Hờ hững với những bảo hiểm hạn hán

Trong tất cả những rủi ro thì hạn hán sẽ khiến người trồng cà phê thiệt hại nặng nề nhất. Ở Đăk Lăk, giờ đây rủi ro ấy đã được bảo hiểm (BH), nhưng rất lạ là nông dân chẳng “mặn mà”.

> Bảo Minh bảo hiểm rủi ro hạn hán cho người trồng cà phê

Lợi ích đã rõ

Đầu năm 2011, Bảo Minh Đăk Lăk đã cho ra mắt sản phẩm BH gián đoạn kinh doanh nông nghiệp theo chỉ số (gọi tắt là BH hạn hán). Theo đó, hai bên sẽ thống nhất với nhau một “ngưỡng hạn”- là lượng mưa nhất định đo được tại vùng BH. Trong suốt thời hạn BH (31.3 đến 10.5), mà lượng mưa bằng hoặc thấp hơn ngưỡng hạn, nông dân sẽ được bồi thường.

cà phê hạn hán
Hạn hán chính là mối “hoạ” lớn nhất của người trồng cà phê.

Bảo hiểm hạn hán sẽ giảm thiểu được thiệt hại cho nông dân khi xảy ra rủi ro. Tuy nhiên, để nông dân “hứng thú” hơn với sản phẩm này Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ vì mức phí này còn khá cao với nông dân.__Ông Trần Quốc Phúc
Số tiền bồi thường tỉ lệ nghịch với lượng mưa (thấp nhất 10% so với mức tối đa), được tính theo một công thức chuẩn. Và để bảo đảm tính pháp lý, khách quan khi tiến hành bồi thường, các trạm khí tượng thuỷ văn (KTTV) trong khu vực BH sẽ làm “trọng tài”. Trong suốt quá trình BH, hai bên có thể dễ dàng cập nhật được lượng mưa (được công bố chính thức) từ các trạm này.

Ông Trần Quốc Phúc- Phó Giám đốc Bảo Minh Đăk Lăk, cho biết: “Mức phí BH tối đa cho 1ha đất từ 4,5- 5,5 triệu đồng (tuỳ theo từng vùng, tương ứng số tiền bồi thường từ 45- 55 triệu đồng). Tuy nhiên, người mua BH vẫn có thể lựa chọn mức phí thấp hơn. Ưu việt nhất của sản phẩm BH này, đó là việc xác định bồi thường rất đơn giản. Chỉ cần lấy số liệu đo mưa của các trạm KTTV cung cấp ráp vào công thức có sẵn để tính mức bồi thường mà không cần bất cứ một động tác giám định nào. Công thức tính này cũng rất đơn giản”.

Ông Hoàng Đình Quốc -cán bộ Ban Dự án hỗ trợ phát triển Nông nghiệp – thuộc Quỹ Ford Foundation, Công ty Globalagrisk (Hoa Kỳ), nhận định: “Theo tôi, sản phẩm này mang lại lợi ích không nhỏ cho nông dân. BH hạn hán chính là “cứu tinh” để nông dân bù vào những chi phí thiệt hại, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay”.

Cần có chính sách

Từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn Đăk Lăk vẫn chưa hề có một giọt mưa. Nguy cơ hạn nặng đã hiện hữu. Thế nhưng, sau gần 2 tháng “ra mắt”, toàn tỉnh Đăk Lăk chỉ có khoảng 20 người mua BH hạn hán. Ông Nguyễn Bá Tòng, thôn Hợp Thành 1, P.Thống Nhất, TX. Buôn Hồ, cho biết: “Khi biết thông tin về sản phẩm này, tôi đã rất mừng và lập tức mua ngay. Thời tiết vài năm trở lại đây diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, năm nay nguy cơ hạn hán là rất cao. Chính vì thế mà tôi không hề băn khoăn khi mua BH cho vườn cà phê”.

Ông Nguyễn Văn Dương (cùng địa chỉ) cũng đã mua bảo hiểm hạn hán và cũng tỏ ra rất hài lòng. Tuy nhiên, họ chỉ là “cá biệt” trong số hàng nghìn nông dân trồng cà phê ở Đăk Lăk. Ông Phạm Trí Thức – Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cư MGar, cho biết: “Cà phê trên huyện đang thiếu nước tưới, khả năng hạn là rất lớn. Thế nhưng, dù đã có hẳn các cuộc hội thảo về BH hạn hán, nhưng không có bất kỳ người nào mua. Họ tỏ ra rất nghi ngờ…”.

Theo ông Hoàng Đình Quốc – người đã bỏ rất nhiều thời gian để thu thập ý kiến của nông dân, thì: “Điều khiến nông dân băn khoăn nhất, đó chính là số liệu lượng mưa: Liệu có sự bắt tay của doanh nghiệp BH với trạm KTTV? Và có chính xác không nếu xảy ra mưa cục bộ? Đây là những lo lắng không đáng có, song để giải toả được không hề đơn giản. Đấy chính là rào cản khiến nông dân dù biết hạn vẫn không mua BH”.

Ông Trần Quốc Phúc cho rằng, BH hạn hán sẽ giảm thiểu được thiệt hại cho nông dân khi xảy ra rủi ro. Tuy nhiên, để nông dân “hứng thú” hơn với sản phẩm BH này thì Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ vì mức phí này còn khá cao với nông dân. Ông Phúc cũng thừa nhận: “Thực sự mức phí chúng tôi đưa ra còn khá cao, nhưng lại không thể giảm được nữa.

Bởi khi hạn hán xảy ra, chúng tôi phải bồi thường trên diện rộng và hàng loạt các chi phí khác”. Theo ông Phúc, để sản phẩm này nói riêng và bảo hiểm nông nghiệp nói chung “phát huy tác dụng” nhất thiết phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Sự hỗ trợ ấy không chỉ cho nông dân, mà còn cho cả doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước cần tạo một hành lang pháp lý để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nông dân; chính quyền các cấp cần vào cuộc để nông dân thấy được lợi ích khi tham gia BH nông nghiệp.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. dzung

    Hạn hán ư? Đợi cafee chết rũ để nhận BH từ Bảo Minh. Trước khi BM đưa ra mức BH cho lượng mưa từ 31/3 đến 10/5 hàng năm, họ đã nghiên cứu kỹ thời tiết và lượng mưa của trong nhiều năm cộng lại tính bình quân trong thời gian đó rồi. Với số tiền đóng BH mà BM đưa ra cũng đủ số tiền tôi tưới đủ cho vụ mùa từ tháng 1-5 hàng năm. Doanh nghiệp mà, kinh doanh phải có lãi chứ, phải kg các bạn?

  2. lu1234

    Trông trời trông đất trông mưa, trông cho trời hạn lấy tiền Bảo Minh. 20 năm mới có 1 lần tháng 4 âm lịch mà không có mưa thì thật là trớ trêu.

  3. thanh_le_87

    Chờ bảo hiểm ư? Cà phê chăm sóc đầu tư hết cả gia tài vào vườn cây, không tìm mọi biện pháp cứu vươn cây. Chờ bảo hiểm có mà chết đói phải không các bạn?

  4. Hoang Thang

    Phải rồi làm cà phê thì ai cũng sợ hạn hán! Nhưng bảo hiểm hạn hán thì bây giờ mới nghe tới. Nhưng ở Việt Nam ta mấy ông bảo hiểm làm ăn thì chẳng ai tin, vì mấy ông đưa cái hợp đồng bảo hiểm ra thì mấy ông có thua gì đâu, khách hàng thua mà thôi.

  5. Tuấn Ân

    Tôi cần nhập cà phê, xin các bác chào giá và sản phẩm. Cafe thô. Nơi cà chuyển đến Thailand. Xin tính luôn cả chi phí cửa khẩu và xe sang đến giao hàng tại cửa khẩu CHOMMEK, Thái. Gần Paxsé, Lào. Khối lượng yêu cầu : 60 tấn/tháng. thanks anh chị em giúp đỡ. Theo số điện thoại 0066.881145266, mail : tuanan.vietnam@hotmail.com

  6. Nguyen hung

    Tôi đồng ý với quan điểm của bác trên, họ đã tính toán hết rồi, các công ty BH họ kinh doanh lúc nào chẵng lãi, thay vì bà con đóng tiền bào hiểm thì dùng tiền đóng bảo hiểm đó để cải tạo ao hồ, đào giếng… để tưới còn tốt hơn.

  7. daknong

    Tôi nhất trí với quan điểm của đồng chí nguyên hùng, thay vì bỏ 5 triệu vào mua bảo hiểm ( đầu tư mang tính may rủi ),
    bà con hùn tiền đào ao vét kênh dự trữ nước từ mùa mưa. Mỗi hộ gia đình 10tr thì có mà được hồ nước tưới thỏa mái trong nhiều năm. Nhà em năm ngoái đầu tư 30tr làm ao giờ tưới thỏa mái 3ha mà là tưới bep ấy nha. Sao các bác bảo hiểm không bảo hiểm sản lượng nhỉ!

  8. hoang thang

    Khi nào mấy ông bảo hiểm dám bảo hiểm khi chi phí bơm tưới không bị lỗ thì tôi tham gia. Ví dụ một đợt bơm hết 3 triệu/ha mà vượt 3.5 triệu thì mấy ông bù. Xăng dầu đang lên mà.

  9. Nguyễn Giàu

    Theo mình số tiền mua bảo hiểm thì để mua dầu tưới thêm cho cà phê thêm chút nước nữa thì hạn hán kéo dài cà phê vẫn ổn không bị sao cả. Chứ đóng bảo hiểm rồi nếu có hạn hán thì vẫn phải tưới bình thường, mà đợi đến lúc lấy được ít tiền bảo hiểm thì càphê cũng chết khô hết rồi, số tiền bảo hiểm cũng không đủ bù vào thu hoạch những năm sau. Trường hợp có tiền để mua dầu mua phân mà không có nước để tưới thì mới nên nghĩ đến việc mua bảo hiểm. Nguồn nước để tưới rất quan trọng.

  10. phan toan

    Thời gian bảo hiểm từ đầu tháng 4 cho đến giửa tháng 5. Thì cũng là một vấn đề đó nha, lúc đó trời không mưa mới là chuyện lạ. Vì thời gian đó là cuối mùa khô. Mà bà con ta thì cần nước tưới vào đợt đầu vì khi đó là thời gian quyết định sản lượng năm nay.

  11. Tuấn Dũng

    Loại bảo hiểm này sẽ bán được nếu tình hình biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn. Còn hiện tai thì tháng 4 là Tây nguyên mưa ầm ầm rồi. Mà thời gian tính bảo hiểm là tháng 3 tới tháng 5 thì Bảo Minh lời lớn rồi. Trong gai đoạn này nếu thời gian tính hạn lả từ tháng 2 tới 20 tháng 4 thì tăng hiệu quả hơn cho bảo hiểm.

  12. Thanh Sơn

    Đọc bài báo này tui thấy mắc cười quá. Có mấy cái mắc cười nè :
    -Từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn Đăk Lăk vẫn chưa hề có một giọt mưa. Báo viết. Mắc cười là có mưa thì ai còn gọi là mùa khô mặc dù có thể có những cơn giông cục bộ bất chợt.
    -Bảo hiểm từ 31.3 – 10.5 là Bảo Minh đã cầm cái cán, tính chuyện gom thêm tiền của nông dân cafe chứ đâu phải cùng lo với nông dân. Tháng 4 là bước vào mùa mưa rồi, như bà con nói, có chậm là qua đầu tháng 5 chứ làm sao mà thấp hơn ngưỡng hạn. Mà ngưỡng hạn là bao nhiêu? đợi KTTV xác định à. Chớ dại, lúc đó nén bạc đâm toạc tờ giấy hen bà con.
    -Nếu bị hạn thì bà con dốc hết sức để cứu cà dù phải tốn kém đến đâu. Lúc đó có gọi Bảo Minh đến thì “cà đã cháy đâu?”. Bà con có ai để cà cháy cho Bảo Minh thường nào? chắc chắn không có ai! Mà không cháy thì sao đòi thường, ấy mới mắc cười.
    Ấy là chuyện BH nông sản đó bà con mình ơi!

