Toàn xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) có khoảng 1.200ha cà phê Catimor và Moka với chất lượng cao. tuy nhiên, trong thời gian qua hơn 300ha bị chết trắng và hơn 100ha có nguy cơ phá bỏ.
Chủ tịch UBND xã Xuân Trường – Hà Phước Ta cho biết hiện cây cà phê toàn xã đều bị hư hỏng, trong đó có 500 hộ bị thiệt hại nặng.
Anh Đỗ Ngọc Hạnh ở thôn Trường Xuân 1 chuyển sang trồng 1,5ha cà phê Catimor được 3 năm, nhiều cây đã cao khỏi đầu, nhưng hiện hơn 60% cây cà phê đang chết dần, số cây còn lại sắp lụi tàn.
Tương tự, anh Lê Tự Lộc (thôn 9, Trường An) trồng 4 sào cà phê Moka, đến nay có hơn 60% cây cà phê cũng đã héo khô. Anh Nguyễn Trọng Bình – cán bộ nông lâm xã Xuân Trường hướng dẫn chúng tôi đi thăm từng vườn cà phê và không giấu nổi bức xúc: “Giá cà phê như hiện nay thì người nông dân có thể kiếm lời, nhưng chưa kịp mừng thì lại gặp căn bệnh này”.
Theo Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, đây là sâu đục thân cà phê có tên Xylotrechus quadripes Chev – khi trưởng thành là con xén tóc. Sâu lớn đẻ trứng vào vết nứt của vỏ thân, sau khi nở, sâu non đục vào vỏ thành đường vòng xung quanh thân, tiện ngang các mạch gỗ, sâu đục tới đâu, đùn phân và mùn cây ra phía sau trám kín lỗ lại.
Khi sắp chuyển thành nhộng, sâu đục ra phía gần vỏ, khi vỏ sắp thủng thì dừng lại và ở đó chuyển thành nhộng. Do đường đục quanh thân cây nên cây rất dễ bị gãy. Do đặc điểm gây hại như trên nên việc phòng trừ sâu đục thân bằng biện pháp hóa học ít hiệu quả.
Theo Phòng Nông nghiệp Đà Lạt, nếu không diệt trừ ngay bằng cách khoanh vùng và chặt đốt thì đến tháng 10, 11 (thời điểm trứng phát triển), mức độ nguy hại sẽ cao hơn rất nhiều.