Vụ cà phê gửi kho Inexim Dak Lak: Ai phải trả 188 tấn cà phê?

Đầu tháng 5 này, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đăng báo Dak Lak thông báo bán toàn bộ phần vốn nhà nước mà doanh nghiệp này đang quản lý tại Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Dak Lak (Inexim Dak Lak), một hoạt động bình thường của SCIC nhưng lại gây nhiều lo ngại cho gần 200 cổ đông của Inexim Dak Lak.

Lý do là nó có liên quan tới khoản tiền hơn 6 tỉ đồng mà hiện nay Inexim Dak Lak phải trả cho thời kỳ còn là doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời câu chuyện này cũng liên quan tới chủ đề ký gửi cà phê mà hiện nay chuyên trang Nông sản Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đang đề cập trong tình hình nhiều vụ tranh chấp, vỡ nợ, phá sản, lừa đảo có liên quan tới ký gửi cà phê.

188 tấn cà phê gửi kho

Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Dak Lak (Inexim Dak Lak), có trụ sở chính đặt tại số 228 đường Hoàng Diệu, thành phố Buôn Ma Thuột, mà tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước thành lập vào năm 1976. Khi thực hiện cổ phần hóa kể từ ngày 24/7/2007, Inexim Dak Lak có vốn điều lệ là 35 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước là 16,5 tỉ đồng chiếm 47,14 % vốn điều lệ do Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ và 1 trong gần 200 cổ đông phổ thông khi thành lập.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2008 quyết định tăng vốn điều lệ lên thành 70 tỉ đồng bằng cách phát hành thêm 3.500.000 cổ phần với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu theo nguyên tắc tất cả các cổ đông được mua số lượng cổ phần phát hành thêm tương ứng với số cổ phần mà mỗi cổ đông đang sở hữu, khi đó cổ đông SCIC nhượng lại quyền được mua 1.650.000 cổ phần phát hành thêm của mình cho các cổ đông là nhà đầu tư chiến lược với giá 12.500 đồng/cổ phiếu, đến lúc này SCIC chỉ chiếm giữ 23,54% vốn điều lệ của Inexim Dak Lak nếu so với 47,14 % ban đầu.

Khi xác định giá trị doanh nghiệp của Inexim Dak Lak để thực hiện cổ phần hóa không có khoản nợ 188.624 kg cà phê nhân xô của 40 hộ dân gửi kho từ những năm 1999 -2000 tại Xí nghiệp II trực thuộc công ty do ông Ngô Hữu Vinh làm giám đốc thời kỳ còn là doanh nghiệp nhà nước.

Sau khi chuyển sang công ty cổ phần thì các hộ dân gứi cà phê cho Ngô Hữu Vinh gửi đơn đến cơ quan điều tra và qua quá trình điều tra thì Ngô Hữu Vinh bị khởi tố hình sự. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 40/2008/HSST ngày 26/3/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Dak Lak đã tuyên phạt Ngô Hữu Vinh 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm tính từ ngày tuyên án vì đã phạm tội: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Về phần dân sự, tòa đã buộc Công ty cổ phần Inexim Dak Lak phải trả cà phê cho 40 hộ dân đã gửi kho cho Ngô Hữu Vinh.

Ai là người phải trả?

Không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm, Inexim Dak Lak làm đơn kháng án, tại bản án hình sự phúc thẩm số 516/HSPT ngày 31/7/2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng tuyên “Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn dân sự là Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Dak Lak và giữ nguyên bản án sơ thẩm”.

Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành về trách nhiệm tài sản của công ty cổ phần sau khi cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước lại khác. Căn cứ điều 10 Nghị định số 109/2007NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ nêu rõ “Các nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp cổ phần hóa được xác định bổ sung sau khi đã quyết toán bàn giao cho công ty cổ phần không thuộc trách nhiệm của công ty cổ phần”.

Do vậy Inexim Dak Lak tiếp tục làm đơn kháng án lên Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND ) tối cao để yêu cầu kháng nghị và xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm bản án nói trên, đồng thời công ty gửi công văn báo cáo Bộ Tài chính và SCIC về nội dung hai bản án nêu trên.

