Hướng tới thương hiệu “cà phê Lâm Đồng”

Lâm Đồng hiện có 202.293 ha cây công nghiệp dài ngày, trong đó 142.905 ha là cây cà phê. Với khoảng 135.279 ha đang kinh doanh, năm 2010 vừa qua, năng suất cà phê đạt bình quân 2,39 tấn/ha, cho sản lượng cà phê thu hoạch đạt 323.770 tấn.

Với diện tích và sản lượng này, cà phê đang là một trong những loại cây nguyên liệu chính của tỉnh có liên quan tới thu nhập và đời sống của hàng chục ngàn hộ nông dân.

Qua khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh, thì khoảng 90% diện tích cà phê của địa phương đang trồng là giống robusta và được trồng từ trước năm 1990 bằng cây thực sinh lấy hạt ngay tại vườn mà không được tuyển chọn… nên nhiều diện tích đã già cỗi, năng suất kém; chất lượng hạt cà phê do vậy cũng không đồng đều và tỷ lệ hạt đạt loại 1 không đáng kể.

Thời gian gần đây, để nâng dần hiệu quả kinh tế của cây cà phê – loại cây có diện tích lớn nhất của tỉnh, Sở NN-PTNT và các địa phương có diện tích cà phê vối lớn… đã tiến hành chọn và đưa một số dòng cà phê vối vô tính có khả năng kháng bệnh, cho kích cỡ nhân lớn và đồng đều như TS 1, TS 2, TS 4, TR 4,TR 5… vào sản xuất cùng với mở rộng diện tích cà phê catimo.

Kết quả, đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 12.564 ha cà phê catimo (được trồng tập trung tại Lâm Hà, Đà Lạt, Đức Trọng…) và 9.000 ha cà phê ghép giống vô tính (chủ yếu được trồng thay thế diện tích cà phê già cỗi ở Bảo Lâm, Di Linh, Bảo Lộc…).

Nhờ chuyển đổi cơ cấu giống và ngày càng được nông dân tập trung đầu tư thâm canh, so với năm 2005, năm 2010 vừa qua, sản lượng cà phê nhân của tỉnh tăng 40%, năng suất tăng từ 1,83 tấn/ha lên 2,39 tấn/ha; tại Lâm Hà và Đức Trọng nhiều hộ chuyên canh cà phê catimo đã đạt năng suất bình quân 4 – 4,5 tấn/ha, doanh thu đạt trên 80-100 triệu đồng/ha/năm.

Còn tại các địa phương Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, nhiều diện tích cà phê ghép, bước đầu đã cho thu hoạch với năng suất và chất lượng cao hơn hẳn so với các giống cà phê cũ.

Để tiêu thụ và xuất khẩu cà phê hàng hóa cho nông dân, trên địa bàn tỉnh cũng đã có 21 cơ sở thu mua – chế biến cà phê đang hoạt động sản xuất – kinh doanh, bao gồm 16 cơ sở chế biến cà phê nhân xuất khẩu với năng lực thu mua – chế biến 180 ngàn tấn/năm (chủ yếu là sơ chế, phân loại, đánh bóng và xuất khẩu sản phẩm thô) và 8 cơ sở chế biến cà phê thành phẩm (cà phê rang, cà phê xay bột) với sản lượng gần 1.300 tấn thành phẩm mỗi năm.

Tại Hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng cà phê” do Sở NN-PTNT phối hợp với các ngành liên quan tổ chức mới đây, thì thực trạng của cây cà phê Lâm Đồng được nhìn nhận là: Trên 90% sản lượng cà phê sản xuất hàng năm là giống robusta, và chất lượng vườn cây không đồng đều nên chất lượng và phẩm cấp cà phê hạt thấp nên khó xuất khẩu; kỹ thuật thu hái, bảo quản, phơi sấy cà phê không đạt yêu cầu dẫn tới chất lượng cà phê nhân khô nguyên liệu không cao; nhiều loại dịch hại nguy hại như ve sầu, vàng lá cà phê… chưa được kiểm soát và phòng trừ kịp thời đang đe dọa năng suất và chất lượng cà phê tại nhiều vùng trong tỉnh…

Khắc phục những bất cập này, trong thời gian gần đây, được Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (Sở NN-PTNT) đầu tư và sự phối hợp của các doanh nghiệp, nhiều vùng sản xuất cà phê chất lượng cao, sản xuất cà phê bền vững, sản phẩm cà phê có chứng nhận (Utz, 4C…) đang được triển khai và bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của người trồng cà phê.

Theo “Định hướng phát triển cà phê Lâm Đồng giai đoạn 2009-2015” đã được UBND tỉnh phê duyệt thì từ nay tới năm 2015 Lâm Đồng sẽ tiếp tục khuyến khích phát triển giống cà phê catimo ở các địa bàn Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, để tới năm 2015 trên 20% tổng diện tích cà phê đang canh tác của toàn tỉnh là giống cà phê này và đưa diện tích trồng và thâm canh các giống cà phê vối chọn lọc vô tính lên từ 20-30% tổng diện tích cà phê hiện có; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở thu mua – chế biến cà phê phát triển công nghệ chế biến ướt nhằm nâng cao chất lượng hạt cà phê xuất khẩu; tập trung chuyển giao và ứng dụng tiến bộ KHKT về bón phân, tỉa cành, chăm sóc, thu hái… cà phê (trong đó chú trọng tới việc hạn chế tối đa tình trạng thu hái cà phê non, và đầu tư các loại máy xay xát bóc vỏ quả cà phê tươi, máy sấy công suất nhỏ quy mô hộ gia đình cho các nông trại)… Từ đó xây dựng các vùng sản xuất cà phê chất lượng cao có chứng nhận và từng bước xây dựng cho được thương hiệu “Cà phê Lâm Đồng” sau khi đã xây dựng được thương hiệu cà phê bền vững tại các vùng trồng cà phê trọng điểm của tỉnh như Di Linh, Lâm Hà …

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng