Xử lý nghiêm đối với các trường hợp mua, bán cà phê xanh, cà phê non

Để bảo đảm việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2010-2011 đạt hiệu quả cao, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có Chỉ thị số 06/CT-UBND về sản xuất và tiêu thụ cà phê niên vụ 2010-2011.

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức cá nhân sản xuất và kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung sau:

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn lập kế hoạch và tăng cường công tác bảo vệ nghiêm ngặt diện tích cà phê chuẩn bị cho thu hoạch; tuyệt đối không thu hái cà phê xanh vì sẽ làm mất sản lượng và giảm chất lượng sản phẩm sau thu hoạch; bảo đảm tỷ lệ cà phê chín khi thu hái đạt trên 95%; đồng thời, cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp, mua bán cà phê xanh, cà phê non.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực tuyên truyền vận động nông dân không mở rộng diện tích cà phê; tăng cường các biện pháp thâm canh, cải tạo diện tích cà phê hiện có theo hướng sản xuất cà phê bền vững; chú trọng công tác thu hái, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch theo đúng quy trình; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm khuyến khích nông dân thành lập các câu lạc bộ, nhóm hộ sản xuất cà phê, hợp tác xã sản suất cà phê nhằm áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và hạn chế rủi ro trong khâu tiêu thụ.

Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê đầu tư đổi mới công nghệ chế biến nhằm bảo đảm chất lượng cà phê sau thu hoạch; hướng dẫn nông dân thực hiện các thủ tục về pháp lý trong việc bảo quản và tiêu thụ cà phê, hạn chế thiệt hại cho nông dân khi thị trường thế giới có biến động thất thường. Tăng cường các hoạt động nhằm phát huy vai trò, nhiệm vụ của Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, đặc biệt là triển khai thực hiện thị trường kỳ hạn cà phê tại Trung tâm.

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột thực hiện quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột; tổ chức xây dựng và khai thác thương hiệu nhằm tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê áp dụng tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 cho cà phê nhân xuất khẩu.

Công an tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan xử lý nghiêm các trường hợp trộm cắp cà phê và các đối tượng tự tổ chức sàn giao dịch trung gian trái phép gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp.

Cùng chủ đề:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Trinh quang sang

    Tôi mong cho cà phê ở mức giá này để cuộc sống của người dân Đak Lak được nâng cao hơn… Chúc bà con vụ mùa bội thu,xin cảm ơn.

  2. Nông dân

    Nông dân tui nghe nói xử lý nghiêm chuyện mua bán cà phê xanh cà phê xanh mà trong lòng nửa mừng nửa lo: mừng là chất lượng cà phê của ta đã được các bác ở tỉnh quan tâm, nhưng lo là “cà tặc” lại lộng hành.
    Qua đây xin các bác cho thành lập đội đặc nhiệm tuần tra cho đối với các vườn cà phê đang chờ thu hoạch để nông dân tui đỗ khổ vì giá, vì “cà tặc”.

    1. Trần Viết Hải

      Việc đưa ra quyết định như vậy là rất hợp lý, là cơ sở bước đầu để nâng cao chất lượng cho cà phê Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề thực hiện lại là một vấn đề khá phức tạp vì diện tích cà phê ở Việt Nam chưa có một quy hoạch tổng thể. Hiện nay, chỉ có diện tích cà phê của các nông trường, công ty, tập thể là có quy mô tập trung nên công tác bảo vệ chống “cà tặc” hoặc hạn chế hái cà non cà xanh có thể triển khai hiệu quả… Nhưng bên cạnh đó diện tích cà phê của nông dân cũng khá lớn, lại trải rộng gây khó khăn trong việc bảo vệ chống “cà tặc” nên đòi hỏi phải có sự liên kết giữa các nông hộ trong cùng một khu vực để công tác bảo vệ có hiệu quả. Một điều khá nan giải đó là hiện nay chi phí nhân công cho việc thu hái khá cao nên việc thu hái nhiều đợt gây tốn kém cho người nông dân, mà cà phê lại là nguồn thu chủ yếu của họ nên việc bán cà non để có kinh phí trang trải là điều tất yếu. Thêm vào đó khi hậu biến đổi gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hoạch và chế biến của bà con, chăng hạn như đợt bão năm 2009 vùa rồi làm cho lượng cà phê xanh cà non rụng khá nhiều.
      Tóm lại theo tôi để triển khai có hiệu quả công tác trên cần có sự thống nhất hợp tác của các ban ngành cũng như của nông dân, các cơ quan đoàn thể, hội nông dân, doanh nghiệp thu mua cà phê ….
      – liên kết giữa nông dân trong cùng khu vực để bảo vệ chống “cà tặc”.
      – doanh nghiệp, đại lý thu mua không mua cà phê non, cà phê xanh.
      – ngân hàng cho nông dân vay vốn sản xuất.
      – hình thành các chi hội nông dân sản xuất cà phê đóng vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy nông dân tham gia thu hoạch cà phê đạt tiêu chuẩn, tiến tới có thể áp đụng một số tiêu chuẩn sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C, UTZ.
      – chính phủ, các địa phương phải có quy hoạch tổng thể về diện tích cà phê. Có các chính sách nhằm nâng cao chất lượng cà phê, xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam….

  3. Phạm Hùng Sơn

    Đak Lak lên tiếng rồi, còn Kontum, Gia Lai, Lâm Đồng thì sao đây? Tôi đồng ý với bác Nông dân, hãy cho lập các đội đặc nhiệm tuần tra trên diên rộng để giúp bà con nông dân chống lại “cà tặc”. Vì phần lớn bọn trộm đều bán cà tươi nên cần bắt buộc các đại lý mua cà phê tươi hãy treo bảng “Không mua cà phê xanh, cà phê non” và xử lí nghiêm đại lí nào không tuân thủ. Chúng tôi cũng kêu gọi các đại lí cà phê hãy vì nông dân và xét cho cùng cũng là vì lợi ích lâu dài của mình mà cùng góp sức với chính quyền trong vụ này. Trước mắt, các thôn xóm hãy cùng nhau đồng lòng làm tốt việc phòng chống nạn trộm cắp và trật tự trị an ngay tại địa bàn của mình, ở thôn tôi nhờ làm tốt việc này mà lâu nay không bọn trộm nào dám bén mảng tới.

    1. Le Ngoc Dung

      Chỗ bạn làm tốt việc này là nhờ rẫy ở gần dân. Còn chỗ tôi thì quá xa dân, hàng ngày đi làm phải cơm đùm cơm nắm, sáng đi tối về nên không làm như bạn được.

  4. Lê Trung Ngôn

    Để chấm dứt hiện tượng hái xanh hái non, tôi xin gợi ý đề nghị :
    – Cấp Tỉnh cần làm việc cụ thể với các cấp huyện, cụ thể là giữa Chủ tịch Tỉnh và các Chủ tịch Huyện có cà phê ký bản thỏa ước trách nhiệm, nếu dưới cơ sở còn hiện tượng đó xãy ra thì chịu sự chế tài gì? Huyện nào làm tốt thì khen thưởng thế nào?…
    -VICOFA cần tham mưu với Bộ NN&PTNT ký kết Thông tư liên tịch với các Bộ, Ngành liên quan như Quân đội, Công An, Tài chính, Nội vụ…mời tất cả vào cuộc làm mạnh tay xem bọn trộm cắp cà phê và hiện tượng hái xanh hái non có còn ko?
    Tuy nhiên cũng xin trình bày tâm tư của bà con trồng cà phê là :
    -Phải triệt tiêu nạn trộm cắp cà phê mạnh tay hơn nữa. Trị loạn phải nghiêm!
    -Có biện pháp hỗ trợ bà con vào lúc giáp hạt như vay mượn NH hay bán giao sau.Lúc này nhà nông rất cần tiền để thuê mướn nhân công.
    Là nông dân nên chỉ biết nghĩ thế thôi, mong các cấp coi như lời tham khảo. Xin cám ơn.

    1. Đam bri

      Ý tưởng của bác là rất hay. Nhưng Vicofa bận trăm công nghìn việc rồi bác à.
      Bác nào rảnh thì làm giúp luôn rồi thu hoạch sau cũng được.

  5. dien

    Phải có chế tài xử lí cụ thể khi thu hái mua bán cà phê xanh (như người tham gia giao thông khi vi phạm) . Không cụ thể tôi nghĩ nó cũng vẫn chỉ là giấy tờ thôi.

      1. Lê Trung Ngôn

        Bạn nói vậy chưa hợp lí.
        Chỉ thị là đường lối, là quan điểm chỉ đạo. Còn làm thế nào, cụ thể ra sao là các ban ngành chuyên môn căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình và qui định của các văn bản luật và dưới luật có liên quan mà làm.
        Chỉ thị không kể cụ thể và cũng không chi tiết hết được. Đây cũng là qui định của thủ tục hành chính đấy bạn ạ.

      2. Dzoan Trang

        Tôi xin bổ sung : Chỉ thị còn mang tính chất của “nhiệm vụ trước mắt” nữa các bác ạ.

  6. Hoang tuyen

    Xem ra chỉ thị của UBND tỉnh Đak Lak là một trong những việc cần làm ngay cho những tỉnh bạn học tập. Dù sao có cũng hơn không. Song thiết nghĩ để thực hiện được là không dễ tí nào bởi nạn trộm ghê gớm quá, lực lượng không đủ người và thời gian để ngăn chặn bọn chúng. Ăn trộm bây giờ nó trắng trợn lắm, tóm lại cũng do pháp luật mình không nghiêm. Hình phạt chủ yếu là răn đe giáo dục thì người nông dân vẫn phải hái cà xanh, ai cũng biết tác hại của vẫn đề “biết rồi nói mãi” này nhưng không còn cách nào khác. Theo tôi ta nên học hỏi nước ngoài ấy, tại sao họ làm được để nông dân nhà nước họ thu về ngoại tệ nhiều hơn trên cùng đơn vị diện tích, chứ chúng ta thì văn bản này chỉ thị kia nhiều vô kể nhưng có hiệu lực đâu. Hay là lại đánh trống bỏ dùi.

  7. Nông dân

    Theo tui thì để hạn chế nạn buôn bán cà non, xanh thì các cấp chính quyền buộc các đại lý thu mua, các doanh nghiệp phải đăng ký cam kết và được cấp bảng: “Tại đây không mua bán cà xanh, cà non” , nếu doanh nghiệp nào ko gắn bảng này lên thì xử phạt nặng. Những nơi nào không chấp hành mà vẫn thu mua thì truy cho tội chống đối người thi hành công vụ, chống đối chính quyền và căn cứ vào đó để xử theo luật hình sự. Làm được như vậy thì cà phê Việt ta sẽ đảm bảo được chất lượng.

