Đến thời của cây bắp!

Mặc dù Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) đã cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng giá lương thực thế giới, nhưng trên thực tế nguy cơ đó không đến từ lúa gạo, mà một trong hai “thủ phạm” chính chính là bắp. Do vậy, rất có thể đây sẽ là cơ hội vàng cho cây bắp, vốn đang bị “lép vế” so với một số loại nông sản khác của nước ta.

bắp ngô

Số liệu thống kê của FAO cho thấy, giá ba loại lúa mì chủ yếu buôn bán trên thị trường thế giới của Mỹ và Argentina tháng 2 vừa qua đã đạt kỷ lục 349 đô la Mỹ/tấn kể từ tháng 4-2008 đến nay. Giá hai loại bắp chủ yếu cũng của hai nước này trong những ngày đầu tháng 3 cũng đã đạt kỷ lục mọi thời đại 304 đô la Mỹ/tấn. Trong khi đó, ngược lại, giá gạo trắng 100% B của Thái Lan hiện ở mức 531 đô la/tấn, tuy cao hơn chút ít so với mức bình quân 518 đô la/tấn trong năm 2010, nhưng đã giảm liên tiếp trong ba tháng qua và giảm mạnh so với mức bình quân 695 đô la/tấn của năm 2008.

“Độ nóng” của giá bắp và giá lúa mì mới là điều đặc biệt đáng ngại của thế giới. Nếu tính bình quân từ năm 2000 trở lại đây, giá bắp giao dịch hàng tháng trên thị trường thế giới chỉ bằng 38,5% giá gạo, nhưng hiện tại đã được đẩy lên 57,3% (tăng 18,8%), còn so với giá lúa mì thì các con số tương ứng là 73,2%; 89,7% và 16,5%.

Việc giá bắp và giá lúa mì đua nhau tăng trong khi giá gạo hạ nhiệt bắt nguồn từ việc ba “bồ lương thực” này ở trong hai thái cực đối lập nhau. Dự báo hồi trung tuần tháng 3 vừa qua của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, tuy tiêu dùng gạo thế giới trong niên vụ hiện tại tăng mạnh, nhưng sản lượng gạo còn tăng mạnh hơn, cho nên dự trữ gạo thế giới sẽ tăng từ 79 ngày sử dụng lên 81 ngày. Đây là niên vụ thứ tư liên tiếp “bồ gạo” thế giới đầy thêm (niên vụ 2007-2008 chỉ 65 ngày sử dụng).

Trong khi đó, sản lượng lúa mì thế giới niên vụ này giảm gần 35 triệu tấn mà tiêu dùng lại tăng 10,5 triệu tấn, cho nên dự trữ sẽ giảm mạnh từ 110 ngày sử dụng xuống còn 100 ngày. Tình trạng của thị trường bắp còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Do sản lượng bắp thế giới bước vào vụ thứ hai liên tiếp giảm, trong đó niên vụ hiện tại sẽ giảm khoảng 27,7 triệu tấn, còn tiêu dùng lại liên tiếp tăng rất mạnh trong tám niên vụ, cho nên “bồ bắp” dự trữ sẽ bước sang niên vụ thứ ba liên tiếp giảm và chỉ còn đủ sử dụng trong 51 ngày.

Trong bối cảnh thị trường lương thực thế giới như vậy, việc ngành chăn nuôi và công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi của nước ta phải vật lộn với những khó khăn do phụ thuộc ngày càng nặng nề vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, trong đó nhập khẩu bắp và cả lúa mì đều tăng phi mã, là điều dễ hiểu. Số liệu thống kê của FAO và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, nếu khối lượng bắp nhập khẩu của nước ta năm 2001 chỉ có 50.000 tấn và năm 2008 cũng chỉ mới đạt gần 670.000 tấn, thì năm 2009 đã tăng lên gần 1,5 triệu tấn. Đối với lúa mì cũng vậy. Nếu như năm 2001 mới chỉ nhập khẩu 742.000 tấn thì đến năm 2010 đã tăng lên 2,2 triệu tấn.

Nếu lúa mì là loại lương thực mà chúng ta chỉ có thể đáp ứng nhu cầu bằng cách nhập khẩu, thì nhập khẩu bắp lại chủ yếu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây quả là một bất cập của nền nông nghiệp trong nước. Theo GS.TS. Trần Hồng Uy, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu bắp, các tổ chức quốc tế đã đánh giá chương trình nghiên cứu và phát triển bắp lai của nước ta phát triển nhanh nhất thế giới trong vòng 12 năm (1995-2007): sản lượng tăng 4 lần; năng suất bình quân tăng 2 lần; diện tích tăng gần 2 lần. Thế nhưng, theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, năm 2008 chúng ta cần 4,5 triệu tấn bắp để sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 3,8 triệu tấn, phải nhập khẩu 670.000 tấn; năm 2010 nhập khẩu 740.000 tấn, năm 2015 là 912.000 tấn và đến năm 2020 sẽ vượt qua ngưỡng 1 triệu tấn.

Trên thực tế, sản xuất bắp trong những năm gần đây đã chững lại. Bình quân năm năm (2005-2009), diện tích bắp chỉ tăng 1,86%/năm và sản lượng tăng 5,25%/năm, đều thấp rất xa so với không ít loại cây trồng khác. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhập khẩu bắp tăng cao. Đáng ngại hơn, trong những năm tới, khi sản lượng bắp chỉ tăng khoảng 5,25%/năm thì mục tiêu tăng trưởng của ngành chăn nuôi đã được xác định trong chiến lược phát triển đến năm 2020 lên đến 8-10%/năm.

Do vậy, nếu không có sự tăng trưởng mạnh cả về diện tích lẫn sản lượng bắp trong những năm tới, nước ta sẽ đứng trước nguy cơ trở thành nhà nhập khẩu bắp “hạng trung” của thế giới như Colombia, Hà Lan, Ai Cập, Trung Quốc, Tây Ban Nha.

Triển vọng giá bắp thế giới sẽ tiếp tục đứng ở mức rất cao trong dài hạn là điều rất cần được lưu ý. Bởi theo dự báo của FAO, trong thập kỷ hiện tại, sản lượng và tiêu dùng bắp toàn thế giới sẽ tăng từ trên 1,1 tỉ tấn lên trên 1,3 tỉ tấn, trong đó hơn ba phần tư được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, còn giá bắp thế giới thì sẽ dao động xung quanh mức cao ngất ngưởng như năm 2010.

Cũng theo dự báo của FAO, thay vì bằng 38,5% giá gạo như trong 11 năm gần đây, bình quân giá bắp thế giới từ nay tới cuối thập kỷ sẽ bằng 44,3% so với giá gạo. Nói cách khác, từ nay tới cuối thập kỷ, bắp sẽ là loại lương thực đắt giá nhiều nhất. Trong điều kiện như vậy, có lẽ Việt Nam không nên tiếp tục phát triển cây bắp theo kiểu “được chăng hay chớ” như những năm gần đây. Ngược lại, cần quyết liệt tăng tốc sản xuất bắp chí ít là đủ đáp ứng nhu cầu trong nước để tránh phải gia tăng nhập khẩu.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng