Buổi sáng trên đường phố Sài Gòn hẳn ai cũng dễ dàng nhìn thấy cảnh mọi người ngồi tụm năm, tụm ba uống cà phê ở đầu hẻm hay lề đường cạnh cổng các cơ quan, văn phòng công ty. Nhưng người Sài Gòn hay người dân thủ đô Hà Nội tiêu thụ bao nhiêu cà phê là một câu hỏi mà từ trước tới nay chưa có một điều tra hay nghiên cứu toàn diện.
Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn đã đi tìm lời giải nói trên trong chương trình nghiên cứu và dự báo ngành hàng cà phê mà viện này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức quốc tế hỗ trợ.
Hơn nửa đô la Mỹ cho cà phê
Thực ra thì vào năm 2002, Tổng cục Thống kê thông qua số liệu điều tra mức sống dân cư Việt nam, cho biết bình quân người dân Việt nam tiêu thụ 1,25 kg cà phê mỗi năm và số tiền người dân trong nước bỏ ra cho ly cà phê khoảng 9.000 đồng/người/năm, tức chỉ nhỉnh hơn 0,5 đô la Mỹ và chỉ có 19,2% người dân tiêu thụ cà phê vào ngày thường, còn ngày lễ tết thì tăng lên 23%.
Điều dễ dàng nhận thấy là người dân thành thị mua cà phê uống tới 2,4 kg/năm, nhiều gấp 2,72 lần so với người dân nông thôn và số tiền mà cư dân đô thị bỏ ra cho ly cà phê mỗi sáng tới 20.280 đồng/năm, cao gấp 3,5 lần so với nông thôn. Nếu chia các hộ ra thành 5 nhóm dựa vào thu nhập thì nhóm thứ 5 có thu nhập cao nhất uống cà phê nhiều gấp 18 lần so với nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp nhất.
Hầu hét các vùng miền ở Việt nam đều tiêu thụ cà phê nhưng mức độ chênh lệch rất lớn giữa các vùng. Trong khi Duyên hải Nam trung bộ và ĐBSCL là những khu vực tiêu thụ cà phê khối lượng lớn thì Tây Bắc, Đông bắc và Đồng bằng Sông Hồng tiêu thụ rất ít, thậm chí vùng Tây Bắc hầu như tiêu thụ không đáng kể với… 30 gam/người/năm.
Trong nghiên cứu của mình, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) cho rằng mức tiêu thụ cà phê của người dân trong nước là quá ít, nếu đem so sánh với người Bắc Âu uống 10 kg cà phê nhân (quy đổi ra cà phê nhân) mỗi năm, Tây Au 5-6 kg thì người Việt nam chỉ 1,25 kg cà phê bột và cà phê uống liền (cà phê hoà tan), quy ra chỉ 0,5 kg cà phê nhân.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt nam (Vicofa), tính từ năm 2000 trở lại đây, mỗi năm Việt nam xuất khẩu 600.000-800.000 tấn cà phê và cũng như nhiều ngành khác, trong một thời gian dài các doanh nghiệp trong nước chọn xuất khẩu cà phê ra thế giới hơn là quảng bá để tiêu thụ nội địa.
Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng tiêu thụ cà phê ở thị trường nội địa của Việt nam có thể đạt tới 70.000 tấn cà phê nhân, tức gần xấp xỉ 10% sản lượng mà nông dân thu hoạch được.
Tuy nhiên, với điều tra mức sống dân cư của Tổng Cục Thống kê đã nói ở trên vào năm 2002 thì tiêu thụ ở thị trường nội địa lên tới 95.000 tấn cà phê nhân. Con số này khác xa với đánh giá của Tổ chức cà phê quốc tế (ICO), rằng tiêu dùng cà phê nội địa của Việt nam chỉ đạt 5% sản lượng thu hoạch, được xem là thấp nhất trong các quốc gia xuất khẩu cà phê thành viên của ICO, bình quân các nước thành viên của ICO tiêu thụ nội địa tới 25,16% sản lượng thu hoạch.
Dân Sài Gòn uống cà phê nhiều bao nhiêu?
Cách nay 4 năm, Công ty Trung Nguyên cũng tiến hành điều tra về cà phê ở 4 thành phố lớn, trong đó có TPHCM nhưng phục vụ cho mục tiêu kinh doanh của công ty. Nay IPSARD nghiên cứu sâu về tiêu thụ cà phê ở 2 thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội với 700 hộ dân được lấy mẫu điều tra.
Điều đáng chú ý ở cả hai thành phố là người thường uống cà phê nằm trong độ tuổi U 40, như Hà Nội tuổi trung bình 36,3, còn TPHCM trẻ hơn chút đỉnh. Không chỉ vậy, phần lớn người uống cà phê ở Hà Nội có trình độ đại học hay chí ít cũng là tốt nghiệp cấp 3 nhưng TPHCM thì gần như uống cà phê ở mọi trình độ.
Thói quen uống cà phê cũng liên quan mật thiết tới nghề nghiệp, chẳng hạn ở Hà Nội thì tầng lớp người về hưu uống cà phê nhiều nhất, tới 19,8% còn sinh viên thì ít nhất chỉ có 8% người uống.
Thế nhưng ở TPHCM lại ngược lại, dân kinh doanh uống nhiều nhất với 26,3%, kế tới là sinh viên học sinh, người về hưu uống ít nhất.
Điều tra này cho biết mỗi người dân Hà Nội bỏ ra 48.000 đồng mỗi năm để mua lượng cà phê 0,752 kg, trong khi người dân TPHCM bỏ ra tới 121.000 đồng, cao gấp 3 lần so với Hà Nội để mua 1,65 kg cà phê.
TPHCM có 7 quận được chọn mẫu để điều tra gồm có quận 1, 3, 6, 11, Tân Phú, Gò Vấp và Bình Thạnh nhưng kết quả điều tra thu được khá bất ngờ khi tiêu thụ cà phê nhiều nhất không phải là các quận ở trung tâm thành phố mà là quận Tân Phú và torng hai năm qua, lượng cà phê tiêu thụ ở TPHCM tăng 21%, thấp hơn Hà Nội với 25%.
Số lần mua cà phê trong dân ở TPHCM cũng nhiều hơn so với Hà Nội. Có tới 12% người dân TPHCM mua cà phê uống vài lần trong tuần và 40% mua uống vài lần trong tháng, trong khi ở Hà Nội, chỉ có 0,6% số người mua cà phê uống vài lần trong tuần.
Điều này dễ dàng nhận thấy qua số lượng quán cà phê và tập quán uống cà phê … vỉa hè của người Sài Gòn, còn người Hà Nội ngồi vỉa hè là để uống nước chè (trà). Khách tới nhà thì người Hà Nội hay pha chè mời khách, nhưng ở TPHCM có khá nhiều gia đình thay nước chè (trà) bằng cách pha ly cà phê, và do vậy có tới 78% người dân Sài Gòn mua cà phê mang về nhà dùng cho việc tiếp khách. Chưa kể thói quen uống cà phê thì người Hà Nội uống theo mùa, lễ tết thì uống nhiều còn ở TPHCM, gần như uống quanh năm.
Khẩu vị uống cà phê cũng khác giữa hai đô thị. Người Sài Gòn uống cà phê bột pha phin nhiều nhất với 38%, kế tới là cà phê bột pha phin có thêm sữa với 27% và 20% uống cà phê hoà tan. Hà Nội thì tới 67% uống cà phê hoà tan.
Tỷ lệ người dân vào quán uống cà phê cũng khác nhau. Gần một nửa người Sài Gòn có vào quán uống cà phê, còn Hà Nội tỷ lệ này thấp hơn nhiều. Khi vào quán, người tiêu dùng Sài Gòn uống cà phê pha phin tới 61%, nhiều hơn hẳn so với Hà Nội.
Trong khi người dân Sài Gòn tiêu thụ cà phê nhiều hay ít không do thu nhập của họ ảnh hưởng, còn ở Hà Nội, thu nhập càng cao thì uống càng nhiều. Quán cà phê cũng khác nhau. Bình quân mỗi quán cà phê ở Hà Nội rộng 100 mét vuông, có 26 bàn và 9 nhân viên phục vụ còn ở TPHCM, quán rộng bình quân 175 mét vuông, 56 bàn với 23 nhân viên. Sản phẩm bán tại quán cà phê ở TPHCM cũng đa dạng, có tới 40 loại nước giải khát trong đó có cà phê, ở Hà Nội chỉ có 9.
Cà phê bán ở các quán ở hai thành phố được lấy chủ yếu từ Dak Lak và Lâm Đồng nhưng chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân cung cấp, có lẽ các doanh nghiệp nhà nước chỉ lo xuất khẩu chăng?.
Ơ Hà Nội, các quán có xu hướng chọn cà phê bột không hương vị, ngược với TPHCM. Khách vào quán cà phê ở Hà Nội vào buổi sáng thường gọi cà phê đen pha phin (đen nóng), buổi tối là “nâu” (tức cà phê đen có thêm sữa) nhưng ở TPHCM, phần lớn khách hàng vào quán uống cà phê đá (tức đen đá) bất kể buổi sáng hay buổi tối.
Các thương hiệu cà phê mà quán mua về để bán và người tiêu dùng mua về nhà để uống ở cả hai thành phố là Trung Nguyên, Highland, Vinacafe, Nescafe, Thu Ha, Mai, Phát Đạt.
wowwwwwwwwww
Những số liệu đáng kinh ngạc.
Phải làm gì đó để cải tổ suy nghĩ của dân ta, chuyển từ trà truyền thống sang cà phê hiện đại.
Dân ta phải uống nhiều thì cái thương hiệu “cà phê Việt” mới có ý nghĩa chứ.
Bài viết của cậu quá tuyệt vời. :cool:
Một so sánh rất có ý nghĩa ,
Việc sử dụng sản phẩm trà hay cà phê đều do xuất phát tự mỗi cá nhân , gia đình và xã hội . Có nghĩa là khi bạn cần là có vì vậy uống nhiều hay ít còn tùy thuộc mỗi chúng ta .