách nào cho tiêu ra bông nhiều.xon cháu xin cảm ơn

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85