Anh Nguyễn Văn Dụ, công tác tại Sở NN – PTNT Gia Lai do sự say mê tìm tòi học hỏi, tự nghiên cứu, đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc trồng cà phê sạch, chi phí thấp nhưng cho năng suất, hiệu quả kinh tế rất cao. Hiện tại, vườn cà phê của anh cho năng suất 25 tấn quả tươi/ha, với chi phí tổng cộng hết khoảng 25 triệu đồng/ha/năm. Như giá cả hiện nay, mỗi năm anh thu lời được khoảng hơn 70 triệu đồng/ha.
Qua thực tiễn vườn cây của anh Dụ có thể rút ra 1 số biện pháp canh tác hợp lý sau:
– Về cây giống, từ lúc trồng mới, phải biết chú trọng chọn bộ giống tốt. Trong quá trình canh tác, phải thường xuyên áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về cắt tỉa cành, đốn tạo hình kịp thời và đúng yêu cầu kỹ thuật, tạo cho cây cà phê có bộ tán phát triển đều, khỏe, cân đối và thông thoáng. Ngoài ra, hàng năm, phải tự chọn lọc, ghép chồi để loại bỏ những cây có quả nhỏ, cây bị bệnh rỉ sắt, cây có chùm quả dai khó thu hái… Nguồn chồi ghép có thể chọn những cây ‘hoa hậu’ ngay trong vườn. Kỹ thuật tạo hình, tạo tán, ghép chồi cà phê cần phải điêu luyện như tay nghề của các nghệ nhân cây cảnh.
– Về phòng trị bệnh, hoàn toàn áp dụng các biện pháp sinh học, không cần đến các loại thuốc trừ sâu bệnh. Đối với những cây bị nhiễm bệnh rỉ sắt, cần phải tiến hành ghép chồi của cây khỏe mạnh sạch bệnh. Đối với các loại bệnh khô cành, rụng quả, cần cung cấp đủ dinh dưỡng, khoáng vi đa lượng; tạo cành, tạo tán đều, khỏe mạnh, đủ ánh sáng. Đối với các loại bệnh rầy rệp, theo anh Dụ, nguyên nhân lây truyền là do kiến. Đầu tiên các loại rệp hút nhựa cây, tạo ra đường mật. Các loại kiến sẽ ký sinh ăn đường của rệp, nhờ vậy đưa trứng rệp phát tán khắp vườn cây. Tiếp đến, lượng đường thừa của rệp là vùng đất màu mỡ phát sinh các loại muội đen, làm hạn chế khả năng quang hợp của cây. Để diệt rệp hiệu quả, chỉ cần bẫy hết kiến trong vườn theo phương pháp sau: Xay 05 – 1 kg mỡ lợn sống (hoặc rán mỡ nước để cho đông lại), trộn đều với 1 gói Regent 1,6 g, dùng bôi lên gốc cà phê. Kiến ăn mỡ có thuốc sẽ chết. Đây là biện pháp rất hữu hiệu để diệt kiến, trừ rệp đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các công đoạn chăm sóc thu hoạch cà phê không bị các loại kiến tấn công.
– Đặc biệt về khâu bón phân, nếu làm tốt sẽ vừa hạ được giá thành, vừa cho năng suất cao. Theo kinh nghiệm của anh Dụ thì cần lấy điểm xuất phát là 2 tấn cà phê nhân/ha. Với mức này, cần 180 kg đạm nguyên (400 kg urê), 180 kg ka li (K2O), 120 kg lân nguyên chất (P2O5). Cứ tăng 1 tấn cà phê nhân, cần 70 kg đạm, 90 kg ka li, 20 kg lân. Việc bón lân nên dùng phân nung chảy Văn Điển, vì vừa bổ sung được vôi, vừa có nhiều vi lượng như Mangan, đồng, kẽm, Bo… Việc bón đạm nên dùng 1 lượng đạm sun phát (SA) vào đầu năm để cung cấp đa lượng lưu huỳnh cho cây. Lượng SA bón tối thiểu là 200 kg, tối đa là 400 kg/1ha. Phần nhu cầu đạm còn lại cân đối bằng urê.
Lượng phân hữu cơ có thể bón phân bò, lợn hoặc chỉ ép xanh, và bón trấu cà phê. Có thể bón hoàn toàn bằng vỏ trấu cà phê theo phương pháp sau: Dùng 60 m3 vỏ trấu cà phê cho 1 ha. Trấu cà phê tập kết về chất thành đống, dùng nước tưới ướt đẫm cho lên men phân hủy và diệt mầm bệnh trong thời gian nửa tháng, sau đó dùng bón trực tiếp cho cây (cũng có thể đợi trời mưa ướt, chất đống lên men).
Ngoài ra khi cắt cành tạo tán, cần cắt nhỏ cành cà phê loại thải thành những đoạn 20 cm, rải đều vào bồn gốc cây. Cành, lá cà phê sẽ mục dần, vừa bổ sung dinh dưỡng cho cây, vừa tạo sự thông thoáng, xốp đất, lại chống cỏ dại rất tốt. Hai đến ba năm, cần bón vôi 1 lần với lượng 500 kg/ha.