Lo ngại từ cây tiêu tự phát ở Đạ Tẻh – Lâm Đồng

Những ngày cuối tháng tư này, đi đến vùng nào ở Đạ Tẻh cũng đều nghe nhà nông bàn tán về chuyện trồng tiêu. Dường như bài học về cây tiêu chết nhanh vì dịch bệnh ở địa phương Đạ Tẻh trong những năm gần đây không làm cho nhà nông lo ngại trước sức hấp dẫn của giá hồ tiêu hiện đang ngày một tăng.

Nói rằng nhà vườn Đạ Tẻh không có kinh nghiệm nhiều trong việc trồng cây tiêu hàng hóa là không đúng. Tuy nhiên, trước thực trạng “nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu” như hiện nay ở địa phương này lại là một vấn đề cần lên tiếng cảnh báo.

Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Đạ Tẻh, lúc cao điểm, cả huyện có đến trên 200ha hồ tiêu; nhưng gần đây, diện tích này chỉ còn lại không đến 100ha. Nguyên nhân giảm diện tích tiêu ở Đạ Tẻh không phải vì tiêu mất giá nên nông dân phá bỏ mà chủ yếu là do dịch bệnh. “Với địa hình của huyện, vào mùa mưa, cây tiêu thường xuyên bị ngập úng. Do vậy, nhiều loại bệnh phát sinh trên cây trồng này, dẫn đến hàng loạt vườn tiêu chết trắng” – một cán bộ chuyên môn của huyện Đạ Tẻh cho biết.

Vì thế, theo Phòng NN-PTNT huyện, việc mở rộng diện tích cây tiêu ở Đạ Tẻh lên vài ba trăm hecta là việc nên làm, nhưng phải có quy hoạch cụ thể. Còn như, với đà phát triển một cách tự phát và không theo quy hoạch như hiện nay, rất có thể trong tương lai không xa, nhà nông Đạ Tẻh lại phải một lần nữa gánh lấy hậu quả không lường từ chính loại cây trồng này.

Đến Đạ Tẻh, đi dọc các trục đường chính ở các xã Triệu Hải, Quốc Oai, Mỹ Đức, An Nhơn, Quảng Trị… và cả thị trấn Đạ Tẻh trong những ngày cuối tháng tư này, điều dễ dàng nhận thấy là hầu hết các vườn cà phê đang được phá bỏ để lấy đất trồng tiêu (trong thực tế, cây cà phê ở Đạ Tẻh không mang lại hiệu quả kinh tế cao vì năng suất quá thấp và thường xuyên bị sâu bệnh). Có thể nói, lúc này, phong trào trồng hồ tiêu ở huyện này “mạnh” hơn bao giờ hết.

Ông Lân ở thị trấn Đạ Tẻh đang “dọn trắng” vườn cà phê chừng hơn một sào đất một cách không thương tiếc để chuẩn bị chôn cọc trồng tiêu, nói: “Cách nay mấy hôm, thấy ông Trần Thường ở Hà Đông thu gần 40 triệu đồng từ 100 cọc tiêu mà ham!”. Những người nông dân ở đây còn cho biết: Hiện tại, giá 1kg tiêu đen được thu mua tại chỗ đã hơn 100.000 đồng; còn nếu là tiêu trắng thì giá này không thấp hơn 180.000 đồng. Đây là mức kỷ lục kể từ trước đến nay ở huyện Đạ Tẻh.

Theo Phòng NN-PTNT Đạ Tẻh, không những do sâu bệnh làm diện tích cây tiêu của huyện giảm từ 200ha trước đây xuống còn dưới 100ha hiện nay mà năng suất của cây tiêu Đạ Tẻh vụ này cũng giảm một cách đáng kể. Tuy vậy, bởi giá tiêu ngày một tăng cao và đã đạt kỷ lục (trên 100.000 đồng/kg) hiện nay nên người dân trong huyện đang đổ xô đi trồng tiêu là điều không quá khó hiểu.

Cán bộ Phòng NN-PTNT Đạ Tẻh cho biết: Vài tháng gần đây, giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã không ngừng tăng cao: Hiện giá tiêu đen xấp xỉ 6.000USD/tấn – tăng 10% so với cách nay một tuần. Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong quý I/2011, Việt Nam chỉ xuất khẩu được hơn 25.000 tấn hồ tiêu, giảm hơn 3.000 tấn so với cùng kỳ; tuy nhiên, với kim ngạch đạt 123 triệu USD thì lại tăng 44% so với kim ngạch cùng kỳ.

Cũng theo nhận định của cơ quan chức năng, Việt Nam và Ấn Độ là hai nhà cung cấp nguồn tiêu chủ yếu cho thế giới trong thời điểm hiện tại nhưng cả hai quốc gia này đang thiếu hụt nguồn cung nên chắc chắn giá tiêu thế giới trong những ngày sắp đến tiếp tục tăng cao. Và, đây chính là cơ sở để cho người trồng tiêu ở Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng mở rộng diện tích.

Tại Lâm Đồng, với riêng huyện Đạ Tẻh – một trong những vùng trọng điểm về cây tiêu của tỉnh, con số chưa đến 100ha tiêu hiện nay hẳn là con số quá thấp (cả tỉnh cũng chỉ có không quá 600ha; trong khi các tỉnh Tây Nguyên khác, con số này lả cả chục ngàn hecta). Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích hồ tiêu một cách tự phát như hiện nay của người nông dân Đạ Tẻh lại là một điều đáng lo ngại.

Theo báo điện tử Lâm Đồng

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cư Kuin

    -“Với địa hình của huyện, vào mùa mưa, cây tiêu thường xuyên bị ngập úng. Do vậy, nhiều loại bệnh phát sinh trên cây trồng này, dẫn đến hàng loạt vườn tiêu chết trắng”
    Đất đai thế này mà cũng đòi trồng tiêu !
    -theo Phòng NN-PTNT huyện, việc mở rộng diện tích cây tiêu ở Đạ Tẻh lên vài ba trăm hecta là việc nên làm.
    Đây là ý của ngành NN huyện hay sao?
    -huyện Đạ Tẻh – một trong những vùng trọng điểm về cây tiêu của tỉnh.
    Thật đáng ngạc nhiên cho tư tưởng duy ý chí của huyện này, chỉ mới vài chục ha mà đã khẳng định là trọng điểm!
    Thương thay cho dân ta “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”

Tin đã đăng