Ngày 3/4/2009 Bộ Tài chính gửi văn bản số 4947/BTC-TCDN đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề cập trách nhiệm của công ty cổ phần do cổ phần hóa công ty nhà nước. Trước đó, ngày 13/10/2008 SCIC gửi văn bản số 652/TCT-ĐT3 đến tòa tối cao và viện kiểm sát khẳng định trách nhiệm trả nợ cà phê cho dân gửi kho thời kỳ còn là doanh nghiệp nhà nước không thuộc Công ty cổ phần Inexim Daklak.

Sau đó, tháng 4/2009, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành kháng nghị giám đốc thẩm số 08/QĐ-VKSTC-V3, “Kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 516/HSPT ngày 31/7/2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng theo thủ tục giám đốc thẩm. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định hủy các quyết định của bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và phần dân sự của bản án hình sự sơ thẩm số 40 ngày 26./3/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Dak Lak để giải quyết lại từ giai đoạn sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật”.

Hơn 1 năm sau, ngày 6/7/2010 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giám đốc thẩm số 22/2010/HS-GĐT “Không chấp nhận Kháng nghị giám đốc thẩm số 08/QĐ-VKSTC-V3 ngày 14/4/2009 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm số 516/2008/HSPT ngày 31/7/2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng”.

Kết cục là Inexim Dak Lak buộc phải thi hành án theo Quyết định số 496/QĐ-THA ngày 01/9/2010 của Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Dak Lak, trả cho nông dân hơn 188 tấn cà phê với giá trị gần 6 tỉ đồng.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tức là đã chuyển hình thức sở hữu, ở Inexim Dak Lak phần vốn nhà nước chỉ chiếm 23,54% vốn điều lệ thì mọi hoạt động của doanh nghiệp phải tuân theo Luật Doanh nghiệp (Luật số 60/2005/QH11), vốn, tài sản của Inexim Dak Lak sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần là của tập thể cổ đông, không thể có chuyện buộc cổ đông dùng tài sản của chính mình để trả cho khoản nợ mà họ không liên quan từ thời còn là doanh nghiệp nhà nước.

Nghị định của Chính phủ nói rằng công ty cổ phần không chịu trách nhiệm nhưng tòa án thì tuyên buộc công ty cổ phần phải trả khoản nợ từ thời kỳ là doanh nghiệp nhà nước.

Án đã có hiệu lực pháp luật thì doanh nghiệp phải thi hành, nếu không thì cơ quan thi hành án sẽ cưõng chế ngay tài sản, phong tỏa ngay tài khoản.

Lẽ ra nợ của nhà nước thì nhà nước phải có trách nhiệm trả, trong trường hợp này, Hội đồng quản trị và ban điều hành Công ty Inexim Dak Lak phải cùng SCIC báo cáo Bộ Tài chính và cơ quan chức năng thống nhất khấu trừ phần thiệt hại này vào phần vốn hiện có của nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần chứ không thể “im lặng để rồi cổ đông phải gánh chịu”, hoặc phải có phương án khác thay thế.

Nay SCIC đăng thông báo bán toàn bộ phần vốn của mình tại Inexim Dak Lak (Báo Dak Lak ra ngày 4/5/2011). Cổ đông Inexim Dak Lak mua cổ phần từ năm 2007 với mức giá đấu giá thành công bình quân 36.000 đồng/cổ phiếu đến nay chưa được chia một đồng cổ tức nào, nay lại gánh thêm khoản nợ 6 tỉ đồng từ trên trời rơi xuống. Và nếu SCIC bán thành công 1.650.000 cổ phần của mình thì ai trả nợ cho cổ đông?

Theo: TBKTSG

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông dân cà phê

    Nợ thì công ty phải trả chứ không thể bắt cá nhân ông Vinh trả được. Cái sai cơ bản nhất là khi cổ phần hoá lãnh đạo công ty không xử lý hết các khoản nợ phải trả, nếu lỗ thì phải dùng vốn điều lệ để trả. Nhưng lãnh đạo lại không muốn giảm vốn điều lệ để tạo ra số lượng cổ phần nhiều hơn bán mới được nhiều tiền hơn. Có trách thì phải trách các cổ đông hiện nay, trước khi mua cổ phần thì không chịu tìm hiểu rõ công ty làm ăn thế nào, hàng hoá tồn kho có còn như báo cáo hay chỉ là đống vỏ khô, và trách cả người dân gởi kho không chịu làm theo câu “tiền trao thì cháo múc”, gởi kho người ta làm gì cho rắc rối.
    Hiện nay đa số các công ty cà phê trong nước đang trong tình trạng “hấp hối”, nếu chính phủ không có gói hỗ trợ thì chắc phải ra đi hết. Hạt cà phê đắng quá mà, chúng ta cũng không thể trách các lãnh đạo công ty, họ cũng hết sức làm việc, xoay sở, công ty cà phê nào cũng trong tình trạng ngấp ngoải như nhau, điều này không thể đưa ra kết luận là do quản lý yếu kém hay cơ chế … mà chỉ do hạt cà phê đắng quá mà thôi (suy luận của tôi có thể sai, nếu ai biết công ty (sếp) nào làm ăn phát đạt thì đăng lên diễn đàn để tôi sáng mắt hơn, đỡ bi quan hơn về các công ty cà phê hiện nay).

  2. THU HUYỀN

    Mặc dù tôi bán cổ phiếu lỗ hơn 50% số tiền vốn bỏ ra ,nhưng nhiều người cho rằng tôi còn quá may mắn là bán được cổ phiếu vì hiện nay cũng có rất nhiều người muốn bán mà chẳng ai thèm mua ……

  3. Dân Đắc Min

    Chuyện cổ phần thì có cổ đông xem xét, còn chuyện cà phê của bà con gửi thì phải trả cho bà con chứ! Mấy năm nay cứ theo lên tòa, hết lần này đến lượt khác mà cứ bắt bà con theo chầu chực thì có cái lý nào ko? hay tại người dân thấp cổ bé họng?

    1. Vì dân

      Vụ này tui nghe lâu lắm rồi mà. Sao tòa án không xử cho dân nhỉ. Của dân gửi thì phải trả cho dân, còn chuyện cơ chế thì nhà nước, cơ quan phải xem xét với nhau, cớ sao lại lôi dân nghèo vào đây mà chịu?
      Hết sức vô lý.
      Hay tại dân đen không biết cách?

  4. ban cua thu huyen

    Sao mà lùm xùm quá vậy? Đang mừng thầm sẽ được nhận vài đồng cổ tức, chứ lâu nay đang tức lên tới cổ. Vì từ ngày mua cổ fiếu tới giờ có nhận được hào nào đâu?

  5. Vinh An

    Của dân thì trả cho dân. Đây lại cứ chỉ lòng vòng bắt dân phải chạy theo không biết đến bao giờ mới giải quyết.
    Cơ quan cũ thì đã giải thể. Cơ quan mới thì không có trách nhiệm. Chuyện nhỏ mà không làm nổi thì sao làm được chuyện lớn đây?

  6. Nông dân thời @

    Giờ thấy 1 công ty cà phê khác của Dak Lak sắp cổ phần hóa, mà cách làm cũng y chang Inexim, không biết bà con trong công ty có đọc cái vụ này mà né vết xe đổ hay không nữa?

  7. Hồng Văn

    Lại thêm một công ty nhà nước nữa sắp biến thành công ty gia đình như mình đã từng viết trong loạt bài “Biến công ty nhà nước thành công ty gia đình” trên Y 5 mấy năm trước. Giờ anh em trong ngành cà phê, gặp mình cứ chửi “sao ông vẽ đường cho hươu chạy”. Thật oan cho mình quá, chẳng qua mình đoán con đường hươu sẽ chạy nên mình nói trước, giờ họ làm y chang cái mình đã viết nên anh em hiểu nhầm.
    Giờ có công ty nhà nước mà cha làm tổng giám đốc, con trai làm trợ lý tổng giám đốc (nghe đâu học nước ngoài về mà 1 chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết), em trai làm kế toán trưởng chi nhánh sài gòn, em dâu (vợ của một giám đốc chi nhánh của 1 công ty khác) thì làm trưởng văn phòng của 1 công ty nhập khẩu cà phê. Họ ngồi trên chia “nhuận bút” cà phê cũng sướng. Giờ mà chuyển qua cổ phần thì khác gì chuyện cũ nhỉ ?

    1. nongdancafe

      Đi học nước ngoài mà kg biết tiếng Anh thì đâu có gì lạ đâu , du học Campuchia hay Lào thì sao mà biết Anh được

  8. Cổ đông

    Cung cách làm ăn mà kéo cả nhà vào công ty thì chắc là không ra gì. Bởi có giỏi thì họ đã cùng nhau thành lập công ty tư nhân để kinh doanh. Bám vào bầu sữa nhà nước thì phải xâu xé được cái gì chứ. Cứ thấy lợi tức của khu vực nhà nước mà xem, sao bằng khu vực tư nhân được.
    Nhà nước cũng thấy rõ điều này mới khuyến khích cổ phần hóa. Nhưng nhà nước khó có thể chọn ai là người tốt để được ủy quyền nắm giữ vốn cổ phần nhà nước. Vấn đề là ở chỗ đó!

  9. chuotdong

    Tui biết công ty Hồng văn nói là ai rồi. Đúng sự tình là vậy nhưng hiện tại họ rất giàu và giàu vô kể bạn ạ.Chỉ nông dân là khổ thôi, đúng là bất công quá.

  10. Cunhili

    Chào các bác,
    Đề tài này có vẻ nóng. Nỗi lo của các bác âu cũng là đúng. Thật tình càc công ty nội địa của ta cũng đang yếu dần: vốn ít, lại bị chiếm dụng nhiều, bộ máy quản lý thì công kềnh, ít năng động với cơ chế cạnh tranh khốc liệt từ các đơn vị vốn nước ngoài. Các vị quản lý các công ty này cũng đang đau đầu, chảy nước mắt, cũng cố làm lắm đôi lúc muốn lui về hậu trường lắm rồi. Cũng làm, nhưng mà trước đây làm thì có lợi nhuận, bây giờ làm thì không có do chi phí vốn lớn, và chí phí vận hành bộ máy công kềnh quá cao. Bỏ thì vương, thương thì tội.
    Thực tình những công ty này cũng đang tìm người có năng lực để làm và quản lý. Nếu các bác nào có năng lực, nghĩ có thể giúp được các công ty này tốt hơn; Hãy mạnh dạng đóng góp, biết đâu thay đổi được tình hình. Nhưng trước mắt, các bác nào có sáng kiến, đề xuất thử một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt đông của Công ty trên xem sao.
    Thực tình, thì cũng do bản thân ít tài, sức yếu nếu mà có làm cho những công ty này thì cũng không giúp được gì, nên cứ làm lanh quanh nghiệp vụ cho công ty nước ngoài. Lời lỗ thì có các ông Tây bên kia lo, bảo mua ta mua, bảo bán ta bán, chẳng lo, cứ có lương là được.

  11. Cunhili

    Tôi cũng xin bình luận về bài báo trên tí chút.
    188 tấn này, chắc tôi đoán cuối cùng rồi thì cùng “trăm dâu dổ đầu tằm” thôi.
    Đúng là cái đại chứng khoáng, cổ phần – cổ phiếu trước năm 2007, do người mua cổ phiếu quá gà mờ, nhắm mắt tranh mua, tự nhau thổi phồng lên quá giá trị thật. Các công ty thưa cơ “đục nước béo cò” cũng tranh thủ thực hiện cổ phần hoá thu tiền về trước, chiến lược kinh doanh gì thì tính sau. Có công ty còn chậm hoạt động kinh doanh chính lại để dồn thời gian và công sức cho công tác cổ phần hoá càng nhanh càng tốt. Nhưng làm nhanh qua, thì chắc chắn thiếu sót cũng nhiều, 188 tấn trên là ví dụ điển hình. Nhiều ông bán cổ phiếu xong, thu được nhiều tiền quá, tám chín chấm gì đó, shock, hoảng, không biết sử dụng tiền làm gì, mà chẳng biết kinh doanh, đầu tư gì thêm. Sử dụng vốn mua tài sản cố định, xe sang, đi công tác nước ngoài, “ngồi mát ăn bát vàng”, sướng quá quên luôn làm công tác kinh doanh chính luôn.
    Nhưng bây giờ khác nhiều rồi, bà con đã cũng trả giá nhiều cho cái sự tham lam và mê mụi của mình. Bây giờ, hàng “cổ” ế ẩm mất giá lắm rồi từ chợ lớn đến chợ nhỏ, huống chi là chợ đen. Bởi thế, các bác lo cho công ty sắp cổ phần kia chắc có phần cũng hơi sớm.

  12. bạn của Thu Huyền

    Chắc cổ phiếu cty này sẽ được các bà con từng mua rồi khuyến cáo không nên mua vì sau này sẽ là tấm giấy lộn như các cty làm ăn thua lỗ khác trong chương trình thời sự tối nay trên VTV.

  13. Tư Thắng

    Vẫn là chuyên gửi cà phê. Ko biết trên diễn đàn này đã bao nhiêu lần nói chuyện gửi kho mà bà con mình cứ bị mắc vào ko gỡ được. Chờ vạ má sưng, bà con phải lấy mấy chuyện này làm bài học cho mình chứ. Cà phê để ở nhà là chắc thôi, công ty nào cũng cho là mình sòng phẳng hết, ko biết đâu mà lần, chán thật!

  14. HongThatCong

    Sau khi tham khảo 13 ý kiến thảo luận của các bác, tôi nhất trí theo ý kiến của bác Nông Dân Cà Phê nhận xét rất đúng là hạt cà phê đắng quá hoặc “giọt đắng cà phê” bác nhỉ?

  15. HongThatCong

    Bác Tư Thắng ơi! Chuyện cà phê gửi kho là chuyện thường… niên ở Cty, ở Đại lý… Biết rồi nói mãi. Theo bác, cà phê (sản xuất ra) để ở nhà ư? Chưa chắc đâu bác ạ. Nếu cà phê ít thì có thể nhưng nhiều quá phải có kho chứa, còn bị mối mọt và sợ còn bị mất trộm nữa chứ? Bây giờ nông dân sản xuất ra cà phê gửi kho nơi đâu là tin tưởng nhất đây!?

  16. Mê cà phê

    Vụ gửi cà phê vào kho này mà tòa án Đăk Lăk xét xử chưa thấu hết sự tình. Theo tôi được biết là 188 tấn cà phê mà ông Vinh nhận của dân gửi kho là chưa được cấp ” Giấy chứng nhận cà phê gửi kho” Của INEXIM Đắk Lắk vì ông Vinh chưa chuyển về nhập kho của công ty INEXIM mà mới nhập kho của Xưởng chế biến II do ông Vinh phụ trách. Trong khi đó thì Xưởng II đã được công ty khoán rồi. Vấn đề là sao ông Vinh không nhập toàn bộ số hàng gửi kho trên về kho công ty để INEXIM cấp chứng nhận gửi kho như mọi người khác mà từ trước tới nay INEXIM đã tuân thủ. Vậy thì số hàng gửi kho trên đã biến đi đâu mất ?
    Các bác thử nghĩ xem các bác có con cho nó ra ở riêng, rồi một ngày kia nó nhận cà gửi kho của ông A, B, C rồi nó xài hết. Khi ông A, B, C kiện ra tòa. Khi đó tòa án xử và kết luận con ông nó xài hết hoặc nó chơi bài hết rồi thì bố phải chịu.
    Các bác thấy thế nào ? Đúng là quýt làm cam chịu…

