Tạo ngay các giá trị gia tăng bằng công nghệ chế biến cho những mặt hàng gạo, cà phê, tiêu, chè, cao su…
Đây là nhận định và phân tích của hầu hết các chuyên gia kinh tế đưa ra trong hội thảo Tư duy kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế do Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM và Công ty Dream House tổ chức ngày 26-2 tại TP.HCM.
Tìm ra lợi thế quốc gia
Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình Fulbright, phân tích thời gian qua ở Việt Nam nhiều ngành công nghiệp như sản xuất ôtô, sắt thép, đóng tàu được đầu tư hay trợ cấp thông qua ưu đãi thuế nhiều tỉ USD. Tuy nhiên, đây không phải những ngành có thế mạnh và hứa hẹn của Việt Nam. Đơn giản là việc phát triển những ngành này không dựa vào thế mạnh quốc gia.
Ông Du ví von như người trồng táo có thể đi trồng lê do am hiểu giống, nước, thổ nhưỡng… Nhưng cũng người nông dân này thì không thể sản xuất dây đồng. “Sao Việt Nam lại chọn đầu tư sản xuất ôtô, đóng tàu… Trong khi hơn 70% dân số làm nông nghiệp và chúng ta đang dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nông sản và các mặt hàng gia dụng” – ông Du nói.
Chia sẻ về khía cạnh này, ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam, nhận xét: đúng là hồ tiêu, gạo, cà phê, chè, cao su, thủy sản, dệt may… là những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, những mặt hàng này mới chỉ dừng ở mức sơ chế hoặc gia công. Việc đầu tư vào các khâu như chế biến, tạo giá trị gia tăng… vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vậy thay đổi tư duy là chỗ chúng ta nhanh chóng tạo ra lợi thế ở những ngành mà Việt Nam có thế mạnh.
Các đại biểu cũng dẫn ra câu chuyện đất nước Hà Lan đã chọn nông nghiệp và chủ lực là trồng hoa và chăn nuôi bò sữa để thống lĩnh thị trường quốc tế. “Ở phân khúc này họ dám đầu tư cả đội máy bay chuyên nghiệp mang hoa đi bán khắp nơi. Câu chuyện nâng chất nông nghiệp ở Hà Lan cũng để minh họa cho tư duy phát triển kinh tế là cần chọn ra cái đặc thù, cái riêng” – PGS-TS Nguyễn Văn Trình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật, nêu ý kiến.
Lãnh đạo phải thay đổi tư duy kinh tế trước
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tư duy thay đổi khi xây dựng chiến lược và tầm nhìn trong hoạch định các chính sách có liên quan đến phát triển kinh tế. Khi xây dựng tầm nhìn cho một giai đoạn phát triển kinh tế phải có chiến lược cụ thể, là làm như thế nào, ai làm, trách nhiệm ra sao… và không nói chung chung.
Mặt khác, khi hoạch định ra chính sách, giao quyền thì phải gắn liền với trách nhiệm. “Nhận việc nhưng điều hành sai, quản lý kém… phải đi tù”. Còn trước mắt với tình hình như hiện nay phải ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát… thì các bộ, ngành, Nhà nước, doanh nghiệp, trung ương, địa phương phải có sự phối hợp đồng bộ để giải quyết. Tư duy kinh tế bàn tới khi có chuyển động từ cấp lãnh đạo trước.
PGS-TS Nguyễn Văn Luân, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật, gợi ý để đại biểu thảo luận về tư duy kinh tế Việt Nam sắp tới cần thay đổi từ dưới lên hay từ trên xuống. Ông dẫn ví dụ về sự thay đổi tư duy kinh tế ở Trung Quốc bắt đầu từ lãnh đạo lan tỏa đi xuống.
Về vấn đề này, ông Lương Văn Tự lấy câu chuyện các nước gia nhập WTO để bàn. Khi gia nhập WTO chỉ có 1/3 các nước thịnh vượng, 1/3 trung bình, còn lại 1/3 giậm chân tại chỗ.
“Vào WTO không phải là xong, mà vào mới chỉ là bắt đầu. Gia nhập WTO cái được là Việt Nam có được một môi trường kinh doanh thế giới. Vì thế cái cần là phải thay đổi tư duy để giành được lợi thế. Ví như sắp tới năm 2015, Việt Nam trở thành thành viên kinh tế đầy đủ của khối ASEAN. Khi đó, thuế suất vào khu vực 500 triệu dân này bằng 0. Việt Nam chỉ cần bán lương thực, thực phẩm cũng đã thịnh vượng. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ chưa thấy bộ, ngành nào bàn, xúc tiến kế họach, mục tiêu hướng tới”.
