Do lợi nhuận của loại cây công nghiệp này mà ở nhiều vùng, bà con trồng cao su một cách tự phát, không theo khuyến cáo của ngành chức năng. Nhất là vào thời điểm giá cao su tăng mạnh, có tình trạng nông dân chặt bỏ cà phê, điều… để đầu tư cho cao su.
Cao su được trồng tập trung ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và một số địa phương miền Trung. Hiện, cây cao su đang phát triển tương đối nhanh ở vùng Tây Bắc với diện tích 10.730ha (năm 2010).
Diện tích cao su hiện nay đã lên tới 740.000 ha (tăng 62.300 ha so với năm 2009) và được quy hoạch phát triển đến 800.000 ha vào năm 2015.
Trong những năm gần đây, diện tích cao su tiểu điền liên tục tăng cao chiếm khoảng 50,7% tổng diện tích.
Việc phát triển cây cao su đã tạo việc làm ổn định và cải thiện thu nhập cho hơn 130.000 lao động tại các nông trường, doanh nghiệp và hơn 143.000 nông dân. Với mức giá 120 triệu đồng/tấn như hiện nay, người trồng cao su có thể thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha/năm. Vì thế, cao su đã và đang là cây trồng chủ lực, hấp dẫn đối với nhiều nông dân và các tỉnh thành trong cả nước.
Theo nhận định của ông Bùi Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, hiện nay giá cao su đang lên tới đỉnh điểm dẫn đến tình trạng nhà nhà trồng cao su, người người trồng cao su. Tình trạng ồ ạt trồng cao su đang cho thấy có nhiều dấu hiệu của việc phát triển thiếu bền vững.
Tại diễn đàn phát triển cao su bền vững được Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia tổ chức vừa qua tại Bình Phước – nơi có diện tích cao su lên tới 160.000 ha và dự kiến sẽ tăng lên 200.000 ha vào năm 2015, TS. Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng, tuy đã đạt được nhiều thành tựu lớn, nhưng ngành cao su Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn như dịch bệnh, phát triển chưa bền vững và tính cạnh tranh trên thị trường chưa cao.
Chủ động, tăng cường xuất khẩu chính ngạch và đa dạng hoá thị trường đồng thời phát triển thị trường trong nước, tiến tới xây dựng thương hiệu cho cao su Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần cung cấp thông tin kịp thời về thị trường cao su để giúp hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý có cơ sở phân tích xu hướng phát triển thị trường và sản phẩm, từ đó khuyến cáo các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu phù hợp.
Ông Phan Văn Đon, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, cao su là cây trồng dài ngày, vì thế để ngành cao su phát triển bền vững, chúng ta cần đưa những loại giống có trữ lượng mủ cao, chất lượng tốt vào trồng tại những vùng mới, tư vấn hỗ trợ cho bà con nông dân, doanh nghiệp về cách bón phân, xử lý sâu bệnh, tránh tình trạng khai thác khi cao su chưa đến tuổi, đồng thời sớm đưa ra chiến lược ổn định giá cho cây cao su.
Năm 2010 giá trị cao su thiên nhiên xuất khẩu của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay với kim ngạch 2,388 tỷ USD. Cao su trở thành nông sản xuất khẩu thứ 2 sau gạo và đứng thứ 4 trên thế giới.
Tính đến hết năm 2010, cao su Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 3 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu cao su đạt khoảng 179 nghìn tấn, trị giá ước đạt 798 triệu USD, tăng 48% về lượng và tăng 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010.
Với dự báo về tình hình thị trường cao su thiên nhiên trên thế giới năm 2011, chênh lệch cung cầu sẽ là yếu tố quan trọng giúp cao su thiên nhiên vẫn đạt mức giá cao.
Dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, khối lượng cao su xuất khẩu của năm nay có thể đạt con số gần 830 nghìn tấn, tăng khoảng 50 nghìn tấn so với năm ngoái nếu điều kiện thị trường thế giới thuận lợi. Nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu sản phẩm này có thể lên tới hơn 3 tỷ USD, tăng khoảng 1,71% so với con số dự báo của cuối năm 2010.