Những cơn mưa đầu mùa đang khiến gần 900 ha (trong tổng số 7.000 ha) tiêu ở Đồng Nai bị bệnh “chết nhanh, chết chậm”, rệp sáp và tuyến trùng khiến nhà vườn lo lắng.
Theo ghi nhận của NNVN, dịch bệnh trên tiêu bùng phát mạnh ở những nơi mưa nhiều, kéo dài và có diện tích tiêu lớn là Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Trảng Bom, Tân Phú. Ông Nguyễn Văn Hoàng ở ấp 1, xã Lâm San (Cẩm Mỹ) báo tin cho NNVN: Nhà tôi trồng 8 sào tiêu từ 8 năm nay, hiện mới xuất hiện 4- 5 cơn mưa đầu mùa đã khiến dịch bệnh trên nhiều trụ (nọc) tiêu bùng phát mạnh. Mặc dù tiêu không bị bệnh chết nhanh, nhưng với kinh nghiệm người trồng tiêu nhiều năm là tôi biết tiêu bị bệnh chết chậm và rệp sáp khi phía sau lá tiêu toàn là rệp sáp bám đầy. Đáng nói, trong vườn còn xuất hiện nhiều nọc tiêu vừa bị héo lá đổ đốt chết rất nhanh. Trước đó chúng tôi cũng được khuyến cáo phun thuốc trừ sâu và làm thoáng gốc tuy nhiên tôi để ý năm nay có lẽ do thời tiết hanh khô kéo dài, khi mưa xuống đã khiến dịch bệnh sinh sôi, nảy nở…
Ông Hoàng cho biết thêm, nhiều vườn tiêu ở khu vực lân cận cũng đang bùng phát dịch bệnh khiến người dân khốn khổ, chạy đôn chạy đáo để phun thuốc trừ bệnh. Người dân còn lo sốt vó hơn khi dịch bệnh đe dọa đến năng suất vườn cây, nhất là khi đây là vụ tiêu được giá cao nhất từ trước tới nay.
Chúng tôi trao đổi với ông Trần Ngọc Quang ở ấp 2, xã Gia Tân 1, được biết mưa xuống khiến dịch bệnh bùng phát và vườn tiêu xuất hiện nhiều trụ bị héo, vàng lá. Ở một số trụ tiêu xuất hiện rất nhiều rệp, bám chi chít ở phía sau lá. Là người trồng tiêu đã lâu, nhưng theo ông Quang gần đây dịch bệnh bùng phát mạnh hơn rất nhiều so với những năm trước đó, nhiều loại bệnh đang tỏ ra lờn thuốc làm người dân lo lắng. Vườn nhà ông Quang vừa qua cũng có gần 20 trụ tiêu bị bệnh chết nhanh gây thiệt hại khá nặng.
Đúng như khuyến cáo trước đó của Chi cục BVTV Đồng Nai, cây tiêu bị bệnh là do thời gian qua có mưa lớn làm độ ẩm trong vườn tăng đột ngột khiến nhiều loại nấm, sâu bệnh trong đất bùng phát. Theo Chi cục BVTV, thấy cây héo, vàng lá, đổ đốt thì bộ rễ của cây đã chết, không thể chữa trị – đây là biểu hiện của bệnh “chết nhanh, chết chậm”.
Ông Nguyễn Công Tú – Chi cục phó BVTV Đồng Nai cho biết, Chi cục đã nhiều lần khuyến cáo bà con, để hạn chế dịch bệnh phát triển lây lan nhanh trong vườn tiêu, nông dân cần áp dụng các biện pháp quản lý dịch bệnh, đào mương thoát nước ngay trong những ngày đầu mùa mưa (cuối tháng 4, đầu tháng 5). Cách tốt nhất là dùng phân hữu cơ vi sinh và phân chuồng, đồng thời sử dụng loại nấm đối kháng Trichoderma để ngăn ngừa các loại nấm, nhất là nấm phytopthora đang làm nhiều vườn tiêu chết hàng loạt mà không cần phải sử dụng đến thuốc trừ sâu. Cách làm này không những ngăn được bệnh, giảm chi phí, mà chất lượng và năng suất tiêu còn cao hơn trước.
Ngoài ra, để hạn chế dịch bệnh trên cây tiêu, nhà vườn luôn làm cho vườn tiêu thông thoáng, không tồn đọng nước sau khi mưa và phải thực hiện tưới nước theo phương pháp nhỏ giọt vào mùa khô để nước thấm sâu xuống gốc tiêu từ từ, tránh tưới tràn vào gốc cây, vừa tốn nước, vừa dễ lây lan dịch bệnh. Cần chú ý phun thuốc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời điểm). Được biết, bệnh “chết nhanh, chết chậm” (loại bệnh phổ biến nhất trên tiêu làm tiêu chết đột ngột hoặc từ từ) đã xuất hiện trên cây tiêu ở Đồng Nai từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, gây thiệt hại lớn cho nhà vườn.