Giá trừ lùi trong mua bán cà phê là gì, và cách tính như thế nào?

Thời gian qua Y5cafe nhận được khá nhiều thắc mắc của bà con về “Giá trừ lùi là gì?” và “cách tính giá trừ lùi như thế nào?”.

Chúng tôi xin được trích một phần trong bài viết “Tìm hiểu TT cà phê – Phần 3: Thông tin và tác động” của anh Kinh Vu với mong muốn giải đáp phần nào những thắc mắc đó. Mời bà con cùng tìm hiểu và tham gia thảo luận về vấn đề “Giá trừ lùi ở Việt Nam”.

Nói đến vấn đề trừ lùi (Differential) đầu tiên chúng ta phải định nghĩa rằng giá cà phê thế giới mà chúng ta nhìn thấy trên bảng điện tử của Giacaphe.com là giá hàng giao tại cảng nơi cà phê sẽ đến.

Về lý thuyết thì khi mua cà phê người ta thường nói rằng: Giá cà phê giao tháng 9 tại cảng A hôm qua đã kết thúc ở mức 1730$ như vậy nếu người mua chỉ yêu cầu bạn giao tại cảng của người bán mà ta thường gọi là FOB Hồ Chí Minh, FOB Hải phòng… thì đương nhiên họ phải trừ đi một khoản để còn chi phí cho vận chuyển, bảo hiểm…

Lâu dần theo sự biến hóa của thị trường, khoản trừ lùi này không chỉ vì những lý do nêu trên mà còn vì chất lượng, uy tín của thương hiệu cà phê của nước này so với nước khác, nên khoản trừ lùi đó sẽ khác nhau, khi ta nói giá cà phê tháng 9 hôm qua tại London giá 1730 USD/tấn, thật sự đó là nói tắt thôi chứ chưa đủ nghĩa, mà còn chỉ định rõ cà phê đó chất lượng như thế nào nữa, trong giới mua bán cà phê thì ai cũng ngầm hiểu đó là loại cà phê R2 với 1% tạp chất, 5% đen vỡ, 13% độ ẩm, 90% trên sàng 13 (5ly), bởi đây là loại cà phê có chất lượng mà khả năng chúng ta có thể chế biến được hồi xưa.

Cũng trong cùng thời điểm đó nhưng cà phê nước bạn có một tiêu chuẩn khác tốt hơn loại vừa nêu thì rõ ràng giá trừ lùi sẽ ít hơn.

Xem thêm: Luận về giá “trừ lùi” trong mua bán cà phê

Hiện nay về mặt chất lượng xuất khẩu thì chúng ta đã tiến bộ rất nhiều nhờ thiết bị chế biến hiện đại hơn, những nhà chế biến của chúng ta đã đạt được những tiêu chuẩn chất lượng cao hơn rất nhiều và vì thế mà không những mua cà phê của họ không bị trừ lùi mà còn phải nói là “London Cộng” tức là giá London cộng thêm nữa.

Đã xưa rồi cái thời mấy ông nước ngoài khi thấy năm nào có nắng tốt, cà phê ít đen thì đòi mua cà phê với tiêu chuẩn 8% đen vỡ (để mà trừ được nhiều hơn) còn năm nào mưa nhiều thì hỏi mua cà phê 5% đen vỡ. Những kiểu chơi như thế nay đã bị điểm mặt xưng tên.

Bây giờ chúng ta quay trở lại với kiểu mua bán trừ lùi.

Ví dụ ở thời điểm hiện nay (tháng 7) tôi đồng ý bán cho người mua 10 tấn tính theo giá thị trường London giao tháng 9 trừ lùi 100$, thì có nghĩa từ đây cho đến ngày thông báo đầu tiên (First Notice Day) của giao hàng tháng 9, tức là khoảng vào ngày 02/10, trong khoảng thời gian này vào bất kỳ ngày nào tôi cảm thấy đẹp trời là tôi có quyền gọi ra lệnh chốt giá, ngay cả khi vừa ký hợp đồng xong tôi cũng có quyền gọi chốt giá ngay.

Như vậy qua đó chúng ta thấy bản chất của việc bán trừ lùi không có gì là sai hay rủi ro cả, vấn đề người ta bàn tán bán trừ lùi là rủi ro thì lại nằm ở những điểm khác:

  1. Chúng ta chưa bao giờ làm chủ được mức trừ lùi (hay giá trừ lùi) mà do người mua áp đặt, những người mua cho dù ở Châu Âu hay Châu Mỹ nhưng kỳ lạ một điều là họ luôn đặt ra được một mức trừ lùi thống nhất cho tại một thời điểm mua nào đó, trong khi cùng là người Việt Nam chúng ta lại không làm được điều tương tự.
  2. Khi bán trừ lùi, chúng ta để cho người mua thống kê được tổng lượng hàng mà chúng ta đã bán và sẽ giao nhưng chưa chốt giá xem như số phận của chúng ta đang chờ thị trường phán quyết, khác với bán chốt giá ngay thì số phận do chúng ta tự định đoạt.Từ đó họ nắm chắc trong tay số hàng họ sẽ có được vào ngày nọ tháng kia cho nên trừ khi núi lửa phun lên ở những vùng trồng cà phê Brazil họ mới nhảy ra nâng giá mua. Trong khi đó chúng ta không hề có một sự thống kê nào đáng tin cậy (hay là tôi không tìm thấy thống kê đó, nếu ai biết xin chỉ cho xem với) cho giới kinh doanh khả dĩ biết rằng hiện nay giới kinh doanh trong nước đã bán được khoảng bao nhiêu phần trăm ở dạng trừ lùi với những mức trừ lùi như thế nào rồi, nếu biết được điều đó, tôi tin chắc những nhà kinh doanh cà phê Việt Nam sẽ có sự định hướng cần thiết phải bán kiểu gì trong thời gian tới.
  3. Chính vì sự đủng đỉnh của người mua khi đã biết có bao nhiêu cá trong đìa cho nên khi gọi đặt giá chốt trên thị trường sau những thời điểm này rất khó để mà khớp lệnh, bởi số lượng sắp hàng chờ đến phiên bạn khá dài, nóng ruột, sợ giá rớt thêm người bán lại hạ giá đặt lệnh xuống và cứ tranh nhau làm như thế khiến cho nhiều khi giá cà phê như xuống đèo mà thắng mất hơi, đến nước này thì bán London cộng cũng chết nữa là trừ lùi.
  4. Sẽ có nhiều người đọc đến đây và hỏi vậy tại sao những nhà kinh doanh cà phê Việt Nam lại bán trừ lùi? Như tôi đã nói, thật ra sự bán trừ lùi không có tội tình gì cả nếu điều hành vĩ mô có một công cụ tốt hơn để giúp cho những nhà kinh doanh thống nhất với nhau về chiến lược. Nhưng thật tình vấn đề không chỉ ở đó mà còn ở một điểm khác nữa đó là tình hình sức khỏe tài chính của các công ty xuất khẩu cà phê Việt Nam mà những tay tài phiệt nước ngoài hiện nắm rất rõ.Chúng ta đã thấy rất nhiều lần giá cà phê nội địa cao hơn giá thế giới (đây lại thuộc về một câu chuyện khác nữa) tại thời điểm như vậy thì bán làm sao, chốt giá ngay cũng lỗ mà trừ lùi cũng thấy ngay cái lỗ trước mắt, nhưng nhiều công ty vẫn phải bán để có hợp đồng làm cơ sở cho việc vay tiền, mà tiền lúc đó không phải để mua cà phê mà để đáo hạn Ngân hàng, tất nhiên trong trường hợp này không ai bán chốt giá ngay mà phải bán dạng trừ lùi để còn nuôi hy vọng (trong tuyệt vọng) là từ đây đến ngày mình chốt giá sẽ còn có cơ hội giá lên. Chúng ta chưa có được khả năng chủ động tài chính để mà lúc nào tốt thì bán, lúc nào giá không tốt thì nghỉ đi chơi.

>> Xuất khẩu cà phê: Bán giá chốt trước hay chốt sau?

Kinh Vu

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nguyễn văn tuyên

    Năm nay giá cà phê cao nên bà con ở Tây Nguyên cũng đỡ nhiều . Nhưng liệu nó có được duy trì trong thời gian bao nhiêu lâu đây, hi vong là đến mùa năm sau vẫn đươc giá 40 là bà con cũng mừng lắm rồi phải không bà con.

    1. DATDIT

      OKey! Tôi có 2 phương án xin các bạn góp ý:
      1/ Một ha cà phê chăm thiệt tốt sản lượng 3tấn/ha x 40tr/t = 120tr – 60tr chi phí => lãi ròng 60tr.
      Cà phê mang về nhà: Sợ trộm; giá cả phập phồng…

      2/ Bán đất 500tr/ha, gửi Agribank lãi suất 13,5%/năm = 65tr lãi được nhận
      Không phải lam lũ mưa nắng vất vả, hạn hán lũ lụt mặc kệ.
      TÓM LẠI: Tôi bán đất rẫy lấy tiền gửi ngân hàng sướng gấp vạn.

      1. hoang thang

        Bạn ở đâu vậy 1 ha bán 500tr khủng vậy. Tôi có gần 3ha, khoảng 29.000 m2 mà kêu 600tr chẳng ai mua, rẫy tôi có điện lưới đàng hoàng nhé cách trung tâm huyện Đak Mil 20km.

      2. PHAN BICH NGOC

        Anh không sợ đồng tiền ngày càng mất giá à? Cà phê giống mới hiên nay mà chăm bón tốt thì sản lượng phải là 5 tấn/ha,

  2. Nông dân cà phê

    Cứ cho chi phí vận chuyển, mua bảo hiểm trong khoảng 50-100USD/tấn, hiện nay đang trừ lùi khoảng 200USD/tấn, (có công ty còn đưa ra mức giá trừ lùi 300USD/tấn). Như vậy khoảng chênh lệch rất lớn này sẽ vào túi cty nước ngoài. ngoài các ưu thế về tài chính, lãi vay của các DNNN họ còn có khoản trừ lùi rất lớn, tha hồ cạnh tranh với DNTN. Khổ nỗi những khoản trừ lùi này lại do chính những DNTN đặt ra tại vì các DNTN phải cạnh tranh lẫn nhau, đưa ra mức trừ lùi càng cao để thu hút các DNNN, cuối cùng là người dân “lãnh đạn”, DNTN thì kêu ca là không cạnh tranh được với DNNN nguyên nhân cũng chính 1 phần chủ quan do họ tạo ra.

  3. nông dân daklak

    Theo như bài viết của anh Kinh Vu thì cái khó của công ty VN là vấn đề thông tin của v/đ trừ lùi và vốn.
    sản lượng của VN khoảng 1,2 đến 1,5 triệu tấn /năm với giá 40.000/1kg thì lượng tiền để thu mua hết lên đến khoảng 2 -2,5 tỉ USD
    Tôi nghĩ với số tiền đó thì các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu của VN đáp ứng được 50% như vậy ta có thể mua rồi bán,
    Về vấn đề thông tin thì cần phải có một sự chia sẻ với nhau để nắm bắt được
    Cái khó là tính cách kinh doanh của người Việt chúng ta không thể ngồi chung với nhau được, v/đ này thì các doanh nghiệp cần phải suy nghĩ để đi đến thống nhất chia sẻ thông tin cho nhau để có lợi cho tất cả doanh nghiệp và cho bà con nông dân.
    Nói thì dễ nhưng mà các doanh nghiệp VN ngồi lại được với nhau thì thật là khó khăn, vì tính cách người Việt chúng ta cần thời gian để mà thay đổi về tâm lý và văn hóa..

  4. lê minh quang

    Theo tôi được biết, các doanh nghiệp xuất khẩu cafe đâu có ký hợp đồng theo giá trừ lùi với các nhà nhập khẩu nước ngoài như bạn Kinh Vu nêu trong bài viết này đâu?? Các hợp đồng tương lai đều được chốt giá ngay tại thời điểm ký kết chứ không không phải là giá mở trừ lùi.

  5. cafedang

    Tôi nghĩ bài viết của bạn Kinh Vu đã rất đầy đủ rồi . Nông dân chúng ta có thể nghiên cứu để biết một trong những phương thức vận hành của thị trường cà phê, nhưng có lẽ chúng ta đừng nên tham gia vào. Chúng ta nên quan tâm đến giá thành của mình và bán ở mức giá cao nhất mà mình cảm nhận được lợi nhuận xứng đáng với công sức mà mình bỏ ra. Các DNTN phần lớn gần phá sản cũng vì bán “trừ lùi” này đó các bạn .

  6. phuceadar

    Nói để bà con dễ hiểu là như thế nầy , 70% các DNTN buôn cà phê mà thiếu vốn , mà ngân hàng VIỆT ta thì phải cho thấy có hợp đồng vói DN ngoại mới cho vay tiền, và đây là huyệt đạo để mấy anh tư bản điểm huyệt. Cũng như mấy bác nông dân ta ko có tiền , cà phê ngoài rẫy chưa biết có bao nhiêu ? đành bán lụi để mà tồn tại cái đã !!! và điệp khúc là năm nào cũng vậy , cà lên , cà xuống cũng có nhiều anh phá sản !?! mà luật pháp ta muốn phá sản dể như ăn khoai luộc vậy đó !!! cuối cùng thì trời mưa đất chịu ? mà đất đây là ai bà con biết rồi đó !!!!!!!!!!!!!!

  7. Nông dân cà phê

    Bác phuceadar nói còn thiếu, các NH Việt (đặc biệt là NH thuộc nhà nước như BIDV, VDB, Agribank ) phải thấy hợp đồng ngoại và phải CHỐT GIÁ trên hợp đồng mới cho vay. Hôm nay tôi chốt giá 40.000đ/kg càphê nhân rô xô, cầm hợp đồng này lên NH Việt xin vay, OK ngày mai NH mới giải ngân, Sáng hôm sau ” Ối!!! chết, tối hôm qua London +100USD/tấn vậy là lỗ mất toi 2.000đ/kg, phải lỗ NH Việt mới cho vay vì đây là QUY ĐỊNH rồi mà, không thể khác được đâu các Bác ạ.

  8. Hoang Dung

    Làm sao mà lỗ được, ông cứ ông tiền đã giải ngân về ngồi chờ LonDon -100 lại rồi mua, nếu London không âm thì … không mua được hàng, tiếp theo là chịu phạt hợp đồng, tiếp nữa là trả lãi ngân hàng và cuối cùng là … Lỗ! chà nói tới đâu thì DNTN vẫn Lỗ.

  9. meo mu

    Không ngờ là các DN ta phải điêu đứng thế, có điều các bác cứ bảo lỗ, nếu lỗ 1 lần còn có thể gượng chứ bằng không thì phá sản rồi ? thế thì có uẩn khúc chi đây ?
    Các ngân hàng Việt làm vậy thì khổ cho các DN quá, cứ giống như chiến tranh tài chính đấu trí căng thẳng và thất bại lại về mình, nông dân gánh chịu.

  10. bò tót đực

    Ở các cửa khẩu biên giới Trung Quốc Việt Nam, các thương nhân (tiểu thương ) Trung luôn cùng nhau giữ giá đến cùng chứ không có chuyện mạnh ai lấy bán, và chúng ta cũng không thể hy vọng đợi đến lúc sắp hết phiên chợ mới mua nhằm ép giá. Họ sẵn sàng đổ hết đi nếu không bán được đúng giá, kết quả là việc buôn bán rất trật tự, quy cũ và độ dao động giữa nhu cầu mua và bán hàng hóa các thương nhân (tiểu thương ) Trung hoàn toàn có thể kiểm soát được, nhìn chung là rất có giá.
    Ngược lại họ mua của ta rất rẻ, ép chết các tiểu thương của ta tại các cửa khẩu (nhất là các loại nông sản ). Không hiểu tại sao họ lại làm được điều đó???

