Xuất khẩu nông sản đầu năm: Tăng cả lượng lẫn giá

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Nông sản xuất khẩu đầu năm 2011 đã có nhiều khởi sắc cả về số lượng, mặt hàng và giá bán.

Trong tháng 1/2011, kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước đạt 1,6 tỷ USD tăng 13,35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cà phê đạt 100.000 tấn, trị giá 175 triệu USD tăng 13,2% về giá so với cùng kỳ. Bộ NN&PTNT dự báo: Năm nay kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ đạt 2 tỷ USD (năm 2010 là 1,763 tỷ USD).

Giá xuất khẩu cao su đã vượt 100 triệu đồng/tấn (gần gấp đôi so với giá cùng kỳ). Tháng 1/2011, cả nước xuất khẩu 70.000 tấn cao su, thu 250 triệu USD, tăng 28,8% về lượng và 82,8% về giá so với cùng kỳ. Do sức mua trên thị trường thế giới tăng cao, khả năng kim ngạch xuất khẩu cao su có thể thu về 3 tỷ USD (năm 2010 chỉ đạt 2,3 tỷ USD).

Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 200 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ. Điều đáng mừng đối với nhà nông là: Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã nâng giá thu mua gạo loại 5% tấm là 520 USD/tấn và loại gạo 25% tấm lên 490 USD. Các doanh nghiệp thu mua gạo không được phép thu mua thấp hơn giá sàn quy định.

Cùng với gạo, cao su, cà phê được giá xuất khẩu thì hạt tiêu, hạt điều và thủy sản đông lạnh cũng đang được giá trên thị trường nước ngoài. Tháng 1/2011, cả nước xuất khẩu 7000 tấn hạt tiêu, thu 33 triệu USD. Tuy giảm 7% về số lượng, nhưng tăng hơn 40% về giá so với cùng kỳ. Theo dự báo, mặt hàng này hiếm dần trong thị trường nội địa cho nên giá xuất khẩu đang có cơ hội nhích lên.

Tháng 1/2011, xuất khẩu 15.000 tấn hạt điều, thu 98 triệu USD, tăng 14,3% về lượng và 38,3% về giá so với cùng kỳ.

Cá tra nguyên liệu là 1 trong 9 mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam. Cuối năm 2010 đã không xuất khẩu được cá tra do những quy chế thiếu thực tế của Tổ chức Thủy sản Quốc tế, nhưng sau đó, cá tra Việt Nam đã được minh oan. Hiện cá tra nguyên liệu đã được xuất khẩu với giá cao chưa từng có từ nhiều năm nay (24.000 đồng/kg và rất có thể tiếp tục tăng trong những tháng tiếp theo).

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay sẽ thu về khoảng 5,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2010 .

Do hiện tượng biến đổi khí hậu, nhiều mặt hàng nông sản của các nước đã không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa. Đó là lý do để các mặt hàng nông sản của Việt Nam có cơ hội tiêu thụ ở nước ngoài.

Để xuất khẩu ngày càng tăng về số lượng, giá cả ngày càng được nâng lên, các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam cần bảo đảm ngặt nghèo hơn các quy trình sản xuất và chế biến. Luôn luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để đủ tự tin vượt qua rào cản của các nước (kể cả những nước khó tính như Mỹ).

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết: Để tạo được nguồn hàng nông, thủy sản xuất khẩu ổn định và phát triển trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát và lập quy hoạch mới các vùng nuôi trồng nguyên liệu, áp dụng tiêu chuẩn VietGap đối với các cơ sở sản xuất với khối lượng xuất khẩu lớn.

Bộ cũng sẽ thực hiện chương trình giúp các doanh nghiệp củng cố và mở rộng các thị trường truyền thống, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, khai thác các thị trường mới ở châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ.

Đây là chiến lược lâu dài nhưng cũng cần tính toán sớm để có những bước đi thích hợp, nhằm tiêu thụ hết số nông thủy sản ngày càng tăng do chiến lược đầu tư phát triển nông thủy sản trong nước.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Ngao văn Ngán

    Trời đất ơi ! Hiệp hội lúa gạo mà lại đi giảm giá xuất khẩu lúa gạo. Đúng thật là quá bất ngờ luôn. Đây đâu phải là Hiệp hội Lúa Gạo nữa mà là Hiệp Hội Của Những Nhà Kinh Doanh Lúa Gạo! Còn nông dân sản xuất ra lúa gạo : A lê! ra đường.

  2. nhongnhong

    Cảm ơn bạn Nông dân nghèo đã chỉ đường để thấy được mấy cha nội hay nói ẩu. Vậy là mới hôm 11/2/2011 VFA đã điều chỉnh hạ giá sàn mua gạo của bà con đói nghèo chúng ta. Có khác gì kiểu trừ lùi trong xuất khẩu cà phê. Nông dân ta tiếp tục nghèo.

  3. Ngán văn Ngao

    Đọc để mà cùng bà con suy ngẫm. Có phải sự tồn tại của hiệp hội là công cụ để nông dân càng bị bóc lột, o ép một cách thậm tệ, ngang nhiên và tinh vi hơn nữa phải không bà con. Hết VINACAS đến VICOFA rồi giờ là VFA. Bà con nông dân chịu sao xiết hả trời! lúa ơi là gạo, tiêu ơi là điều, cà phê ơi là cà pháo.
    Không biết hội nông dân nghĩ sao?

Tin đã đăng