Trồng cần sa tràn lan trong rẫy cà phê

Các tỉnh Đak Lak và Đak Nông liên tiếp phát hiện nhiều diện tích cây cần sa trồng xen trong rẫy cà phê hoặc trong những khu rừng vắng

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và hám lợi, nhiều “đầu nậu” đã dụ dỗ, lôi kéo một số người dân trồng cần sa. Trong số những người trồng, có người biết rõ đó là cây cần sa nhưng vẫn trồng, nhưng cũng có người khi lực lượng chức năng tới lập biên bản mới biết đó là cây cần sa.

Nhưng dù biết hay không thì những người này đang tích cực tiếp tay cho những kẻ buôn bán loại cây chết người này.

Tưởng cây thuốc chữa bệnh hay giả vờ không biết?

Công an huyện Đak R’lấp, tỉnh Đak Nông ngày 30-11-2010, đã phát hiện tại rẫy của các hộ gia đình ông Vũ Văn Hải (SN 1981) và bà Phùng Thị Thoi (SN 1954), cùng ở thôn Quảng Bình, xã Nghĩa Thắng, huyện Đak R’lấp trồng hơn 600 cây cần sa sắp thu hoạch và hơn 6.000 cây giống được ươm trong bầu chuẩn bị mang đi trồng.

Tại cơ quan công an, bà Thoi cho rằng mình không biết đây là cây cần sa. Bà trồng cây này theo lời hướng dẫn của một người lạ nói đây là cây thuốc chữa bệnh ung thư. Người này còn cho biết nếu bà trồng rồi thu hoạch luôn thì sẽ đến mua với giá cao.

cây cần sa
Số cây cần sa được cơ quan chức năng thu giữ

Trước đó, ngày 27-8-2010, Công an huyện Đak R’lấp cũng đã phát hiện và thu giữ tại vườn cà phê của các hộ Bùi Thị Sen (SN 1958), Nguyễn Đức Bình (SN 1955) và Trần Thị Huế (SN 1961) cùng trú thôn 17, xã Nhân Cơ, trồng hơn 1.000 cây cần sa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch.

Khi được hỏi, bà Sen cho biết: “Trong một lần đi khám bệnh tại TPHCM, tôi được một người đàn ông cho bịch hạt giống và nói đó là cây cao ích mẫu, là một loại cây thuốc rất quý và hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, đến kỳ thu hoạch sẽ đến mua với giá 150.000 đồng/cây”.

Bên cạnh đó còn có những hộ dân trồng cần sa với số lượng ít để cho gia súc ăn. Ngày 27-4-2011, Công an TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak đã phát hiện và thu giữ hàng chục cây cần sa có chiều cao hơn 1 m tại vườn nhà ông Dương Minh Thảo (SN 1937, trú tổ dân phố 9, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột).

Ông Thảo khai nhận: “Được một người quen giới thiệu loại cây này cho gia súc ăn sẽ lớn nhanh nên trồng với mục đích làm thức ăn cho gia súc”.

Tổ chức chuyên nghiệp quy mô lớn

Theo Công an tỉnh Đak Lak, tình trạng trồng cây cần sa trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây đã xuất hiện ở nhiều nơi như ở huyện Krông Ana, Krông Pắk, Buôn Đôn, TP Buôn Ma Thuột…

Thống kê của Cơ quan CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đak Nông cho thấy từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 10 vụ trồng, sản xuất và tiêu thụ cây cần sa với diện tích lên tới hàng chục hecta, thu giữ hơn 10 tấn cây cần sa tươi và khô. Trong đó, có nhiều vụ được tổ chức theo đường dây chuyên nghiệp với quy mô sản xuất và tiêu thụ lớn.

Mới đây, Công an huyện Đak Mil, tỉnh Đak Nông đã triệt phá đường dây sản xuất và tiêu thụ cần sa quy mô lớn. Mười đối tượng đã bị bắt và bị truy tố trước pháp luật. Nguyễn Văn Chương (SN 1980, trú huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc), đối tượng cầm đầu đường dây này đã phải nhận mức án 20 năm tù giam.

