Phải bỏ cà phê thì cha mới gả chồng

“Phải bỏ cà phê thì cha mới gả chồng!” là tối hậu thư mà người cha (Schlendrian) đưa ra cho con gái mình (Lieschen) sau bao ngày khuyên nhủ, đe dọa, cấm đoán con gái…


Pha cho mình một ly cà phê, bật loa và thưởng thức

Đề tài nóng bỏng, lời ca hài hước, âm nhạc tuyệt diệu là lý do khiến Cantata “Cà phê” từ khi ra đời đã rất được yêu thích và trình diễn vô số lần…


Trong cuộc đời sáng tạo của mình, Bach đã soạn một số lượng khổng lồ
các tác phẩm ở thể loại cantata.

Schweigt stille, plaudert nicht (Cantata “Cà phê”), BWV 211

“Phải bỏ cà phê thì cha mới gả chồng!” là tối hậu thư mà người cha (Schlendrian) đưa ra cho con gái mình (Lieschen) sau bao ngày khuyên nhủ, đe dọa, cấm đoán con gái uống cà phê bằng nhiều cách nhưng không mang lại kết quả. Việc bỏ uống cà phê với Lieschen thật là khó vì theo lời cô: “Nếu con không được uống cà phê ba lần một ngày thì trong nỗi dằn vặt, con sẽ quắt queo như miếng thịt dê quay.” Và“vị cà phê mới ngon làm sao, còn ngọt ngào hơn cả hàng ngàn nụ hôn, dịu êm hơn cả rượu nho đen!”

Để tiếp tục được uống cà phê, Lieschen có thể dễ dàng hi sinh thú vui đứng bên cửa sổ ngắm người qua lại, hi sinh chiếc váy thời trang hay những dải ruy băng làm đẹp mà cha hứa mua cho. Nhưng khi buộc phải lựa chọn giữa cà phê và một vị hôn phu, Lieschen đành ngậm ngùi hứa sẽ bỏ uống cà phê mãi mãi…

Đó là nội dung của bản cantata Schweigt stille, plaudert nicht (Yên lặng nào, hãy ngừng tán gẫu) hay còn gọi là Cantata “Cà phê” của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach. Trong danh mục tác phẩm của Bach, bản cantata này mang ký hiệu BWV. 211 và là một trong những bản cantata thế tục nổi tiếng nhất của ông, cùng với các cantata “Đi săn” và cantata “Nông dân”.

Cantata là một thể loại thanh nhạc cổ điển gồm một số tiết mục hoàn thiện như các aria, các đoạn hát nói (recitative) và hợp xướng dựa trên một đề tài. Thể loại cantata có sự gần gũi với thể loại oratorio (thanh xướng kịch). Tuy nhiên khuôn khổ của cantata không lớn bằng và không diễn tả một câu chuyện kịch lớp lang như oratorio.

Trong cuộc đời sáng tạo của mình, Bach đã soạn một số lượng khổng lồ các tác phẩm ở thể loại cantata. Từ năm 1713 đến 1717, thời kỳ làm nhạc công đàn organ và nhạc sĩ sáng tác tại Weimar, Bach phải soạn mỗi tháng một cantata theo nhiệm vụ. Trong 5 năm đầu mới chuyển đến Leipzig, từ năm 1723 đến 1729, theo yêu cầu của nhà thờ Bach phải viết cantata cho tất cả các buổi lễ trong năm (khoảng 59 cantata mỗi năm: mỗi tuần một cantata và một số dịp lễ đặc biệt khác).

Điều đặc biệt ở thiên tài của Bach là với khối lượng công việc đồ sộ và cường độ sáng tác nặng nề như vậy nhưng ông vẫn viết nên rất nhiều những kiệt tác trong số những tác phẩm phải ra đời cho kịp lịch trình. Một phần ba trong số khoảng 300 cantata của Bach bị thất lạc nhưng các cantata còn lại cũng đủ cho thấy sức sáng tạo phi thường, sự phát triển và tiếp thu những nhân tố âm nhạc mới từ những thể loại âm nhạc khác nhau, những trường phái và nền âm nhạc khác nhau để tạo nên những tác phẩm cách mạng vượt ra khỏi mục đích và phạm vi tôn giáo ban đầu.

Quy mô dàn nhạc, dàn hợp xướng và những đòi hỏi của Bach về biểu diễn ngày càng vượt ra khỏi khả năng và phạm vi của những buổi lễ thánh. Việc được đãi ngộ không thỏa đáng và một số xung đột về quyền lợi đã khiến Bach thất vọng và ngừng viết cantata cho nhà thờ. Ông bắt đầu chú ý hơn tới các dự án âm nhạc bên ngoài nhà thờ và trở thành giám đốc Hội âm nhạc Leipzig (Collegium Musicum).

Vào các tối thứ Sáu hàng tuần, Hội âm nhạc Leipzig tổ chức hòa nhạc tại quán cà phê Zimmermann, một trong những trung tâm âm nhạc và văn hóa của Leipzig thời đó. Nhiều cantata thế tục của Bach đã ra đời vì mục đích hòa nhạc này và nổi tiếng nhất trong số đó là Cantata “Cà phê”.

Coffee house history
Uống cà phê là một chuyện rất “tự nhiên”

Cantata “Cà phê”, với libretto do Christian Friedrich Henrici (bút danh là Picander) viết, gồm 10 tiết mục: 2 đoạn hát nói của người dẫn chuyện, 2 aria của Schlendrian, 2 aria của Lieschen, 3 đoạn hát nói của hai cha con và 1 trio kết thúc tác phẩm.

Theo tài liệu ghi lại, vào khoảng năm 1600 cà phê từ cảng Mocha thuộc Yemen được xuất khẩu sang châu Âu để cung cấp cho những quán cà phê đang bắt đầu rất thịnh hành ở đây. Từ đó cà phê đã dần nhuộm nâu cả châu Âu. Thói nghiện cà phê bị coi là một vấn nạn xã hội ở Leipzig vào thời điểm Cantata “Cà phê” được công diễn lần đầu.

Xung đột lớn giữa chính quyền và thực khách của các quán cà phê ở Đức đã xảy ra từ những năm 1670. Nguyên nhân sâu xa là do lợi nhuận của việc bán cà phê rơi vào tay những người ngoại quốc trong khi lợi nhuận của những người bán bia ở Đức vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lệnh cấm hoàn toàn hay lệnh hạn chế tiêu dùng cà phê đã từng được ban hành nhưng đều bất khả thi. Bởi vì uống cà phê là một chuyện rất “tự nhiên”, đúng như khúc trio kết thúc Cantata “Cà phê” khẳng định:

“Một con mèo không thể ngừng bắt chuột và các cô gái vẫn thủy chung với cà phê. Người mẹ thân thiết với cà phê. Người bà cũng uống cà phê. Vậy ai có thể quở mắng những cô con gái?”

Đề tài nóng bỏng, lời ca hài hước, âm nhạc tuyệt diệu là lý do khiến Cantata “Cà phê” từ khi ra đời đã rất được yêu thích và trình diễn vô số lần. Ngày nay Cantata “Cà phê” vẫn được thu âm và trình diễn thường xuyên trên thế giới. Với tác phẩm này, cái tên Johann Sebastian Bach không chỉ được nhắc đến trong lịch sử thể loại cantata mà còn được nhắc đến trong lịch sử văn hóa cà phê.

|autostart=yes]
Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng