Thương nhân Trung Quốc lại vào tận vườn mua hạt tiêu

Sau khi “tràn” vào huyện trồng tiêu trọng điểm của tỉnh Gia Lai là Chư Sê để mua hạt tiêu trực tiếp từ nhà vườn, giờ đây các thương nhân Trung Quốc tiếp tục đến tận vườn tiêu của huyện Châu Đức, nơi có diện tích trồng tiêu lớn nhất Bà Rịa –Vũng Tàu để tranh mua hạt tiêu với thương lái, đại lý và các công ty trong nước.

Xem thêm: > Thương nhân Trung Quốc “tận thu” hồ tiêu

hạt tiêu

Các đại lý thu mua nông sản ở Châu Đức cho biết trong những ngày đầu tuần này, nhiều thương nhân Trung Quốc tới tận vườn tiêu của nông dân để mua tiêu xô trực tiếp với giá trên dưới 114.000 đồng/kg, trong khi các đại lý trong nước mấy ngày qua thường mua tiêu đen giá 108.000 – 110.000 đồng/kg.

Không những mua tiêu trực tiếp tại vườn với giá cao hơn giá thị trường bình thường mà các thương nhân Trung Quốc chọn phương thức thanh toán là “tiền trao cháo múc”, có lợi cho nông dân, trong khi phương thức mua hiện nay giữa đại lý trong nước và nông dân thường là mua bán nợ.

Trước đó, hồi đầu tháng 4, các thương nhân Trung Quốc, cũng bằng hình thức mua và thanh toán tương tự, đã “tràn” vào vùng tiêu nổi tiếng của Tây Nguyên là huyện Chư Sê mua gom hạt tiêu tận vườn, dùng xe ô tô con, xe du lịch chở 500 -1.000 kg, sau đó tập kết về một điểm trung chuyển nào đó để dùng xe tải lớn vận chuyển ra biên giới phía Bắc.

Những người mua gom tỏ ra khá hào phóng, thường trả mức giá cao hơn 1 – 2% so với giá thị trường, lại trả tiền mặt ngay tại chỗ nên nông dân sẵn sàng bán ngay.

Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho rằng, dù mua giá cao hơn, nhưng người mua gom bất hợp pháp vẫn có lợi vì nếu mua đường đường chính chính bằng hóa đơn, chứng như các đại lý trong nước sẽ phải chịu mức thuế 5%.

Hiện vẫn chưa có con số thống kê chính thức nhưng Hiệp hội hồ tiêu Chê Sê ước tính, tại nhiều địa phương của Gia Lai, có đến 50% lượng hồ tiêu được thương nhân Trung Quốc mua gom theo hình thức này.

Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), ông Đỗ Hà Nam cho biết, gần như toàn bộ sản lượng hồ tiêu từ Bắc Trung Bộ trở ra và vùng bắc Tây Nguyên đều bị thương nhân Trung Quốc thu mua theo cách như vậy.

Mấy năm trước cứ tới mùa thu hoạch tôm, cạo mủ cao su, sắn lát hay khoai lang, nhiều thương nhân Trung Quốc xuống tận trang trại cao su, cơ sở chế biến mủ cao su tư nhân để ứng tiền mua cao su ngay tại chỗ, hay vào tận ao nuôi mua tôm trực tiếp của nông dân khiến nhiều nhà máy thủy sản khốn khó vì thiêu nguyên liệu.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng