Thiếu dầu chạy máy bơm, cà phê chết khát

Đang bước vào mùa tưới nước cho cà phê, hồ tiêu nhưng nhiều nông dân ở Tây Nguyên không mua được dầu để chạy máy bơm tưới nước cho kịp mùa vụ.

đại lý xăng đầu
Xếp hàng chờ mua dầu tại cửa hàng 38, thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk.

Theo ghi nhận của chúng tôi sáng ngày 21-2, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk có rất nhiều cây xăng chỉ bán ra cầm chừng, còn một số đại lý khác thì mở chỉ để bán xăng, không bán dầu diesel. Một số đại lý khác đóng cửa không phục vụ như: Đại lý Thế Mỹ 1 (281 Phan Bội Châu, TP Buôn Ma Thuột), Đức Năng (tỉnh lộ 8, xã Ea Tul, Cư M’gar), Thu Thảo (34 Hùng Vương, thị xã Buôn Hồ), Ánh Trầm (thị xã Buôn Hồ)… Nhiều nông dân lái xe công nông, chất can, thùng phuy đi mua dầu nhưng về tay không.

Chủ đại lý xăng dầu Sĩ Thảo (thôn 3, xã Pơng Drang, Krông Buk) cho biết: Năm nay lượng xăng dầu Cty cung cấp không bằng một nửa năm ngoái nên dầu không đủ bán cho khách hàng đến mua. Hơn 2 ngày nay, đại lý chủ yếu bán dầu cho khách hàng đặt trước Tết và một số khách quen. Nhiều người cần dầu chạy máy để tưới cà phê gấp thì đại lý chỉ bán một vài lít. Nhiều đại lý bán xăng dầu hiện nay đều lâm cảnh tương tự.

Khoảng 12 giờ trưa, cây xăng 38 (TX Buôn Hồ, thuộc Cty Xăng dầu Nam Tây Nguyên) vẫn tấp nập người xếp hàng mua xăng dầu. Anh Phạm Hùng Cường, cho biết, trong những ngày qua, lượng hàng bán ra tăng khoảng 15 lần cùng kỳ năm 2010. Từ sáng sớm đến xế chiều, người dân ở thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Buk và một số nơi lân cận đổ dồn về đây mua nên cây xăng luôn đông kín người. Trung bình, một ngày cửa hàng bán ra khoảng 40.000 lít, chủ yếu là dầu diesel.

Ông Nguyễn Huynh, Giám đốc Cty Xăng dầu Nam Tây Nguyên cho biết: dù tháng 2-2011 lượng xăng dầu Cty bán ra là 17.500m3, tăng hơn so với cùng kì năm ngoái nhưng vẫn chỉ đủ phục vụ cho các đại lý bán lẻ của Cty và các cửa hàng tư nhân làm đại lý.

Theo ông Huynh, một số đơn vị phân phối gặp khó khăn nên thu hẹp số lượng bán ra; một số nhà phân phối và đại lý găm hàng chờ tăng giá. Để giải quyết tình trạng khan hiếm xăng dầu phục vụ sản xuất, Cty Xăng dầu Nam Tây Nguyên đã tăng sản lượng bán ra gấp 10 lần, tại các huyện Krông Buk, thị xã Buôn Hồ, Krông Păk.

Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Trưởng phòng Quản lý Thương mại Sở Công thương Đăk Lăk cho biết: Sở đã báo cáo với Bộ Công thương, đồng thời gửi công văn đến các doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng dầu để tìm biện pháp khắc phục. Thanh tra Sở phối hợp với lực lượng QLTT sẽ tăng cường kiểm tra các đại lý cố tình găm hàng chờ tăng giá.

Qua kiểm tra mới đây, QLTT Đăk Lăk đã phát hiện 49 đại lý xăng dầu hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động, có dấu hiệu găm hàng chờ tăng giá. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở tỉnh khác trên địa bàn Tây Nguyên như Gia Lai, Lâm Đồng…

Theo thống kê của Sở Công Thương Gia Lai, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 260 cơ sở kinh doanh xăng dầu, nhưng từ sau Tết nguyên đán đến nay, có nhiều cửa hàng đóng cửa, không phục vụ khách hàng. Chủ các cửa hàng này viện ra nhiều lý do như đi lễ chùa, chưa chọn được ngày đẹp, đi khám bệnh, thăm người thân, không có nhân viên bán hàng…

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã chỉ đạo lực lượng QLTT tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình trạng không những không được cải thiện mà còn có thêm nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu khác tiếp tục đóng cửa, găm hàng chờ tăng giá.

Tại TP Kon Tum, sáng 21-2, PV Tiền Phong ghi nhận các cửa hàng thuộc Petrolimex (kể cả các đại lý) đều hoạt động, riêng các cửa hàng của Tổng Cty Xăng dầu Quân đội hầu hết đóng cửa, có cửa hàng ghi rõ “hết xăng dầu”.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Đinh tân Lâm

    Chưa bao giờ “thượng đế” đi mua dầu lại khổ như mấy ngày hôm nay.Tôi đi mua can dầu để bơm nước đặng ủ vỏ trấu ,nhưng đi một loạt cac cửa hàng xăng dầu chổ thì đóng cửa, chổ thì “hết dầu”. Tôi chạy tới cây xăng Chí Tâm ở khu 8 Di linh hỏi mua nhân viên bán nói hết dầu nhưng bà chủ thấy tôi quen nên rót dầu cho tôi, nhưng thay vì 14.990đ giá ghi ở trụ thì bà ta đưa máy tính và nhân với 18000một lít,tôi nói sao đắt vậy ,bả nói dầu nhập đắt nên bán đắt không mua thì thôi. Trong khi đó tôi thấy ông bà chủ của1 cây xăng khác tới và nói dầu giờ không có mà mua đâu nếu có cuũng bán trên 20.000đ, nghe vậy bà đang bán dầu cho tôi đổ dầu trở lại không bán nữa. Cuối cùng tôi cũng mua được dầu ở điểm bán xăng dầu gần chợ Di linh nhưng chỉ được 26 lit vì nhân viên nói hết dầu, rõ khổ.

  2. Nông dân CÀ

    Đó là hệ quả của việc theo Kinh tế thị trường nhưng không điều hành giá theo kinh tế thị trường.
    Đành rằng xăng dầu là mặt hàng chiến lược nhưng tất cả mọi người mọi ngành đều sử dụng nó. Nếu còn bao cấp về giá cho xăng dầu thì ngân sách sao kham nổi, đồng thời làm sao ta có thể đạt tới Kinh tế thị trường đúng nghĩa, hoạt động của nền kinh tế dựa vào xăng dầu sẽ bị “méo mó”. Việc điều hành tỉ giá ngoại tệ là một ví dụ.
    Hy vọng giá xăng dầu sẽ được trả lại đúng vị trí của nó như giá vàng, ngoại tệ, cà phê v.v…
    Ví dụ sáng nay giá 18.500 đ, chiều 17.800đ, sáng mai 18.200đ…
    Hãy để giá cả cho thị trường tự điều tiết, nền kinh tế tự quen dần và thích nghi. Xã hội sẽ cùng tự tính toán để phù hợp.
    Chính Phủ chỉ ra tay áp đặt giá trong trường hợp bất khả kháng như thiên tai, địch họa…
    Hãy dùng chính quy luật thị trường để điều hành thị trường.

    1. trung dung

      Muốn giá xăng dầu biến đổi theo giá thị trường thì việc mở đại lý kinh doanh xăng dầu phải dễ dàng, đằng này nhà nước quy định 1 khu vực chỉ được mở 1 số đại lý xăng dầu nhất định khiến giá xăng dầu khó cạnh tranh được. Không hiểu quy định của nhà nước như vậy có tác dụng gì?

      1. Thanh Sơn

        Rất ngạc nhiên khi nghe bạn nói có quy định 1 khu vực chỉ được mở 1 số đại lý xăng dầu nhất định. Bạn có thể cho biết rõ hơn quy định này là của ai, trong văn bản nào không?
        Xin cám ơn!

  3. Nông dân cà phê

    Tình trạng đại lý xăng dầu đóng cửa gây khó khăn rất nhiều cho người dân. Tại Lâm Hà nhiều đại lý xăng dầu đóng cửa hoặc mở cửa chỉ 1 vài tiếng đồng hồ dẫn tới người dân xếp hàng mua xăng dầu y như thời bao cấp. Thiết nghĩ cơ quan quản lý thị trường đi đâu mà không đến xử lý những cây xăng đóng cửa này, phải phạt thật nặng nghiêm trọng hơn là cho đóng cửa vĩnh viễn luôn. Nhà nước ta để lộ thông tin mấy ngày nữa là tăng giá xăng dầu nên xảy ra tình trạng đầu cơ như vầy, bây giờ nhà nước không cho tăng giá vài tháng nữa xem các công ty, đại lý xăng dầu đóng cửa được bao lâu.

  4. Nông dân cà phê

    Điều 15 Nghị định 55/2007 quy định địa điểm mở đại lý KD xăng dầu, ví dụ cách nhà bạn 100m có 1 đại lý xăng dầu, bạn muốn mở mới tiếp 1 ĐL nữa thì không bao giờ ai cấp phép cho bạn. Với điều kiện hiện nay tại xã Tân Văn-lâm Hà, UBND tỉnh chỉ cho phép 2 ĐL xăng dầu thôi, khó khăn lắm mới có DL thứ 3 mọc lên (dĩ nhiên ĐL phải chi hơi nhiều money đấy), mà muốn mọc thêm DL thứ 4 thì chắc không bao giờ, trong khi đó người dân muốn mọc thêm nhiều ĐL nữa thì mới có khả năng làm được việc như bác Nông Dân Cà nói.

  5. Nguyễn Văn Dũng

    Thăng trầm của người làm cafe xin đúc kết mấy câu sau:
    “Cà phê hạt nổi hạt chìm
    Hạt nổi thì đắng, hạt chìm thì cay”

  6. mimosa

    Bây giờ chỉ cần nhà nước điều chỉnh cho giá xăng dầu xuống là họ phải bán thôi,vì giá xăng dầu nhà nước đang bao cấp mà.

  7. N K

    Ơ địa bàn Di Linh của tôi cũng cảnh xếp hàng mua dầu như các nơi nhưng khổ một nổi ở đây chúng tôi không có hồ đập mà chỉ có giếng khoan . Nhưng điện lực lại cắt điện không cho bà con tưới. Hiện nay cafe không trổ nổi bị tím bông, vì vừa rồi ở địa phương tôi mưa rất ít làm cho bà con ăn ngủ không yên, lâm vào cảnh 3 lo, lo không mua được dầu, lo không có điện, lo cafe bị hư bông . Nên làm dân đen thật khổ phải không các bạn.

  8. vanquy

    Tôi là một trong những người kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin có vài ý kiến như sau :
    Do chính sách điều hành của nhà nước cho nên tạo ra cơn sốt ảo. Hiện nay không biết các công ty đầu mối lỗ đến đâu nhưng hoa hồng của các đại lý bán lẻ bị bóp chặt đến nghẹt thở (chỉ còn 40đ/ lít) đã vậy hàng cấp lại nhỏ giọt mặc dù chúng tôi đã chuyển tiền trước. Hoa hồng 40đ/lít không đủ tiền điện nói chi đến tiền công, tìền hao hụt, tiền vay ngân hàng, phí chuyển tiền. Các công ty đầu mối là các công ty vốn của nhà nước, lỗ có nhà nước lo chứ các đại lý bán lẻ lỗ có ai bù cho xu nào đâu? Vì vậy các đại lý bán lẻ không mặn mà với việc bán hàng. Theo tôi nếu nhà nước lấy mục tiêu chống lạm phát làm đầu thì nên giảm hết thuế nhập khẩu, bỏ phí xăng dầu, mở hầu bao bù lỗ cho các CTy đầu mối, các công ty đầu mối nới lỏng hoa hồng cho các đại lý chỉ cần cỡ 400 đến 500đ/lít là đâu lại vào đấy.

  9. chuotdong

    Tui ở Gia Lai k có giếng khoan cũng không có điện. Có hồ IA GLAI nhưng khổ nỗi cách hồ 2 cây số. Đợt 1 và 2 tưới chuyền 2 máy, trung bình mỗi tiếng hết 4,5 lít dầu, công tưới 400 000đ/ ngày đêm cho 1 vòi nữa. Chỉ 7 ha mà từ tết đến hết mùa khô luôn có 7 thanh niên lực lượng làm việc mới kịp thời vụ. Hết tưới chuyển cắt cành, hết cắt cành lại hái tiêu… làm dân đen có bao giờ được mang bộ quần áo đẹp đâu mà không khổ. Đúng là khổ cả nhà. May mà năm nay được giá cà phê và tiêu nên cũng xua đi một phần vất vả, nhọc nhằn.
    Anh Vịnh ơi, em muốn làm thủ tục kéo điện 3 pha vào rẫy, nhờ anh chỉ giúp bắt đầu đi từ đâu để sớm có điện tưới tiêu và sinh hoạt anh ạ. Qủa đồi nơi em là 50 ha nhưng phần nửa gần nhà máy mủ đã kéo điện của nhà máy thuộc huyện Chư sê. Số còn lại vì quá xa (hơn 2 km) nên có ý định xin kéo điện của huyện Chư Brông gần hơn (khoảng 1,3 km).
    Em cảm ơn nhé.

    1. Nguyễn Vịnh

      Quá đơn giản. Chuotdong đến trực tiếp với Chi nhánh Điện huyện Chư Brông (hoặc Chư Sê tùy chọn hay thuận tiện) sẽ có nhân viên hướng dẫn làm thủ tục xin lắp đặt. Họ phải đi khảo sát để xác định vị trí lắp đặt công-tơ trước đã, rồi từ đó mình sẽ thiết kế đường dây dẫn vào rẫy, trụ cột sau. Nên hợp đồng họ làm luôn phần sau công-tơ vào rẫy nếu nhà mình không ai rành.

  10. Bi_Nguyen

    Các bác ơi! Các bác nào biết cho tôi hỏi cái. Hiện tại thì ở chỗ tôi hạn kinh quá, ao hồ, suối mương gì tất tần tật đều khô nứt nẻ hết rồi. Mà tôi lại ở Bắc Tây nguyên nên thiếu hiểu biết trong vấn đề này quá. Các bác nào đã từng khoan giếng để lấy nước tưới cho cây cà phê chưa? Khoan thế chi phí như thế nào, mà nguồn nước khoan có đảm bảo lâu dài không hả các bác???

  11. Nông dân cà phê

    hôm nay ĐL xăng dầu Tân Văn-Lâm Hà-Lâm Đồng phát giá 19.697đ/lít xăng rồi nha, như vậy họ bán cao hơn giá nhà nước gần 400 đ/l + thêm hoa hồng nữa, bạn vanquy thấy lời rồi nha. Các bác đọc báo Tuổi Trẻ ngày 21/02/11 có đăng 1 ĐL xăng dầu tại Tân Văn Lâm Hà đóng cửa chờ giá lên, không bíêt ĐL này có bị thanh tra cho đóng cửa vĩnh viễn không nữa???

  12. lu1234

    Nông dân ta mà chịu khó học để biết thì nghĩ vẫn tủi thân các ông “lớn” : Điện, Viễn thông, Dầu khí, Than, May mặc, Vinasil… vân và vân … làm ăn thua lỗ Nhà nước lo, lãi thì được chia nhau nhiều khi được ăn tết những ba bốn trăm triệu, nhiều khi các người còn khoe trên báo chí nữa chứ nào thưởng này nọ. So với anh em mình làm ruộng thì không biết phải làm mấy ha mới thu được bằng tiền thưởng của các ông. Cho nên ta nên đề nghị Nhà nước phải xem xét lại cách ăn chia, quản lý tiền của, hàng hóa như hiện nay. Không phải như ông dầu muốn bán thì bán muốn nghỉ thì nghỉ tội cho người tiêu dùng quá trời luôn à, rất loạn chứ không phải bình yên nguy thay… nguy thay… nông dân ta hãy lên tiếng cho thấu trời.

Tin đã đăng