Theo thống kê mới nhất, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, hiện có hơn 1.000 ha cà phê bị rệp sáp tấn công gây hư hại nặng. Huyện Krông Nô có diện tích bị thiệt hại lớn nhất với 500 ha, kế đến là huyện Đác Mil hơn 350 ha, huyện Đác Song hơn 150 ha…
Ngày 5-5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết: Từ đầu tháng 4 đến nay, do tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, không theo quy luật hàng năm nên nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện các loại sâu bệnh hại cây trồng, nhất là rệp sáp tấn công cây cà phê.
Theo thống kê mới nhất, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 ha cà phê bị rệp sáp tấn công gây hư hại nặng, trong đó địa phương có diện tích cà phê bị rệp sáp gây thiệt hại nặng nhất là huyện Krông Nô với hơn 500 ha, kế đến là huyện Đác Mil với diện tích hơn 350 ha, huyện Đác Song hơn 150 ha…
Tại huyện các địa phương xuất hiện rệp sáp, nhất là tại huyện Krông Nô, do mới kết thúc mùa khô, một số người dân chủ quan không thăm rẫy thường xuyên và chưa kịp phun thuốc phòng trừ sâu bệnh đầu mùa mưa nên khi phát hiện có rệp sáp tấn công các vườn cà phê mới tiến hành phun thuốc thì rệp sáp đã gây hư hại quá nặng. Hiện nay, nhiều vườn cà phê đã bị rệp sáp hút hết nhựa làm cành cà phê vàng úa, khô khéo, còn trái cà phê non bị khô đen, ảnh hưởng lớn đến năng suất trong niên vụ tới.
Để giúp nông dân phòng chống dịch rệp sáp tấn công các vườn cà- phê, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm bảo vệ thực vật các huyện, thị xã trong tỉnh hướng dẫn nông nhân mua các loại thuộc đặc trị rệp sáp về phun, ở những diện tích bị nặng thì tiến hành cắt và tiêu huỷ những cành, chùm quả đã bị khô. Những địa phương phát hiện rệp sáp tấn công bộ rễ của cây cà phê thì nhanh chóng phun thuốc hoá học và bón vôi bột vào gốc để trừ rệp sáp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông khuyến cáo: trong thời điểm giao mùa, đặc biệt là tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan với kiểu khí hậu nắng nóng và mưa ít như năm nay là điều kiện tốt để rệp sáp hại cà phê bùng phát mạnh. Vì vậy, bà con nông dân cần thường xuyên thăm vườn cà phê và ngoài việc cắt tỉa cành, bón phân hợp lý, cần chủ động phun các loại thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ rệp sáp trước khi chúng xuất hiện.
Có bà con nào ở vùng bị rệp sáp có thể gửi hình ảnh hoặc thông tin thêm về loại sâu bệnh này để mọi người cùng xem được không ạ?
Ở khu vực huyện Krông Buk mấy năm nay cũng bị rệp sáp tấn công mạnh làm năng suất giảm rất nhiều, nhất là trong tình trạng hạn hán, nắng nóng như hiện nay. Biện pháp tốt nhất để diệt rệp sáp là dùng nước để xịt. Bà con dùng loại ống 35, đầu ống cho ống sắt đập dẹp để nước phụt mạnh và tiến hành rửa toàn bộ khu vực cà bị rệp, rửa như thế này hiệu quả cao hơn phun thuốc, không tốn kém nhiều mà đỡ độc hại, cà phê sau khi xịt rất sạch sẽ, không bụi bặm… Trong khi xịt lá cà có bị rụng nhưng bà con yên tâm không ảnh hưởng gì cả.
Cà phê ở đây nhìn như cây cảnh ấy nhỉ. Mình ở Huyện Krông Năng cũng bị nhưng có vẻ không bị nhiều như ở Đắk Nông. Những ngày gần đây có mưa nên cũng đã đỡ đi nhiều rồi nhưng không biết có tái phát lại không nữa. Mong bà con ở Đắk Nông sớm diệt được rệp sáp.
Biện pháp tốt nhất để phòng trừ rệp sáp theo kinh nghiệm chính là tưới béc. Áp lực nước ở béc sẽ giúp rửa trôi rệp sáp mà không cần phải dùng thuốc BVTV. Hơn nữa rệp sáp chỉ xuất hiện mạnh khi khô hạn nên tưới béc vừa cấp nước chống hạn, vừa hạn chế cho cây cà phê không bị sệp sáp vào mùa khô. Một chút kinh nghiệm trao đổi với bà con.
Nếu tưới béc được thì tốt rồi, nhưng đâu phải chỗ nào cũng tưới bec được… Cây cafe bên trên chắc chọn cây xấu làm hình minh họa thôi, chứ cafe như thế thì chặt cho rồi chăm sóc làm gì cho tốn công sức.
Cư Kuin nói đúng đó, biện pháp phòng rệp sáp cách tốt nhất là về mùa khô nên tưới béc sẽ có nhiều tác dụng :
– Áp lực béc sẽ rửa trôi rệp;
– Tưới béc sẽ tạo được độ ẩm trên cây và toàn bộ diện tích mặt đất trong lô cà phê nên giảm được sự phát triển của rệp sáp.
– Cũng từ áp lực của béc nên xịt bay hết những tàn của hoa khô, làm thoáng chùm trái non là nơi trú ngụ và sinh sản của rệp sáp.
Từ năm 2003 đến nay mùa khô Văn Dân tưới béc nên rệp sáp ít hẳn.
Vài điều trao đổi kinh nghiệm với các bác nhà nông.
Rệp sáp nếu phun thuốc bảo vệ thực vật thì nó phát tán càng mạnh, càng lây lan nhanh, chỉ phun nước và tăng cường phân bón, nếu quá nhiều thì phải khoanh cây bệnh và diệt bằng cách đốt bỏ, ( những cây này thường rất xấu, chặt bỏ không thấy tiếc), mấy chút kinh nghiệm của cuba
Nhìn vườn cà phê này thảm quá nhỉ ? chắc không chăm sóc gì quá! : Cám ơn bà con vì một kinh nghiệm mới. Tưới béc tuy tốn nước nhưng có nhiều tác dụng thật.
Nhà mình cũng ở huyện Đắk Mil mà chưa thấy có rệp sáp gì cả? không biết có nên phun thuốc phòng trước không nhỉ ? thế này thấy sợ quá.
Trân trọng !
Bà con nói đúng , tưới béc giảm rệp sáp đấy. Tôi bổ sung thêm là tốt nhất bà con ta tưới được về đêm tuy vất vả hơn nhưng hiệu qủa cao hơn vì ban đêm trời lạnh cộng thêm tưới càng lạnh hơn nên rệp sáp bị chết và chậm phát triển, ko nên phun thuốc hóa học . Vài kinh nghiệm nhỏ chia sẻ cùng bà con.
Rệp sáp sợ nhất là nước… các bác dùng vòi nước có lực mạnh, xịt tung hết hoa khô trên trái… rệp sáp sẽ theo đó mà chết… Nếu trời mưa nhiều là tốt nhất….
Các bác đã có kinh nghiệm trong cách tưới cho cà phê bằng béc cho tôi hỏi để đầu tư cho 1,5 ha thì chi phí hết bao nhiêu và giếng nhà tôi với độ sâu 24m (đang tưới bơm chìm điện 1 pha) liệu có thể áp dụng mô hình tưới béc được không ? xin cảm ơn!
cu van lan ạ ! giếng của bạn độ sâu 24m là tưới béc được tốt, bạn sử dụng bơm chìm điện 1 pha có công suất 2,5 kw thì tưới được 2 béc một lần, thời gian và chi phí tiền điện gấp đôi bạn cầm ống tưới. Tưới đợt 1 bạn tưới 5 h mới thay giàn béc, đợt 2 tưới 4 h, đợt 3 chỉ cần tưới 3-4h. Lưu ý bạn mua béc nhựa là sử dụng tốt nhất cho tưới bơm điện 1 pha. Văn Dân tưới béc từ năm 2003 đến nay thấy béc của ông Đặng Tám ở thôn Phước lộc xã Ea Phê huyện Krông Pắk là đảm bảo. Tưới béc chú ý khi thả máy xuống giếng thì máy phải cách đáy khoảng 1m đừng thả sát, máy hút đất cát lên kẹt béc, làm cho béc không quay được. Năm đầu Văn Dân sử dụng không biết để máy gần đáy giếng quá rồi máy hút lên đất cát kẹt cứng béc. Bây giờ có kinh nghiệm rồi thấy tưới béc thấy quá nhàn, lắp béc xong nghỉ khoảng 4-5h quay lại thay khoảng 15 phút, chẳng cân phải thuê người cầm ống tưới nữa, Văn Dân làm gần 3ha một đợt tưới hết 8-10 ngày một đợt, Chi phí khoảng từ 800 ngàn đến 1 triệu tiền điện rẻ hơn thuê người cầm ống tưới nhiều.
Có chút kinh nghiệm tưới béc trao đổi cùng bạn
Xin mách bảo bà con nông dân một số kinh nghiệm trừ rệp sáp như sau :
1. cắt bỏ những cành bị rệp gây hại nặng.
2. tưới nước bằng vòi phun áp lực để rửa rệp sáp.
3. phun thuốc hóa học sau khi tươi nước bằng thuốc đặc trị rệp sáp AnBoom 40EC của công ty cổ phần BVTV An Giang.
4. liều phun : pha 1 chai 480ml /phuy, phun tập trung vào những nơi rệp gây hại, nên pha chung vói chất bám dính để chống rửa trôi trong mùa mưa.
Kinh nghiệm của nông dân khi phun thuốc trừ rệp sáp là cứ 1 phuy (200 lít nước) cộng thêm 1/2 chai nước rửa chén, hoặc 2-3 muỗng bột giặt để tẩy rửa lớp sáp của rệp để thuốc tiếp xúc tốt hơn, tăng hiệu quả cao hơn cho việc trừ rệp.
5. Sau khi phun thuốc phòng trừ, bà con nên bón phân hoặc phun phân bón lá để cây nhanh chóng hồi phục.
Trước khi sử dụng các loại Boom của An Giang xin mời đọc lại bài này đăng trên y5 lâu rồi: https://giacaphe.com/9769/phan-bon-chua-chat-doc-su-that-dang-duoc-che-giau/
Hãy sáng suốt, tự rút ra bài học kinh nghiệm cho mình.
Tui cũng thấy mấy bài phân bón lá này trên báo Nông nghiệp Việt Nam nữa nè: http://www.nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/45008/Default.aspx
nhiều lắm: http://www.nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/45176/Default.aspx
Trao đổi thêm với Cafe chim
-Trong Thông tư của Bộ Công nghiệp số 01/2006/TT-BCN ngày 11 tháng 4 năm 2006, trong phụ lục số 3 “Danh mục hóa chất độc hại và sản phẩm hóa chất độc hại”, Nitrobenzene nằm vị trí thứ 63.
-Trong Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16 tháng 11 năm 2009, có hiệu lực áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 trong Bảng 1 – “Nồng độ tối đa cho phép các chất hữu cơ trong khí thải công nghiệp phát thải vào môi trường không khí”, Nitrobenzene nằm vị trí số 69 với nồng độ tối đa 5 miligam trên mét khối khí thải chuẩn (mg/Nm3) là mét khối khí thải ở nhiệt độ 25oC và áp suất tuyệt đối 760 mm thủy ngân.
Bà con kiểm tra xem, nitrobenzen được phép pha trộn trong thuốc BVTV chứ không được pha trộn trong phân bón lá. Đã là thuốc BVTV thì thứ gì mà không độc. Sử dụng cần thận trọng, lựa chọn kỹ vẫn tốt hơn.
Ai có link liên quan vấn đề này xin đưa lên để bà con tham khảo.
Vườn caffe của tôi có một số cây bị nứt vỏ từ gốc lên tới thân trên khoảng 1m, xin ban biên tập hoặc bà con nào cho biết đây là bệnh gì và cách phòng trị bệnh như thế nào. Xin chân thành cảm ơn.
Có cách nào trị bệnh tuyến trùng của caffe, xin ban biên tập Y5 cho đăng tài liệu để bà con cùng tham khảo, hoặc bà con nào có kinh nghiệm trị được bệnh tuyến trùng xin chia sẻ để mọi người cùng học hỏi .