Làm sao giữ rừng trong cơn “bão giá” cà phê?

Đó là câu hỏi và cũng là nỗi lo của những ai quan tâm đến việc bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Những người sống ở Lâm Đồng – vùng đất Nam Tây Nguyên này – từ lâu đã “quen” với hiện tượng: Khi cà phê được giá thì đất rừng bị phá nhiều hơn.

Xem thêm: “Công nghệ” biến rừng thông thành rẫy cà phê

Cà phê “tiến”, đất rừng “lùi”

Phát huy lợi thế so sánh, xây dựng vùng chuyên canh cà phê hàng đầu trong cả nước là một hướng đi đúng của Lâm Đồng trong những thập niên qua. Nhờ vậy, nền kinh tế – xã hội của Lâm Đồng nói chung đã có những bước nhảy vọt.

Thế nhưng mặt trái của việc xây dựng vùng chuyên canh cà phê ở Lâm Đồng là khi người dân phát triển cà phê ào ạt một cách tự phát, vượt ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước thì rừng và đất rừng bị xâm hại nghiêm trọng. Hàng nghìn vụ phá rừng để chiếm đất trồng cà phê ở Lâm Đồng trong nhiều năm qua là biểu hiện rõ nhất của “mặt trái” này.

Rừng thông bị chặt phá
Rừng bị chặt phá, nhường chổ cho cà phê

Đến những vùng trọng điểm cà phê ở Lâm Đồng như: Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm…, người ta dễ dàng nhận ra những rẫy cà phê xâm canh trên đất rừng và hơn thế, nằm lọt thỏm giữa rừng. Những điểm nóng phá rừng hàng loạt ở vùng Lán Tranh (huyện Lâm Hà) vài năm trước, hay vùng Đạ Sar, Đạ Nhim… (huyện Lạc Dương) hiện nay đều nhằm mục đích lớn nhất là chiếm đất để trồng cà phê. Hình ảnh những cây cà phê mọc lên giữa những cây thông bị ken gốc, đốn hạ… hay xen giữa những cây rừng lớn còn nằm ngổn ngang, những gốc cây cháy trơ trọi trên cả một vạt đồi, vùng rừng đã không còn xa lạ ở Lâm Đồng. Một thực tế không thể phủ nhận, đó là cà phê “tiến” đến đâu thì rừng, đất rừng “lùi” đến đó.

Lâm Đồng hiện là tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ hai trong cả nước (sau Đắk Lắk). Việc quy hoạch cho cây cà phê ở Lâm Đồng đã được tỉnh triển khai từ lâu, thế nhưng có thể nói đây là quy hoạch luôn nằm trong nguy cơ bị “phá sản” do tác động rất mạnh của giá cà phê và tính tự phát của người dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cũng thẳng thắn thừa nhận không thể có con số chính xác về diện tích cà phê trên thực tế của tỉnh do con số này luôn biến động và diện tích cà phê xâm canh trên đất rừng là không nhỏ. Thế nhưng, cụ thể bao nhiêu đất rừng đã phải nhường chỗ cho cà phê, thì “khó mà thống kê được”.

Đâu là giải pháp?

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trong những năm gần đây đã vào cuộc rất quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng. Ngoài chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, tỉnh còn thành lập cả “Ban đặc biệt” do đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy là Trưởng ban để chỉ đạo, xử lý nhanh những vấn đề nóng trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Sự nỗ lực, quyết liệt ấy đã mang lại kết quả song vẫn chưa đạt được như mong muốn của tỉnh.

Từ thực tế của Lâm Đồng cũng như những kinh nghiệm trong thực tiễn quản lý bảo vệ rừng trước những “cuộc xâm canh” tự phát ào ạt cho cây cà phê mỗi khi cà phê lên giá cho thấy: Để tài nguyên rừng không bị xâm hại nghiêm trọng thì Lâm Đồng cần triển khai tốt những giải pháp mang tính căn cơ, phù hợp với thực tế. Trong đó, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra, kiểm soát… như đã từng làm thì có 5 nhóm giải pháp chính phải được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc.

Trước tiên là cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác bảo vệ rừng; phân công, phân trách nhiệm rõ ràng cho tập thể, cá nhân có trách nhiệm gắn với việc xử phạt, khen thưởng nghiêm minh. Thực tế cho thấy nơi nào ở cơ sở (xã, kiểm lâm địa bàn, chủ rừng…) có tinh thần trách nhiệm thì nơi ấy rừng vẫn bình yên dù nguy cơ “cà phê xâm canh rừng” vẫn tiềm ẩn. Tài nguyên rừng bị xâm hại nhiều trước các cơn bão giá cà phê thì nguyên nhân chính vẫn là nguyên nhân chủ quan của những tập thể, cá nhân có trách nhiệm ở cơ sở.

Cần phân định rõ ràng việc phát triển sản xuất với hành vi vi phạm pháp luật của những người xâm canh đất rừng. Do lo nhiều đến kế sinh nhai của người dân mà việc hợp thức hóa những vườn cà phê (vì lỡ trồng nhiều năm) trên đất rừng cho những người vi phạm đã làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và vô tình khuyến khích việc xâm canh đất rừng.

Vì vậy, việc UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo “kiên quyết thu hồi đất bất kể ai lấn chiếm đất rừng” trong một vụ việc đang được xử lý là cách làm đúng cần được thực thi rộng khắp trong tỉnh để chấm dứt tình trạng “xuê xoa” đã kéo dài hàng chục năm qua khiến rừng ngày càng bị thu hẹp.

Có một thực tế không thể phủ nhận là phần lớn những người phá rừng chiếm đất, xâm canh đất rừng không phải là người thực sự thiếu đất sản xuất. Lâm Đồng đã làm tốt việc cấp đất cho đồng bào các dân tộc thiểu số, dân di cư tự do… nên nhìn chung hộ nào cũng có đủ đất sản xuất. Tuy nhiên khi cà phê được giá đã kéo theo đất trồng cà phê cũng lên giá và không ít những người xâm hại rừng trong cơn bão giá cà phê là những đầu nậu, những “ông chủ” thuê người dân xâm canh đất rừng, xúi giục người dân lấn chiếm đất rừng để bán lại, đầu cơ, mở rộng sản xuất. Đồng thời còn có một số người không còn đất do đã bán hết vì đất được giá… chứ thực sự không phải là họ không có đất sản xuất. Do đó cần phải phát hiện và xử lý nghiêm khắc những kẻ “đứng đằng sau” vụ xâm canh này cũng như những vụ mua bán đất trái phép.

>> Đất rừng theo… giá cà phê!

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. meo mu

    Luật ta có cả, nhưng giữa thành phố Đà Lạt còn phá tan tành rừng còn chẳng làm chi được toàn kiểu chuyện đã rồi, hay đập các biệt thự thời Pháp rồi xây mới dù có chỉ thị của Thủ tướng chính phủ nhưng nó vẫn diên ra ngấm ngầm. Chẳng biết mình có biết rằng người ta xây một ngôi nhà sau vài trăm năm vẫn còn, con Dân Việt ta hiếm có cái nhà nào tồn tại quá 100 năm đã nghèo lại dở, chẳng chịu học hỏi tốn kém vô cùng.

Tin đã đăng