Thử lý giải về sự “lình xình” của giá cà phê mấy phiên gần đây?

Giá hai sàn kỳ hạn cà phê robusta và arabica lại đi nghịch chiều nhau khi đóng cửa. Trong phiên giao dịch hùng hùng hổ hổ, cuối phiên dịu dần do thanh lý vị thế mua bán hàng giấy trước đó.

Giá sàn cà phê robusta London đóng cửa tăng 8 USD/tấn chốt mức 1504 USD/tấn trong khung dao động 1521-1495.

Giá cà phê Arabica cuối cùng giảm 0.45 cts/lb để còn đúng 127 cts/lb giao dịch trong khung 130-126.20, lần thứ hai trong vòng 1 tuần vượt khỏi mức của 10 ngày  bình quân di động và đóng cửa mức thấp nhất từ 2 tuần nay.

Như vậy, giá robusta London lên cũng chưa “đã”, giá arabica xuống cũng chưa “phê”. Tuy nhiên, nghiệm kỹ thì thấy rằng bên robusta London đang sợ tin thời tiết sẽ ảnh hưởng đến thị trường, đang chờ đột phá dù lên hay xuống của sàn arabica New York, nhưng sàn này mấy ngày qua chưa tỏ thái độ gì chắc chắn.

Tại sao chưa tỏ chắc chắn? Cái thể hiện rõ ràng trên sàn arabica khuya hôm qua 30-3 là mua mạnh đầu phiên giúp giá tăng lên đỉnh trong ngày 130 cts/lb nhưng không dám giữ vị thế mua. Chắc lực mua không xuất phát từ các quỹ đầu cơ lớn mà chỉ từ những nhà đầu cơ hàng giấy nhỏ lẻ thông qua các nhà môi giới mua nhưng sợ không dám giữ vị thế mua lâu, phải xả hàng trong ngày.

Thực ra, khi lên mức 130 cts/lb, đó cũng là mức lý tưởng cho các nước arabica đẩy hàng ra vì sản lượng mùa vụ arabica của Brazil, Colombia và nhiều nước khác đều “được” cả. Một số người tin rằng Brazil sẽ tấp cất vào kho vì nay kho quá rỗng! Thật ra, lý luận như vậy là theo cách nghĩ bình thường”kho rỗng phải lấp đầy”. Nhưng không ai dám chắc là đồng BRL Real Brazil thôi không phá giá về sau, dù bà tổng thống Dilma Rousseff của nước này thế nào cũng phải ra đi. Nên nhớ trong những năm trước, Brazil bán tống bán tháo tồn kho vì đồng tiền mất giá là một chuyện, sao không tính đến chuyện ngành cà phê Brazil phải giành cho được thị phần xuất khẩu thế giới càng to càng tốt, sao không lo đến chuyện năng suất của cà phê sau tái canh, trước đây năng suất 1 thì nay có thể gấp đôi?

Dĩ nhiên, những tay đầu cơ hàng giấy chẳng màng gì chuyện sản lượng, cung cầu. Nói cung cầu với người kinh doanh hàng giấy, đối với họ chỉ “giả bộ nghe rồi để đấy”.

Nhưng nói cung cầu với các tay đầu cơ hàng thực và giới rang xay, họ sẽ nghe. Họ không dại đạp giá xuống sâu dưới mức giá thành để sau đó phải mua giá tăng gấp đôi gấp ba.

Nói vậy để thấy rằng mua cà phê robusta và arabica về, để tồn kho tại các nước tiêu thụ, đó được dùng là lực đối trọng của lượng hàng tại các nước sản xuất. Khi các nước xuất khẩu hô giá cao, họ sẽ bán tồn kho tại chỗ giá cạnh tranh, khi đẩy giá xuống được rồi, họ lại mua vào để xây thành đắp lũy với tồn kho.

Dự kiến mở cửa sàn kỳ hạn robusta London thứ Năm 31-3 cơ sở giao dịch tháng 5-2016 tăng nhẹ.

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Trần Kiên

    Nắng hạn thế này mà Cà phê cứ lình xình mãi không chịu tăng. Công sức đổ ra như thế thì giá phải trên 40K mới đáng. Đúng không bà con, cho ý kiến nào.

  2. Phú Lâm

    Cách dây 5 tháng bác Ngô Phú Hiển nhận dịnh giá lên 4000usd khoảng 13 tháng tới ,nên cà phê có thể
    lên 4000usf/tấn chứ không phải 40000 dồng/ ký như bạn nghĩ?!!

  3. yennguyen

    theo ca nhan tôi giá sẽ lên cao và rất cao nhưng không phải ngắn hạn. hôm nay có ít hàng còi cứ gạ mua giá 34.000 nhưng không dc đâu

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79