Phát triển cây ca cao Việt Nam: Cần đẩy mạnh giải pháp kỹ thuật

Hội nghị thường kỳ lần thứ 1-2011 của Ban điều phối phát triển ca cao VN (VCC) diễn ra vào cuối tuần qua tại TP.HCM tập trung củng cố tổ chức, phát triển nguồn nhân lực, quy chế của VCC; đặc biệt giải pháp kỹ thuật cho ca cao vẫn được xác định là nhiệm vụ hàng đầu…


Theo VCC, tính đến tháng 6/2011 tổng diện tích ca cao cả nước đạt khoảng 20.589 ha, tăng 4.404 ha so với năm 2010; trong đó có khoảng 7.000 ha ca cao đang cho thu hoạch, với năng suất bình quân 0,7 tấn/ha, sản lượng đạt 4.873 tấn hạt.

Ca cao phần lớn được trồng xen trong các vườn dừa, vườn cây ăn trái ở vùng ĐBSCL và trồng trong các vườn cây công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Ca cao là loại cây trồng không quá khắt khe về kỹ thuật chăm sóc, cho trái nhanh, năng suất ổn định; đặc biệt có thể phát triển thích hợp trên nhiều loại đất, nhiều vùng sinh thái khác nhau ở phía Nam. Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành nông nghiệp, diện tích ca cao trồng mới ở các địa phương hiện vẫn gặp không ít khó khăn do đến nay vẫn chưa có đề án quy hoạch phát triển ca cao cụ thể.

Nhiều mô hình sản xuất ca cao còn manh mún, không tập trung, nông dân thiếu kiến thức KHKT, thiếu vốn đầu tư vào chăm sóc ca cao khiến tỉ lệ ca cao trồng mới bị chết nhiều. Năm 2008, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt đề án Phát triển cây ca cao đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng.

Mục tiêu của đề án đến năm 2015, diện tích ca cao cả nước sẽ đạt 60.000 ha và nâng lên 80.000 ha vào năm 2020; trong đó có 35.000 ha kinh doanh, năng suất bình quân 15 tạ/ha, sản lượng hạt khô 52.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 50 – 60 triệu USD. Tuy nhiên, thực tế tốc độ tăng trưởng diện tích và sản lượng ca cao hiện vẫn còn chậm, nhiều nơi nông dân vẫn còn nghi ngờ vào khả năng mang lại hiệu quả kinh tế của loại cây này.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Ban VCC cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do các địa phương còn trông chờ vào sự hỗ trợ đầu tư của các chương trình, dự án ở một số địa phương và các tổ chức nước ngoài. Hơn nữa, đến nay vẫn còn nhiều địa phương trồng ca cao cũng chưa có kế hoạch và chỉ tiêu diện tích cụ thể.

Giải pháp đặt ra, theo đại diện của Tổ chức ACDI/VOCA, ngoài việc duy trì ổn định chất lượng ca cao VN thì cần phải đẩy mạnh hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trên diện rộng. Đồng thời, chú trọng hơn nữa đến năng lực sơ chế ca cao, vì thực tế ở các địa phương không có đủ sân, giàn phơi ca cao, do vậy người dân để ủ ca cao dễ bị thối đen làm ảnh hưởng đến chất lượng ca cao lên men.

Ông Tống Khiêm, Trưởng Ban VCC nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần tiến hành rà soát lại quy hoạch phát triển diện tích trồng ca cao đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; không nên đặt mục tiêu mở rộng diện tích bằng mọi giá mà nên chú trọng thâm canh tăng năng suất, trồng xen canh; tiếp tục nghiên cứu, lai tạo giống mới, tăng cường công tác quản lý giống và chất lượng sản phẩm.

Theo: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cư Bao

    Bà con nào đã trồng ca cao xin cho biết cụ thể về sản lượng thu được ở vùng mình để mọi người cùng tham khảo. Xin cám ơn

Tin đã đăng