  17. Công Bằng

    Tôi thấy sao mà nông dân chúng ta khổ quá, làm ra không dễ mà bán cũng là 1 vấn đề lớn. Không những cà phê mà còn những mặt hàng khác nữa. Không biết các sếp nhà ta làm như thế nào mà để nông dân chúng ta khổ vậy. Thật đáng buồn cho thực trạng hiện nay. Tui không biết nói gì hơn xin được chia sẻ cùng bà con nỗi buồn này.
    Tôi không phải là 1 nông dân nhưng nhà tui gốc là một nông dân nên thấy buồn cho thực trạng này. Lúc trước tui có mua một ít cà phê tính kiếm ít lời nhưng bị ép giá quá tui bán rồi, cũng không lỗ. Cám ơn Y5Cafe có diễn đàn hay cho bà con nông dân chúng ta

  18. TAM NÔNG

    Quản lý vĩ mô của chúng ta đang bị các nhóm lợi ích chi phối!
    Cần phải có các nhà lãnh đạo tài ba hoạch ban hành chính sách, chứ như hiện nay các lợi ích công cứ đội nón chạy vào túi tư… thoải mái!
    “Quả đấm thép” Vinashin và lạm phát PHI MÃ hiện nay đang chứng minh thực tế điều đó!

  19. Nông dân

    Tui rất tán thành ý kiến của bác Mê Cà phê, bởi đúng như bác nói đâu có chuyện con làm bố mẹ phải chịu chứ (cha mẹ chỉ chịu trách nhiệm giám hộ và bảo lãnh cho con khi dưới 18 tuổi thôi). Vấn đề ở đây chúng ta cần công tâm để xem xét và tìm ra đúng nguyên nhân sâu xa của vấn đề, mất của ai cũng xót, nhưng đâu chỉ vì mất của mà chúng ta lại đi túm cổ người này người kia rồi hô hào, rồi phê phán và thậm chí không khéo lại vướng vào tội vu khống nữa đấy.

  20. nongdancafe

    Đọc bài báo tôi thấy có mấy vấn đề sau :
    1/ Bài báo có nội dung trình tự vấn đề rõ ràng về công nợ : khi bàn giao chuyển đổi ko có chuyển giao công nợ 188 tấn cafe
    2/ Việc tòa phán quyết thì phải theo đúng pháp luật , và phải có cơ sở pháp lý . Mà đã đến giám đốc thẩm thì khó có thể thiếu chứng cứ cụ thể
    Báo nói báo đúng , tòa nói tòa có căn cứ
    Theo tôi Inexim xem lại hồ sơ v/v cơ sở chuyển giao công nợ ban đầu mà QĐịnh theo đuổi đến cùng hay ko.

    1. Thanh Tam - Cư Kuin

      Công ty nhà nước gửi mà còn bị mất thế huống hồ chi gửi ở các đại lý cà phê tư nhân mất là chắc rồi. Vậy mà thu xong mùa cà phê là tôi thấy nông dân cứ nườm nượp chở ra đại lý gửi. Bao nhiêu vụ bị bể nợ và xù rồi mà không sợ!

      1. Vinh An

        Nên tui mới nói là đừng gửi đâu hết, để ở nhà cho chắc, biết tin ai mà gửi.
        Vậy mà BQT có đồng ý đâu!

      2. Nông dân cà phê

        Nông dân vẫn nườm nượp chở cà phê ra đại lý thì có nhưng không phải để gởi kho đâu mà chủ yếu trả nợ đại lý vì đã bán cà phê non từ đầu mua để mua phân bón, chi phí chăm sóc, lãi vay… có dư chút ít thì gởi đó cho đại lý xù nợ chơi mà (nói hơi phóng đại nhưng thực tế đa số là vậy).
        Nhà nước hỗ trợ dân thì chẳng bao giờ tới tay người dân được mà toàn hỗ trợ đâu đâu ấy. Nghe nói nhà nước lại đầu tư hơn 66 tỷ đồng để nhân giống cà phê ca cao mới nhưng xem ra còn lâu người dân mới được hưởng lợi từ dự án này. Nhà nước cứ cho dân vay tiền với lãi suất thấp là cách hỗ trợ hiệu quả nhất.

  21. chuotdong

    Vinh An ơi, bạn nói chưa đúng rồi. BQT có quyền gì và làm thế nào để ngăn được bà con gửi và ko gửi chứ. Ai ở trong cuộc mới biết rõ thôi. Đa phần bà con khi gửi đều tính tới tính lui nát óc đó. Xây kho để nhà chưa hẳn an toàn vì nó trộm cắp ko được khi phát hiện dễ mất mạng như chơi khi xảy ra sự việc, chưa nói đến cháy kho, hư hỏng… khổ lắm.
    Mình gửi công ty có phần chắc ăn hơn đại lý nhưng cũng chưa hẳn an toàn tuyệt đối vì thế biết cà phê còn lên cao vẫn chốt 2/3 giá 50 cho chắc ăn cái đã. Mình k lo xuống giá mà lo công ty bể nợ thì nguy.
    Thế đó, chín người mười ý, hai vợ chồng trong nhà có khi chưa thống nhất để nhà hay gửi kho – bán hay chưa bán nên chuyện cà phê ký gửi của bà con muôn đời vẫn thế thôi.

  22. pham huu nhi

    Vụ này sao đến giờ này vẫn còn lình xình ? Cơ quan Pháp Luật đã xử trình tự theo từng cấp (từ cấp thấp nhất đến cao nhất rồi) phải chấp hành khi Bản Án đã có hiệu lực thôi. Thầy trò ông Huy và ông Vinh lo mà nôn ra trả lại cho dân chứ từ 2001/2002 đến nay là bao nhiêu năm rồi ? Dân họ chưa khủng bố cho là may đấy.

  23. Dân Đắc Min

    Suy cho cùng thiệt thòi vẫn về phía nông dân. Cà phê gửi kho từ năm 1999-2000 mà cứ đùn đẩy trách nhiệm, không giải quyết dứt điểm, lợi dụng luật pháp cứ khiếu kiện lên tục, kéo dài hàng chục năm. Không biết những người gửi kho còn tồn tại để đi dòi nữa không và công lao đi dòi cái của chính mình ai sẽ tính cho hay đánh bùn sang ao hết rồi.
    Cuối cùng nông dân nghèo phải lãnh hậu quả hay sao? Bất công quá !
    Ai thấu hiểu nỗi niềm này của nông dân cà phê đi gửi kho? Kêu ai bây giờ?

  24. Bình luận

    Ôi, sao cái chuyện 188 tấn cà phê nói ở trên sao mà giống như vụ biển thủ cà phê ở Cty 2/9 trong thời gian vừa qua thế nhỉ. Theo tui được biết thì báo chí có đăng tin rầm rộ về vụ Ông Hứa Thanh Hồng – Trưởng phòng Kinh doanh Cty 2/9, trong thời gian tại vị đã lợi dụng chức vụ để gom hàng của dân, của nông trường để rồi biển thủ vào túi riêng mà không lập chứng từ, báo cáo về công ty và như thề thì công ty nào có ai biết. Cho đến khi thị trường giá cả tăng đột biến thì người dân ta mới vỡ lẽ và thế là bị té ngữa…. Tiền mất tật mang… và chờ đợi tòa xử thế nào…?
    Thử hỏi vụ này chả lẽ lại bắt Cty 2/9 đền sao? hay là bắt giam ông Hồng để chờ xử lý? Theo tui được biết thì luật pháp Việt nam rất rõ ràng ai làm nấy chịu, chứ đâu có chuyện cá nhân lợi dụng rồi đẩy hết trách nhiệm về cho Cty sao. Chuyện của Ông Hồng rồi đây cũng sẽ có kết luận và vụ 188t cà nói trên cũng sẽ ngã ngũ và đi đúng trật tự của nó thôi.
    Theo tui thì tui chẳng biết công ty A,B,C gì cả chẳng qua trong chuyện làm ăn tui tin ông nên mới đến với ông, khi có chuyện gì thì tui cũng chỉ tìm tới ông thôi.

    1. Dân Đắc Min

      Tui ko đồng ý với bạn vì nếu ko có thương hiệu Inexim Đắc Lắc thì bà con Đắc Min có gửi không? Còn Inexim bổ nhiệm ông Vinh làm giám đốc chi nhánh thì Inexim phải chịu trách nhiệm chứ. Ko thể đánh bùn sang ao được. Nếu theo ý các bác thì bà con gửi cà ở Đắc Min cứ phải chạy theo ông Vinh mà đòi? Vô lý!
      Các bác nói vậy nên tui lại nghĩ đến vụ 18.000 tấn cà nữa. Nếu bây giờ ngành cafeVN điều ông T đi một đơn vị khác thì tòa án BMT và bà Ngọc cứ ngồi đó mà đợi, còn ông T chỉ cần bàn giao công tác là xong. Vụ tranh chấp này thì sếp mới làm sao mà giải quyết được, còn sếp T thì… bàn giao rồi, bai bai thôi.
      Ai đợi thì cứ đợi nhé!

    2. Nông dân cà phê

      Ví dụ toà xử ông Vinh phải đền 100%, số tiền gần 6 tỷ nếu ông Vinh không có, ông chấp nhận tù chung thân hoặc tử hình thế thì tôi là người gởi kho sẽ được gì? Mất trắng sao? Tôi không đồng ý toà xử kiểu này mà bắt công ty phải trả. Còn chuyện giữa công ty và ông Vinh thì xử lý sau, không liên quan gì tới nông dân vì ông Vinh chỉ là người đại diện để đứng ra mua cho công ty thôi.

  25. Robustas

    Chuyện này có mới mẻ gì đâu, lâu rồi mà.
    Hãy đợi đấy ! mà đợi lâu thì …
    Tội cho người dân gửi nhầm trứng cho ác thôi.

  26. Nông dân

    Bác dân Dắc Min ơi, theo tui thì đâu có thể để cho người ta lợi dụng thương hiệu của mình để làm chuyện xằng bậy chứ. Theo tui thì chuyện Công ty này bổ nhiệm người này người giữ chức vụ để công tác nhưng anh lại lợi dụng chức vụ của anh để tư lợi gây thiệt hại đến người dân và đến uy tín công ty thì bắt công ty chịu hết sao. Chẳng qua ở đây là vấn đề đạo đức nghề nghiệp của mỗi cá nhân thôi. Dẫu rằng công ty quản lý anh, nhưng anh đã có ý đồ thì công ty chỉ có mà chết thôi, bởi người ta đã có ý gian rồi thì làm sao mà vỗ ngực cho ta biết chứ. Như vậy làm gì chúng ta bị mất cắp phải không nào, bởi khi đó ăn trộn đã có bảng hiệu trên áo và như thế thì ta tránh được, còn xã hội này vẫn còn đầy rẫy những sự bất công, sự gian dối…

    1. Dân Đắc Min

      Vụ này ko phức tạp, chẳng qua là do lợi dụng bản chất nhân đạo của luật pháp mà thôi. Đã xử sơ thẩm, rồi phúc thẩm, còn thêm tái thẩm và giám đốc thẩm nữa, và người ta cứ lợi dụng như vậy để kéo dài ra mà chưa chịu trả cho dân.
      Còn ý bạn @nông dân tui thấy càng mâu thuẫn khi cho rằng “bắt công ty chịu hết sao”. Nhưng chính bạn lại nói “anh đã có ý đồ thì công ty chỉ có mà chết thôi” vậy nên tòa bắt Cty phải bỏ tiền ra trả là có lý của tòa, và đúng ý của bạn rồi đó. Để cho dân đợi hơn 10 năm rồi bạn không thấy bức xúc à?
      Thực ra tui đọc mà không hiểu hết ý bạn, sao có vẻ lập lờ vậy?
      Sao Cty không tiếp tục kháng án nữa đi !

  27. cuba

    Tội cho nông dân nghèo, hết chỗ này đến chỗ khác xù nợ. Đâu ko biết chứ ở hủ mắm này thì đi toong rồi, trái bóng trách nhiệm này còn chuyền cho nhau mãi…
    Các “chủ nợ” lo làm mà nuôi lấy thân thôi, học phí để học làm người cho nông dân mình cao quá!

Tin đã đăng