Hôm nay, 20/4, giá hạt điều tươi ở Bình Phước, các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên đã giảm xuống cùng mức 26.000-27.000 đồng/kg, riêng ở Bà Rịa-Vũng tàu có mức thấp nhất là 25.000-26.000 đồng/kg.
Cùng lúc, giá hạt điều khô dự trữ cũng giảm nhẹ xuống mức 35.000-36.000 đồng/kg.
Trong khi giá điều nhân xuất khẩu vẫn đang được chào bán ở mức cao. Loại W240 có giá 4,35-4,40 đôla Mỹ/lb ( 1 lb = 0,454 kg ), loại W320 có giá 3,85-3,95 đôla Mỹ/lb và loại W450 có giá 3,65-3,75 đôla Mỹ/lb, FOB, mức giá này được duy trì khá lâu.
Giá hạt điều thô tiếp tục giảm là một nghịch lý trong khi niên vụ này sản lượng của cả nước đáp ứng chưa đến 40% kế hoạch chế biến xuất khẩu và Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đang phải tìm kiếm thêm nguồn nguyên liệu từ bên ngoài về. Đến những vùng trồng điều trọng điểm của nước ta trong những ngày này, sẽ ngạc nhiên khi thấy hạt điều được phơi khắp nơi nhưng không khí vào vụ mùa vẫn trầm lắng.
Trái với những mùa thu hoạch trước, không khí tấp nập mua bán, gọi nhau cân đong hạt điều không hề thấy bởi người bán không muốn bán mà người mua chẳng muốn mua. Năm nay, mùa điều ra hoa gặp thời tiết hết sức tồi tệ khiến tỷ lệ cho trái thấp, sâu bệnh còn phát triển tràn lan. Nhân điều đã nhỏ, vỏ lại dày….
Chưa bao giờ người trồng điều lại chán nản như năm nay khi nhìn các loại nông sản khác như cà phê, tiêu, cao su… loại nào cũng được giá. Đã vậy các nhà máy chế biến, các doanh nghiệp xuất khẩu lại tranh nhau giành các lô điều thô từ Campuchia nhập về vì có giá cạnh tranh hơn, nhất là hạt lớn hơn và tỷ lệ điều nhân thu hồi cũng cao hơn.
Cho nên đã có hiện tượng người trồng điều bỏ phế vườn điều và đang nghĩ đến việc chuyển đổi cây trồng.
Tuy nhiên nhiều người trồng điều cũng hy vọng sẽ bán được điều thô với giá phải chăng vì năm nay nguồn cung nguyên liệu từ bên ngoài bị thắt chặt. Indonesia mất mùa điều. Brazil, Ấn Độ cần nhập thêm điều thô về để chế biến trong khi một số nước châu Phi có xu hướng giữ lại nguyên liệu cho nhu cầu chế biến trong nước, hạn chế xuất thô.
Mong rằng trong cuộc họp hôm nay, ngày 20-4, tại TPHCM, Hiệp hội Điều Việt Nam có những đối sách đúng đắn để người dân còn mặn mà với cây điều và nhất là để giữ vững vị trí xuất khẩu số 1 thế giới của ngành điều Việt Nam.
Mục tiêu của ngành điều Việt Nam năm 2011 là xuất khẩu 190.000 tấn điều nhân, tăng 32% so với năm 2010, đem về giá trị kim ngạch 1,4 – 1,5 tỷ đô la Mỹ, một mục tiêu không hề dễ dàng trong bối cảnh của cây điều Việt Nam hiện nay.
Có lẽ ngành Điều cũng nên cho các DN nước ngoài tham gia và việc chế biến xuất khẩu thôi.
Như năm nay nông sản nào cũng được giá, trừ Điều thì từ hơn 40.000vnd rớt xuống chỉ còn 25 – 26 nghìn. Nông dân trồng Điều thật là thê thảm.
Nếu không có những hoạch định chính sách tác động kịp thời thì có lẽ diện tích Điều sẽ còn giảm mạnh vào những năm tiếp theo.
Mong những cơ quan ban ngành có trách nhiệm hãy nhìn xuống nỗi khổ của dân !!!
Tôi đồng ý kiến với bạn Phước Trung. chỉ cần chúng ta cho các doanh nghiệp nước ngoài váo thị trường Việt Nam trực tiếp thu mua và chế biến xuất khẩu hạt điều thì người dân mới được hưởng một chút giá cao hơn bằng không các doanh nghiệp của Việt Nam ko có tiền mua rồi thành ra ép giá điều xuống thật là tội nghiệp cho những người dân…!
Mình cũng đồng tình với ý kiến cua hai bạn. Bất kể thị trường nào cũng cần có sự cạnh tranh – thị trường điều cũng vậy chúng ta nên suy nghĩ một cách công bằng hơn… theo mình nghĩ nếu có sự cạnh tranh thì người nông dân mới hưởng được nhiều lợi nhuận hơn có thể.