Thay đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu năm 2009

Bộ Công Thương đã đưa ra dự báo xu hướng xuất khẩu của nhiều nhóm hàng chủ lực trong năm 2009 với nhiều sự thay đổi, trong đó, xuất khẩu khoáng sản thô sẽ giảm mạnh, trong khi mũi nhọn sẽ tập trung vào nhóm hàng công nghiệp chế biến.

Xuất khẩu khoáng sản giảm một nửa

Nhóm hàng khoáng sản khó có khả năng tăng trưởng trong năm 2009 do sản lượng dầu thô và than đá xuất khẩu giảm mạnh phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu thụ trong nước, giá xuất khẩu sẽ không ở mức cao như năm 2008.

Dự báo, kim ngạch nhóm này đạt khoảng 5,92 tỷ USD, giảm 5,97 tỷ USD (tương đương với 50,2%) so với năm 2008, và chỉ chiếm tỷ trọng 8,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Giá xuất khẩu dầu thô theo kế hoạch dự báo khoảng 50 USD/thùng, lượng xuất khẩu khoảng 12 triệu tấn. Như vậy, xuất khẩu dầu thô năm 2009 sẽ giảm 55,9% về trị giá và 13,7% về lượng.

Mặt hàng than đá do chủ trương kiểm soát xuất khẩu tài nguyên nên lượng xuất khẩu dự kiến là 20 triệu tấn, thêm nữa giá xuất khẩu dự kiến sẽ không ở mức cao như năm 2008.

Nông, lâm, thủy sản gặp khó về giá

Nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản khó có khả năng tăng trưởng trong năm 2009 do hạn chế về cơ cấu sản lượng và đặc biệt giá nhiều mặt hàng chủ lực sẽ ở mức thấp so với năm 2008.

Dự báo, kim ngạch nhóm này đạt khoảng 12,23 tỷ USD, giảm 4,8% so với năm 2008. Tổng kim ngạch 8 mặt hàng nông, lâm thủy sản xuất khẩu chủ lực năm 2009 sẽ giảm khoảng 628 triệu USD.

Mặt hàng gạo sẽ không gặp khó khăn về thị trường do diện tích canh tác trên toàn thế giới có xu hướng ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên giá xuất khẩu có xu hướng giảm, vì thế trị giá sẽ giảm khoảng 32,8% so với năm 2008, tương đương 952 triệu USD. Xuất khẩu cà phê không gặp khó khăn về thị trường, nhưng giảm 4,5% về trị giá.

Các mặt hàng cao su, hạt tiêu, nhân điều, chè, dự kiến số lượng xuất khẩu sẽ có mức tăng nhẹ về lượng, nhưng do hạn chế về năng lực sản xuất, chế biến và giá xuất khẩu không cao như năm 2008 nên không tăng đột biến về kim ngạch xuất khẩu (chỉ khoảng 10-15%).

Mặt hàng thủy sản vẫn gặp khó khăn do các nước đang đặt ra hàng rào kỹ thuật mới, kiểm dịch chặt chẽ và thường xuyên ban hành các tiêu chuẩn mới.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến: Mũi nhọn xuất khẩu

Nhóm hàng công nghiệp chế biến là nhóm quan trọng nhất, chiếm tỷ trọng trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt khoảng 52,9 tỷ USD, tăng 38,7% so với năm 2008, tăng 14,7 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là dệt may và da giày. Năm 2009, phấn đấu kim ngạch hàng dệt may tăng khoảng 25%.

Đối với hàng giày dép, năm 2009, giày của Việt Nam sang thị trường chủ lực là EU không còn được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng vẫn có nhiều khả năng để gia tăng kim ngạch xuất khẩu thông qua việc mở rộng sản xuất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tăng cường hàm lượng giá trị gia tăng của sản phẩm.

Ngoài ra, một số mặt hàng công nghiệp chế biến khác cũng có nhiều tiềm năng để tăng trưởng xuất khẩu; trong đó, sản phẩm gỗ dự kiến kim ngạch tăng khoảng 8% so với năm 2008. Sản phẩm nhựa dự kiến kim ngạch sẽ vượt ngưỡng trên 1 tỷ USD, tăng 39,8% so với năm 2008.

Dây điện và cáp điện là mặt hàng có khả năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu lớn với mức kim ngạch dự kiến đạt 1,4 tỷ USD, tăng 34% so năm 2008.

Ngoài những mặt hàng trên, còn một số mặt hàng như túi xách, va \li, ô dù, sản phẩm từ cao su, sản phẩm từ gang thép hay tàu thuyền các loại đều là những mặt hàng dự kiến tăng khá trong năm 2009, ở mức trên 30%.

____________________
Theo VietStock

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng