Đầu tuần, do những lo lắng về nguồn cung nên hoạt động giao dịch trên cả 2 thị trường khá sôi động. Tại thị trường New York giá cà phê tiếp tục gia tăng khi nguồn cung loại chất lượng cao “dịu sạch” đến từ Colombia đã cực kỳ khan hiếm.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/11 đạt mức 249,75 cent/lb trong khi robusta ở thị trường London cũng tăng nhẹ lên mức 2.215 USD/tấn cho cùng kỳ hạn.
Trước đó, vào ngày 12/1, Tổ Chức Cà phê Quốc tế (ICO) đã điều chỉnh dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 10/11 lên mức 18 triệu bao, so với 17,5 triệu bao đưa ra hồi đầu tháng 12 năm ngoái (dự báo tăng lần 2).
Hãng tin Reuters bình luận, dự báo tăng nhẹ sản lượng cà phê của Việt Nam từ ICO, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, sẽ không gây nhiều ảnh hưởng đến xu hướng tăng giá cà phê robusta toàn cầu đang được củng cố bởi giá cà phê arabica trong những tháng qua.
Giữa tuần, phiên giao dịch ngày 09/02 trên cả 2 Sàn, giá cà phê lại tăng trưởng cực kỳ ngoạn mục, bất chấp dự báo tăng sản lượng cà phê trước đó của ICO và động thái tăng lãi suất cơ bản đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc gây lo lắng cho thị trường hàng hóa tiêu dùng kể cả cà phê.
Ngày 08/02, ICO nhận định sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 10/11 sẽ đạt 134,8 triệu bao, tăng 9,5% so với niên vụ trước.
Cùng ngày, Trung Quốc tăng lãi suất cơ bản lần thứ 2 chỉ trong vòng hơn 6 tuần, thể hiện quyết tâm chống lại tỉ lệ lạm phát của chính phủ. Tuy động thái này có gây lo lắng nhưng mức tiêu thụ của quốc gia đông dân nhất hành tinh này gia tăng liên tục trong những năm gần đây hỗ trợ cho giá cà phê không ngừng tăng trưởng.
Cà phê arabica đạt mức 257,85 cent/lb cho kỳ hạn tháng 5/11, mức cao mới của 13 năm rưỡi và cũng là mức cao nhất kể từ đầu năm 2011. Cà phê robusta ở cùng kỳ hạn tăng mạnh lên mức 2.254 USD/tấn. Giá cà phê trong nước cũng thiết lập mức cao mới 40.400-40.500 đồng/kg.
Ngày 10/02, lần thứ 2 trong năm 2011, ICO điều chỉnh dự báo sản lượng niên vụ 10/11 cà phê của Việt Nam tăng thêm 1,3% so với dự báo trước đó lên 18,43 triệu bao (dự báo tăng lần 3).
ICO cũng điều chỉnh dự báo sản lượng của Indonesia xuống còn 9,5 triệu bao, thấp hơn so với dự báo 10,75 triệu bao trước đó. Được biết niên vụ trước Indonesia thu hoạch 11,4 triệu bao cà phê.
Các nhà phân tích cho rằng thị trường cà phê thế giới nay đã gia tăng quá căng thẳng nên cần có một giai đoạn giảm nhiệt nhất định trước khi tiếp tục phát triển phù hợp theo quy luật cung cầu.
Cuối tuần, giá cà phê arabica giao ngay tại New York giảm xuống mức 251,95 cent/lb ; giá cà phê robusta ở London cũng giảm nhẹ xuống mức 2.216 USD/tấn cho cùng kỳ hạn.
Giá cà phê robusta xuất khẩu FOB(HCM), loại 5% đen vỡ, đứng ở mức 2.050-2.065 USD/tấn, với mức trừ lùi không đổi là 160 USD/tấn.
Giá cà phê robusta nhân xô ở khu vực Tây Nguyên vẫn giữ mức 40.800-41.000 đồng/kg đạt được ngày hôm qua, thứ 6, 11/02.
Tuy giá ở mức cao nhưng thị trường trong nước giao dịch không nhiều sôi động vì cà phê chỉ còn trong những nông hộ có diện tích khá hay trong các nhà đầu cơ nhỏ lẻ. Còn nhà nông gần như đã bán hết để đầu tư cho mùa vụ mới.
Anh Văn (giacaphe.com)
Tỷ giá đã thay đổi từ sáng thứ sáu nhưng đến sáng nay, 2 ngày rồi mà các đại lý vẫn chưa có điều chỉnh giá cà phê là sao?
Nếu chỉnh thêm 9,3% thì giá mới sẽ là = 41.000 + 9,3% = 44.813 đ/kg.
Nông dân tính vậy, đúng không bà con?
(2216 – 160 ) x 20.920 = 43.010 d
Cán ơn cuba, mình nghĩ sao mà cao vậy !
Còn chưa tính chi phí thu mua, vận chuyển, chế biến nữa chứ nhỉ ?
indo trừ lùi 20 , mình cứa 160, mọi chi phí gần như nhau, xa như nhau, chắc nhà mình lái tàu lạc đường chạy quanh trái đát 4 vòng mới tới London !
Mình cũng không hiểu rõ nữa , mấy ông cafe điều chỉnh làm sao , các nhà đầu tư trong nước hết tiền để các ông trùm nước ngoài làm mưa làm gió , chỉ có nhà nông là chịu thiệt.
Thôi kệ dù sao cũng được một năm giá cà tốt như vậy , hay chăm lo gia đình và cùng đi du lịch các bạn nhé . nhớ phone mình với…
Xem bài viết của bạn Anh Văn thì xu thế tăng giá vẫn còn kéo dài, nhưng nông dân hết tiền xài, cần phải mua xăng dầu dây ống để tưới, rồi còn mua phân bón, đầu tư nhiều khoản nữa cho vụ mùa mới mà lấy đâu ra. May còn một ít cà phê, đầu mùa chưa phải chạy đi vay mượn sớm là mừng lắm rồi, phải bán thôi bà con ơi. Cái khó nó bó cái khôn là vậy đó.
Vừa rồi, đọc lại mấy bản tin đầu tháng 12/10 nghe các quan chức và thương nhân tầm cỡ khẳng định cuối tháng 12/10, chậm lắm là qua đầu tháng 1/11 giá cà phê sẽ từ 35.000 đ/kg quay về ở mức 30.000 đ/kg vì vào vụ thu hoạch, nông dân sẽ bán rộ.
Ngẫm nghĩ mới thấy thương cho nông dân. Nghe dự báo vậy nên sợ quá, ra đại lý chốt vội chốt vàng 35, về nhà còn cười chê những bà con ai không chốt kịp nữa chứ ! Đây là giai đoạn các công ty nước ngoài thông qua thương lái và đại lý tung tiền ra để ứng trước cho dân, có bao nhiêu cũng chốt. Có thương lái gần chỗ tôi đi chốt mỗi ngày 50-60 tấn nên số huê hồng cũng thu về đủ để kích thích đi suốt ngày không nghỉ. Còn các vị thì cứ ngồi rung đùi đợi mãi mà không thấy cà xuống 30.
Đúng là cóc mò cò xơi. Các vị tuyên bố cà xuống 30 để cho ai được hưởng lợi và ai chịu thiệt đây !
Chắc tại mấy ông không biết cúng tổ cà phê ngày nào nên nói đâu trật đó !
Cái lầy ở chỗ lị gọi nà tổ chát ấy pà con zà.
Cafe lên thì ai cũng mừng. Nhưng chi phí đầu tư vào vụ mới giờ cao quá bà con ơi. Phân mới có 1 tuần mà lên mấy chục ngàn một bao rồi. Kiểu này nhà ai không còn cafe phải đi vay quá
Chán mấy nhà DN Việt Nam quá, ước gì mình có 1triệu USD mở 1 con đường cho caphe việt nam. Hic, ước mơ vẫn mãi là mơ ươc. hic
1 triệu USD mà làm cái gì, phải 1 tỷ USD mới bàn việc được !
Hi vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ có 1 tỉ USD nhé. ha ha ha Chúc bạn vui.
Để BQT biết được tình hình sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con từng vùng có khác nhau và bà con học tập kinh nghiệm lẫn nhau, đề nghị trong những ý kiến phản hồi bà con cho biết thêm địa phương, vùng mình đang trồng trọt và sinh sống cụ thể hơn. Xin cám ơn.
Ví dụ như bạn ở vùng nào mà đại lý mua giá thấp, vì sao bà con ùn ùn đi bán vậy, để biết được biến động của thị trường. Mong bà con lưu tâm.