  8. Nguyễn Vịnh

    Thưa bà con và các cấp chính quyền, ban ngành chức năng.
    Trong bài viết “Tác hại của việc thu hái cà phê quả xanh”, tôi có viết : “Để bà con thay đổi thói quen hái quả xanh sang hái quả chín, trách nhiệm trước tiên là ở các doanh nghiệp thu mua và các lò sấy chế biến cà phê quả tươi. Chỉ nên thu mua cà phê quả chín, quả tươi có nguồn gốc rõ ràng cụ thể. Kiên quyết không thu mua cà phê quả xanh, còn lẫn quả xanh non hay chế biến cà phê quả tươi không rõ nguồn gốc. Phải nhận thức rằng thu mua, chế biến quả xanh, quả tươi không rõ nguồn gốc là tiếp tay cho kẻ gian, là hành vi dễ dàng vi phạm pháp luật.” Xem : https://giacaphe.com/8456/tac-hai-cua-viec-thu-hai-ca-phe-qua-xanh/
    Sau đó bà con đã có nhiều ý kiến phản ánh, tập trung vào 2 vấn đề chính :
    1.Hái quả xanh quả non là vì nạn trộm cắp tràn lan, bà con không bảo vệ được.
    Nói đến tệ nạn trộm cắp cà phê.
    2.Phải ngăn chận những người tiêu thụ của gian do bọn trộm cắp mà có.
    Nói đến các lò sấy, các DN thu mua cà phê quả tươi của bọn trộm cắp hay không rõ xuất xứ, nguồn gốc.
    Đây cũng là 2 vấn đề cốt lõi trong việc ngăn chận hiện tượng hái quả xanh, quả non. Mong các cấp chính quyền và các ban ngành liên quan cần quan tâm nhiều hơn để thực hiện tốt chỉ thị của UBND Tỉnh, góp phần giúp đỡ bà con bảo vệ trong mùa thu hoạch và xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.
    Xin cám ơn.

  9. DVN

    Không hiểu UBND tỉnh DL dựa vào đạo luật nào để xử lý việc trên .
    -Nước ta chưa có luật nông nghiệp ,chưa có luật nông dân và chưa có luật nông sản .
    -Tôi trồng cà phê tôi thích hái xanh ,hái chín là quyền của tôi ,ai mua rẻ mua đắt là quyền của họ ,không mua tôi đổ đi (ai cấm) .
    -Ruộng nhà tôi chuồng nhà tôi ,trồng cây gì ,nuôi con gì là quyền của tôi chứ .Không thích tôi chặt trồng cây khác ,không thích tôi thịt nuôi con khác .
    Ơ ,biểu tôi không được thu họach hay mua bán cà phê xanh ,cà phê non thử định nghĩa thế nào là cà phê xanh ,cà phê non .
    Một văn bản dưới luật rất à uôm !

    1. tèo anh

      Tèo thì không rành luật lắm nên nhờ bạn DVN và bà con giải thích giúp:
      -Nếu chưa có luật nông dân thì nông dân muốn trồng cây gì nuôi con gì trên đất vườn của mình đều được cả? Và mình muốn quyết định như thế nào về sản phẩm của mình làm ra là tự do của mình?
      -Thế nào là một văn bản dưới luật?
      -Khi chưa có luật thì tòa án căn cứ vào cái gì để xét xử?
      Còn theo tèo nghĩ UBND tỉnh không cần và không phải xử lý cái gì cả. Đó là việc của các ban ngành chuyên môn. Có phải thế không?
      Cám ơn bạn và bà con.

      1. Lê Nguyên

        Bác tèo anh không tính làm rẫy nữa mà hỏi kỹ vậy? mà bác hỏi dễ òm, em xin trả lời nè:
        -Dưới luật là lệ, chính xác chưa, “phép vua thua lệ làng” mà, phải không bác.
        -Câu này hơi khó đây. Tòa phải căn cứ vào Nghị định của CP, Thông tư của Bộ hay Liên Tịch, Chỉ thị của UBND… và Quy chế chuyên môn của các Ngành. Nhưng mà cái này em thấy phức tạp lắm vì các văn bản này thường hay bị chủ quan, trái với Hiến pháp. Em ví dụ bác nghe nhé.: Để giảm thiểu TNGT có khi chỉ cho bác đăng ký sở hữu 1 xe máy(!) trong khi đó bác có thể đăng ký sở hữu vài chục xe ôtô. Thấy vô lý chưa? mà có ai nói gì đâu, chấp hành cả (nhưng tìm cách đối phó như….). Nhiều lắm! Nên bây giờ CP phải tốn rất nhiều công sức để rà soát bãi bỏ… mà gọi chung là cải cách hành chính đó bác.
        -Trả lời thêm: cà phê xanh là cà phê có màu xanh, cà phê non là cà phê chưa già. lại chính xác nữa. Quá dễ, y như mấy đứa trẻ con hay qua vườn nhà bác hái mấy trái ổi xanh, ổi non mà bác hay lấy roi ra nẹt đó. hè hè…
        Làm rẫy vui hơn bác tèo anh ạ, bác mà ko làm nữa, bà con buồn lắm.
        Em xin chào bác.

  10. Nông dân

    Nói như bác DVN thì thật là mất quan điểm quá, bởi đâu có thể nói là ruộng anh anh muốn làm gì thì làm chứ. Nếu bác nói như vậy thì chả lẽ tiền trong túi tui, tui có thể lấy ra đốt hay là xé bỏ à, như thế thì thâm hụt tiền tệ quốc gia rồi. Dẫu biết rằng cái gì của ta ta có thể tự do làm gì thì làm, cái tự do ấy phải theo định hướng chung đó là định hướng chung chứ. Một xã hội tự do nhưng mặc ai muốn làm gì thì làm theo ý thích của mình thì xã hội ấy có nước mà loạn à.
    Không phải tui cố ý phê bình bác DVN đâu, nhưng đây là quan điểm và suy nghĩ của tui cùng chia sẽ với diễn đàn thôi. Có thể tui và bác không đồng quan điểm nhau, nhưng mỗi người có lý lẽ riêng nên tui mạo muộn có đôi lời với diễn đàn, mong bác DVN thông cảm và đừng chấp Nông dân này.

    1. toanrcafe

      Bác hiểu nhầm rồi! bác đó có quan điểm đâu mà mất. Tui thấy bác đó hay lí sự, nói bừa nói ẩu với bà con ko hà.

      1. DVN

        Toanrcaphe thân ! .
        Tôi thấy bạn là người thích phản biện nhưng không thích suy ngẫm .Bạn nên đọc kỹ trước khi đưa ra ý kiến .

    2. DVN

      -Tôi không chấp bạn đâu , mặc dù tôi là người hay chấp vặt và hay lý sự . Nếu không tranh luận , không đưa ra các quan điểm khác nhau thì lên diễn đàn làm gì ?

      1. toanrcafe

        Tui chờ mấy câu nói này của bạn lâu lắm rồi. Đây mới chính thật là DVN mà tui trông đợi. hà.. hà.. !!!
        Cám ơn thời gian nhiều lắm.

  11. hoang thang

    Giải pháp ngăn cấm là không khả thi cái gì vì cấm mà chấm dứt được đâu?và khi mệnh lệnh quá thì có thể vi phạm đến quyền căn bản của con người.cái cần là nông dân họ có sẵn sàng để thu hái chín không mà thôi. Tại sao không đưa lợi nhuận từ việc hái chín trực tiếp đến nông dân?khi có lợi họ sẵn sàng làm ngay cứ để họ thu trái xanh và trái chín khi thi thu mua thì áp dụng công nghệ để đánh giá cafe nào chín thì thu mua cao trái xanh thì thu mua thấp.Khi đó ở những khu vực nào người dân họ bảo vệ được thì họ sẽ hái chín vì có những mô hình canh giữ cafe hiện nay đang rất hiệu quả.các bạn cứ đến một vài xã ở huyện dakmil thì thấy những mô hình canh giữ này.Cái chính là khi thu hái quả chín thì lợi nhuận có đến với người nông dân hay không?và phần thu ấy có xứng đáng với công sức họ bỏ ra hay không mà thôi.Cái gì có lợi thì nông dân họ làm hết không cần mệnh lệnh,chính sách ,chủ trương gì cả.Theo Tôi nếu nhà nước bỏ ra khoảng 500 ngànUSD thì vấn dè này giải quyết tận gốc chỉ trong vòng 3 năm mà thôi.vấn đề làm thế nào thì Tôi sẽ viết ở một bài khác vì nó rất dài

Tin đã đăng

Tin mới nhất

89