Nhiều nhà nông thu lợi lớn từ hồ tiêu, vụt trở thành tỷ phú. “Cơn sốt” khiến nông dân cố đầu tư trồng hồ tiêu bằng mọi giá. Hậu quả là hàng loạt cánh rừng bị triệt hạ lấy gỗ làm trụ. Nhiều diện tích cà phê bị phá bỏ để trồng tiêu…
…Vẫn điệp khúc “chặt – trồng mới”
Thời gian qua, nông dân trồng hồ tiêu ở Gia Lai ngập tràn trong niềm vui bởi hồ tiêu bán được giá. Nhiều hộ trồng hồ tiêu ở tỉnh Gia Lai sau một vụ thu khoảng chục tấn tiêu là vụt trở thành tỷ phú. Chỉ tính riêng các xã: Ia Pia, Ia Vê, Ia Ga (huyện Chư Prông) đã có gần trăm hộ dân thu hoạch được từ 10 tấn đến gần 30 tấn hồ tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc có ngần ấy hộ tỷ phú nông dân trong năm nay.
Anh Nguyễn Văn Tập- thôn 4, xã Ia Pia (huyện Chư Prông) cho biết: Anh vừa thu hoạch hồ tiêu xong, sản lượng đạt khoảng gần 30 tấn. Trừ chi phí phân bón, xăng dầu bơm nước tưới, công chăm sóc, thu hoạch, anh Tập thu lợi gần 2,5 tỷ đồng. Điều này khiến nhiều nhà nông “đỏ mắt” cuốn theo “cơn sốt” hồ tiêu. Nhà nhà ồ ạt chuẩn bị trồng hồ tiêu bằng mọi giá, kéo theo nhiều diện tích cây cà phê đã bị phá bỏ ở huyện Chư Sê, Chư Prông, Chư Pưh… một cách không thương tiếc…
Chúng tôi làm một cuộc “thị sát” ở vài huyện có nhiều diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đâu cũng thấy vườn đã trồng trụ bê tông, trụ cây gỗ, bên cạnh đó chất đầy “xác” cây cà phê, nhỏ thì dăm ba sào, lớn thì vài ha. “Cơn sốt” hồ tiêu khiến nhà nông “mờ mắt” bất chấp hậu quả, đầu tư trồng mới ở cả những nơi chất đất không phù hợp; những vùng khó khăn về nước tưới. Núp bóng dưới “cái mác” chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, cải tạo vườn tạp, phá vườn cà phê già cỗi… Anh Phạm Quang Nhất xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê) phá bỏ 3 ha cà phê trồng hồ tiêu; anh Nguyễn Tiến Quân- xã Al Bă (huyện Chư Sê) cũng “đốn” 2 ha cà phê, vài nơi ở huyện Chư Pưh cũng trong hoàn cảnh tương tự. Điệp khúc “chặt-trồng mới” trở thành chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Lợi bất cập hại…
Ông Phạm Thế Vinh- thôn Hố Bi, xã Chư Pơng (huyện Chư Sê) đang phát sầu vì quyết định đầu tư trồng hồ tiêu của mình. Trong 3 ha hồ tiêu của ông thì có 2 ha thường xuyên thiếu nước tưới. Ông Vinh đang nẫu ruột vì hơn 1 tỷ đồng đầu tư ban đầu đã bay mất. Vài trường hợp ở thôn Hô Bua, xã Chư Pơng đang gánh số nợ tiền tỷ vì đầu tư trồng hồ tiêu không hiệu quả mà chưa biết làm thế nào để trả nợ ngân hàng. Nếu không tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư trồng hồ tiêu, nhiều khả năng số tiền tích lũy của gia đình sẽ cuốn mất theo giấc mộng hồ tiêu.
Ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê từng khuyến cáo: Không nên phát triển trồng hồ tiêu bằng mọi giá. Vì giá hồ tiêu lúc xuống lúc lên, biên độ dao động rất cao. Hiện nhu cầu của thế giới cũng có hạn, nếu phát triển ồ ạt, sẽ dẫn đến cung cầu mất cân đối. Chỉ nên trồng hồ tiêu ở những nơi có chất đất phù hợp, chủ động được nguồn nước tưới, nên trồng bằng trụ sống, đặc biệt là cây keo dậu (Leucaena Leucocephala).
Chúng tôi đến thăm vườn hồ tiêu (3 ha) của ông Đồng Quốc Bảo ở xã Al Bă (huyện Chư Sê), khắp nơi một màu xanh mát rượi. Vườn hồ tiêu của ông Bảo được trồng theo hướng bền vững. Chi phí kiến thiết ban đầu thấp do trụ tiêu ông trồng bằng cây keo dậu, không phải mất nhiều tiền để mua trụ nên dù giá hồ tiêu có xuống thấp ông Bảo không mấy lo lắng.
Theo đánh giá của nhiều người dân địa phương, ở huyện Chư Sê chẳng còn rừng để mà phá lấy gỗ làm trụ tiêu nên dân chủ yếu mua ở nơi khác về. Hiện nay mỗi trụ gỗ được thương lái bán với giá trên dưới 200 ngàn đồng, tùy loại. Cũng theo ông Hoàng Phước Bính, mỗi ha hồ tiêu cần khoảng 2.000 trụ, như vậy sẽ “ngốn” một diện tích rừng không nhỏ. Và “lâm tặc” lại có việc để kiếm tiền nên rừng Gia Lai từng ngày “chảy máu” là chuyện không thể tránh khỏi.
Cây hồ tiêu rất khó chăm sóc, tôi ở huyện Đức Cơ đã chứng kiến nhiều vườn tiêu cả 1000 trụ bỗng dưng chết hàng loạt, do vậy khi đầu tư trồng Tiêu bà con nên xem xét thật kỹ. Giá tiêu như hiện nay thi ai mà không ham.
Giá tiêu và cà phê lên ai cũng tìm cách để trồng. Rất tiếc nhiều bà con ko được tỉnh táo cho lắm. Vì thế, khi thất bát lại đổ lỗi tại cái số của tôi… Bạn Hào nói chính xác, trồng cây gì, nuôi con gì nhà nông chúng ta tính đầu vào, đầu ra chưa đủ mà phải tính nhiều yếu tố tác động như rớt giá, rủi ro… Cà lên trồng cà, tiêu lợi nhiều hơn lại chặt cà trồng tiêu thế thì chết.
Tui luôn tâm niệm việc gì “sốt” mình ko ” nóng”, việc họ “khiếp” mình sẽ làm. Khi đã làm tất nhiên phần thắng chiếm ưu thế. Chính vì vậy tháng nào tui cũng có nguồn thu nhập tốt từ những chuyện của nhà nông.
Chuotdong đích thị là một nhà nông sản xuất giỏi chính hạng. Tôi thấy nhà nông này có cái tâm và cái tầm đáng nể !
chưa đủ mạc( bần cùng)? khi qui hoạch Hợp tác xã nong nghiệp, các nông , lâm trường quốc doanh, công ty, tập đoàn kinh tế quóc doanh. còn qui hoạch nào nữa!?