Để cà phê Lâm Đồng thực sự trở thành thương hiệu

Trong những năm vừa qua, việc phát triển cà phê ở Lâm Đồng đã thu được những thành quả quan trọng, góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập đời sống cho người nông dân và các cơ sở kinh doanh – chế biến cà phê.

Tuy nhiên, cà phê Lâm Đồng vẫn chưa có được sự ổn định và vẫn đang phải loay hoay đi tìm thương hiệu thực sự.

Toàn tỉnh hiện nay có trên 135.500 ha cà phê và là loại cây trồng có ảnh hưởng lớn trong giá trị sản xuất nông nghiệp, chiếm gần 60%.

Vườn cà phê ở Lâm Đồng

Tuy nhiên trong tổng số diện tích cà phê hiện có thì cây cà phê Robusta (chiếm đến 90%), còn lại là Arabica. Phần lớn diện tích cà phê (đã già cỗi) trồng từ trước những năm 1990, nguồn giống trồng hoàn toàn bằng cây thực sinh lấy hạt từ những vườn sản xuất không được chọn lọc kỹ, do vậy hầu hết các vườn cà phê không có tính đồng nhất về hình thái, khác nhau về kích cỡ, dạng lá, độ phân cành và chất lượng hạt.

Do độ đồng đều thấp nên quả chín không tập trung, gây khó khăn cho việc thu hoạch cũng như trọng lượng và chất lượng hạt không đồng đều. Đây cũng chính là nguyên nhân hạn chế khi tiêu thụ sản phẩm cà phê trên thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi phục vụ thâm canh mới chỉ đáp ứng được 40% diện tích; kỹ thuật thu hái, bảo quản, phơi sấy không đạt yêu cầu nên chất lượng nhân không cao. Ngoài những yếu tố kỹ thuật trong khâu giống, chăm sóc, trồng trọt và chế biến thì việc chậm hình thành các vùng sản xuất cà phê chất lượng cao, sản xuất cà phê bền vững, sản phẩm cà phê có chứng nhận Utz, 4C…; chất lượng phân bón giả, kém chất lượng không được kiểm soát chặt chẽ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của cây cà phê. Và một yếu tố nữa đó là cho đến nay, dịch hại cà phê cũng chưa được kiểm soát và phòng trừ kịp thời.

Để cà phê thực sự trở thành một sản phẩm có thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, trong thời gian qua đã có nhiều các cuộc hội thảo, hội nghị, diễn đàn cũng như giải pháp được các cơ quan hữu trách đưa ra nhằm định hướng cho lộ trình phát triển của cà phê Lâm Đồng.

Những yếu tố và biện pháp được bàn tới nhiều nhất là trong thời gian tới, cần phải tiếp tục khuyến khích phát triển cà phê chè (Catimor) ở những vùng thích nghi và phù hợp như Đà Lạt, Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Hà; mở rộng diện tích cà phê chè đạt 15% trong năm 2010 và 20% vào năm 2020 trong tổng số diện tích cà phê.

Đẩy mạnh việc thâm canh, ứng dụng đối với các dòng cà phê Robusta chọn lọc vô tính năng suất cao, phẩm chất tốt để ghép cải tạo và trồng lại trên những diện tích cũ. Xây dựng các vùng cà phê có chứng nhận Utz, 4C, tiến tới xây dựng thương hiệu cà phê Lâm Đồng.

Chú trọng công tác chuyển giao, ứng dụng kỹ thuật, phấn đấu 2/3 diện tích cà phê của tỉnh được nông dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nhằm nâng năng suất bình quân đạt 2,6 đến 2,8 tạ/ha/năm.

Trong khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản cần phải nhanh chóng có các giải pháp hợp lý để hạn chế việc thu hái không đúng kỹ thuật, thu hái xanh, non… khuyến khích người trồng thu hoạch đảm bảo độ chín để đáp ứng yêu cầu chế biến.

Dùng các loại máy xát bóc vỏ quả tươi, máy sấy công suất vừa phù hợp với quy mô gia đình để góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt về sân phơi, kho bãi chứa. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư công nghệ chế biến ướt ở các vùng cà phê tập trung và vùng cà phê cao sản. Đồng thời, hình thành hệ thống chuyên môn hóa trong sản xuất, liên kết hợp tác sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật chế biến, đảm bảo chất lượng nhân cà phê sau khi thu hoạch.

Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu nữa đó là thị trường tiêu thụ. Những năm qua, cà phê xuất khẩu của ta chủ yếu là cà phê nhân, trong thời gian tới cần phải chú trọng đầu tư, khuyến khích xây dựng nhà máy chế biến công nghiệp như cà phê hòa tan, đồ uống giải khát có cà phê, cà phê bột… qua đó tăng nhanh giá trị xuất khẩu và tiêu dùng.

Mở rộng các hình thức kêu gọi, thu hút đầu tư đối với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào lĩnh vực xuất khẩu cà phê. Mở nhiều những đại lý trong vùng cà phê nhằm rút ngắn quá trình lưu thông của sản phẩm cà phê từ người nông dân đến DN chế biến và xuất khẩu.

Chuyển giao, huấn luyện cho người làm cà phê những kiến thức cơ bản về đánh giá chất lượng cà phê nhằm giúp cho người nông dân có khả năng tự đánh giá sơ bộ về phẩm cấp chất lượng cà phê của mình để hạn chế tình trạng ép cấp, ép giá của người thu mua.

Những giải pháp trên thực sự phù hợp và cần thiết với hiện trạng sản xuất và tình hình thực tế của cà phê Lâm Đồng trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên chúng chỉ mở ra hướng đi khi không còn nằm trên giấy ở các cuộc họp, hội nghị… và cả sự vào cuộc có trách nhiệm, kịp thời của cơ quan chức năng. Hội tụ được những yếu tố cần và đủ đó, lộ trình xây dựng thương hiệu cho cà phê Lâm Đồng mới có thể mở ra những tín hiệu lạc quan.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng