Để góp phần giải quyết ưu tư của bà con trong việc phá bỏ cây điều, chuyển đổi cây trồng theo xu thế hiện nay, Ban biên tập Y5Cafe xin đăng bài phỏng vấn của Hồng Loan thực hiện trên báo Đại Biểu Nhân Dân số ra ngày 28-5-2011.
TS Trương Hồng, Phó Viện trưởng Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên cho biết, nhiều nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác điều đã cho năng suất khá cao, như ở Bình Phước 2 – 2,5 tấn hạt/ha; ở Gia Lai, Đăk Lăk từ 1,3 – 1,6 tấn hạt/ha. So sánh chi phí đầu tư với các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu thì 1 đồng đầu tư cho cây điều sẽ mang lại hiệu quả cao hơn do đầu tư ít hơn.
Bỏ cây điều vì giá trị kinh tế thấp
– Xin ông cho biết thực tế việc bà con chặt bỏ cây điều để trồng tiêu, cao su đang diễn ra như thế nào ở khu vực Tây Nguyên?
– Có một thời cây điều là một trong những loại cây xóa đói giảm nghèo cho vùng sâu, vùng xa ở 5 tỉnh Tây Nguyên bởi đây là loại cây dễ trồng, lại đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện KT – XH của đồng bào các dân tộc. Song hiện nay do thu nhập từ cây điều không cao (do năng suất thấp, bình quân từ 400 – 600 kg/ha/năm, giá cả lại bấp bênh luôn ở mức thấp) nên người dân ở các tỉnh Tây Nguyên đang có xu hướng phá bỏ một số diện tích điều để chuyển sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế hơn như cao su, hồ tiêu, đặc biệt là cây hồ tiêu, bởi giá đang ở mức rất cao. Ví dụ ở Đăk Lăk, trong vòng 4 năm từ 2008 – 2011, diện tích điều đã giảm khoảng 12.000 ha.
– Phải chăng, giá trị kinh tế của cây điều trên cùng một diện tích canh tác thấp hơn rất nhiều so với cao su, cà phê, tiêu… là nguyên nhân chính gây ra sự chuyển đổi này, thưa ông?
– Chắc chắn là do giá trị kinh tế của cây điều trên cùng diện tích canh tác thấp hơn nhiều so với cao su, cà phê, hồ tiêu. Với năng suất bình quân điều hiện nay ở Tây Nguyên là 600 kg/ha và giá bình quân khoảng 17.000 đ/kg thì thu nhập chỉ là 10.200.000 đ/ha, trừ các khoản chi phí và lấy công làm lãi thì 1 ha còn lại khoảng 8.000.000 đ, bằng 1/10 so với cà phê; 1/15 so với cao su và 1/17 so với hồ tiêu. Tất nhiên chi phí đầu tư cho cây điều có thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.
– Theo ông, tại sao cây điều được cho là phù hợp với đất đai, khí hậu Tây Nguyên, Đông Nam Bộ nhưng vẫn cho giá trị kinh tế thấp hơn các loại nông sản khác?
– Điều kiện đất đai, khí hậu ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là khá phù hợp cho trồng điều, song hiện nay cây điều vẫn cho thu nhập thấp do các nguyên nhân.
Thứ nhất, quan điểm nhiều người vẫn cho cây điều là cây dễ tính, không cần đầu tư vẫn cho thu hoạch, nên không quan tâm nhiều về vấn đề khoa học kỹ thuật để áp dụng trong quá trình canh tác như bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại, sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng làm tăng khả năng ra hoa đậu quả. Vì vậy năng suất ngày càng giảm (ở Đông Nam Bộ bình quân khoảng hơn 1 tấn hạt/ha; ở Tây Nguyên khoảng 400 – 600 kg hạt/ha).
Thứ hai, tần suất mất mùa ngày càng xuất hiện nhiều hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (mưa phùn trong thời kỳ ra hoa, hoặc nhiệt độ không khí quá cao trong giai đoạn thụ phấn của hoa điều), sâu bệnh hại ngày càng phát triển và gây hại nghiêm trọng (bọ xít muỗi, bệnh thán thư….) làm cho cây điều không thể ra hoa hoặc đậu quả rất kém.
Thứ ba, giá cả luôn bấp bênh và ở mức thấp (trừ năm 2011 có xu hướng cao).
Chuyển đổi chủ quan sẽ gây hậu quả kinh tế, môi trường.
– Dưới góc độ của một nhà khoa học, ông nhìn nhận việc bà con bỏ điều trồng các loại cây khác như thế nào?
– Xét về khía cạnh thị trường mà nói thì người dân có quyền chọn lựa loại cây gì để trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là đa số diện tích điều hiện nay là trồng trên đất lâm nghiệp, đất có độ phì không cao, độ dốc lớn, khó khăn nguồn nước. Nếu chuyển đổi diện tích này sang trồng hồ tiêu thì sẽ đối mặt với nhiều rủi ro như: đầu tư cao nhưng năng suất lại thấp vì đất đai, địa hình không phù hợp với việc canh tác hồ tiêu. Mặt khác, nếu tình hình cứ tiếp tục xảy ra thì rừng sẽ tiếp tục bị tàn phá để lấy choái (trụ) trồng tiêu; đồng thời sẽ ảnh hưởng chung của quy hoạch ngành điều cả nước.
Nên chăng nhà nước, Hiệp hội Điều cần có các giải pháp phù hợp để duy trì diện tích điều đã được quy hoạch, trên cơ sở có các chính sách hỗ trợ cho người trồng điều khi có biến động về giá cả, hoặc ảnh hưởng của thời tiết làm cho năng suất điều bị thiệt hại.
– Theo ông, đâu mới là sự lựa chọn đúng đắn của nông dân Tây Nguyên và Đông Nam Bộ hiện nay?
– Cha ông ta đã tổng kết từ thực tiễn, song mang tính khoa học cao, được thể hiện trong cụm từ đất nào cây ấy. Điều này nói lên rằng, cần phải lưu ý trong quá trình lựa chọn và chuyển đổi cây trồng. Cây điều là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với hầu hết các loại đất, kể cả đất xấu. Tuy nhiên cần phải thay đổi nhận thức về canh tác loại cây này, đó là phải bón phân, tăng cường công tác bảo vệ thực vật, tạo hình, tỉa cành…. thì mới có thể đạt được năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế. Thực tế cũng có nhiều nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác điều thì năng suất đạt được cũng khá cao, như ở Bình Phước 2 – 2,5 tấn hạt/ha; ở Gia Lai, Đăk Lăk thì từ 1,3 – 1,6 tấn hạt/ha. So sánh chi phí đầu tư với các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu thì 1 đồng đầu tư cho cây điều sẽ mang lại hiệu quả cao hơn do đầu tư ít hơn.
Đối với cây điều hiện nay tại Tây Nguyên, cần phải xem xét một cách thận trọng để chuyển đổi, song diện tích để chuyển đổi sang cây hồ tiêu, cao su sẽ không nhiều vì đa phần đất đai sẽ không phù hợp. Việc chuyển đổi mang tính chủ quan sẽ dẫn đến hậu quả về kinh tế và môi trường và lặp lại điệp khúc, chặt – trồng, trồng – chặt. Việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý quy hoạch, quản lý rừng và thu nhập của người dân.
– Nhà quản lý và nhà khoa học nên có những động thái như thế nào để giúp bà con giữ lại diện tích trồng điều, thưa ông?
– Cây điều cũng là cây công nghiệp xuất khẩu có giá trị kinh tế ở Việt Nam. Bộ NN và PTNT cũng đã phê duyệt quy hoạch phát triển cây điều ở Việt Nam, trong đó Tây Nguyên được xem là vùng điều quan trọng sau miền Đông Nam Bộ.
