Đắk Lắk: Dân ào ào vào rừng phòng hộ chặt thông trồng cà phê

Hàng trăm hécta rừng thông phòng hộ dọc tuyến quốc lộ 14, đoạn đi qua hai huyện Krông Búk, Ea H’Leo (Đắk Lắk) được trồng từ những năm 1982-1986 đang từng ngày từng giờ bị lột da, chết dần, chết mòn để nhường đất cho các loại cây khác.

Tan hoang cả rừng thông phòng hộ

Tận diệt rừng thông

Đầu tháng 06/2011, chúng tôi có chuyến công tác đi ngang qua đoạn đường quốc lộ 14 giáp ranh giữa hai huyện Krông Búk và Ea H’leo.

Mặc dù có nghe thông tin trước đó rằng, rừng thông nơi đây bị tàn phá rất nhiều, song khi đến nơi chúng tôi vẫn bị giật bắn mình trước cảnh tượng tan hoang này.

Hàng ngàn cây thông có đường kính từ 35-40cm bị đốn hạ ngỗn ngang ngay sát cạnh đường quốc lộ.

Tại thôn 6 xã Cư Né, huyện Krông Búk, hàng loạt cây thông có đường kính gần một vòng người ôm bị chặt, cưa gốc nằm ngả nghiêng, xung quanh những vết cháy đen sì cùng dấu vết của xe kéo, xe ủi còn mới nguyên.

Những cây thông bị ken gốc đang chết dần chết mòn.

Ngoài những cây bị hạ, dọc hai bên đường từ km54 tới km66 hàng ngàn cây thông bị chết đứng, khô héo một cách khó hiểu ngay trước mặt các cơ quan chức năng.

Anh V, một người dân sống gần đó cho hay: “Mấy tháng trước, khu vực này thông vẫn xanh tươi, bất kỳ ai đi qua quốc lộ 14 cũng tấm tắc khen. Vậy mà chỉ một thời gian ngắn, không hiểu làm như thế nào mà lâm tặc lại cho đi sạch bóng cả một vạt rừng lớn như thế, tôi cũng đau lòng lắm nhưng biết làm sao được”.

Cách đây chừng vài năm để có thể lấn chiếm những mảnh đất đắc địa thuộc khu  rừng phòng hộ này, lâm tặc đã dùng phương pháp cực kỳ nguy hiểm nhưng vô cùng hiệu quả là cho ken gốc (đẽo vòng quanh hay đóng đinh trực tiếp vào gốc), đổ thuốc diệt cỏ đậm đặc vào chổ đã ken gốc, cây thông cứ thế mà chết dần chết mòn.

Thông bị phá ngay quốc lộ 14

Sau một thời gian người dân sẽ cho dọn sạch và tiến hành các hoạt động như, trồng cà phê, cao su, tiêu, cây ăn quả và hoa màu các loại.

Song song với phương pháp giết dần đó, thời gian gần đây lâm tặc thường lợi dụng đêm tối, trời mưa gió, công khai vác máy cưa và các dụng cụ phá rừng khác vào rừng thông, tới những khoảng rừng mà chúng đã thị sát trước đó, ra tay tàn sát không thương tiếc.

Chỉ trong vòng khoảng vài tiếng đồng hồ, hàng trăm cây thông bị hạ, xong xuôi chúng lại rút về chờ cho thông khô chúng gom lại và châm lửa đốt, sau đó tiến hành làm nhà và trồng các loại cây trên đó.

Khi chúng đã hợp thức hóa được những miếng đất rừng đó thì sự việc đã rồi, cơ quan chức năng chỉ biết đứng nhìn chứ không thể nào làm gì được, bởi giải tỏa hôm nay ngày mai chúng lại tới làm, không có cơ quan nào có thể đứng cả ngày lẫn đêm trông chừng được.

hàng chục ha thông bị chặt trụi tại km 24, quốc lộ 14.
vườn cao su đối diện cách đây 3 năm còn là rừng thông.

Hơn nữa chúng vô cùng hung hãn, manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt các cơ qua chức năng bất kỳ lúc nào, nên mặc dù thấy như thế song khi bắt tay vào việc bảo vệ, giải tỏa là cả một vấn đề vô cùng nan giải, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan ban nghành chức năng mới có thể làm được.

Khó về chế tài

Làm việc với Chủ tịch xã Cư Né –Krông Búk, ông Y Thanh A Yun không ngần ngại cho biết: “Tình trạng này đã kéo dài âm ỉ hàng chục năm nay, đối tượng phá rừng chủ yếu là các hộ dân mới di cư tới, có anh em bà con trên địa bàn, người kinh và người đồng bào đều có cả.”

Ông còn cho biết thêm, từ đầu năm đến nay chúng tôi đã xử lý trên 25 hộ lấn chiếm đất lâm nghiệp với tổng diện tích là 15.749,81m2. Tuy nhiên, do điều kiện ở cơ sở chưa có một chế tài cụ thể nên với địa phương này, mới chỉ dùng tới các biện pháp như, đình chỉ, cưỡng chế, giải tỏa, còn nếu như phạt nặng thì không thể làm được.

Thông phòng hộ bị chặt trắng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng
“Thật ra ở cấp xã chỉ có thẩm quyền xử phạt dưới 500 ngàn, nếu như cao hơn 500 ngàn phải báo cáo cấp trên đó là chưa kể các hộ gia đình, cá nhân vi phạm có dấu hiệu chây ỳ, cố tình né tránh thậm chí là chống đối.” ông Y Thanh nói.

Đề cập tới phương hướng trong thời gian về công tác quản lý rừng phòng hộ ông Y Thanh cho rằng. “ Tới đây chúng tôi sẽ quyết tâm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như kiểm lâm, công an và các cơ quan ban ngành khác, xử lý dứt điểm những hộ cố tình vi phạm không để xẩy ra tình phá tràn lan như thời gian vừa qua, đồng thời cũng nhờ các cơ quan ngôn luận lên tiếng, hợp sức chống lại việc phá rừng nơi đây”.

Hiện tượng chặt phá rừng thông không chỉ phá vở môi trường tự nhiên vốn có của nó,  mà còn khiến cảnh quan dọc quốc lộ 14 trở nên hoang tàn, xơ xác.

Hậu quả nhãn tiền, ai cũng nhìn thấy, nó ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân trong vùng như sạt lở, sụt lún về mùa mưa và hạn hán về mùa khô, điều này rất nguy hiểm bởi hầu như cư dân các vùng lân cận đều trồng cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu… mà hiện tượng này đã xẩy ra vào mùa mưa trước tại vùng ven rừng thông này.

Nếu như tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời, một ngày không xa nữa rừng thông phòng hộ này sẽ biến mất kéo theo những hiểm họa khôn lường về thiên nhiên, môi trường.

Xem thêm: Làm sao giữ rừng trong cơn “bão giá” cà phê?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. thanhthuy

    Phá rừng không phải ngày 1 ngày 2 mà mấy chục năm qua vẫn phá. Cơ quan chức năng không phải không biết, mà nhiều khi biết cũng làm ngơ, nói chi cho mệt.

Tin đã đăng