  11. hương hồng

    nếu trong tháng 5 giá cà phê dưới 50 000đ/Kg thì người nông dân thua lổ nặng, điều ấy chắc chắn dẫn đến phá sản.

  12. Đặng Việt Hùng

    Sở dĩ người nông dân, DNTN bị ép giá là do 1 nguyên nhân sâu xa duy nhất: họ nhỏ bé. Chính điều này dẫn đến các hệ quả:
    – thiếu vốn (bị NH ép, ko ép ko được, vì các bá bé tí thế lấy gì đảm bảo an toàn tính dụng).
    – cở sở vật chất thiếu (kho bãi, máy móc…)-> chất lượng thấp.
    Do tính chất lịch sử, địa lý, chính trị, các hộ nông dân của chúng ta canh tác trên diện tích nhỏ, manh mún. Chúng ta ko thể ngồi đó chờ mong nhà quản lý giúp đỡ, hay nhà doanh nghiệp hỗ trợ. Bản thân nhà nông nên liên kết lại theo quy mô nhỏ (có thể 3-5 hộ nông dân, mục địch cơ bản là trao đổi thông tin), sau đó các tổ nhỏ lại liên kết lại thành tổ lớn.
    Mấu chốt của sự liên kết là phải có cam kết, thưởng phạt rõ ràng để duy trì tính nhất quán.
    Rất mong ban quản trị Y5 nghiên cứu cách thức tổ chức các hội, nhóm, tổ để tuyên truyền cho bà con nông dân.
    Tôi tin rằng, trồng cafe là 1 trong 2 khâu mang lại giá trị cao nhất trong chuỗi giá trị cà phê (cùng với khâu bán cho người tiêu dùng). Vấn đề là chúng ta đang đánh mất các giá trị đó vào tay của các công ty trung gian, nhà buôn…

  13. Nam Khanh

    Có bác nào biết gì về vụ Fix giá xin cho hỏi chút là: đặt lệnh fix trong ngày thì thông thường còn đặt lệnh fix giá mặc định gọi tăt là gì. Ai biết xin chỉ giùm.
    Xin cảm ơn.
    Nam Khanh

  14. nguyen huu van

    Cho mình hỏi cấu trúc giá caphe được tính hay quy đinh ntn
    Ví dụ giá ca phe trên sàn la 100@ trên tấn thì giá các đại lý thu mua lại của các đại lý nhỏ hơn và giá mua của người dân được tính ntn

  15. Thắng

    Trên thị trường chứng khoán cà phê (Hàng giấy) không có trừ lùi mà chỉ tính phí giao dịch giao động trong khung từ 18 – 24 Usd/lô (Hiện nay một lô 10 tấn). Dù chỉ 2 hướng lên và xuống nhưng rủi ro không hề nhỏ. Hàng thực thì +/- lùi mông lung trở thành nỗi bức xúc giữa người mua và người bán hàng mặt.

  16. nhàn đắc

    Nói chung mọi loại phí doanh nghiệp đều tính trong giá mua của nông dân, nhiều loại phí chỉ khổ dân thôi

  17. Lê tuấn

    Cho tôi hỏi Y5Cafe: doanh nghiệp cà phê dựa trên cơ sở nào để tính giá cà phê quả tươi ạ. Và tôi muốn biết cách tính chung bao nhiêu kilogam cà phê quả tươi được 1 kilogam cà phê nhân. Tôi cảm ơn rất nhiều

    1. phong

      Dựa trên bình quân tỉ lệ thành (khoảng 4,2kg/1kg nhân) và chi phí chế biến (khoảng 1000đ/kg nhân), bạn lấy giá cà nhân trừ chi phí chế biến được bao nhiêu chia cho tỉ lệ thành nhé.

Tin đã đăng