Tại tòa, Chương khai nhận trong một thời gian dài đã dụ dỗ, lôi kéo hàng chục hộ dân ở thôn 2, xã Đak Rla, huyện Đak Mil trồng cần sa trên 3 ha rẫy của mình và đã đem ra thị trường tiêu thụ được hơn 1 tấn cây cần sa khô.

Khó phát hiện vì cây cần sa giống cây thanh hao

Theo thượng tá Phạm Sơn, Phó trưởng Công an huyện Đak R’lấp – Đak Nông, rất khó phát hiện khi người dân vừa trồng cây cần sa. Bởi nhiều nơi người dân không biết cây cần sa là gì. Vì vậy, đã có trường hợp cây cần sa được các đối tượng trồng hàng năm trời nhưng vẫn không bị phát hiện. Trong khi đó, các chủ rẫy lại cho rằng đó là cây thuốc quý, vì bề ngoài cây cần sa giống như cây thanh hao (một loại cây thuốc trong y học) nên những người sống xung quanh khó phân biệt để báo lên cơ quan chức năng.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

    1. Bùi Hằng

      Nếu mà họ có suy nghĩ thì họ đã không làm rồi bạn à.
      Có nhiều người cứ ham giàu cho lẹ, kiếm tiền trên nỗi bất hạnh của người khác.

  1. leminh

    Không thể có chuyện người trồng không biết là cây cần sa, điều này quá vô lí! Yêu cầu cơ quan chấp pháp xử lí nghiêm minh những tên dụ dỗ lôi kéo nông dân, đồng thời chính quyền địa phương tổ chức truyền thông để nhân dân nhận dạng cây cần sa và tác hại của nó để những người có ý định làm giàu bằng con đường bất nhân này không còn lí do để biện minh cho việc làm thất đức của mình.

    1. nông dân daklak

      Bạn leminh trích “không thể có chuyện người trồng không biết là cây cần sa, điều này quá vô lí!” Nói thực với bạn mình cũng chưa thấy cái cây cần sa ra sao nữa. Nếu có thằng cha căng chú kiết nào đưa giống và hợp đồng với mình mà thu mua một cây tới 150.000 (có ứng trước cho mình tiền) thì chắc mình cũng trồng thiệt chứ chẳng chơi… Mình thấy hình như sợ “vẽ đường cho hươu chạy” mà các cơ quan truyền thông không cung cấp hình ảnh, đặc điểm của cây cần sa.

  2. lê tâm

    Theo tôi đã đến lúc nhà nước nên ban pháp lệnh và có luật xử thật nặng những người trồng loại cây giết người này không thể vin vào câu không biết. Theo tôi biết ở Úc người ta làm rất nghiêm chuyện này, hàng ngày có máy bay đi dò thám ở các trang trại nếu phát hiện thì họ xử rất nặng. Tỉnh ta đất rộng rất khó kiểm soát nên chăng có đường dây nóng, ai báo ở đâu có trồng cây độc hại này sẽ có thưởng.

  3. Hoài Bão

    Có khi ko biết thiệt đó bà con à, vì chưa bao giờ thấy mà người khác lại nói là cây thuốc thì vội trồng ngay để may ra còn chữa bệnh, thậm chí còn chia cho họ hàng làng xóm cùng trồng nữa. Người có tội là mấy người phát tán loại cây đó, các cơ quan chức năng phải vào cuộc tuyên truyền và cho người dân thấy tận mắt cây đó mới tránh được. Như bản thân tôi đây nếu có nhìn thấy thì cũng có biết là cây đó đâu. Thiện tai! Thiện tai! cái ác cứ rình rập xung quanh ta.

  4. bò tót đực

    Công an triệt phá sớm là đáng mừng cho những người trồng và cũng không làm phức tạp thêm vấn đề, coi như một cảnh cáo với những người tham gia. Nếu để có thu hoạch cần sa thì không biết bao người phải chịu cảnh tù đày không đáng có, nếu lượng hàng được tẩu thoát thì không biết bao người sẽ bị hại, hệ lụy tiếp theo sẽ thật đau lòng. Những người cố ý trồng những thứ này thật là vô lương tâm, bất nhân quá. Tại sao họ lại chỉ vì chút lợi nhuận nhỏ nhất thời ấy mà bất chấp hậu họa cho xã hội?

Tin đã đăng