Cà phê Lâm Đồng sẽ có sự “lột xác”

Tại hội nghị đánh giá kết quả sản xuất cà phê năm 2010 và bàn giải pháp phát triển cà phê bền vững trong thời gian tới, do Bộ NNPTNT tổ chức vào cuối tháng 4.2011 tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Lâm Đồng được xác định là một trong 4 tỉnh Tây Nguyên (cùng với Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai) thuộc vùng trọng điểm cà phê cả nước.

Tuy nhiên, cũng tại hội nghị này, vấn đề Lâm Đồng cần một cuộc “lột xác” trong phát triển cà phê bền vững cũng đã được đặt ra một cách cấp thiết.

Phấn đấu đến năm 2030, diện tích cà phê của cả nước từ 555.065ha hiện tại giảm xuống còn 480.000ha, nhưng sản lượng cà phê nhân vẫn đạt khoảng 1,1 triệu tấn như hiện nay như là một “mệnh lệnh” được đưa ra tại hội nghị nói trên. Như vậy, cùng với Đắk Lắk (tỉnh có diện tích cà phê cao nhất nước – 190.765ha), Lâm Đồng cũng là tỉnh phải “tính toán thiệt hơn” trong chiến lược phát triển cây cà phê để thực hiện “mệnh lệnh” này.

san-phoi-ca-phe
Thiếu sân phơi là một trong những nguyên nhân khiến cà phê Lâm Đồng giảm chất lượng.

Hiện trạng đáng báo động

Lãnh đạo Sở NNPTNT Lâm Đồng cho biết: Cùng với 40.000ha thực sự già cỗi, cho năng suất và chất lượng thấp thì trong tổng số 142.900ha hiện trong hiện tại, cả tỉnh Lâm Đồng còn có thêm trên dưới 15.000ha tuy tuổi chỉ dưới 20 năm, nhưng đã có biểu hiện già cỗi bởi được trồng ở những vùng đất không phù hợp. Toàn bộ diện tích này cần nhanh chóng chuyển sang trồng các loại cây trồng khác phù hợp hơn, hoặc thay thế bằng các giống cà phê mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nếu nhìn rộng ra thì con số về diện tích cà phê Tây Nguyên cần chuyển đổi chiếm đến 30% diện tích cà phê hiện có (gần 500.000ha).

Theo quy hoạch chung của tỉnh Lâm Đồng thì từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, Lâm Đồng sẽ ổn định diện tích cà phê chỉ khoảng 135.000ha (giảm gần 8.000ha so với hiện nay); trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc thay thế các giống cà phê mới theo chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Với tình hình giá cả cà phê tăng vọt như trong thời gian gần đây, theo các nhà quản lý, việc vận động người dân phá bỏ hoặc chuyển giống mới khoảng 50.000ha cà phê già cỗi và có biểu hiện già cỗi là điều không dễ thực hiện.

Cũng như vậy, việc chuyển đổi 30% diện tích trong tổng diện tích 500.000ha cũng là một việc làm khó khăn của các địa phương được xác định là vùng trọng điểm cà phê của cả nước này. Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự hội nghị nói trên thì muốn hay không muốn, để cà phê Việt Nam phát triển bền vững, việc chuyển đổi 30% diện tích già cỗi (trong đó có gần 8.000ha của Lâm Đồng) là việc làm không thể chần chừ. Số liệu của Bộ NNPTNT đưa ra tại hội nghị lần này cho thấy: Cà phê Việt Nam phát triển khá mạnh bắt đầu từ năm 1986, với tốc độ tăng 10,6% về diện tích và 3,4% về năng suất hằng năm.

Cho đến lúc này, Việt Nam được xếp vào hàng quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới (chiếm đến 18% lượng cà phê buôn bán toàn thị trường thế giới). Thế nhưng, cũng theo đánh giá của các chuyên gia thì mặc dầu sản xuất và xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới, nhưng điều đáng buồn là hầu như ngành cà phê Việt Nam không có sự chi phối về giá cả cà phê thế giới. Bởi lẽ, cà phê nhân Việt Nam đi ra thế giới chủ yếu thông qua các trung gian môi giới là các đại diện công ty nước ngoài rồi mới đến được các nhà rang xay.

Cần quyết tâm cao

Với riêng Lâm Đồng, như trên đã nói, cả tỉnh hiện có 142.900ha cà phê, trong đó có trên 135.500ha cà phê kinh doanh. Sản lượng cà phê nhân hằng năm của Lâm Đồng được xếp vào hàng nhất nhì của cả nước. Song, điều đáng lo ngại là cà phê Lâm Đồng tuy góp phần không nhỏ về số lượng để cà phê Việt Nam chiếm lĩnh đến 18% thị phần cà phê thế giới, nhưng ảnh hưởng của ngành cà phê Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung không lớn trong việc quyết định giá cả sản phẩm, mà việc điều tiết giá hầu như chỉ tập trung vào một vài nhà đầu cơ nước ngoài.

Tại hội nghị đánh giá việc sản xuất cà phê năm 2010 và bàn biện pháp phát triển cà phê bền vững trong tương lai được tổ chức tại Buôn Ma Thuột, các đại biểu còn nêu lên những bức xúc: Để diện tích cà phê Việt Nam năm 2030 ổn định khoảng 480.000ha, giảm hơn 75.000ha so với hiện nay (554.000ha; trong đó, các tỉnh Tây Nguyên chiếm 90%), nhưng sản lượng hằng năm vẫn giữ được con số hơn 1,1 triệu tấn như hiện nay quả là một thách thức mà Việt Nam cần vượt qua, đặc biệt là đối với các tỉnh Tây Nguyên thuộc vùng cà phê trọng điểm của cả nước.

Như vậy, Lâm Đồng cùng với 3 tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai thuộc vùng trọng điểm cà phê Tây Nguyên cần một cuộc “lột xác” mà trong đó, việc nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê là việc làm không thể chần chừ; và, việc nâng cao chất lượng ấy phải bắt đầu từ khâu giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch… đến khâu thu hoạch và chế biến.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông dân cà phê

    Muốn thực hiện “mệnh lệnh” giảm diện tích mà vẫn giữ nguyên sản lượng thì chỉ có TIỀN mới làm được. Tỉnh Lâm Đồng nên hỗ trợ vốn cho nông dân, thì nông dân mới mạnh dạn chặt bỏ diện tích cà phê già cỗi, trồng cà phê giống mới cho năng suất chất lượng cao.

  2. capenghot

    Lâm đồng chuyển đổi 8.000ha sang cây trồng khác có nghĩa là khoảng 8.000 hộ phải chuyển sang trồng cây khác tương đương với 24.000 nhân khẩu. Giải quyết cái ăn cái mặc cho 24.000 con người chưa kể việc học hành, quả là bài toán nan giải.

Tin đã đăng