TT – Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón dỏm kém chất lượng lại tiếp tục tung hoành nhiều nơi. Vụ bắt giữ hàng chục tấn phân bón làm từ bột đá tại Q.12, TP.HCM đã thật sự gióng lên hồi chuông báo động cho tình trạng này.
Sản xuất phân bón giả tại một cơ sở ở Q.12, TP.HCM
Nhiều trường hợp nông dân mua nhằm hàng dỏm phải cắn răng chịu đựng vì không thể tìm được nơi sản xuất, thua kiện đại lý do thiếu cơ sở pháp lý.
Khó phân biệt thật giả
Ngày 10-5, đội quản lý thị trường 12B đã bắt giữ 14 tấn phân bón giả tại cơ sở sản xuất phân bón ở số nhà 343/1A đường T15, khu phố 4, P.An Phú Đông, Q.12. Ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng, quyền đội trưởng đội quản lý thị trường 12B, cho biết mặc dù nhận được thông tin có sự việc làm giả trên địa bàn nhưng việc thực hiện kiểm tra, bắt giữ gặp không ít khó khăn do hoạt động này diễn ra rất chóng vánh, địa điểm hoạt động thay đổi thường xuyên.
Theo ghi nhận tại thời điểm kiểm tra, để sản xuất hàng trăm bao phân bón giả, “công nghệ” sản xuất chỉ cần bốn chiếc xẻng, hai cây cuốc, dụng cụ đóng bao và cân đồng hồ. Nguyên liệu chính được sử dụng làm phân bón là bột đá.
Chỉ cần rắc lên đó bột nhuộm màu sau đó trộn đều, bột đá được “phù phép” không khác gì phân kali chính hãng. Trước đây, các đối tượng làm giả phân kali dùng gạch, ngói nghiền nhỏ rồi trộn vào bột đá. Để sản phẩm giống thật hơn, họ trộn thêm một lượng muối nhằm tạo màu và kết dính. Tuy nhiên hiện nay chất nhuộm màu cho bột đá được sử dụng có khả năng kết dính rất tốt (khi dính vào quần áo không thể giặt sạch dù dùng chất tẩy) nên càng khó phân biệt phân bón thật và giả.
Sau khi dùng cuốc, xẻng hoàn thành công đoạn chế biến, sản phẩm được đóng gói bao bì với thông tin “sản xuất tại Nga”. Phân bón giả thành phẩm sau khi đóng bao được chuyển đi tập kết nhỏ lẻ tại nhiều nơi để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Theo ước tính, mỗi ngày hàng chục tấn phân bón giả được tuồn ra thị trường. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tại các quận huyện vùng ven TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Cũng làm giả vật tư nông nghiệp quy mô lớn, trong tháng 3-2011 một cơ sở sản xuất các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật vừa bị phát hiện và thu giữ số lượng lớn sản phẩm giả mạo nhiều nhãn hiệu các sản phẩm của công ty nước ngoài được bảo hộ tại VN.
Theo cơ quan công an TP.HCM, chủ cơ sở là Nguyễn Văn Thế thuê nhà ở Q.Bình Tân làm cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan công an đã thu giữ 23.550 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm, trong đó có các nhãn hiệu như Atonik, Cruiser, Amistar-TOP, Clincher… Ngoài ra còn bốn can đầy hóa chất (mỗi can dung tích 20 lít) 300kg bao bì, vỏ chai các loại, chín bộ máy, dụng cụ sản xuất và có cả khuôn in lụa để in bao bì.
Lúng túng khi mua nhằm hàng dỏm
Nhắc đến phân bón giả, ông Nguyễn Vịnh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vẫn còn bức xúc vì mua nhằm hơn 2 tạ phân bón giả trong vụ cà phê vừa rồi. Ông Vịnh cho biết dù đã mua phân NPK của một công ty có thương hiệu nhưng sau trận mưa đêm trước, sáng thăm vườn cà phê ông phát hiện một lớp đất mỏng vàng trên mặt. Xem kỹ thì lớp đất này giống như bột đá, bột gạch ngói. “Loại chất chiếm đến 30% tổng lượng phân bón ra, tôi nghĩ đó là chất phụ gia không thể tan được mà công ty làm phân bón cho thêm vào” – ông Vịnh nhận định.