Để phát triển cây điều bền vững trong thời gian tới, các nhà quản lý cần tăng cường công tác quản lý quy hoạch để hạn chế nông dân tự phát chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn (do biến động về giá), có các chính sách hỗ trợ người trồng điều về giá, về khoa học kỹ thuật, về khuyến nông; khuyến khích thành lập các tổ chức sản xuất như hợp tác xã, câu lạc bộ để dễ dàng trong việc tiếp cận với khoa học công nghệ, vốn và các chính sách ưu đãi khác của nhà nước. Hiệp hội ngành hàng điều cần phát huy vai trò của mình trong việc định hướng cho nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với giá tốt nhất thông qua hệ thống các doanh nghiệp; các doanh nghiệp cũng cần có quan điểm chia sẻ rủi ro với nông dân về vấn đề giá, tổn thất mùa màng do thiên tai… Liên kết chặt chẽ với nhà khoa học; nhà khoa học cũng chủ động liên kết với nông dân, các tổ chức chính trị xã hội để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống mới, về canh tác, bảo vệ thực vật để tăng năng suất và chất lượng, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng điều một cách bền vững.
Xin cám ơn ông!
Theo: Báo Đại Biểu Nhân Dân
– Đúng vậy, thay đổi kỹ thuật canh tác như bón phân, kích thích sinh trưởng,… nhưng cụ thể như thế nào? Điều Bình Phước, Gia Lai thường trồng nơi đất đỏ màu mỡ thế nên năng suất mới cao. Chứ như Đaklak thường chọn nơi nghèo dinh dưỡng nhất như đất Eakar, Buôn Đôn và đặc biệt Easup. Đất mà “chó ăn đá, gà ăn sỏi” thì canh tác cây gì chẳng kém hiệu quả.
– Trước đây, cũng là các nhà khoa học nói cây điều là cây cho nhà nghèo. Vấn đề điều ở Đaklak gặp phải là điều kiện khí hậu thời tiết không phù hợp khi điều ra hoa đậu trái. Ví dụ: Lúc ra hoa thường gặp mưa phùn (ở Eakar), hay ra hoa, đậu quả và phát triển là mùa khô khắc nghiệt (ở Buôn Đôn, Easup), v.v… Khi nghiên cứu các ngài chỉ nghĩ làm sao hoàn thành dự án, chứ có ai nghĩ đến yếu tố khí hậu ảnh hưởng đến năng suất như thế nào!
– Cây điều ở Gia Lai chưa chắc đã ảm đạm như bài báo đã viết.
Tôi có 4ha điều, trong đó 1,5 ha là kinh doanh chính còn lại 2,5 ha là bói (năm thứ 5 luợng quả ít) không chăm bón gì nhiều. Chỉ làm cỏ và 1 năm chỉ có 3 tạ phân hóa học tôi cũng thu được 4,5 tấn 1 năm.
Nếu số điều non bước vào kinh doanh tôi ước tính 1 năm tôi có thể đạt 1,5 tấn/ha/năm hoặc hơn. Và nếu đươc chăm sóc và bón phân như ở : Đồng Nai, Bình Phước, tôi nghĩ điều Gia Lai cũng đáng để trồng lắm chứ?
– xin chia sẻ một bí quyết. Ở Gia Lai hay có khí hậu lạnh, sương muối, gió bà con không nên kích hoa ra đồng loạt mà để cho hoa ra từ từ, để mất đợt hoa này còn có đợt hoa khác.
– mình ở Xã Iaga, Huyện Chư Prông, Gia Lai. Đất của mình cũng vào dạng “chó ăn đá gà ăn sỏi” không thể trồng các loại cây công nghiệp khác.
– điều quan trọng là các bạn có chú trọng vào nó như ở Đồng Nai, Bình Phước.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG