Trong vòng 3-4 năm lại đây, diện tích trồng xen ca cao trong các vườn cây già cỗi ở Đồng Nai tăng khá nhanh. Hiện toàn tỉnh đã có hơn 1.000 hescta cây ca cao được trồng xen cho thu nhập khá cao.
Cây ca cao trồng xen trong vườn cây già cỗi
Lợi nhuận tăng cao
Đồng Nai có trên 50 ngàn hécta điều, trong đó có nhiều diện tích điều đã già cỗi nên lợi nhuận thu được rất thấp, chỉ khoảng 10-15 triệu đồng/hécta/năm. Thế nhưng, đa số các hộ vẫn không nỡ chặt bỏ điều để trồng cây khác vì e ngại phải 3 – 4 năm sau mới có nguồn thu. Trong cái khó ló cái khôn, không ít hộ nông dân đã trồng thử cây ca cao xen trong vườn điều già cỗi. Kết quả, sau gần 2 năm, cây ca cao bắt đầu cho trái bói, năm thứ 3 đã có lời 30 triệu đồng/hécta/năm, năm thứ 4 lên tới 50 triệu đồng/hécta/năm. Bên cạnh đó, nhờ chăm sóc, bón phân đầy đủ cho cây ca cao nên cây điều cũng được hưởng “ké”, năng suất cải thiện rõ rệt.
Ông Bùi Văn Tá, ở ấp Tân Tiến, xã Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc), cho biết: “Gia đình tôi có 1 hécta điều đã già cỗi nên năng suất không cao, năm nào được mùa, trúng giá cũng chỉ lời 12 – 15 triệu đồng/hécta/năm. Đầu năm 2008, tôi trồng xen 700 cây ca cao trong vườn điều và chỉ gần 2 năm sau cây bắt đầu cho trái, thu đủ chi phí đầu vào. Đến năm thứ 3, tôi thu trái bán lời gần 30 triệu đồng/hécta/năm. Nhờ thường xuyên bón phân, tưới cho cây ca cao nên cây điều cũng phát triển tốt hơn, năng suất năm nay đạt gần 3 tấn/hécta. Từ điều và ca cao tôi lời gần 100 triệu đồng/hécta/năm, gấp 6 lần trước đây khi chưa trồng xen ca cao”.
Tương tự, ông Ngô Văn Ninh ở ấp Tân Phong 2, xã Hàng Gòn (TX. Long Khánh) cho hay: “Vườn trái cây của tôi đã già cỗi nên tôi trồng xen ca cao bên dưới. Sau 18 tháng cây ca cao đã cho trái và ngay vụ đầu tôi đã lời trên 10 triệu đồng/hécta/năm. Hiện cây ca cao đang cho trái năm thứ 3, ước lợi nhuận trên 30 triệu đồng/hécta/năm và những năm tiếp theo, khi cây lớn cho trái nhiều hơn, khả năng lợi nhuận có thể lên đến 50 triệu đồng/hécta/năm. Nếu cộng với lợi nhuận của cây ăn trái trong vườn thì mỗi hécta tôi thu về hơn 100 triệu đồng/năm”.
Ngoài huyện Xuân Lộc và TX. Long Khánh, nhiều hộ nông dân ở huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Định Quán cũng đang lựa chọn giải pháp trồng xen cây ca cao trong vườn điều, cây ăn trái già cỗi để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trở thành cây chủ lực
Hơn 6 năm trước, cây ca cao bắt đầu quay trở lại Đồng Nai, song tới cuối năm 2010, loại cây trồng này mới được đưa vào danh mục các cây trồng của tỉnh để có biện pháp hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Cho đến đầu năm 2011, nhiều địa phương, sở ngành mới nhận thấy hiệu quả kinh tế của việc trồng xen cây ca cao trong vườn điều già cỗi đề bổ sung vào danh sách cây trồng chủ lực của tỉnh giai đoạn 2011-2015. Theo ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trồng xen ca cao trong vườn điều già cỗi, dưới tán rừng sẽ giúp nông dân có thêm nguồn lợi nhuận khá cao để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, cây ca cao ưa bóng râm nên ngành nông nghiệp chỉ khuyến khích nông dân trồng xen dưới tán cây điều già cỗi, tán rừng, không nên phát triển ồ ạt và trồng thuần.
Hiện tại cây ca cao được đưa vào nhóm cây trồng chủ lực của tỉnh giai đoạn 2011-2015 và sẽ được Nhà nước, địa phương hỗ trợ kinh phí để phát triển. Dự kiến, tỉnh sẽ hỗ trợ nông dân các huyện, TX. Long Khánh trồng gần 4.300 hécta cây ca cao xen trong vườn điều.
Sở dĩ cây ca cao được chọn là một trong cây chủ lực trồng xen trong vườn điều vì hiệu quả kinh tế của cây trồng này mang lại khá cao. Đồng thời, ca cao có thị trường tiêu thụ thuận lợi, nhu cầu tiêu thụ còn lớn nên giá bán tương đối cao (trên 50 ngàn đồng/kg hạt). Về lâu dài, thị trường tiêu thụ ca cao ổn định và hạt ca cao Việt Nam được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá chất lượng đứng hàng thứ 2 trên thế giới. Do đó, một số tập đoàn lớn của nước ngoài đã đầu tư nhà máy chế biến ca cao có công suất vài ngàn tấn/năm tại Việt Nam để đón đầu.
Nhu cầu ca cao thế giới mỗi năm tăng 3-4%, tương đương trên 100 ngàn tấn/năm, hiện sản lượng ca cao thế giới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu. Do đó, thị trường tiêu thụ ca cao khá rộng mở. Theo Cục Trồng trọt, đến năm 2015 cả nước sẽ phát triển diện tích ca cao lên 40 ngàn hécta với sản lượng 26 ngàn tấn và đến năm 2020 sẽ nâng diện tích lên 50 ngàn hécta với sản lượng 52 ngàn tấn. Muốn cây ca cao phát triển tốt, nông dân dùng phân sinh học và áp dụng quy trình chăm sóc đúng kỹ thuật nhằm giảm tỷ lệ thối trái và bị dịch bọ xít muỗi.
Hầu như trên các mặt trận nông nghiệp, cơ quan nghiên cứu và chính quyền địa phương toàn chạy theo nông dân.
ở đây có 2 suy nghĩ:
_không nghiên cứu gì.
_có nghiên cứu nhưng để từ từ cho dân làm, thành công rồi mới chạy theo (sợ trách nhiệm)
Chính xác!!
Còn ở chỗ tôi hả, còn nghiêm trọng hơn chỗ bác.
Tôi nói vd: Nói về phân bón thì các bác bên hội nông dân rất xông xáo vì họ có hoa hồng của người chủ đại lý nữa mà. Còn đối với những công viếc khác thì họ tỏ vẻ rất quan tâm nhưng đằng sau thì “Sống chết mặc bay”.
Tôi là nông dân ở 1 huyện trọng điểm cafe của Đak Lak, cứ mỗi khi vụ mùa tới tôi thấy họ kết hợp với cơ quan nào đó tổ chức hội thảo phải nói là kính thưa các loại, nhưng mà họ chỉ làm một số ít thôi, còn những điều thực sự cần thiết cho dân thì có lẽ họ đã không làm tới nơi, tới chốn.
Rất tiếc đây là một thực tế mà không ai dám nới cả và có lẽ cũng không nhiều người biết.
Mong BBT hãy đăng bài này, xin chân thành cảm ơn!