Hàng hóa nào có thể lên sàn giao dịch?

Mặc dù các sàn giao dịch hàng hóa trong nước đang khá trầm lắng, nhưng cả phía đơn vị tổ chức lẫn các NĐT đều cho rằng, đa dạng hóa các hàng hóa niêm yết là một bước đi thu hút nhiều nhóm nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều nhóm sản phẩm lên sàn cũng tạo hiệu ứng trong xã hội để sân chơi mới mẻ này giành được sự quan tâm lớn hơn. Vậy mặt hàng nào có thể bước lên sân chơi mới?

san-giao-dich-ca-phe
Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột

Các sản phẩm nông sản

Việt Nam là quốc gia nông nghiệp với nhiều mặt hàng nông sản mũi nhọn như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gạo, cao su… Tất cả các hàng hóa này, Việt Nam duy trì một vị thế tương đối về sản lượng trên thế giới. Các nhà sản xuất luôn có như cầu bảo hộ giá bán sản phẩm ngay từ khâu sản xuất. Nếu sàn hàng hóa phát triển, các sản phẩm này lên sàn chỉ phụ thuộc vào thời gian. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có cà phê được đưa lên giao dịch trên Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC). Tại Sàn giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom – STE), khá nhiều mặt hàng được đăng ký giao dịch, trong đó về nông sản có cả hạt điều và cao su, dù cả hai chưa được giao dịch phiên nào (ngoài thép và đường đã được giao dịch). Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX), tiền thân là Sở Giao dịch hàng hóa Triệu Phong, chưa giao dịch nhưng trong giấy phép cũng đăng ký mặt hàng nông sản là cà phê và cao su.

Đầu tháng 4, Sàn giao dịch nông sản kỳ hạn Thái Lan (AFET) tuyên bố đã sẵn sàng cho việc giao dịch gạo trắng 5% tấm FOB theo đúng lịch vào cuối tháng 4. Điều này khiến nhiều NĐT nội địa quan tâm tới sàn hàng hóa kỳ vọng gạo – sản phẩm quen thuộc có thể tiếp bước cà phê lên sàn. Tuy nhiên, ông Đào Trung Kiên, Cố vấn BCEC cho biết, Trung tâm không tính tới việc đưa mặt hàng này lên sàn. Đơn giản vì nằm trong nhóm “an ninh lương thực”, mặt hàng này đang chịu sự điều tiết từ Chính phủ nên khó có sàn hàng hóa nào dám mạo hiểm thử nghiệm, dù NĐT có thể mặn mà, hào hứng.

Sau gạo, cao su là một hàng hóa tiềm năng. Về mặt sản xuất, nhiều DN cao su Việt Nam ở quy mô trung bình trở lên, sản lượng ở mức khá. Nhiều DN cao su cũng đã và đang xác định giá xuất khẩu dựa trên các sàn hàng hóa trong khu vực. Tuy nhiên, ông Kiên chỉ ra một điểm yếu lớn của cao su Việt Nam khiến việc lên sàn của sản phẩm này cần cân nhắc. Mủ cao su Việt Nam vẫn được tiêu thụ chính tại thị trường Trung Quốc. Vì sự phụ thuộc quá lớn này mà giá cao su trong nước luôn biến động tỷ lệ thuận với động thái đóng mở từ thị trường này. Đưa cao su lên sàn giao dịch hàng hóa trong giai đoạn sàn còn sơ khai có thể gặp nhiều rủi ro biến động giá từ chính sách của quốc gia láng giềng

Ông Kiên nhật xét hồ tiêu và chè là hai sản phẩm rất tiềm năng. Hiện tại, trên thế giới mới chỉ có một sàn giao dịch hồ tiêu, hoạt động vào năm ngoái và đang vận hành rất tốt. Nhu cầu hồ tiêu trên thế giới đang tiếp tục gia tăng, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hồ tiêu nên việc đưa hàng hóa này lên sàn còn có thể thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, chè cũng là một mặt hàng tiềm năng khi Việt Nam đang đứng hạng 5 trong các quốc gia xuất khẩu. Hiện trên thế giới chưa quốc gia nào có sàn giao dịch chè. Khi ông Kiên tham quan sàn giao dịch hàng hóa tại các quốc gia láng giềng, chuyên gia quốc tế cũng gợi ý BCEC đưa sản phẩm này lên sàn giao dịch.

Tuy nhiên, một chuyên gia khác nhận xét, trong giai đoạn ban đầu, lực lượng NĐT tài chính còn mỏng, các sản phẩm nông sản lên sàn hàng hóa sẽ gặp trở ngại đáng kể từ tập quán kinh doanh nông sản. Các sản phẩm nông sản hầu hết được sản xuất ở quy mô hộ gia đình, sản lượng khiêm tốn. Sản phẩm này luôn được mạng lưới chân rết thu mua, bao tiêu. Sản phẩm ở quy mô nhỏ làm ra tới đâu tiêu thụ tới đó nên nhà sản xuất trực tiếp chưa có nhu cầu mang sản phẩm lên sàn. Chẳng đâu xa như sản phẩm cà phê, với một hộ sản xuất trung bình tại Buôn Ma Thuột, canh tác dưới 1 héc ta, hàng năm sản lượng chỉ giao dịch dao động từ 2 – 3 tấn. Con số này mới đáp ứng nhu cầu tối thiểu hiện nay tại BCEC.

Sàn vàng trở lại?

Ngay sau khi Chính phủ yêu cầu giám sát hoạt động của việc kinh doanh vàng và tiến đến xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, nhiều đề xuất đã được đưa ra về việc hình thành một Sở giao dịch hay Trung tâm giao dịch vàng quốc gia. Trong đó có đề xuất của Ngân hàng BIDV. Ông Kiên đánh giá, nếu được mở cửa trở lại, sàn vàng sẽ có sức thu hút lớn nhất các NĐT tài chính. Sức hấp dẫn của sàn vàng đến từ tính thanh khoản, sự đa dạng trong chiến lược giao dịch. Nhiều NĐT nội địa cũng đã có thâm niên “lướt vàng” trước khi các sàn vàng bị đóng cửa. Ông Kiên cho biết, Sở giao dịch hàng hóa của Thượng Hải có cả sàn vàng song song với các sàn hàng hóa nông sản. Kim loại màu này mới là sân chơi ưa thích nhất của các NĐT tài chính trên toàn thế giới.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng