Lâm Đồng: Manh nha mô hình vườn cây “ba tầng”

Trong những tháng gần đây, giá hạt điều trên thị trường tiếp tục tăng cao nên người dân ở Đạ Tẻh – một trong 3 vùng điều trọng điểm ở phía nam tỉnh Lâm Đồng (cùng với hai huyện Đạ Huoai và Cát Tiên) – khấp khởi mừng vui.

Tuy nhiên, giá cao không bù lại những thiệt hại do mất mùa và là sự mất mùa lặp lại qua nhiều năm nên không ít nhà nông ở Đạ Tẻh đã phải nghĩ đến việc trồng xen các loại cây trồng khác trong vườn điều. Nói cách khác, ở Đạ Tẻh trong thời gian gần đây đã manh nha mô hình vườn cây “ba tầng” như là một dấu hiệu mới rất đáng để tham khảo.

Điều mất mùa, cây chết khô

Với chỉ 2.400ha, Đạ Tẻh là huyện có diện tích điều thấp nhất trong ba huyện phía nam (Đạ Huoai gần 6.400ha, Cát Tiên 4.700ha) của tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, trước thực trạng cây điều ngày một đánh mất vị thế trong bản đồ cây trồng thì Đạ Tẻh lại là địa phương có thể được xem là khá năng động trong việc tìm kiếm một mô hình phù hợp trong canh tác nông nghiệp.

“Cây điều vụ này không những bị mất mùa như nhiều năm gần đây mà không hiểu sao lại còn chết khô hàng loạt khiến nhà nông chúng tôi vô cùng lo lắng” – ông Hóa, một nông dân trồng điều nhiều năm ở xã Hà Đông, thở dài. Vài năm gần đây, năng suất cây điều ở Hà Đông, Mỹ Đức, Quốc Oai… của huyện Đạ Tẻh vốn đã thấp nay càng thấp bởi thời tiết không thuận lợi và bởi sự xuống cấp nghiêm trọng về chất lượng cây giống. Ông K’Mbar ở làng dân tộc thiểu số Đạ Hàm (ngay dưới chân công trình thủy lợi Đạ Hàm, Đạ Tẻh) tỏ ra thất vọng: “Mấy năm trước, vườn điều hơn hecta nhà mình cho khoảng hơn tạ hạt, nay chỉ vài chục kg. Rồi cũng không hiểu tại sao nhiều cây trong vườn nhà mình cứ chết dần theo kiểu khi ra hoa, hoa chuyển màu thành đen sậm, lá xanh chuyển sang vàng úa, cành nhánh khô quắp, bộ rễ chai lại…”.

Hiện tượng điều cho năng suất thấp và vườn cây chết dần đang bắt đầu phổ biến ở huyện Đạ Tẻh.

Mang thắc mắc này đến Phòng NN-PTNT Đạ Tẻh để tìm câu trả lời, chúng tôi nhận được sự giải thích của cán bộ chuyên môn: “Các thứ bệnh phổ biến hiện nay trên cây điều của huyện (và cả hai huyện Đạ Huoai và Cát Tiên) là bọ xít muỗi, thán thư và xì mủ. Trong 2.400ha điều hiện có của toàn huyện, ít nhất 30% diện tích đang bị các loại bệnh nói trên. Cơ quan chuyên môn của huyện cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn, tổ chức tham quan các mô hình ở các địa phương trong phòng trừ sâu bệnh trên cây điều… nhưng kết quả mang lại không mấy khả quan”.

Không bó tay

Hậu quả cây điều “chết trắng” và cho năng suất thấp, không còn giá trị kinh tế cao đang là nỗi trăn trở của lãnh đạo huyện này. Cụ thể, Đạ Tẻh đang đối mặt với nguy cơ xóa sổ hàng loạt diện tích điều – loại cây trồng từng được xem là cây “xóa đói giảm nghèo” của huyện. Lãnh đạo huyện Đạ Tẻh cho biết: Về định hướng phát triển cây điều trong tương lai, huyện đang chủ trương cho người nông dân mạnh dạn xóa bỏ những vườn cây không thể cứu vãn được; còn đối với vườn điều còn mang lại hiệu quả kinh tế cao thì mạnh dạn tổ chức lại cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp nhất với điều kiện thổ nhưỡng và mang lại giá trị kinh tế cao nhất.