Cần tăng lương cho công chức lên 10 lần
Có thay đổi gì từ tư duy đến chính sách mà không tăng lương cho công chức thì sẽ rất khó khăn để thực hiện. Công chức cũng là người, cũng đối diện nhu cầu sinh tồn. Lương không đủ sống thì họ véo chỗ này, nắn chính sách chỗ kia chút để vòi vĩnh tạo ra nguồn thu nhập. Theo tôi, nên học tập Singapore, Hàn Quốc… tăng lương công chức 10 lần.
Ông LƯƠNG VĂN TỰ (nguyên Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO)
Tái cấu trúc nhanh ngành công nghiệp
Tại sao chúng ta luôn phải đối phó với bài toán tỉ giá, lạm phát… Vì Việt Nam là nước nhập siêu lớn? Ngành công nghiệp chúng ta lạc hậu. Trong 20 năm qua, các thiết bị máy móc từ đơn giản đến phức tạp chúng ta đều nhập khẩu. Chúng ta có xuất khẩu mạnh đến đâu cũng không bù được thâm hụt ngoại tệ cho nhập khẩu máy móc. Do vậy, theo tôi nên tái cấu trúc nhanh ngành công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp nặng…
Tiến sĩ NGUYỄN TẤN PHÁT (Trường ĐH Kinh tế-Luật)
Các bác cứ bàn đi, rồi đâu lại vào đó cả thôi. Điển hình như việc bàn cách để cứu cụ rùa Hồ Gươm chẳng hạn, tôi theo dõi đã hơn 8 tháng rồi mà những người có trách nhiệm cứ hội thảo tới, hội thảo lui. Chờ tới lúc tìm ra cách thì những thế hệ mai sau sẽ không còn được nhìn thấy cụ nữa.
Còn chuyện tìm ra lợi thế quốc gia à. Tại sao chúng ta lại cứ phải công nghiệp hóa – hiện đại hóa nhỉ, trong khi đó nếu cứ khăng khăng nhất thiết phải làm như vậy nhỉ. Hãy nhìn và học tập các nước tiên tiến trên thế giới kìa.
Đồng ý với thế mạnh của VN là nông nghiệp, tại sao không giàu được khi ta có sản phẩm nông nghiệp mà thị trường thế giới đang rất khát.
Thử hỏi xem đã có dự án nào THỰC SỰ đem lại hiệu quả cho những ngành thế mạnh của nước ta chưa?
Các quan cứ hội thảo, cứ bàn bạc rồi hội họp, xong rồi đâu củng vào đó thôi. Nước ta có bảy mươi phần trăm dân số là dân đen nhưng ngành nông nghiệp như vô chính phủ, mạnh ai nấy làm không có khoa học kĩ thuật, giá cả thì bấp bênh. Giặc làm phân giả, thuốc sâu dỏm thì thoải mái tung hoành, không ai quản lý … thì làm sao mà ngành nông nghiệp vững mạnh được. Các quan cứ lo cho túi và con cháu các quan thôi, nông dân thì hên xui !
Từ trước đến giừ tôi đã hơn thập lục tuổi rồi nghe bàn nhiều lắm rồi, cái gì cũng có lý, hay là cái lý có chân không biết. Theo tôi nước mình văn minh lúa nước tức lấy nông nghiệp làm đầu mà dân nông nghiệp còn khổ thì văn minh ở đâu.
Cái não trạng của lãnh đạo nước ta chỉ có vậy (ở đây tôi không có ý xuyên tạc bôi nhọ, mà thực tế là như vậy) khi thấy các cường quốc trên thế giới họ phát triển nhanh thì làm theo mà không thấy sở trường và sở đoản của mình.Từ lâu nay cứ hô hào về chiến lược mà rồi chỉ có phá sản hoặc kết quả không cao.Nói riêng về nông nghiệp thì ta thấy những vụ như nhà máy đường xây dựng khắp nơi kết quả phá sản để lại hậu quả có lẽ đến nay cũng chưa giải quyết xong!Rồi đến vụ dâu tăm tơ cũng vậy thành lập đến cỡ tổng công ty rồi cũng phá sản.Rồi cách đây cả chục năm thành lập cái hiệp hội cà phê việt nam (VICOFA) mà lúc đó báo chí còn gọi là tập đoàn cà phê Việt nam đao to búa lớn là vậy!Cách nghĩ và cách làm nó phi lý nhưng lại có cái duy ý chí và áp đặt và mệnh lệnh nên nó bị thất bại là đương nhiên.Cái cốt lõi là khi xậy dựng một kế hoạch thì nên tuân thủ quy luật phát triển và áp dụng nó một cách khoa học chứ không phải bằng cảm nhận.Nếu có tác động ở tầm vĩ mô thì cũng phải khéo léo và thận trọng chứ không phải thích ra một cái thông tư hoặc nghị định là xong.Ở các nước phát triển khi họ muốn ra một cái đạo luật nào đó thì họ tranh luận rất kỹ thậm chí họ cũng trưng cầu ý dân trước khi ban hành