Một chủ đại lý phân bón tại Bảo Lâm (Lâm Đồng) cho hay phân bón giả thường gặp nhất vào đầu mùa mưa khi người dân tập trung bón phân cho cây trồng. Một số công ty trộn những loại đất đá nghiền nát vào để bán cho người dân nên nhiều loại phân đã bón sau hai tháng vẫn còn nguyên chứ không tan, cây thì vàng úa lá.
Ông Bùi Văn Sỹ, thẩm phán TAND huyện Di Linh (Lâm Đồng), cho biết đến cuối tháng 4-2011, TAND huyện đã tiếp nhận 35 hồ sơ khởi kiện về việc tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại về mua bán phân bón. Trong đó có tới 26 vụ do một đại lý phân bón khởi kiện nông dân. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp trên là do nhiều người dân mua phải phân bón nghi kém chất lượng nên một số người không trả tiền cho đại lý. Tuy nhiên, một số vụ đã được xét xử và phần thua thuộc về nông dân. Ông Sỹ cho hay tất cả văn bản, chứng từ mà phía bị đơn (nông dân) cung cấp, kể cả bản phân tích mẫu phân bón kém chất lượng đều không đủ cơ sở pháp lý.
Theo ông Trần Văn Kiên – trưởng ban kinh tế Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, nếu ngay sau khi phát hiện phân bón có dấu hiệu kém chất lượng, người tiêu dùng thông báo kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền để thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu thực hiện kiểm định chất lượng thì bằng chứng này sẽ là hợp pháp, có cơ sở pháp lý.
Có thể khởi kiện ra tòa
Theo đại diện một công ty luật chuyên về sở hữu trí tuệ, bà con nông dân có thể khởi kiện cơ sở sản xuất ra tòa nếu mua phải vật tư nông nghiệp giả và ảnh hưởng đến năng suất sản xuất. Nếu bà con biết đích xác cơ sở sản xuất ở đâu thì có thể tiến hành các thủ tục khởi kiện. Trường hợp không biết đích xác nơi sản xuất, bà con nông dân có thể báo cho các cơ quan chức năng trên địa bàn để họ tổng hợp, xác minh, bắt giữ cơ sở sản xuất hàng giả.
Có vẻ như các ngành chức năng quản lý lĩnh vực này tỏ ra bất lực, nếu không thì làm gì cứ kéo dài tràn lan năm này qua năm khác mà vẫn thấy chưa giải quyết được. Hình như năm sau càng nhiều hơn năm trước.
Đề nghị bà con cộng đồng Y5Cafe năm nay tích cực phản ánh hiện tượng phân bón giả xuất hiện ở địa phương mình và cùng chung tay nhau ngăn chặn để người trồng cà phê chúng ta khỏi phải gánh chịu hậu họa của bọn ngồi mát ăn bát vàng.
Đề nghị Ban quản trị xem xét và hỗ trợ ý kiến của tôi một cách tích cực nhất.
Là nông dân nên chỉ biết mua phân về bón, mua thuốc sâu về xịt chứ làm sao có những thiết bị đo lường để kiểm tra nhằm đi kiện các công ty làm phân giả và thuốc sâu dỏm được. Chỉ khi bón phân xong thấy cây ko tốt mà có hiện tượng vàng và rụng lá thì mới biết là phân giả. Tôi và rất nhiều người ở trong vùng cùng mua thuốc trị rệp sáp, mặc dù mọi người đã xịt gấp đôi liều lượng chỉ dẫn nhưng ko chết một con gì kể cả những con rệp muỗi và rệp vảy xanh là những loài dễ chết nhất, nhiều người xịt thuốc cỏ ko chết cây cỏ nào. Vậy nên chỉ trông chờ sự ra tay của các cơ quan chức năng cho dân được bớt khổ vì phân giả, thuốc dỏm. Chứ năm nào cũng nghe tin nạn phân giả thuốc dỏm tràn lan nhưng đâu lại vào đó. Ví dụ năm 2010 trên báo chí nói có 320 mẫu phân giả nhưng ko thấy xử lí gì, thậm chí các quan ko công bố những mẫu phân của hãng phân nào, chí ít thì khi công bố trên báo chí thì dân cũng tránh được thiệt hại. Thật bức xúc khi phân giả, thuốc dỏm đã làm thiệt hại rất nặng nề cho nông dân mà dân ko làm gì được. Vậy mà lại có ông “quan”phát biểu là:”sẽ phạt 10 triệu nếu phát hiện nông dân nào bón phân giả”. Thật nực cười cho các ban ngành chức năng đã bất lực hay là có sự ăn chia lót tay để cho nạn phân, thuốc giả ngang nhiên tung hoành mà ko có sự xử lí hoặc công bố các tên của những hãng phân, thuốc “đen” để dân tránh.
Sao không chụp rõ ràng hình ảnh bao bì lên để bà con biết để đề phòng.
Rõ khổ cho bà con nông dân chúng ta, có đi kiện thì phần thua đều thuộc về nông dân.
Muốn thoát khổ, nông dân chỉ còn trông chờ vào nhà nước, mà đặc biệt là cơ quan quản lý thị trường. Họ phải thường xuyên đi kiểm tra giám sát các đại lý kinh doanh hàng hoá, xăng dầu… bộ phận này rất nhạy cảm, rất dễ ăn hối lộ, nhà nước cần phải có cơ chế riêng cho cơ quan này thì họ làm việc mới công minh.
Vậy làm cách nào để phân biệt phân thật phân giả bà con?
Dear All.
Vấn đề phân biệt phân bón thật giả ko phải là vấn đề khó.
Nếu có cầu thì hẵn sẽ có cung. Cái cầu ở đây ko phải là nhu cầu từ người nông dân mà nhu cầu từ các đại lý phân phối. Họ muốn mua các loại phân giả này về trộn với các loại phân thật để bán cho người dân. Vì khi phân mà bỏ xuống đất thì có ai mà biết được thật giả và cũng ko có bằng chứng đi nói đại lý này bán hàng giả đc?
Những ai làm trong nghề kinh doanh phân bón thì đều rõ cái chuyện này. Mình có 1 thằng bạn làm phân phối phân bón cho các đại lý ở Tây nguyên. Khi đi giao hàng hoặc ký hợp đồng với các đại lý thì các đại lý yêu cầu trộn phân giả và phân thật tỉ lệ 30% – 70 % ( giá thành sẽ giảm xuống 25% so với hàng thật. Nhưng khi các đại lý bán ra thì giá 1 bao phân 50kg sẽ là 100% phân thật. Lợi nhuận thu được là 25% ? kg ( lợi tức ko hề nhỏ tí nào)
Muốn triệt để tình trạng này chỉ có cách là kết hợp giữa các đội Quản lý thị trường và Sở Khoa học Công nghệ vạch trần cách làm ăn phi pháp của các đại lý phân .
Nếu ai để ý các đại lý phân nào cũng giàu rất nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây.
Trên thế giới này không đâu như ở ta và Trung quốc, phân bón giả thực phẩm giả thuốc trừ sâu giả rất độc, các nước khác đều cấm xử dụng.
– Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có trời mà biết được chứ đừng nói người nông dân. Các cơ quan chức năng thì bó tay, người dân chỉ có chịu trận “tiền mất tật mang”. Trong khi phát hiện hàng giả chỉ phạt có chục, đến vài chục triệu đồng thì họ làm giả là đúng rồi. Bán 1 lô hàng giả là đủ nộp phạt. Giờ thử phạt gấp 1 triệu lần giá trị lô hàng coi, xem ai giám làm?!
Ví dụ Dân phát hiện 1 bao NPK giả trị giá 700.000đ, mức phạt sẽ là 700 tỷ. Riêng số tiền này, đủ để trang trải phân tích chất lượng, cơ quan chức năng điều tra, và bồi thường thiệt hại cho dân và xung vào công quỹ. “Bố bảo thằng nào dám làm, dám bán phân giả!”
– Trong khi cơ quan chức năng, luật pháp bó tay Bà Con nông dân có thể phát hiện 2 cách là phân giả:
+ Đi phân tích mẫu tại cơ quan như các Viện, Trường. Cách này mất công, mất thời gian, tốn kém nhưng rất hiệu quả.
+ Mua phân bón về phải thử: Lấy ra 1 ít phân, rồi bón vào cây rau ở nhà, hoặc hòa loãng 0,2% phun lên luống rau, tất nhiên là có đối chứng bên không bón hoặc không phun. Chỉ sau 5 ngày là phát hiện ra phân giả nếu như 2 luống như nhau.
Chúc bà con phát hiện được phân giả.