Từ chủ trương nói trên, trong thời gian gần đây, tại một số xã có diện tích cây điều lớn như Hà Đông, Mỹ Đức, Quốc Oai…, nhiều nông dân đã mạnh dạn trồng xen cây ca cao và cây gừng (lấy củ) vào vườn điều để trở thành một vườn cây mà theo cách nói của nhà nông ở đây là vườn cây “ba tầng”. “Mặc dầu năng suất không còn hơn 10 tạ/ha như trước đây nhưng vườn điều “ba tầng” nhà tôi năm vừa rồi đã cho thu nhập cao hơn nhiều so với trước (khi còn độc canh cây điều) và so với nhiều bà con khác trong xã” – ông Tiệp ở xã Mỹ Đức cho biết. Theo ông Tiệp, mô hình vườn cây “ba tầng” chính là mô hình cứu lấy cây điều đang xuống cấp hiện nay ở huyện Đạ Tẻh. Cũng như ông Tiệp, một số hộ nông dân trong vùng cũng thực hiện theo mô hình này và họ đưa ra phép tính: Nếu trồng xen 3 loại cây trồng trên cùng một diện tích thì mỗi năm, thu nhập của nhà nông sẽ là con số từ 150 – 190 triệu đồng/ha; trong đó, điều cho thu nhập khoảng 40 – 50 triệu đồng, ca cao: 50 – 60 triệu đồng, và gừng: 70 – 80 triệu đồng.

“Nếu chỉ độc canh cây điều thì nhà nông thường bỏ bê vườn cây; còn nếu trồng xen ca cao và cây gừng thì nông dân không thể không chăm sóc hai loại cây trồng này, và như vậy là vườn điều đã được chăm sóc” – một cán bộ của Phòng NN-PTNT Đạ Tẻh cho biết. Cũng theo Phòng NN-PTNT Đạ Tẻh, chủ trương của huyện là không mở rộng diện tích cây điều trong thời gian đến; ngược lại, diện tích 2.400ha hiện nay sẽ giảm còn 1.600ha trong tương lai và trong 1.600ha này không chỉ độc canh cây điều.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Bình Long

    Không nên giữ thế độc canh khi thời tiết ngày càng biến đổi không lường hết được. Mô hình đa cây xen canh này là tui thấy hợp lý nhất, có tác dụng đề phòng rủi ro mà lại tăng thu nhập cho bà con.
    Nên khoanh vùng thành ô nhỏ để chăn nuôi gà thả vườn hay vịt đẻ hoặc các con khác mà xã hội và địa phương mình có thể tiêu thụ được, phân của nó lại làm cho vườn điều tốt và năng suất hơn, có hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với chỉ độc canh cây điều.

  2. chuotdong

    Trồng xen canh là tốt vì mất này được kia nhưng đó chỉ là tính miệng còn thực tế khó lắm. Bất kể cây gì cũng cần ánh sáng. Ca cao , gừng trồng dưới bóng cây điều ko khả quan. Nếu được, tác giả cần có hình ảnh chứng minh, ảnh minh họa trên chưa nói lên được nội dung tiêu đề muốn đề cập.
    Hình như tác giả viết nhầm: Mấy năm trước, vườn điều hơn ha nhà mình cho khoảng hơn tạ hạt nay chỉ còn vài chục kg… 1 ha điều mỗi năm cho hơn tấn sản là đau đầu rồi, hơn tạ hạt … vài chục kg… Lợi tức cây trồng một tầng chưa ra hồn huống chi hai, ba tầng có mà mất giống.

  3. hanhkhat

    “Mấy năm trước, vườn điều hơn hecta nhà mình cho khoảng hơn tạ hạt, nay chỉ vài chục kg.”
    1ha mà 1 tạ hạt thì cả năm ăn bằng cái gì nhỉ?

  4. Thuocdang

    Hướng sản xuất đa canh là hợp lý. Chỉ mong sao nông dân cùng cán bộ phòng NN huyện tìm được cơ cấu cây trồng hợp lý hơn, chứ Ca cao trồng dưới tán Điều khả năng thành công lúc đầu thì cao nhưng sau này sẽ bị thất bại vì bọ xít muỗi và một số loại sâu bệnh khác. Hãy theo dõi kỹ vào để có giải pháp phòng trừ sâu bệnh hại. Chúc bà con thành công!

Tin đã đăng