  13. N K

    Mua bảo hiểm con người. Nhưng khi người đó đã qua đời hơn một năm rồi mà vẫn chưa nhận được tiền của bảo hiểm. Nên thử hỏi bà con mua bảo hiểm đề làm gì ? Đừng đề mắc lừa nghe bà con. Nếu mua BH hạn hán mà caphe chết héo bà con mà nhận được tiền bảo hiểm thì tiền mua xăng và mua lốp xe máy không đủ nghe bà con. Chúc bà con ta sáng suốt khi lựa chọn.

  14. trần ngọc diệu

    Tôi đồng ý với ý bạn Thanh Sơn, vì vào tháng 4 là có mưa rồi … !!! nhà tui cũng đang phân vân có mưa hay không, có gì các bạn góp ý với.

  15. Nông Văn Dân

    1 ha cà phê giá 400-500 triệu đồng dù có hạn phải bơm chuyền 2-3 máy cũng phải lo mà tưới, chẳng ai dám để chết cà chờ BH bồi thường. Tiền mua BH cho 1ha đất từ 4,5- 5,5 triệu đồng sẽ mua được 300 lít dầu đủ 3 máy bơm chuyền gần 100 h rồi, chứ mua BH cũng chẳng ai dám để cà chết chờ BH bồi thường, mà số tiền bồi thường chỉ từ 45- 55 triệu đồng/ 1ha. Nếu để cà chết đi thì mất hàng trăm triệu chứ chẳng chơi. Như vậy chẳng khác nào “nhà cháy hai đầu”, chưa nói là nếu nhận được tiền BH thì nhiêu khê lắm các bác ơi. Trước tiên mình tìm cách tự cứu lấy mình thôi . Coi chừng mua BH tiền vẫn mất tật vẫn mang.

  16. dzung

    Đề tài này tôi đọc thấy zui quá xá là zui! Xin góp ý thêm zới bà con nông dân là” Thay vì mua bảo hiểm hạn hán, bà con góp chung tiền mời vị pháp sư ở Hà nội (Vị pháp sư này đã có lần tuyên bố trên báo chí là có thể đuổi mây dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long Hà Nội) về Tây nguyên hô phong hóan vũ gọi mưa giúp bà con nông dân. Tôi nghĩ phương pháp này là hiệu quả nhứt rồi đó.

  17. cà chua kiu

    Còn nói về vị Pháp sư dịp đại lễ nghìn năm Thăng Long Hà Nội mà ‘dzung’ nói thì ‘cà chua kiu’ nghĩ là vị ấy nên giúp đồng bào miền trung đuổi bão lũ thì hơn chứ chẳng gọi mưa giúp Tây nguyên được đâu. Nếu có bh giá cả thì cà chua kiu mua lấy một suất đề phòng rớt giá thôi.

  18. Đinh Đức Phụng

    Xin lỗi đời, chơi với mấy ông bảo hiểm chỉ có lỗ chứ không có lời. Cơ quan khí tượng thủy văn làm trọng tài, ai dám tin đây. Ai dám đảm bảo rằng Bảo Minh không hối lộ để mấy ông trọng tài đó “giết dân” chứ. “Mấy đời bánh đúc có xương, Mấy đời bảo hiểm lại thương dân nghèo”. Mà bảo hiểm ở Việt Nam này mười ông như chục, xếp hàng chờ, chờ và chờ, rồi đến lúc người mua khổ, khổ và quá khổ.
    Thôi thì cứ tự lực cánh sinh đi mấy bác nông dân ơi.

Tin đã đăng