Cao su Việt Nam cũng phát triển nóng như nhiều mặt hàng khác và chỉ đứng thứ tư thế giới, thua cả xuất khẩu gạo, cà phê…
Tuy nhiên cao su có thể lật ngược tình thế, khi nhanh chóng phục hồi giá trị từ hơn 80 triệu đồng/tấn lên 109 triệu đồng/tấn. Còn gạo, cà phê cũng như nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam toàn đứng nhất, nhì thế giới thì quanh năm suốt tháng bức xúc vì bị o ép giá…
Sức mạnh liên kết
Như báo Lao Động đã phản ánh, chỉ 2 tuần đầu tháng 3, giá cao su bất ngờ tụt dốc sau khi Trung Quốc – thị trường mua tới 60% sản lượng cao su Việt Nam- công bố doanh số bán xe thấp hơn dự kiến trong tháng trước, kết hợp với động đất ở Nhật Bản, giá cao su đã mất bình quân 40% so với mức kỷ lục thiết lập giữa tháng 2.
Hôm qua (28.3), ông Đinh Vạn Tiến (Trưởng ban XNK Tập đoàn Công nghiệp cao su VN – VRG) cho hay giá cao su dù có giảm do e ngại ảnh hưởng từ Trung Quốc nhưng vẫn giữ mức từ 109-110 triệu đồng/tấn, lấy lại 35-40% giá trị so với 2 tuần đầu tháng 3. Lý do phục hồi giá nhanh, chính bởi sự liên kết của các DN cũng như các nhà sản xuất cao su.
Đầu tiên là Thái Lan kêu gọi các nhà xuất khẩu tạm ngừng bán để ngăn giá rớt và tuyên bố tìm giải pháp hỗ trợ giá. Ngay sau đó, VRG (chiếm 50% lượng cao su xuất khẩu cả nước) tuyên bố không chào bán với giá thấp và kêu gọi các nhà xuất khẩu ngoài tập đoàn không bán rẻ… Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) sau khi công bố nhu cầu cao su ở Nhật chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, không ảnh hưởng thì “đánh tiếng” cuối tháng 3 sẽ họp để có các biện pháp can thiệp vào thị trường… “Những yếu tố này cộng hưởng buộc các nhà nhập khẩu lớn đặc biệt là Trung Quốc đã phải mua chứ không “xem xét” như trước! ” – ông Tiến khẳng định.
“Ngẫm đến ta”
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, hiện diện tích cao su đã lên tới trên 740.000ha, tăng 62.000ha so với năm 2009. Với đà này, chỉ 1-2 năm nữa thì diện tích cao su sẽ lên con số 800.000ha dù con số đó được quy hoạch tới năm 2015. Đó là chưa kể các DN đã sang Lào, Campuchia trồng được trên 83.000ha cao su.
Ngược quy luật ở chỗ, dù tăng diện tích, tăng sản lượng nhưng giá cao su cũng tăng (theo báo cáo mới đây của Bộ NNPTNT thì giá cao su xuất khẩu trung bình 2 tháng đầu năm 2011 tăng 76,9% so với cùng kỳ năm trước). Cao su chưa bao giờ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ mua tạm trữ.
Trong khi đó, mặt hàng gạo, dù đứng nhì thế giới về xuất khẩu nhưng tại sao năm nào cũng vẫn điệp khúc “trúng mùa rớt giá” mặc dù được cho chính sách để mua tạm trữ, đảm bảo nông dân phải có lời từ 30% trở lên… Tại sao liên tục điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo lúc thấp lúc cao để khuyến khích xuất khẩu trước tuyên bố của những nhà nhập khẩu “xem xét nhập khi Việt Nam hạ giá xuất khẩu”? Trong khi đó, thị trường lương thực và gạo sẽ gia tăng bởi vì dân số thế giới gia tăng hằng năm.
Hay như cà phê, dù đứng thứ hai về sản lượng và chiếm 18% số lượng cà phê buôn bán toàn thị trường thế giới, nhưng tại sao không những không tác động mà còn ngược lại, bị vài nhà đầu tư chi phối điều tiết giá khiến nông dân khóc cười mỗi ngày còn DN và Hiệp hội cà phê thì bức xúc “đòi” cơ chế như gạo.
Nhìn từ cao su cho thấy một vấn đề rất rõ: Cũng phải cạnh tranh quyết liệt để giành thị trường, nhưng khi cần, các nhà xuất khẩu cao su vẫn đứng cạnh nhau để “giữ cán cân” với nhà nhập khẩu. Còn gạo, cà phê và nhiều mặt hàng nông sản khác, chưa khi nào thấy việc “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” ở tầm quốc gia.
Dạ thưa! Cao su thì hầu hết … của nhà làm được nên với việc giá bán như vài năm vừa qua các Công ty cao su họ có “găm hàng” thì chủ yếu các nhà nhập khẩu cao su khổ vì thiếu nguyên liệu sản xuất thôi chứ tiền thì mấy Công ty cao su chắc tiêu hết năm nay vẫn ổn! Nên chưa phải lo xa!
Liên quan đến vấn đề này là các Công ty cà phê và công ty lương thực (nông sản khác nói chung):
1. Các Ông mạnh ai nấy sống, dẫm đạp lên nhau. Ông này xây dựng vùng nguyên liệu (của nhà làm ra) thì Ông khác bằng cách này, cách nọ chỉ muốn nẫng tay trên (Mía đường, bông vải, sắn … vv).
2. Không có người “chủ chòm” mà nếu có thì chẳng có tiếng nói vì tiền là của doanh nghiệp chứ không phải của hiệp hội này nọ.
3. Văn hóa kinh doanh: Các Ông/Bà chỉ biết lo cho mình, giống như kiếm cơm chạy bữa. Nhưng chung quy lại là ai chết mặc ai, miễn sao “Bọ” sống là ổn. Vô hình chung đã làm cho sự liên kết của “bó đũa” bị gãy dần rồi ai sẽ là người đi tiếp theo sau người nông dân. Các Ông cứ nghĩ là các Ông đang sống, chỉ một thời gian nữa các Ông sẽ bị các thế lực thật sự từ “ngoại bang” cho Sống thì được sống, chết thì phải chết. Không thể tự quyết định được số phận của chính bản thân mình.
Vài lời về vấn đề liên kết để các Ông suy ngẫm, trong Kinh doanh người ta chuyển từ đối đầu sang hợp tác, còn chúng ta??? Nếu chúng ta còn sống hèn, sống ích kỷ thì trong một tương lai xa, nông nghiệp Việt nam nói chung sẽ không còn là của người Việt Nam nữa các Ông ạ.